Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Tác Giả Của "Tuyên Ngôn Độc Lập", Người Chồng Vĩ Đại Và Thâm Tình Nhất

 

Bức tranh sơn dầu “Tuyển viết Tuyên ngôn Độc lập” (một phần), với Thomas Jefferson đứng bên phải, Benjamin Franklin bên trái và John Adams ở giữa. (Phạm vi công cộng)

TÁC GIẢ CỦA "TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP", NGƯỜI CHỒNG VĨ ĐẠI VÀ THÂM TÌNH NHẤT 
Hương Thảo biên dịch 

Thomas Jefferson và vợ ông, bà Martha tình cảm nồng hậu. Martha có giọng hát hay, tu dưỡng nghệ thuật xuất sắc. Là một người vợ hiền, bà luôn tạo ra một bầu không khí gia đình ấm áp và tốt đẹp cho Thomas. Mỗi khi Thomas chơi đàn, bà cũng thường hát và chơi đàn hòa theo. Không có bức chân dung nào của phu nhân Thomas Jefferson còn tồn tại, nhưng theo những “chứng cứ” lẻ tẻ, bà từng là một phụ nữ tính tình hoạt bát, tràn đầy nữ tính. Hai vợ chồng đều yêu thích âm nhạc, khi Thomas còn là thống đốc bang Virginia, ông đã viết thư cho một nhạc sĩ ở Ý, dự định mời một đội nhạc nhỏ đến nhà, thời hạn hợp đồng là ba hoặc năm năm. Một trong những chức trách của họ là dạy nhạc cho ông và bà Jefferson để nâng cao kỹ năng âm nhạc của hai vợ chồng, có thể thấy âm nhạc là sở thích chung của họ.

Trong mười năm chung sống, hai vợ chồng sinh được sáu đứa trẻ, nhưng chỉ còn lại hai cô con gái sống sót. Hầu hết những đứa trẻ còn lại chỉ sống được một năm sau khi ra đời, rồi lần lượt chết trong nôi, khiến hai vợ chồng vô cùng đau khổ. Trong vòng một năm 1782, Thomas trước tiên mất đi đứa con trai duy nhất, sau đó người vợ thân yêu của ông nằm liệt giường vì đau buồn quá mức, việc sinh nở thường xuyên khiến cơ thể bà kiệt sức, đặc biệt là khi phải tận mắt chứng kiến ​​những đứa con của mình qua đời. Mẹ của Martha cũng mất rất sớm, không thể tự tay nuôi nấng ba cô con gái. Giờ đây, ở tuổi ba mươi ba, Martha đang nối gót bà.

Vì không muốn cũng không thể rời khỏi nhà, sau khi từ chức thống đốc, Jefferson đã từ chối nhiều chuyến công du nước ngoài do Quốc hội giao cho ông, toàn tâm toàn ý ở lại bầu bạn với vợ con. Trong những ngày bệnh tình của vợ ngày càng trầm trọng, Thomas kê bàn ​​làm việc ở một căn phòng nhỏ cạnh phòng ngủ của vợ, chuyển mọi công việc công vụ sang bàn làm việc, vừa làm việc vừa viết lách tại bàn, để khi vợ cần, ông có thể luôn ở bên giường bệnh.

Một ngày tháng 9 năm 1782, Martha qua đời ở tuổi 33. Trước khi chết, bà lo lắng các con gái sẽ gặp phải mẹ kế không đối xử tốt với chúng; Bà thâm tình khó buông, đối với chồng lại vạn phần quyến luyến không rời – lời cuối cùng của Martha là cầu xin Thomas đồng ý với bà, rằng chỉ có bà là người vợ duy nhất của Thomas Jefferson, sau khi bà đi rồi, Jefferson sẽ không tái hôn. Vào thời điểm chia ly, đối mặt với người vợ sắp vĩnh viễn rời xa, Thomas không còn suy nghĩ nào khác ngoài việc hứa với bà, ông đã thề với Martha trên giường bệnh rằng bản thân sẽ góa vợ, cô độc đến hết cuộc đời, ngoài Martha mẹ của con gái ông, ông sẽ không bao giờ có một bà Thomas Jefferson nào nữa.

Chân dung Thomas Jefferson, vẽ năm 1791. (Phạm vi công cộng)

Sau cái chết của Martha, Jefferson, lúc đó 39 tuổi, trở thành góa phu. Trở về Monticello từ nghĩa trang nơi chôn cất Martha, Jefferson nhốt mình trên lầu hơn 20 ngày, không bao giờ mở cửa hay đi xuống cầu thang. Nỗi đau mất vợ nặng nề khiến ông ngày đêm không thể an tĩnh, bất kể ngày sáng hay đêm đen, ông đi vòng quanh phòng không dừng lại cho đến khi cơ thể kiệt sức, không chống đỡ được nữa thì gục xuống ngủ. Tỉnh dậy, ông lại lang thang khắp phòng đến khi loạn bước, ông mới dần dần chấp nhận rằng người mình yêu sẽ không bao giờ xuất hiện trong ngôi nhà này nữa, ngôi nhà từng tràn ngập hạnh phúc và vui vẻ giờ chỉ còn lại khung cảnh thê lương một mình một xứ.

Là người thích viết thư tín bút đàm nhất trong lịch sử nhân loại, Jefferson đã mất một năm sau cái chết của Martha trong sự cô lập với ngoại giới, không giao tiếp với người khác, nỗi thống khổ đó khiến ông không đủ khí lực cầm bút lên viết một lá thư theo phong cách Jefferson: kiến đàm, uyên bác, nho nhã và thú vị. Khi có thể đi xuống lầu, ông thường cưỡi ngựa đi dã ngoại rất lâu. Đi cùng ông còn có cô con gái lớn Matha Jefferson Rondolph, người đã chứng kiến ​​cảnh cha mình thống khổ thế nào. Hãy tưởng tượng một khung cảnh như thế, Virginia vào mùa thu, với cây cối xác xơ, trời đất hoang tàn, một người chồng góa vợ bi thương cực điểm mang theo cô con gái nhỏ vừa mất mẹ, cha con mỗi người mỗi ngựa, lang thang trong thảo nguyên hoang tàn của mùa thu. Cảnh tượng đó thật đau lòng.

Trong cuốn tự truyện viết những năm cuối đời, Jefferson đã đề cập đến nỗi đau do cái chết của vợ, ông từng miêu tả như sau: Chính vì tình yêu sâu đậm giữa hai bên, trong mười năm hôn nhân, tôi đã trải qua những ngày mỹ diệu như thiên đường. Người bạn thân của Jefferson, chàng hầu tước de Lafayette trẻ tuổi ở nước Pháp xa xôi, từng trải qua thời kỳ động loạn của Cách mạng Pháp, bị tù đày, rồi lại mất đi người vợ trung thành của mình. Năm đó khi hầu tước đào thoát sang Mỹ không thành công, bị bắt hạ ngục, phu nhân hầu tước từng vứt bỏ tự do của bản thân, cam nguyện vào tù bầu bạn với chồng đồng cam cộng khổ. Lafayette và Jefferson, cả hai đều góa vợ, trong quá trình trao đổi thư từ, đã bày tỏ với nhau những tâm tư chân thành. Jefferson trả lời thư, nói rằng duy chỉ có trải qua sự mất mát giống nhau mới có thể hiểu được nhau. Mất đi người thân yêu trong cuộc hôn nhân hạnh phúc và trở thành góa phu – sinh ly tử biệt như vậy là điều đau đớn nhất trên đời. Những người chưa từng chịu đựng nỗi thống khổ này sẽ không hiểu được cảm giác đó.

Khi Martha qua đời, Thomas đang ở độ tuổi thanh xuân nhất, sau này giữ chức vụ Đại sứ Mỹ tại Châu Âu, Quốc vụ khanh đầu tiên của chính phủ liên bang, phó tổng thống thứ hai, và tổng thống thứ ba của nước Mỹ, có thể nói là vinh dự tột bậc ở thế gian. Tuy nhiên, trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông đã không tái hôn. Trong lịch sử nước Mỹ, ông là tổng thống duy nhất tại vị 8 năm (1800-1808) mà không có đệ nhất phu nhân. Con gái lớn của ông, Martha, đôi khi giúp đỡ người cha già của mình, trong khi ông Madison, quốc vụ khanh của tổng thống và vợ ông ấy, Dolley Madison, vốn thiên tính thông minh hoạt bát và giỏi xã giao, đã diễn vai trò là đệ nhất phu nhân trong Nhà Trắng. Nó cũng để lại một giai thoại tuyệt vời cho lịch sử.

Nghe nói, có một số chuyên gia học giả tìm ra một bầy con ngoài giá thú của Jefferson toàn là dựa trên tin đồn – người ta nói rằng khi Jefferson đang tranh cử cho vị trí tổng thống trên chính trường, đối thủ của ông là Adams đã từng công kích ông theo cách này. Tất nhiên, đương thời, về cơ bản nó chỉ được coi là một cuộc công kích. Cũng nghe nói rằng một ngày nọ, con trai của một nữ nô lệ da đen được giải thoát khỏi Monticello đã nói rằng, mẹ của anh ta nói với anh ta rằng Jefferson là cha ruột của anh ta; người ủng hộ giả thuyết này là nhà sử học đã tìm thấy manh mối trong sổ sách kế toán của Jefferson, hai người con trai đã thành niên của nữ nô lệ này đào tẩu khỏi trang viên của Jefferson, và Jefferson đã ghi lại điều này như sau: Bỏ chạy (run away). Sau khi Jefferson qua đời, nữ nô lệ giành được tự do cá nhân và sống ở đương địa cùng những đứa con khác, yên bình cho đến khi qua đời.

Từ hai manh mối này, hai trăm năm sau Jefferson, các nhà sử học giàu trí tưởng tượng đương đại tại đất nước hạnh phúc nhất, tự do nhất của nhân loại do những người cha lập quốc khai sáng, đã thêu dệt nên một câu chuyện diễm tình tràn đầy những lý niệm của thế kỷ 21: Họ cho rằng, nữ nô lệ da đen kia chính là người có huyết thống phụ hệ tương đồng với người vợ đã khuất của ông, khiến Jefferson động tâm, rằng ông đã bất chấp chênh lệch tuổi tác 30 năm để bày tỏ tình yêu với bà này, hứa hẹn sẽ cho bà và các con trai tự do cá nhân, để họ không còn phải làm nô lệ nữa. 

Nhưng sự bỏ trốn của những đứa trẻ da đen và sự tự do của nữ nô lệ da đen vào những năm cuối đời là minh chứng cho thấy câu chuyện trên là bịa đặt, nhưng mọi người dường như có một loại tâm lý tập thể, chính là rất cao hứng khi vạch trần chân diện mục của vĩ nhân, cố gắng vạch trần bộ mặt không vĩ đại lắm của họ, rồi lấy điều này để chứng thực rằng vĩ nhân cũng như chúng ta có đầy đủ thất tình lục dục của người thường. Và Jefferson, người bị buộc tội sinh ra những đứa con ngoài giá thú da đen, chắc hẳn chính là nạn nhân của thứ tâm lý biến thái như vậy.

Đây thực sự là nỗi bi ai của nước Mỹ, bi ai của nhân loại – người ta không trân trọng những vĩ nhân đã sáng tạo ra hạnh phúc cho nhân loại trong lịch sử, mà lại tìm cách vu oan giá họa, lấy đó làm trò cười.

Theo Epoch Times,

Hương Thảo biên dịch


Louis Vuitton: Đời Người Là Một Hành Trình

 

Louis Vuitton khởi đầu với những chiếc vali và luôn duy trì một khái niệm văn hóa, đó là “triết lý du lịch”. Hình ảnh cửa hàng Louis Vuitton trên đại lộ Champs Elysées ở Paris. (VnEconomy)

LOUIS VUITTON: ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH 
Hương Thảo biên dịch

Một buổi sáng sớm ở Pháp năm 1835, một cậu bé 14 tuổi từ biệt cha mình một cách đơn giản ngắn gọn, bắt đầu một hành trình mới trong cuộc đời. Cậu đi đôi giày bọc sắt, buộc hành lý vào một thanh gỗ rồi vác trên vai, với vài franc và những kỹ năng học được ở xưởng của cha, cậu rời quê hương, từ ngôi làng nhỏ Jura ở miền đông nước Pháp hướng về Paris.

Cậu không phải là người duy nhất đi bộ hành trên đường dài, trên đường còn có những người hành hương, thương nhân, người buôn bán lưu động, đủ loại thân phận khác nhau. Đôi khi xe ngựa của quý tộc phóng nhanh qua, khi không kịp tránh, nước bùn do vó ngựa phóng ra sẽ dính vào mái tóc xoăn nổi loạn của chàng trai trẻ. Thời khắc đó, cậu bé không biết rằng cuộc đời mình sẽ gắn liền với giới quý tộc và gu thẩm mỹ.

Thân hình cậu cường tráng, nhưng đôi tay lại vô cùng tinh xảo. Tính cách của cậu cũng giống như vẻ ngoài, táo bạo và nghiêm khắc. Tên cậu ấy là Louis Vuitton, mọi người đều quen thuộc với Louis Vuitton, người sáng lập thương hiệu LV.

Cha mẹ của Louis là nông dân, họ có một cái cối xay, vào sau mỗi vụ thu hoạch lúa mì, họ sẽ dùng động lực của bánh xe nước của cối xay để cưa gỗ. Bé Louis không đi học. Tất cả những gì cậu có là những gì cha cậu kể về công dụng và độ dẻo dai của từng loại gỗ:

“Con trai, gỗ là có sinh mệnh. Gỗ sồi, con phải nói chuyện với nó trước, nếu nó kêu ‘ji ji zha zha’ thì chỉ có thể dùng làm cửa chặn, nếu nó ngượng ngùng không trả lời, thì con cần cắt gọt cẩn thận, có thể nhìn thấy những đường vân núi non tuyệt đẹp. Gỗ sồi là vật liệu được các linh mục và quý tộc trong thành phố ưa chuộng; Người miền Bắc có thể sử dụng gỗ sồi làm gia cụ, nhưng đừng đưa nó cho những vị khách đến từ Cannes. Ở đó nắng quá gắt, chưa quá hai năm nó sẽ nứt. Tuy nhiên, hãy để dành nó làm thùng rượu, gỗ sồi sinh ra để làm người chồng tốt cho rượu nho, nó có thể đi cùng rượu cả đời.”

Bắt đầu hành trình cuộc sống ở Paris

Louis Vuitton học kỹ năng cưa gỗ và hiểu biết về gỗ từ cha mình, những kỹ năng này rất hữu ích trong cửa hàng hòm gỗ do tiên sinh Marechal mở ở Paris. Tiên sinh Marechal điều hành một cửa hàng đóng hòm gỗ nổi tiếng ở Paris. Khả năng nói chuyện với gỗ của Louis đã thu hút sự chú ý của Marechal. Ông nói với Louis: Tôi sẽ cho cậu học nghề làm “người đóng gói hành lý”, cậu sẽ có được một bàn làm việc để ngủ, túi vải nhồi mùn cưa làm gối, và hai bữa ăn mỗi ngày. Louis chấp nhận công việc ngay lập tức.

Với sự phát triển của giao thông vận tải vào thế kỷ 19, từ xe ngựa, tàu thủy cho đến xe lửa, người ta đi du lịch xa ngày càng thường xuyên hơn. Từ “Du lịch” (tourisme) đã trở thành một từ mới trong tiếng Pháp. Hoàng gia và giới quý tộc Pháp đều có một nhu cầu chung khi đi du lịch xa – dịch vụ đóng gói và hành lý đặc biệt. Cửa hàng hòm gỗ của ông Marechal được hưởng lợi từ thời đại này, hoạt động kinh doanh rất thịnh vượng.

Louis Vuitton đã làm việc tại cửa hàng hộp gỗ của Marechal trong hai năm trước khi trở thành kỹ thuật viên trưởng. Thay vì sử dụng bàn làm việc trong xưởng làm chỗ ngủ, cậu bắt đầu có phòng riêng.

Vào một buổi tối mùa xuân năm 1848, Louis Vuitton đi đóng gói hành lý cho phu nhân đại sứ Nga, khi vừa bước ra khỏi Đại sứ quán Nga ở quảng trường Vendôme, đột nhiên nghe thấy tiếng súng nổ, Louis vội vàng trốn dưới mái hiên. Nguyên lai đó tình cờ là cuộc Cách mạng Tháng Hai. Sáng hôm sau, vua Louis Philippe đệ nhất thoái vị, nền Cộng hòa Pháp đệ nhị được tuyên bố thành lập.

Vài ngày trước Cách mạng Tháng Hai ở Pháp, “Tuyên ngôn Cộng sản” của Marx vừa được xuất bản, chủ trương phá hoại và đập nát bộ máy quốc gia bắt đầu nhảy múa như bóng ma ở châu Âu. Sau khi chính phủ Pháp ý thức được sự nguy hiểm của tư tưởng đầy thù hận này, đã trục xuất Marx. Louis Vuitton cũng không thích chủ trương của Marx rằng giai cấp vô sản phải đoàn kết để tiêu diệt giai cấp bóc lột. Giai cấp bóc lột duy nhất mà Louis có thể thừa nhận là tiên sinh Marechal, mà Marechal lại đối xử rất tốt với cậu, trả lương cũng rất hợp lý, bản thân cậu được làm những gì mình yêu thích, học các kỹ năng kinh doanh và thậm chí nảy ra ý tưởng điều hành một cửa hàng đóng hòm gỗ.

Sự nghiệp cha truyền con nối, chữ LV phối hợp cùng hoa văn 

George Vuitton đã sử dụng chữ viết tắt L và V của tên cha mình phối hợp với họa tiết hoa, tạo nên biểu tượng LV nổi tiếng quốc tế. Trong ảnh là người mẫu thời trang khoe chiếc vali Louis Vuitton tại sân bay Orly vào tháng 5/1965. (AFP)

Năm 1852, Napoléon đệ tam (Louis Napoléon Bonaparte) lên ngôi, Louis Vuitton được chọn làm người đóng gói hoàng gia của nữ hoàng, từ đó đặt chân vào xã hội thượng lưu. Nữ hoàng xinh đẹp Eugénie de Montijo vô cùng chú trọng đến cách ăn mặc của mình. Mỗi lần nữ hoàng đi du lịch, bà phải đóng gói cả chục chiếc hòm. Louis Vuitton phát hiện ra những chiếc hòm nguyên lai có hình vòm, trông đẹp mắt khi đặt ở nhà, nhưng khi mang đi du lịch sẽ rất phiền phức, vì sao vậy?

Vì xếp chúng gọn gàng không phải là điều dễ dàng, chỉ có thể đặt chúng thành một hàng trên mặt đất. Vì vậy, Louis Vuitton mở cửa hàng đầu tiên ở Paris chuyên về hòm nắp phẳng. Vali da do Louis Vuitton sản xuất kỹ thuật tinh mỹ, đương thời vô cùng nổi tiếng ở Paris. Điều này khiến LV trở thành biểu tượng tinh tế nhất của đồ da du lịch. Các vương công quý tộc chuyên môn đặt hàng vali của Louis Vuitton.

Năm 1880, con trai của Louis là Georges Vuitton kết hôn. Vào ngày hôn lễ, Louis Vuitton chính thức bàn giao cửa hàng chính trên phố lớn cho con trai George.

George đã đáp ứng được sự mong đợi của cha mình. Năm 1888, George Vuitton ra mắt thiết kế mới của vali Vuitton. Ông đã thiết kế bề mặt của chiếc vali trông giống như một bàn cờ, với màu sắc là nâu và hạt dẻ. Chữ viết tắt L và V trong tên người cha được lồng ghép và phối hợp với họa tiết hoa, thiết kế chữ lồng này vẫn còn nổi tiếng cho đến ngày nay.

Năm 1892, hoạt động kinh doanh của Louis Vuitton ngày càng phát triển, Louis Vuitton có hai sự kiện lớn trong năm này: Sự kiện lớn đầu tiên là ra mắt túi xách. Trong một trăm năm tiếp theo, túi xách của Louis Vuitton tiếp tục phát triển trường thịnh; Sự kiện lớn thứ hai là Louis Vuitton qua đời tại nhà riêng vào ngày 27/2. Cửa hàng trăm năm này bắt đầu chuyển từ thế hệ đầu tiên sang tay thế hệ tiếp theo, tiếp nối huy hoàng của nó.

“Triết học du lịch”, một lý niệm văn hóa nhất quán

Louis Vuitton khởi đầu với những chiếc vali, và luôn nhất quán một lý niệm văn hóa, đó là “triết học du lịch”. Hàng năm, LV tổ chức các cuộc đua thuyền buồm LV Cup và America’s Cup, triển lãm xe cổ LV, đồng thời xuất bản hướng dẫn du lịch thành phố thế giới (cityguide) độc quyền của thương hiệu, ký lục tùy tưởng du lịch Voyager Avec, không ngừng diễn giải mới những tinh túy của du lịch.

Trong những năm gần đây, rất nhiều người Trung Quốc yêu thích Louis Vuitton. Trong cửa hàng hàng đầu của Louis Vuitton trên đại lộ Champs Elysées ở Paris, người Trung Quốc vui vẻ ra vào, quẹt thẻ hào phóng và lớn tiếng như thể họ đang ở chợ hải sản. Không biết bao nhiêu người trong số họ chỉ là chạy theo phong trào, chỉ nghĩ đến việc sở hữu một sản phẩm xa xỉ mà phải tốn rất nhiều tiền mới mua được, để có một loại thể nghiệm nhà giàu khiến người khác phải xuýt xoa “chảy nước miếng”.

Kỳ thực, khi bạn mang Louis Vuitton trên đường, bạn sẽ cảm thấy nó giống một sự truyền thừa của lịch sử hơn. Không biết mọi người có để ý không, nhưng trong mỗi cửa hàng Louis Vuitton, một số kiểu túi xách mới nhất được đặt bên trên những chiếc vali hình chữ nhật cổ xưa. Chiếc vali rất cũ, chính là thiết kế Monogram kinh điển một trăm năm trước. Louis Vuitton tin rằng sự trầm lắng lịch sử này là vô cùng quan trọng, LV cũng mong rằng mọi người dùng sẽ không tập trung vào giá của LV mà là lịch sử bên trong!

Trong vụ đắm tàu ​​​​Titanic là sự kiện lịch sử có thật, tiên sinh Isidor Straus, người sáng lập chuỗi cửa hàng bách hóa “Macy’s” người Mỹ, là người giàu thứ hai thế giới lúc bấy giờ. Ông đã kế thừa truyền thống tốt đẹp “ưu tiên phụ nữ”, nhường vợ mình lên thuyền cứu hộ, bản thân ở lại con tàu đang đắm. Ai ngờ phu nhân nói: “Bao nhiêu năm nay anh đi đâu em cũng đi theo, hiện tại anh muốn đi nơi đâu em cũng muốn đi nơi đó!” Thế là, cặp vợ chồng giàu nhất thế giới nhường vị trí xuồng cứu sinh cho người giúp việc, sau đó cặp vợ chồng già chống đỡ lẫn nhau, lảo đảo bước tới chiếc ghế mây trên boong và ngồi xuống, lặng lẽ chờ đợi giây phút cuối cùng.

Benjamin Guggenheim là một quý tộc và thế hệ siêu giàu thế hệ thứ hai, khi thảm họa ập đến, ông giúp phụ nữ và trẻ em lên thuyền cứu sinh, sau đó bản thân mặc lên mình bộ lễ phục hoa lệ nhất, kiêu hãnh đón chào cái chết. Bức thư tuyệt mệnh của ông gửi cho vợ: “Sẽ không còn bất kỳ người phụ nữ nào trên con tàu này ở lại trên boong vì anh đã đảm nhận vị trí xuồng cứu sinh. Anh sẽ không chết như súc sinh, mà như một người đàn ông chân chính!” Con tàu Titanic đã chìm, nhưng tinh thần quý tộc chân chính thì lưu lại. Khi đại nạn tới, mới nhìn thấy bản chất chân thực! Tinh thần hy sinh và trách nhiệm trong truyền thống ở cả phương Đông và phương Tây kỳ thực đều giống nhau. Không tiền vàng nào mua được tinh thần quý tộc.

Thứ gì được lưu lại sau vụ đắm tàu? Khi đội tìm kiếm cứu hộ đến hiện trường, họ vớt chiếc vali vỏ cứng Louis Vuitton đang trôi nổi trên biển, mở nó ra, thì thấy bên trong khô ráo, không hề thấm nước!

Truyền thống về phẩm chất và sự tôn quý là tín ngưỡng lớn nhất của Louis Vuitton, chưa từng thay đổi trong hàng trăm năm qua.

Louis Vuitton từng nói: Đời người là một hành trình, bạn hy vọng trong hành trang của mình có gì?

Theo Epoch Times,

Hương Thảo biên dịch


Người Lái Đò Bị Nghi Là Kẻ Cướp Lại Trở Thành Ông Mai

 

Trong thời loạn thế, những cuộc hành trình luôn nguy hiểm. (ET)

NGƯỜI LÁI ĐÒ BỊ NGHI LÀ KẺ CƯỚP LẠI TRỞ THÀNH ÔNG MAI 
Thảo Hương 

Trong loạn thế quỷ quyệt, có người trông giống kẻ cướp nhưng thực ra lại là người tốt, có người trông giống người tốt nhưng thực sự lại là kẻ cướp.

Có một người chèo thuyền râu ria đầy mặt, người ta đã quên danh tính của ông ấy là gì. Ông là người Vũ Xương, thường chèo thuyền tới lui giữa hai đất Ngô và Việt. Vì để râu dài và hành hiệp trượng nghĩa, nên ông có biệt danh là “Hiệp Râu”.

Vào những năm cuối đời Sùng Trinh, ở đất Sở có một người tên là Trần Đại Nham, là một văn nhân nổi tiếng. Vợ Trần vừa mất, Trần tâm tình sầu muộn, cô đơn u uất, đến Kim Lăng thăm bạn, tình cờ có mặt trên thuyền của Hiệp Râu. Chàng nhìn thấy Hiệp Râu đánh mái chèo như bay, đi dừng tùy ý, thường đậu thuyền ở những nơi vắng vẻ, nên trong tâm rất sợ hãi, nghi ông ấy là kẻ cướp.

Nhìn vẻ mặt căng thẳng của anh chàng, Hiệp Râu mỉm cười nói: “Cậu yên tâm, nơi tôi dừng thuyền, chưa từng có ai dám đến quấy rối, cậu sợ cái gì?” Một buổi tối, Hiệp Râu dừng thuyền để nghỉ ngơi, thì chợt thấy hơn chục con bò đang chơi đùa dưới sông, cản trở việc dừng thuyền. Thế là, Hiêp Râu mỗi tay nắm một cái vó bò, ném con bò vào bờ nhẹ nhàng như ném một con chuột. Trần Đại Nham từ trong khoang thuyền nhìn thấy tình huống này, thập phần kinh dị.

Một ngày nọ, Trần Đại Nham nhìn thấy một cô nương trẻ tuổi trong lều ở đuôi thuyền của Hiệp Râu, rất xinh đẹp, trông giống như tiểu thư con quan, cảm thấy khá kỳ quái. Anh chàng cố ý nói với Hiệp Râu: “Bác có thể đi mua cho tôi chút rượu được không?” Hiệp Râu nói: “Được!” Nói xong, bèn cầm tiền lên bờ mua rượu.

Trần Đại Nham nhìn thấy ông ấy đã rời đi, mới gọi người phụ nữ tới và hỏi: “Nàng là con gái nhà ai? Tại sao lại lang thang trên thuyền của Hiệp Râu? Hiệp Râu là ai? Chỉ cần nói cho tôi biết, tôi có thể giúp nàng rời khỏi đây.”

Cô nương nghe xong liền rơi nước mắt, nói: “Tôi là người Hàng Châu. Cha mẹ tôi từng làm quan ở Quảng Đông. Sau khi mãn nhiệm về nhà, trên đường đi qua Tương Đàm. Đến đêm thì gặp phải bọn cướp trên thuyền, sát hại cả gia đình tôi. Vì bọn cướp muốn lấy tôi làm tiểu thiếp, mới giữ lại cái mạng tôi. Đúng lúc đó, Hiệp Râu nhảy từ thuyền khác sang, vung đao giết chết hơn mười tên cướp. Tôi quỳ xuống cầu chết. Nhưng ông ấy nói, ông ấy không phải là cường đạo, mà là người diệt cường đạo. Như nay mối hận của cha mẹ tôi đã được báo, ông ấy sẽ tìm anh em của tôi và những người nhà khác, đưa tôi về nhà đoàn tụ. Nếu tìm không được, ông ấy sẽ chọn cho tôi một người chồng tốt. Ông ấy nói tôi yên tâm, ông ấy sẽ không bắt nạt tôi, tôi không phải sợ hãi. Nói xong, ông ấy liền gọi tôi lên thuyền, ông ấy ngủ một mình trên boong, chịu đựng đủ gió mưa sấm sét. Bình thường, Hiệp Râu thường lai vãng với bốn năm người bạn, vào hang thuồng luồng, hang hổ, sau khi đánh chết chúng, dùng thịt hổ thịt thuồng luồng làm thức ăn nhắm rượu. Lúc đầu chỉ thầm thì tự nói một mình, không biết ông ấy nói gì. Rồi có lúc vừa khóc vừa cười, uống rượu say sưa. Có khi ông ấy lên núi ngắm thiên tượng, sau đó, lại trở về thuyền trong tâm trạng chán nản, lấy rượu uống cho đến khi say khướt. Sau khi say lại khóc không ngừng. Tôi không biết Hiệp Râu là ai.” Cô nương kể xong, thì Hiệp Râu cũng đã mua được rượu, quay trở lại thuyền.

Trần Đại Nham chào đón Hiệp Râu, nói với ông: “Lúc đầu tôi còn nghi ngờ bác, nhưng sau khi nghe lời nói của cô gái này, tôi nhận định bác là một dị nhân, tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ này, không biết chúng ta có thể làm bằng hữu được không?” Nói xong liền uống rượu với Hiệp Râu. Họ uống rượu say sưa, tán gẫu chuyện thiên hạ, rồi khóc không kìm được.

Hiệp Râu nói: “Tôi vốn tưởng cậu là văn nhân, nay mới biết cậu cũng là một người có tâm, tấm lòng nhân hậu! Nhưng cậu hữu văn vô võ, trong thành Kim Lăng không lâu nữa sẽ có đại loạn, cậu đi đến đó làm gì?”

Trần Đại Nham nói: “Tôi tang vợ nên buồn chán, cảm thấy thật cô quạnh, chỉ đến Kim Lăng để thăm bạn bè, giải tỏa u sầu.” Nghe xong, Hiệp Râu suy nghĩ hồi lâu, rồi đột nhiên nói: “Cậu là một người đàn ông góa vợ, nay trên thuyền của tôi có một người phụ nữ có thể làm vợ cậu. Hôm nay là một ngày tốt lành, hãy để điều này thành hảo sự.” Sau đó ông yêu cầu người phụ nữ thay y phục, lấy rượu gói lại thành quà cưới cho cô gái, rồi trả lại cho nàng tất cả số tiền bọn cướp đã cướp của gia đình nàng.

Trần Đại Nham nóng lòng được trở về nhà sau khi kết hôn, nên Hiệp Râu đã đưa hai người họ đến Cửu Giang bằng thuyền. Khi sắp đến lúc chia tay, ông nói lời từ biệt: “Thiên hạ nay đa sự, tôi thà lên núi tự lo liệu, từ nay xin cáo biệt!” Vợ chồng Trần Đại Nham nắm tay Hiệp Râu, mời mọc thế nào cũng không được, ông vẫn kiên quyết rời đi.

Sau này, những người từ nước ngoài trở về cho biết, Hiệp Râu nỗ lực làm từ thiện ở nước ngoài, nhưng mọi việc không như ý, cuối cùng ông quyết tâm từ bỏ võ thuật, lên núi ẩn cư. Có người từng nhìn thấy ông trên núi Võ Di, với mái tóc bù xù, tay cầm kiếm, nhưng cuối cùng tung tích của ông như thế nào vẫn chưa được biết.

Giả làm thư sinh, thực chất là tên cướp

Trong loạn thế, luôn có người tốt (shutterstock)

Vào thời nhà Minh (1605-1627), thiên hạ không thái bình, đạo tặc lộng hành, những kẻ liều lĩnh đi đâu cũng có. Một số sĩ tử từ Hồng Châu thuê thuyền đến Bắc Kinh để dự thi, mang theo rất nhiều tiền vật. Khi đi qua địa giới giữa Hoài An và Từ Châu, có một thanh niên xin xuống thuyền. Khi được hỏi về lai lịch, anh ta nói rằng mình họ Thí, cũng đến Bắc Kinh để tham gia kỳ thi mùa xuân, vì đi lại một mình sợ gặp phải cướp, nên xin đi thuyền.

Khẩu âm của anh ta nghe như người Ngô, ăn mặc chỉnh tề như con nhà phú gia. Sau khi lên thuyền, anh chàng lấy trà ngon nhất trong hộp trúc, đun với nước sông, uống trà và nói chuyện với các thí sinh, mọi người đều rất quý mến anh chàng, coi như một người bạn tốt, còn lo lắng không xứng với anh ta.

Lúc này, ánh hoàng hôn ven sông đang dần buông xuống, mặt nước óng ánh, thuyền neo giữa đám lau sậy. Chàng trai nói: “Bầu trời bên kia sông đẹp nhất vào lúc hoàng hôn. Tôi có một cây sáo ngắn, sẽ rất vui khi được diễn tấu một khúc cho mọi người vào lúc này.” Thế là anh ta lấy cây sáo ngắn ra, tựa vào thuyền nhẹ nhàng thổi, tiếng sáo du dương khiến ngư long trong nước cũng bay lên, thỏ ngọc trong trăng cũng nhảy nhót. Mọi người đều vỗ tay, nói: “Thánh sáo Hoàn Y thời Đông Tấn hôm nay đã phục sinh!”

Chưa kịp dứt lời thì một vị khách bất ngờ nhảy vào trong thuyền, cầm ô sắt đánh chết nam thanh niên kia, khiến anh này rơi xuống nước. Rồi lớn tiếng quát: “Đồ nô tài phản nghịch, không vào thôn khất thực, sao lại đến đây làm gì?” Mọi người nhìn qua liền thấy người này cao lớn, dáng vẻ kỳ quái, tóc và râu của ông dựng đứng. Mọi người đều sợ hãi đến mức ngã xuống trong thuyền, lắp bắp hét lên: “Kẻ trộm, kẻ trộm…”

Vi khách bèn hỏi: “Các cậu không phải là muốn đi thi à?” Câu trả lời là: “Có.” Vị khách lại hỏi: “Có mang theo nhiều tiền vật không?” Lại có tiếng đáp: “Có, tôi nguyện hiến cho đại vương, thỉnh đại vương đừng giết chúng tôi.”

Vị khách cười lớn, nói: “Hôm nay ta mà không giết đạo tặc, đạo tặc thật sự muốn giết các cậu, vừa rồi hắn thổi sáo là dùng tiếng sáo để ra hiệu cho những kẻ khác tới.” Mọi người đều đứng cả dậy, bày tỏ lòng biết ơn đối với vị khách.

Vị khách lại nói: “Bọn cướp rất đông và hung hãn, ban đêm chúng sẽ đến báo thù ta. Những ai sợ hãi có thể tạm thời rời đi, đến lữ điếm của Cao lão đầu ở thôn Tam Lý trước để ngủ lại một đêm. Những ai không sợ có thể ở lại xem ta giết bọn cướp như thế nào.” Thế là một nửa số người trên thuyền bỏ đi, nửa còn lại ở lại.

Vị khách hào hiệp bảo những người ở lại hãy đi ngủ trước, và dậy ngay khi nghe thấy tiếng gọi của ông. Sau đó, ông uống hàng chục ly rượu mà không say. Uống xong, ông lấy chiếc ô có cán sắt ra kê dưới đầu ngủ, ngáy rất to. Mọi người đều giả vờ ngủ và chờ đợi. Nửa đêm, chợt nghe thấy ông khách la lên: “Bọn cướp đang đến!”, ông cầm một chiếc ô cán sắt ngồi xổm ở mũi thuyền, đêm đó trăng tối sao sáng, chỉ mơ hồ nhìn thấy hình bóng người.

Một tên cướp cầm dao nhảy lên thuyền, chạy về phía vị khách nói: “Mày đã giết em trai tao, bây giờ tao sẽ lấy đầu mày.” Vị khách không trả lời, mà giơ chiếc ô có cán sắt lên chặn đường hắn. Tên cướp ngã xuống thuyền. Những tên cướp khác cầm kiếm và giáo tràn về phía trước, còn người khách bình tĩnh vung chiếc ô sắt của mình, khiến gió rít lên, hòa với tiếng lau sậy xào xạc trong gió.

Một nhóm trộm từ hai bên trái phải thuyền rơi xuống nước, một số bỏ chạy. Lúc này, vị khách đã đoạt được cung tên của tên trộm, bắn liên tiếp nhiều mũi tên, giết chết toàn bộ những tên cướp đang chạy trốn. Những người chứng kiến ​​đều sợ hãi đến mức chân run rẩy, lưng ướt đẫm mồ hôi.

Sau đó, vị khách bước vào khoang thuyền với chiếc ô sắt, ngồi xuống với vẻ mặt lạnh lùng. Mọi người xúm đến chúc rượu ông ấy, ông uống một hơi hơn chục ly rượu, vuốt râu nói với mọi người: “Các cậu cả năm ở nhà học, chưa bao giờ đi quá ba dặm, làm sao biết được đi ra ngoài gian nan như thế nào!” Tất cả đều gật đầu đồng ý.

Ông khách lại nói: “Khi quốc gia đang tuyển người, đương nhiên chỉ những người có tài năng nhất định mới được tuyển vào. Nếu tài năng tầm thường, thà ở nhà cùng con trai chơi đùa đầu giường còn hơn là để thân thể cha mẹ ban cho dễ dàng bị hổ sói ăn thịt. Con đường phía trước hiện tại không còn nguy hiểm.”

Mọi người vây quanh vị khách, quỳ xuống và nói: “Vừa rồi chúng tôi không dám đặt câu hỏi, như nay tướng quân đã cứu mạng chúng tôi. Xin hãy cho biết đại danh của tướng quân là gì để chúng tôi sau này có thể báo đáp!” Vị khách đứng dậy, cầm ô gõ vào mạn thuyền và nói: “Ta không phải là tướng quân, ta không có danh tính, và cũng không mong được đáp lại bất cứ điều gì. Ta đi đây!” Nói rồi, ông nhảy một phát lên bờ, trong nháy mắt không ai nhìn thấy nữa.

Nguồn: “Ngu sơ quảng chí”, “Nhĩ thực ký”

Thảo Hương 

DKN.TV


Chinese New Year of the Dragon Parade in London 2024 by Ashley Farnham

CHINES NEW YEAR OF THE DRAGON PARADE IN LONDON 2024 BY ASHLEY FARNHAM
Ashley Farnham

Trân trọng 
NHHN

kính mời quý vị theo dõi 



Paris, France 🇫🇷 🇨🇳- Chinese New Year celebration 2024 in Paris

PARIS, FRANCE - CHINESE NEW YEAR CELEBRATION 2024
Visiting POV - The Paris Guide

Trân trọng 
NHHN 

Kính m ời quý vị thưởng lãm



Như Trong Cổ Tích

 


Truyện ngắn - NHƯ TRONG CỔ TÍCH
Nguyễn Kim Nguyệt

Kể cả bạn bè thân thiết cũng ít người biết rằng tôi có 1 cô con gái nuôi, đơn giản là và tôi chưa nuôi Đào ngày nào nhưng Đào gọi tôi là mẹ – mẹ nuôi, và tôi hạnh phúc vì điều đó.

Tôi gặp Đào vào một ngày giữa năm 2008, em đến văn phòng gặp tôi để đăng ký phẫu thuật răng hàm mặt miễn phí với đoàn bàc sĩ Surgicorps đến từ Mỹ, một duyên hội ngộ khi tôi gửi thông điệp này lên mạng AIT Alumni VN (Hội Cựu Sinh Viên AIT tại VN), một người bạn nào đó bên Pháp báo tin cho người nhà tại VN là một người bạn của Đào để rồi đưa em đến gặp tôi. Tôi sửng sốt khi gặp Đào lần đầu với khuôn mặt bị cháy 1 nửa và 1 bàn tay không còn nữa, nhưng em không hề ngần ngại với khuôn mặt ấy mà rất tự tin, luôn nhìn thẳng vào tôi khi nói chuyện. Tôi hỏi chuyện Đào mà trong lòng tràn đầy thương cảm xót xa.

Đào sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại Bình Định. Vùng nông thôn Việt Nam thường có tục lệ đốt than hơ nóng cho các bà mẹ sau sinh mà họ tin rằng sẽ tốt cho sản phụ và trẻ sơ sinh, Đào cũng được hơ than bằng cách đó. Khi chưa đầy tháng, mẹ em cho em nằm võng bên dưới đốt 1 chậu than hồng, hôm đó chỉ trong 1 khoảng khắc mẹ em bỏ con ra ngoài sân lấy nước thì nghe tiếng kêu xé ruột trong nhà, bà không thể ngờ đứa con gái út bé bỏng của mình mới 28 ngày tuổi chưa hề biết lẫy lại có thể lật ra khỏi võng và nằm trên chậu than hồng như có một bàn tay siêu hình gây ra vì lúc đó trong nhà không có một ai cả. Đứa trẻ giãy giụa trong than, cháy hết 1 bên thân thể, cháy cụt hết các ngón tay trái và 1 bên mặt, em được đưa đến bệnh viện cấp cứu, do bị hoại tử nên phải cắt cánh tay trái đến gần khủy. Chỉ sau một thời gian chữa chạy, bệnh viện cũng bó tay, trả em về nhà nằm chờ chết.

Nhưng em không chết, em cứ thế lay lắt vượt qua cái chết để được sống.

Lớn lên với nỗi đau thể xác đã hóa thành sẹo khắp gương mặt và 1 phần thân thể em, mắt và miệng bị co rúm lại đến nỗi em không thể há mồm, cánh tay không thể duỗi ra, thế nhưng đến năm 7 tuổi em mới nhận thức được sự khác biệt của mình qua ánh mắt khinh bỉ, qua sự trêu chọc, nhạo báng của bạn bè, và cứ thế em sống trong tủi nhục cho đến năm 22 tuổi.

Hôm đó qua đài phát thanh em được biết có 1 đoàn bác sĩ Mỹ đến Việt Nam phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch miễn phí ở Quy Nhơn và em lập tức lên đường dù đã hết hạn đăng ký. Vị trưởng đòan, bác sĩ phẫu thuật, Dr. Frank Walchak và Carolyn vợ ông, y tá phòng mổ đến từ Spokane, ngay từ lần đầu gặp em, ánh mắt khẩn khoản cầu xin của em đã chạm vào lòng trắc ẩn của họ và như hai vị thần hộ mệnh, họ đã nhận ra sứ mệnh của mình.

Frank biết không chỉ 1 lần phẫu thuật, em cần phải phẫu thuật nhiều lần để cải thiện khuôn mặt ấy và họ đã quyết định tìm mọi cách đưa em sang Mỹ. Sau 2 năm nỗ lực xin visa và làm các thủ tục chuẩn bị cho Đào, hai vợ chồng vị bác sĩ nhân hậu và bao dung ấy đã đưa được em sang Mỹ. Chín tháng ở với họ và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, khuôn mặt em được cải thiện đáng kể, ở đó em luôn được coi như cô con gái út trong gia đình với 2 người chị gái đầy yêu thương. Em được học tiếng Anh, học lái xe và trượt tuyết dù chỉ có 1 tay, họ yêu em và luôn coi em như một người bình thường. Em nhút nhát vì mọi thứ đều lạ lẫm vô cùng vì đây là lần đầu tiên em bước chân ra khỏi lũy tre làng chứ chưa nói đến chuyện ra khỏi biên giới. Những tâm hồn cao đẹp đã hội tụ tại đây để mang đến cho đời những điều kỳ diệu. Nhưng dù sao thì cũng đến ngày em phải về nước và đối mặt với cuộc sống của chính mình.

Khi tôi gặp Đào, cô ấy đã trải qua 7 lần phẫu thuật, khuôn mặt tuy đã cải thiện hơn trước nhưng thực sự những vết sẹo vẫn còn chằng chịt, mắt và miệng vẫn bị kéo lệch 1 bên. Sau khi từ Mỹ trở về Đào đã quyết tâm từ Bình Định ra thành phố Hồ Chí Minh xin việc và học thêm tiếng Anh và kế toán vào buổi tối. Lúc đó công việc của em thực sự rất khó khăn và khắc nghiệt. Không chỉ lo cho bản thân mình, Đào vẫn phải đi bán vé số tại bến Bạch Đằng, mỗi đêm được khoảng 50 ngàn đồng để gửi về nuôi cha mẹ mình ở quê.

Ngay buổi sáng đầu tiên khi đoàn Surgicorps vừa hạ cánh, trong lúc chờ check in tại khách sạn Majestic họ đã tranh thủ sơ khám cho Đào và 1 số bệnh nhân khác, bất kể mệt mỏi do lệch múi giờ và chưa ăn uống gì. Buổi chiều hôm đó họ bắt tay vào làm việc ngay, Đào là trường hợp được thử máu buổi chiều đó và được họ quyết định phẫu thuật ngay ngày hôm sau vì họ muốn có 1 tuần điều trị hậu phẫu cho em trước khi họ về nước. Buổi tối Đào gọi điện cho tôi giọng rất hoang mang, em nói em không thể phẫu thuật ngay ngày mai vì bà chủ không cho phép nghỉ. Thực sự em rất khó khăn để lựa chọn hoặc mất việc hoặc được phẫu thuật, mà em thì cần rất nhiều lần phẫu thuật nữa để cải thiện gương mặt, mỗi dịp như thế này là cơ hội vàng cho em. Tôi chỉ nói với em hãy xin phép và trình bày cặn kẽ với bà chủ, nếu không được và sau này bà chủ vẫn đuổi việc thì gọi cho cô, hãy tin rằng cô sẽ giúp con.

Năm đó công ty tôi cũng đăng ký cho em Toàn, một nhân viên nam là trưởng phòng vé máy bay, được phẫu thuật vá 1 bên cánh mũi, dị tật bẩm sinh do mẹ em bị cúm khi mang thai. Tôi vào thăm các em ngay sau khi phẫu thuật xong và tặng quà cho tất cả các bệnh nhân trong dịp đó. Thật cảm động khi được thấy các bác sĩ Mỹ trong phòng hậu phẫu bồng bế từng em nhỏ dỗ dành, cho quà bánh để các em khỏi lo lắng và đau đớn. Toàn cảm động nói với tôi, khi con mở mắt ra người đầu tiên con nhìn thấy là chị Đào đang ngồi bên con, chị ấy đã pha nước chanh và đợi con tỉnh dậy để cho con uống, dù chị ấy cũng mới chỉ phẫu thuật trước con không lâu. Câu chuyện ấy tôi không bao giờ quên, tôi biết đằng sau khuôn mặt khiếm khuyết của Đào là một tấm lòng nhân hậu.

Một tuần sau Đào gọi điện cho tôi nói như khóc: “ Cô ơi con bị đuổi việc rồi cô ạ”, không chút đắn đo tôi nói “Ngay khi con bình phục hãy đến công ty gặp cô” dù lúc đó tôi cũng không biết Đào có thể làm được việc gì không? Việc nhận Đào vào công ty tất nhiên do quyết định của tôi thì không ai ngăn cản nhưng nhìn ánh mắt một số nhân viên tôi biết Đào sẽ không dễ dàng gì khi làm việc ở đây, nhưng rất may Đào đã có Toàn luôn bảo vệ và thân thiết từ khi hai bạn cùng nằm phẫu thuật trong bệnh viện.

Thật đáng ngạc nhiên, tuy chưa được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Đào rất thông minh và chăm chỉ, bất kể việc gì được giao em đều hoàn thành tốt nhất, kể cả phần mềm kế toán mới nhất em cũng nắm bắt rất nhanh chóng. Hàng ngày em vẫn chạy xe máy bằng 1 tay, làm mọi việc bằng 1 tay nhưng không khiến em ngại ngùng bất kể việc gì. Em âm thầm làm việc mà không hề kêu ca, khi tôi phát hiện em bị chèn ép và hỏi han thì em đều nói “Không sao, mẹ cứ để tự con giải quyết”. Em cũng xin được gọi tôi là mẹ từ ngày ấy, em nói “Vì mẹ đã sinh ra con lần thứ hai”.

Em đã trở thành một nhân viên văn phòng như thế đấy!

Dịp đó ông bà Frank & Carolyn Walchak đi phẫu thuật từ thiện tại Trung Quốc biết tin Đào có được công việc tốt tại EVIVA, họ lập tức bay sang Việt Nam để làm một việc là cám ơn tôi. “Trời ơi, tin được không???” hôm đó ông bà mời Đào đến ở chung phòng trong khách sạn và mời tôi đến, nhìn cách ông bà ôm Đào, giới thiệu với tất cả mọi người đây là con gái của chúng tôi một cách tự hào mà không hề bối rối trước những ánh nhìn tò mò lạ lẫm, tôi thấy cảm động vô cùng. Tôi nói với họ “Người mà cần được cám ơn hôm nay chính là ông bà, từ một đất nước xa xôi ông bà đến đây, yêu thương, cưu mang một cô gái nghèo tàn tật của chúng tôi, thì không lẽ gì tôi là một người Việt nam lại không làm được điều đó.” Nhưng ông bà ấy cứ khăng khăng nói rằng tôi mới là người đã thay đổi hoàn toàn chất lượng cuộc sống và công việc của Đào. Thật tuyệt vời khi trong cuộc đời của mình có thể được gặp được những con người như thế.

Tôi luôn kể những câu chuyện về sức mạnh tinh thần sẽ mang đến những điều kỳ diệu để khuyến khích và động viên Đào hãy ước mơ một hạnh phúc như những người khác và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Tôi biết Đào đã cố gắng hết sức nhưng chưa chắc em đã tin những câu chuyện tôi kể, em nói rằng không bao giờ em dám mơ có một gia đình như bao người khác.

Thế rồi vào một ngày mùa Hè hai năm sau đó, Đào bẽn lẽn kể cho tôi câu chuyện có một vị bác sĩ nha khoa trong đoàn Rotaplast của ông bà Walchak, đã từng gặp Đào lần đầu từ khi em còn là một cô bé ở quê nghèo Bình Định, lâu nay anh ấy vẫn thường động viên, chuyện trò với em qua mạng, nay anh ấy đến Đà nẵng và muốn hẹn hò với em. Đào hỏi tôi có nên đi không và lo lắng không biết mình có bị lợi dụng không? Lúc đó tôi thật lòng nói với Đào “Con không có gì để bị lợi dụng cả, nếu anh ấy muốn đến với con thì đó chỉ có thể là một tấm lòng yêu thương và nhân ái vô cùng, con hãy đón nhận bằng cả tấm lòng, đó chính là món quà của trời đất trao tặng cho con.”

Quả thực Dr. Michael French là một người như thế, anh chàng đến ra mắt tôi tại văn phòng EVIVA và sau đó là một bữa tối thân mật tại nhà tôi với sự chứng kiến của hai vợ chồng tôi, anh chàng ôm lấy Đào với sự chân thành hiếm có, nói rằng Đào là cô gái đẹp nhất và anh luôn tự hào khi đi cùng Đào. Tôi hiểu ra rằng chuyện cổ tích luôn có thể xảy ra giữa đời thường, Đào đã sống với tấm lòng chân thành, hiếu thảo, nhân hậu và sự nỗ lực không ngừng, em xứng đáng được hưởng hạnh phúc như những câu chuyện cổ tích mà em được đọc hồi nhỏ.

Bây giờ Đào đã thành mẹ của 2 thiên thần đáng yêu là Michelle 6 tuổi và Mitchell 4 tuổi, gia đình em đang sống ở Murphys, California, Hoa Kỳ. Thật đáng kinh ngạc khi em sang Mỹ chỉ vài năm đã có thể vừa hoàn thành chương trình học tại Columbia College với kết quả xuất sắc, vừa nuôi dạy 2 con nhỏ rất chu đáo, vừa hàng ngày tự lái xe đi học và đi làm kế toán tại phòng khám Nha Khoa của chồng (Safari Smiles Dental) tại Sonora. Hàng năm gia đình em đều trở về Việt Nam thăm gia đình và đến các trại trẻ mồ côi, khuyết tật khám răng, tặng quà cho các em nhỏ như một lời tri ân đến cuộc đời.

Một sự tình cờ, hình như mọi sự tình cờ thực ra đều có nguyên do của nó, trên một chuyến bay ra Hà Nội vào tháng Tư năm 2017 tôi ngồi cạnh Văn Nữ Quỳnh Trâm, cô đạo diễn bộ phim tài liệu về lạm dụng tình dục “Bước Qua Bóng Tối”, một bộ phim được giải vàng liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2017. Tôi đã kể câu chuyện về Đào cho Trâm nghe như một sự chia sẻ về sự kỳ diệu trong cuộc sống, Trâm xin tôi được để cô ấy làm phim về Đào, thế nhưng phải mất 6 tháng sau, tôi và cô ấy mới thuyết phục được Đào đồng ý đưa câu chuyện của mình lên phim. Tôi nói với Đào “Câu chuyện của con có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ được những người có hoàn cảnh như con, hãy truyền cho họ niềm tin vào cuộc sống như con đã từng sống, ai cũng có quyền được hạnh phúc nếu biết rằng hạnh phúc chính ở trong tay mình”.

Tôi luôn tự hào về Đào và thường hay kể câu chuyện này mỗi khi cần truyền cảm hứng sống cho ai đó.

Nguyễn Kim Nguyệt


Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

Đường Đưa Bước Em Đi

ĐƯỜNG ĐƯA BƯỚC EM ĐI

Sáng tác: Nguyễn Đình Toàn 
Nhạc đệm: Đinh Sinh Long
Trình bày: Minh Châu 
Thực hiện: Song Phụng

Trân trọng 
NHHN 

Kính mời quý vị thưởng thức