Ai có thể lý giải, ai có thể nói được vì sao?
Kẻ ngốc chẳng tài nào, người khôn chẳng mò mẫm.
Những câu thoại này trong “Some Enchanted Evening” (Buổi tối mê hoặc), một bài hát trong vở nhạc kịch “South Pacific” (Nam Thái Bình Dương) của các nhà soạn nhạc Rodgers và Hammerstein, đang nói về tình yêu, đặc biệt là yêu từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng chúng có chính xác không? Phải chăng tình yêu không thể giải thích thành lời?
Hãy tưởng tượng chàng Sam vừa trở về nhà sau một buổi gặp gỡ bạn bè. Khi ở bữa tiệc, anh đã phải lòng một người lạ, cô Maggie. Trong dạ bồn chồn, anh đi đi lại lại trong căn hộ, tự hỏi liệu cô Maggie có thấy anh kỳ lạ nếu anh gọi cho cô vào buổi sáng (anh đã xin và nhận được số điện thoại của cô) và mời cô đi ăn tối nhân Ngày Lễ Valentine.
Vậy ai có thể giải thích được sức hút này? Rất nhiều chuyên gia sẽ cố gắng làm điều đó. Một giáo sư mỹ học có thể cho rằng gò má cao, ánh mắt sáng ngời, và giọng nói run run của cô Maggie đã khiến con tim anh Sam xao xuyến. Một nhà tâm lý học có thể cho rằng nguyên nhân là do hai người đồng cảnh ngộ, cả chàng Sam và cô Maggie đều mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ và thích nghe âm nhạc của Bach khi đọc sách. Một nhà khoa học có thể suy đoán rằng pheromone là nguyên nhân khiến Sam bị thu hút ngay lập tức.
Sự thật là, không ai thực sự biết. Sau khi mọi cách lý giải được đưa ra, tất cả lời giải thích này đều lặp lại nhận định của hiền triết Thomas Aquinas về các tác phẩm thần học của ông: “Đối với tôi, mọi thứ tôi viết ra đều không có nghĩa lý gì so với những điều tôi từng thấy và được Đấng Christ mặc khải cho.” Cuối cùng, những người yêu đương luôn gặp phải một câu hỏi hóc búa _ một mảnh ghép còn thiếu, đó là “điều không thể diễn tả bằng lời” (je ne sais quoi), nằm ngoài khả năng diễn đạt của ngôn ngữ. Tình yêu, tương tự những gì cựu Thủ tướng Winston Churchill từng mô tả về nước Nga, là “một câu đố, được bao bọc trong một hộp quà bí ẩn, bên trong một điều thần bí.”
Vượt ngoài sự quyến rũ ban đầu
Bây giờ, hãy để Sam lại với những niềm vui và nỗi đau khổ trong cuộc tranh luận nội tâm của anh và quay trở về với bản nhạc “Some Enchanted Evening” kết thúc bằng câu: “Một khi bạn đã tìm thấy nàng, đừng bao giờ để nàng rời đi.” Vì vậy, càng nảy sinh nhiều câu hỏi hơn: Làm sao có thể không bao giờ để cô ấy hoặc anh ấy đi? Sau khi bị trúng mũi tên của thần Cupid, các cặp đôi làm thế nào để gắn bó với nhau qua bao năm tháng, đi qua mọi thăng trầm?
Tại đây, chúng ta có nền tảng vững chắc hơn. Ta có thể đến gặp ông bà của mình và hỏi xem họ đã làm thế nào để duy trì cuộc hôn nhân trong 50 năm qua. Chúng ta có thể hỏi người bạn thân xem vợ chồng cô ấy làm cách nào để giữ gìn cuộc hôn nhân của mình (họ có vẻ khá hạnh phúc nhưng cũng có khi đồng sàng dị mộng). Chúng ta có thể tìm đến các cố vấn hoặc đọc dòng sách phát triển bản thân.
Hoặc nếu chúng ta muốn bám sát những ví dụ thực tế, ta có thể nhảy vào cỗ máy thời gian của mình, hay còn gọi là những cuốn sách và tài liệu lịch sử, và nghiên cứu một số tấm gương từ thời xưa.
Em ở bên anh
Năm 1909, đôi vợ chồng son Clementine và Winston Churchill đã đến ga xe lửa Bristol để tiếp kiến các thành viên của đảng phái chính trị tại địa phương. Thất vọng vì ngài Churchill từ chối trao quyền bầu cử cho phụ nữ, một người phụ nữ đòi quyền bầu cử (suffragette) bất ngờ tấn công ông và đẩy mạnh ông về phía đường ray. Mặc dù phu nhân Clementine ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ, nhưng bà đã lao vào cuộc tranh cãi này và tóm lấy vạt đuôi áo của ngài Winston, ngăn ông khỏi nguy cơ bị thương hoặc mất mạng trên đường ray.
Trong bài viết “How Winston Churchill’s Wife Helped Him Become a Great Statesman” (Phu nhân của ngài Winston Churchill đã giúp ông trở thành một chính khách vĩ đại như thế nào), tác giả Erin Blakemore không chỉ kể lại tai nạn đó mà còn cho chúng ta những ví dụ khác về sự tương trợ và tận tâm của phu nhân Clementine dành cho chồng trong các cuộc chiến chính trị của ông. Bà vẫn kiên định ở lại bên ông trong giai đoạn khó khăn vào những năm 1930, khi quyền lực của ông trong Quốc hội bị suy yếu, và luôn đưa ra những lời khích lệ chồng. Cặp đôi này thỉnh thoảng cũng cãi nhau _ phu nhân Clementine từng ném một đĩa rau bina vào ông Winston khi tranh cãi về tiền bạc _ nhưng thường xuyên hơn, họ gọi nhau bằng tên thân mật và chung sống hòa thuận với nhau. Ngài Churchill tin rằng bà là chìa khóa cho thành công trong sự nghiệp chính trị của ông.
Sự hy sinh
Vào tháng 05/1884, bảy năm sau khi rời Tòa Bạch Ốc, ngài Ulysses Grant, vị chỉ huy từng dẫn dắt quân đội miền Bắc trong cuộc Nội Chiến và sau đó được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, bỗng dưng thấy mình trắng tay. Ông là một nạn nhân của kế hoạch Ponzi (*dịch giả: một hình thức lừa đảo nhằm thu hút các nhà đầu tư). Ông và phu nhân Julia chỉ còn vỏn vẹn 210 USD và nợ nần chồng chất. Vài tháng sau, ông Grant được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng, một chứng bệnh nan y và có thể gây tử vong.
Mặc dù người bạn Mark Twain đã thúc giục ông Grant viết hồi ký trong nhiều năm, nhưng ông khước từ vì không muốn kiếm chác từ việc phụng sự đất nước của mình. Giờ đây, khi đối mặt với tử thần cùng nỗi tuyệt vọng khi nghĩ về việc chu cấp cho bà Julia cùng gia đình, ông bắt tay vào viết, viết tới 10,000 từ mỗi ngày với cùng quyết tâm mà ông đã thể hiện khi chiến đấu với kẻ địch trên chiến trường. Sau nhiều tháng chịu đựng thống khổ tột cùng (cuối cùng ông mất khả năng nói), ông đã hoàn tất bản thảo dài 366,000 từ chỉ bảy ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Ngày nay, “Personal Memoirs of Ulysses S. Grant” (Hồi Ký Cá Nhân Của Ông Ulysses S. Grant) được coi là một trong những cuốn tự truyện hay nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến tấm gương về tình yêu và lòng tận tụy cần phải ghi nhớ rằng: người đàn ông can đảm này đã chịu đựng thử thách đau đớn không phải vì vinh quang cá nhân, mà là để chu cấp cho vợ mình sau khi ông qua đời.
Chúng tôi là người một nhà
Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất về tác giả G.K. Chesterton nằm ở bức điện tín mà nhà văn và diễn giả nổi tiếng đãng trí này gửi cho người vợ Frances: “Anh đang ở Market Harborough. Mà đáng ra anh nên ở đâu vậy?”
Nhà văn Chesterton có một cái nhìn lãng mạn về cuộc sống. Chẳng hạn, khi đang đi trên đường từ nhà thờ đến nơi hưởng tuần trăng mật, ông dừng lại mua một ly sữa và một khẩu súng lục. Vì sao mua súng lục, ông nói “với ý định đại khái là bảo vệ cô ấy khỏi những tên cướp biển chắc chắn đang quấy phá Norfolk Bros, nơi mà chúng tôi sẽ đến.” Đương nhiên là ông đang nói đùa, nhưng đối với ông, mỗi ngày đều là cuộc phiêu lưu, thường xuyên dẫn đến một vài hiểu lầm và cãi cọ.
May mắn thay, ông cưới được một người vợ ôn nhu. Bà Frances Blogg là một nhà văn, nhưng bà cũng là người dẫn dắt đức tin Cơ Đốc Giáo cho ông Chesterton và là “người quản lý công việc, tổ chức, và nhắc nhở ông về thời hạn viết bài.” Giống như phu nhân Clementine Churchill, bà Frances được các nhà viết tiểu sử của ông Chesterton ghi nhận là người có vai trò then chốt trong sự nghiệp của ông. Trong bài viết “The Woman Beside the Man, Frances Chesterton” (Người phụ nữ bên cạnh quý ông, Frances Chesterton), tác giả Stephanie Mann viết rằng bà “là người đồng hành và người yêu, nàng thơ, và người bạn của chồng. Bà đã giúp chồng đạt được những thành tựu vĩ đại.” Và như chính bà Frances từng viết cho một người bạn, Cha John O’Connor, sau khi ông Chesterton qua đời: “Làm sao những đôi uyên ương có thể yêu nhau mà không có nhau? Chúng tôi luôn là người yêu của nhau.”
Các mối quan tâm chung
Chia sẻ niềm đam mê có thể làm sâu sắc thêm ý nghĩa của việc trở thành người một nhà.
Có lẽ minh chứng tuyệt vời nhất chính là bà Marie và ông Pierre Curie. Tình yêu khoa học đã gắn kết họ với nhau, và thời gian miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm không chỉ tạo ra những thành tựu khoa học vĩ đại mà còn khiến tình cảm họ dành cho nhau ngày càng thêm sâu sắc. Vào năm 1903, khi họ đạt giải Nobel vật lý cho công trình nghiên cứu về bức xạ, bà Marie lúc đầu không được công nhận cho đến khi ông Pierre nhất quyết yêu cầu thêm tên bà vào phần thưởng đó. Như vậy, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng này.
Và ba năm sau, sau khi ông Pierre qua đời do một vụ tai nạn liên quan đến xe ngựa kéo, bà Marie đã đau buồn và tưởng nhớ những hồi ức về ông bằng cách đảm nhận vị trí của ông tại Sorbonne, trở thành nữ giáo sư đầu tiên giảng dạy ở đó, và tạo ra một phòng thí nghiệm mang tên ông. “Pierre đã cống hiến cuộc đời mình cho giấc mơ khoa học của anh,” bà Marie viết. “Anh ấy cảm thấy cần một người bạn đồng hành có thể cùng anh thực hiện ước mơ của mình.”
Ông đã tìm thấy người bạn đồng hành đó ở bà Marie.
Bất kể hoạt động nào _ đi bộ đường dài, làm vườn, đọc sách, cùng nhau khởi nghiệp kinh doanh _ các mối quan tâm chung thường khiến các cặp đôi trở thành bạn bè cũng như những người đồng hành.
Tình bạn vĩnh hằng
Trong cuộc hôn nhân của cựu tổng thống John và phu nhân Abigail ams, chúng ta có thể tìm thấy tất cả những phẩm chất trên. Trong khi ông John thường xuyên vắng nhà để tham dự nhiều cuộc họp hoặc đi công du ngoại quốc (cả trong và sau khi Cách mạng Mỹ), thì người vợ Abigail can trường đã vận hành trang trại của họ, coi sóc việc học hành của các con, và viết nhiều thư từ bày tỏ quan điểm chính trị của bà lúc bấy giờ.
Hơn một ngàn bức thư họ gửi cho nhau vẫn còn tồn tại. Trong các bức thư đó, họ thường gọi nhau là “Người bạn thân yêu nhất.” Có học thức tương đương, họ đã nhanh chóng bảo bọc nhau, đồng hành cùng nhau suốt 54 năm. Vào năm 1818, sau khi phu nhân Abigail qua đời vì bệnh thương hàn, ngài ams viết: “Tôi ước mình có thể nằm bên cạnh và đi theo cô ấy.”
Là vợ chồng, nhưng cũng là hai người bạn đồng hành, họ trọn đời sát cánh bên nhau. Giống như những cặp đôi khác được đề cập ở trên, ngài John và phu nhân Abigail yêu thương nhau, và họ vẫn yêu nhau cho đến ngày rời khỏi nhân gian.
Trong một nền văn hóa giống như văn hóa của chúng ta, với việc nhấn mạnh vào tự do cá nhân và sự tự mãn, những người cầu hôn đầy tiềm năng như chàng Sam hư cấu, cũng như những người còn lại trong chúng ta, có thể học được một vài điều về tình yêu đích thực bằng cách tự làm quen với những câu chuyện về sự hy sinh, tận tụy, và sự thân tình từ thời xưa.
Jeff Minick _ Thiên Ân
Trích: Báo Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét