Làng Quảng Phú Cầu có lịch sử lâu đời, từ thời vua Lê Thánh Tông vào thế kỷ 15. Thưở xưa, người dân trong làng chủ yếu kiếm sống bằng nghề trồng trọt và đánh cá. Theo thời gian, họ đã phát triển một tay nghề độc đáo: làm nhang. Danh tiếng về ngôi làng sản xuất những cây nhang thơm đượm, đẹp mắt nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, và nơi đây trở thành điểm đến ưa thích của các thương nhân và khách du lịch.
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu có lịch sử hơn trăm năm trước, bắt đầu ở thôn Phú Lương Thượng và dần dần mở rộng sang các thôn khác trong xã như Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương, và Đạo Tú. “Tổ tiên chúng ta đã làm nghề này từ đó; đặc điểm nổi bật của hương Quảng Phú Cầu là không chứa hóa chất,” người dân trong làng chia sẻ.
Người dân làm chân nhang thủ công. (Ảnh: Thanh Phong) Việc làm nhang là một quá trình cần nhiều công sức và sự khéo léo. Quy trình làm nhang gồm nhiều công đoạn: chẻ tre thành từng thanh mảnh, phơi khô, dùng máy vo tròn rồi đánh bóng bằng máy khác. Những cây nhang tốt nhất được lấy từ cây vầu, một loại tre to, có nguồn gốc từ Thanh Hóa, Nghệ An, Lào.
Phơi tre làm tăm. (Ảnh: Thanh Phong)
Công đoạn phức tạp nhất là trộn một hỗn hợp có mùi thơm rồi cuộn quanh những thanh tre để chúng cháy rất chậm và có mùi thơm dễ chịu. Người làm nhang Quảng Phú Cầu luôn làm việc rất cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết, đặc biệt là khi chọn nguyên liệu tự nhiên để làm bột thơm.
Phải tùy từng loại nhang mà lựa chọn nguyên liệu phù hợp từ trầm hương, thông, đàn hương, long não, hương hương, quế, nhựa cây, rễ cây. Người thợ khi làm hương phải khéo léo, nhẹ nhàng, chắc chắn trong quá trình làm hương để bột bám đều vào từng cây nhang.
Sản phẩm hương trầm của làng nghề. (Ảnh: Thanh Phong)
“Mấu chốt làm ra nhang có chất lượng nằm ở việc trộn các loại bột thơm theo tỷ lệ hợp lý, để tạo thành bột thơm phủ lên những thanh tre cháy chậm và tỏa mùi thơm,” chị Lê Thị Đông nói.
Sau khi đắp bột xong, nhang sẽ được đem phơi nắng để tránh ẩm mốc. Người dân Quảng Phú Cầu còn pha thêm nhiều loại thảo dược để cho ra những bó hương đẹp, có mùi hương thơm lâu và dễ chịu.
Phơi nhang. (Ảnh: Thanh Phong)
Làng Quảng Phú Cầu là cơ sở sản xuất nhang duy nhất còn sót lại ở Hà Nội, và là một trong những nhà cung cấp tăm tre lớn nhất cho các nhà sản xuất ở nhiều tỉnh trong cả nước. Làng còn xuất cảng tăm tre cho các nhà sản xuất hương Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Đến làng hương Quảng Phú Cầu trước dịp Tết cổ truyền Việt Nam, khách viếng thăm sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của một làng nghề truyền thống đặc biệt. Trên con đường làng, khắp nơi là những khoảng sân rộng rãi ngập tràn những bó hoa hương đủ màu sắc như những chùm hoa khổng lồ dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Người dân trong làng tận dụng sân nhà, không gian sinh hoạt chung, bãi đất trống để phơi nhang, tạo nên cảnh tượng đẹp mê hồn.
Phơi nhang. (Ảnh: Thanh Phong)
“Sản phẩm của chúng tôi nguyên chất 100%. Chúng tôi sử dụng 28 loại dược liệu, bao gồm hoa hồi, quế và đinh hương để tạo ra hỗn hợp thơm. Bình thường, xưởng gia đình tôi sản xuất gần 500 kg hương, mỗi tháng tạo thu nhập 10–15 triệu đồng cho một công nhân,” bà Đông cho biết thêm.
Nghề này có yếu tố tâm linh vì thắp nhang là một phong tục truyền thống và mang tính nghi lễ, một khía cạnh quan trọng của văn hóa phương Đông
Một công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu trong xưởng sản xuất. (Ảnh: Thanh Phong)
“Gia đình tôi làm nghề này đã 60 năm. Ngày xưa ông bà, cha mẹ tôi thường làm thủ công, chẻ ống tre thành những que mỏng rồi phủ một lớp bột thơm cháy chậm, có mùi thơm dễ chịu. Nhưng ngày nay, chúng tôi hoàn toàn dựa vào máy móc và nhiều loại nguyên liệu khác,” chị Trần Thị Minh, một người làm nhang ở địa phương cho biết.
Ban đầu, nghề làm nhang ở làng chỉ là một công việc phụ được làm trong thời gian rảnh rỗi giữa các vụ mùa. Tuy nhiên, do nhu cầu về nhang cho văn hóa tâm linh ngày càng tăng, nên nghề này đã phát triển thành một ngành phát đạt, trở thành nghề chính của 70% gia đình trong làng. Hiện nay, nó là nguồn thu nhập chính của gần 3.000 gia đình, mang lại cho họ thu nhập trung bình hàng ngày từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Xưởng sản xuất tăm tre – chân hương. (Ảnh: Thanh Phong) Ở nhiều địa phương, người dân làng thường phải bỏ đi tìm việc kiếm sống ở các thành phố lớn, dẫn đến những làng nghề truyền thống ngày càng bị mai một. Tuy nhiên, làng Quảng Phú Cầu vẫn duy trì được bầu không khí làm nghề thủ công đích thực, sôi động, nhộn nhịp.
Với vẻ đẹp gây ấn tượng và lịch sử hàng thế kỷ, làng nhang này đã trở thành ngọn hải đăng cho những ai đang tìm kiếm hành trình khứu giác vào di sản văn hóa Việt Nam. Không khí tràn ngập mùi hương đặc trưng các loại thảo dược, sự cẩn thận tỉ mỉ của nhiều thế hệ gia đình người Việt đã tạo nên một nghề thủ công vượt thời gian.
Đan Thư
Trích: Epoch Times Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét