(Ảnh minh họa của The Epoch Times, Getty Images, Bobby Sanchez cho The Epoch Times)
CỰU CHỈ HUY LỰC LƯỢNG BIÊN GIỚI PANAMA: LIÊN HIỆP QUỐC ĐỨNG SAU HỖN LOẠN BIÊN GIỚI HOA KỲ-MEXICO
Hồng Ân biên dịch
Cựu giám đốc Lực lượng Cảnh sát Biên giới Quốc gia Panama (SENAFRONT) cho biết Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đối tác bất vụ lợi của cơ quan này đã khiến tình trạng di cư hàng loạt trở nên tồi tệ hơn khi các tổ chức này chuyển vào đất nước của ông.
THÀNH PHỐ PANAMA — Cựu giám đốc lực lượng tuần tra biên giới của Panama nói với The Epoch Times rằng nghị trình di cư của Liên Hiệp Quốc là nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn ở biên giới phía nam Hoa Kỳ và các đối tác của Liên Hiệp Quốc đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn thay vì tốt đẹp hơn.
Ông Oriel Ortega, hiện là một cố vấn an ninh và quốc phòng cho Tổng thống Panama Laurentino Cortizo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/02 rằng ông nhận thấy số lượng người di cư tăng vọt vào năm 2016, cùng thời điểm có ngày càng nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyển vào Panama.
Sự gia tăng đó xảy ra trùng khớp với cuộc họp của Liên Hiệp Quốc năm 2016 liên quan đến Hiệp ước Toàn cầu về Di cư An toàn, Có Trật tự, và Có Quy tắc. Hai năm sau, 152 quốc gia — kể cả Panama — đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước quản lý di cư toàn cầu. Hoa Kỳ đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận này.
Nhưng ông Ortega cho biết dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc, quá trình di cư diễn ra không hề có trật tự.
“Bây giờ mọi chuyện hoàn toàn trái ngược,” ông nói qua một phiên dịch viên.
Các tài liệu cho thấy vào năm 2023, số lượng kỷ lục 500,000 người di cư đã băng qua khu rừng rậm được gọi là Darien Gap từ Colombia vào Panama. Người di cư từ khắp nơi trên thế giới đang bay đến Nam Mỹ và Trung Mỹ để bắt đầu hành trình của họ vì các quốc gia như Suriname và Ecuador không yêu cầu thị thực để nhập cảnh. Điểm đến cuối cùng của họ là Hoa Kỳ.
Cuốn sách “Các Vũ khí Di cư Hàng loạt: Cưỡng bức di dời, Cưỡng bách, và Chính sách Ngoại giao” do bà Kelly Greenhill viết, cho thấy rằng các quốc gia yếu thế hơn đang sử dụng vấn đề di cư để gây bất ổn cho các địch thủ hùng mạnh hơn của họ.
Ông Joseph Humire là giám đốc điều hành của Trung tâm vì Một Xã hội Tự do An toàn và là chuyên gia về chiến tranh không theo quy ước (unconventional warfare). Ông nói với The Epoch Times rằng ông tin rằng đó là những gì người Mỹ hiện đang chứng kiến ở biên giới phía nam Hoa Kỳ.
“Đây không phải là một thuyết âm mưu,” ông nói; “cuộc xâm lược” ở biên giới phía nam Hoa Kỳ là “cuộc di cư được dàn dựng một cách có chiến lược.”
Ông Ortega đồng tình với quan điểm cho rằng các tổ chức phi chính phủ đã “làm trầm trọng thêm” vấn đề di cư hàng loạt.
“Thay vì giúp đỡ, họ lại trở thành một phần của vấn đề này,” ông nói. “Không phải bản thân những người di cư đang tạo ra mối đe dọa quốc gia; mà đó là loại hình tội phạm có tổ chức, và đó chính là các tổ chức quốc tế này.”
Tại trại tị nạn Lajas Blancas ở Panama, người di cư có quyền truy cập vào một số bản đồ lớn do các tổ chức phi chính phủ cung cấp hiển thị chi tiết các tuyến đường di cư đến Hoa Kỳ. Một bản đồ là của HIAS, một tổ chức phi chính phủ được thành lập dưới tên gọi chính thức là Hiệp hội Cứu trợ Người nhập cư Do Thái, gần đây đã nhận được 11 triệu USD từ Hoa Kỳ trong hai khoản tài trợ được trao cho người di cư Mỹ Latinh.
Người di cư từ Venezuela xếp hàng làm thủ tục xin tị nạn ở trại Bajo Chiquito thuộc khu vực Darien Gap, Panama. (Ảnh: Bobby Sanchez cung cấp cho The Epoch Times)
Bản đồ của HIAS hiển thị lộ trình di cư từ Colombia đến Costa Rica, bao gồm thông tin chi tiết về các điểm dừng xe buýt, nhiệt độ, độ cao, và “quầy làm thủ tục di trú.”
The Epoch Times đã đến thăm tất cả bốn trại di cư ở Darien Gap trong tuần này, nói chuyện với những người di cư từ Trung Quốc, Somalia, Venezuela, Ecuador, Colombia, và những người đến từ các quốc gia khác đã đi bộ ra khỏi khu rừng nguy hiểm dẫn từ Colombia đến Panama.
Nhiều người bị nhiễm trùng và bị thương chẳng hạn như bợt da bàn chân và gãy chân gãy tay. Một số người phàn nàn rằng các trại này cung cấp nguồn nước chưa qua xử lý và thiếu thốn nhiều loại nhu yếu phẩm như tã lót.
“Ông Ortega nói rằng, các tổ chức phi chính phủ đáng lẽ nên giúp đỡ và truyền đạt kiến thức cho những người di cư ở đất nước của họ, chứ không phải ở Panama.”
Những người di cư cũng nói với The Epoch Times rằng lực lượng nhân sự của tổ chức phi chính phủ, trong đó có một vài tổ chức được tài trợ bằng tiền đóng thuế của người dân Hoa Kỳ, chỉ ghé thăm các trại tị nạn vài giờ mỗi ngày.
“Tôi không biết số tiền tài trợ đó sẽ đi về đâu,” ông Ortega nói về các tổ chức phi chính phủ khi kể lại những lời phàn nàn của người di cư. “Các quỹ tài trợ này vốn dĩ được dành ra để giúp đỡ những người di cư.”
Những nhân viên duy nhất của tổ chức phi chính phủ được tìm thấy vào cuối tuần từ ngày 17 đến ngày 18/02 đi cùng với Hội Hồng Thập Tự, đang xây dựng một cơ sở tạm thời cho nhân viên của họ, và tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, mà các bác sĩ của tổ chức này đang nói chuyện với người di cư.
Ông Ortega nói rằng các tổ chức phi chính phủ đáng lẽ nên giúp đỡ và truyền đạt kiến thức cho những người di cư ở đất nước của họ, chứ không phải ở Panama.
Cựu giám đốc SENAFRONT Panama Oriel Ortega nói chuyện với The Epoch Times ở Thành phố Panama, Panama, hôm 22/02/2024. (Ảnh: Bobby Sanchez cung cấp cho The Epoch Times)
Ông nói, thay vì hạn chế tình trạng di cư hàng loạt, họ lại đang tạo thuận tiện cho hoạt động này.
Các tổ chức quốc tế thậm chí còn đệ đơn kiện Panama, cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền khi giam giữ 2,500 người di cư đến từ Haiti. Nhưng ông Ortega cho biết những người di cư này chỉ bị giam giữ “vì điều kiện không an toàn,” nhưng ông không đi vào chi tiết.
Mặc dù Liên Hiệp Quốc đã cứu trợ người di cư trong nhiều thập niên, nhưng phạm vi hoạt động của tổ chức này cũng gia tăng đáng kể, với số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ ngày càng tăng.
Theo cơ sở dữ liệu chi tiêu của một chính phủ, gần 1.3 tỷ USD tiền đóng thuế của Hoa Kỳ đã được trao cho Liên Hiệp Quốc và các cơ quan khác để thực hiện hoạt động cứu trợ người di cư vào năm 2023.
Ông Ortega cho biết, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cơ quan di cư chính của Liên Hiệp Quốc, đang tài trợ cho việc mở rộng các trại tị nạn, bao gồm các trại gần Darien Gap, một ở Lajas Blancas, và một cơ sở mới khác gần trại Bajo Chiquito.
Ông cho biết việc duy trì hoạt động của họ phụ thuộc vào các tổ chức phi chính phủ. Ông nói, SENAFRONT, lực lượng tuần tra biên giới của Panama mà ông từng lãnh đạo, chỉ nên hiện diện với mục đích bảo đảm an ninh.
Một người di cư ngồi dưới một tấm bản đồ di cư chi tiết do một tổ chức phi chính phủ cung cấp tại trại di cư ở Darien Gap, Panama. (Ảnh: Darlene McCormick Sanchez/The Epoch Times.)
Ông Ortega cho biết ông đã kêu gọi các tổ chức phi chính phủ phải chịu trách nhiệm về “vấn đề mà chính họ đã gây ra thông qua việc [thúc đẩy] tình trạng di cư toàn cầu.”
“SENAFRONT không nên là cơ quan duy nhất đảm đương mọi thủ tục giải quyết, tiếp đón họ, và chăm sóc họ,” ông chia sẻ.
Ông nói, Panama đã cố gắng nhưng không có kết quả trong việc yêu cầu các chính phủ ở Nam Mỹ cung cấp thông tin cá nhân về những người di cư đang di chuyển qua các quốc gia khác nhau.
“Chúng tôi không có sự hợp tác vì Hiệp ước Toàn cầu kia không khởi tác dụng,” ông Ortega cho hay.
Ông cho biết rằng những người di cư đang đào thoát vì các vấn đề trong nước của họ, chẳng hạn như chính phủ bất ổn hoặc hoạt động băng đảng.
“Có những hoàn cảnh đang xảy ra ở các khu vực trung tâm của lục địa này đẩy mọi người ra khỏi đất nước của họ, vì thế họ mới nghĩ đến việc di cư đến Hoa Kỳ,” ông nói.
Ông lưu ý rằng tình trạng di cư hàng loạt đã gây ra vấn đề ở nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.
Ông nói, “Như chúng ta đã chứng kiến ở New York, những kẻ bất lương đang đổ về New York.”
“Và họ đang gây ra rất nhiều thiệt hại cũng như nhiều xáo trộn cho chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
IOM và HIAS đã không phúc đáp yêu cầu phỏng vấn.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét