Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

BPSOS- Atlanta Và Phòng Mạch Từ Thiện

 

Y tá Crystal nói với bệnh nhân về cách kiểm soát bệnh tiểu đường

BPSOC-ATLANTA VÀ PHÒNG MẠCH TỪ THIỆN
Mạch Sống

Ngày 26 tháng 2, 2024

BPSOS-Atlanta và phòng mạch từ thiện


https://machsongmedia.org/news/bpsos/2117-bpsos-atlanta-va-phong-mach-tu-thien.html


Chủ yếu được biết đến qua các hoạt động XHDS và vận động quốc tế về tự do và quyền con người ở Việt Nam, tổ chức BPSOS (Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển) còn có nhiều chương trình ở Hoa Kỳ, đặc biệt cho cộng đồng người Việt, ở 6 tiểu bang là Alabama, Mississippi, Georgia, California, Texas, và Virginia.


Riêng văn phòng Atlanta, Georgia là chi nhánh duy nhất của BPSOS có phòng mạch—không chỉ có các chương trình khám sức khỏe, chích vaccine, hay cung cấp thông tin về sức khỏe—mà có phòng mạch từ thiện cho cộng đồng. 

 

Nguồn gốc phòng mạch


Theo bà Trinh Phạm, Giám đốc Điều hành của BPSOS-Atlanta, họ “đứng ra tổ chức hai hội chợ sức khỏe lớn nhất vùng này” và đến nay đã được 17 năm.


“Khởi đầu của phòng mạch là từ hội chợ sức khỏe. Bởi vì [hội chợ] sức khỏe chúng tôi mỗi năm chỉ làm một lần, với những người y bác sĩ trong cộng đồng, thì mới thấy là mỗi năm mình khám bệnh thấy có những người có huyết áp rất cao, mỡ rất cao, đường rất cao. Mình nói mỗi 3 tháng, 6 tháng phải đi checkup, nhưng một năm sau mình mới khám lại, họ lại không có điều kiện. Chính vì vậy, sau vài năm ra hội chợ sức khỏe, các y bác sĩ mới quyết định mở phòng mạch miễn phí.”


Bà cho biết cha đẻ của phòng mạch là bác sĩ Nguyễn Văn Đích. Một người khác là bà Quyên Phan, giáo sư huấn luyện y tá. Họ cùng văn phòng thành lập phòng mạch từ thiện năm 2010.


“Họ không những đóng góp công sức, thời gian của họ để tạo dựng phòng mạch. Họ còn truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ trẻ, những sinh viên học ngành y, những người bắt đầu mới vào nghề, những bạn trẻ đang định hướng nghề nghiệp của mình, cùng học tiếp, tiếp tục công việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đóng góp cho cộng đồng.”


Phòng mạch hoạt động như thế nào?


Y tá Crystal nói với bệnh nhân về cách kiểm soát bệnh tiểu đường. 


Bà Trinh Phạm cho biết, phòng mạch của BPSOS-Atlanta là cho những ai không đủ thu nhập để tự mua bảo hiểm nhưng cũng không đủ điều kiện được bảo hiểm từ chính phủ, bao gồm những người không có giấy tờ chính thức ở Mỹ.


Mỗi tuần phòng mạch mở cửa một lần vào thứ Bảy, để khám trực tiếp, lấy máu… còn giữa tuần thì khám trực tuyến, với hệ thống cho phép các bác sĩ thường trực tiện giờ nào khám giờ đó, nhưng cũng có bốn bác sĩ thường trực. Y tá có khoảng 10-20.


Ngoài người Việt, phòng mạch cũng có bệnh nhân người Mexico, người Hoa, người Miến Điện, v.v.


“Chi phí y tế ở Hoa Kỳ rất đắt… Trung bình một cuộc đi khám, checkup bình thường, Bộ Y tế tính là 300 [USD].”


Tại phòng mạch của BPSOS-Atlanta, khám bệnh hoàn toàn miễn phí.


“Mỗi năm trung bình chúng tôi khám 800-1,000 bệnh nhân,” bà Trinh Phạm nói. Nhưng không chỉ vậy, “phòng mạch đã kết nối với một số hãng dược phẩm, để làm đơn xin trợ giúp về thuốc chữa trị.”


Ngoài ra, ở hội chợ sức khỏe hàng năm, họ có chính ngừa cảm cúm, Covid; khám, phòng chống ung thư; đưa thông tin về y tế trong cộng đồng…

 

Hướng nghiệp


Các sinh viên làm việc tình nguyện vào thứ Bảy. 


“Phòng mạch không những đáp ứng nhu cầu sức khỏe của cộng đồng chúng ta, nó còn là nơi hướng nghiệp cho nhiều bạn trẻ,” bà Trinh Phạm cho biết. Giới trẻ cân nhắc học ngành y có thể tình nguyện ở phòng mạch và biết được mình có phù hợp ngành này hay không. 

 

Các chương trình khác


Ngoài phòng khám từ thiện, BPSOS-Atlanta còn có những chương trình khác cho người lớn tuổi (như dịch thuật, hỗ trợ ghi danh an sinh xã hội, Medicare, Medicaid), nạn nhân bạo hành gia đình, người nhập cư (như thi quốc tịch), và các chương trình xã hội khác.

 

Vài con số


BPSOS-Atlanta cho biết trong 5 năm vừa qua, họ đã giúp:

  • Hơn 1,000 gia đình đoàn tụ qua các chương trình nhập cư
  • Hơn 1,500 người nhập cư và người tỵ nạn có quốc tịch
  • Hơn 2,000 thợ làm móng được đào tạo để tránh nhiễm hóa chất nguy hiểm
  • Hơn 5,000 gia đình thu nhập thấp được hỗ trợ để kịp khai thuế và xin tín dụng thuế cho người thu nhập thấp và tín dụng thuế cho trẻ em
  • Hơn 250 thanh thiếu niên thuộc diện không được quan tâm đầy đủ có thể tốt nghiệp phổ thông

“Chúng tôi đã thay đổi nhiều bệnh nhân, đã đóng góp cho việc bảo vệ sức khỏe. Nhưng bản thân Trinh và những người trong văn phòng sẽ không làm được, chúng tôi không có chuyên môn. Chúng tôi muốn làm mà không có sự đóng góp của các y bác sĩ tình nguyện, chúng tôi sẽ không thể nào làm được,” bà Trinh Phạm nói.


Bà cũng kêu gọi các y bác sĩ có thể dành chút thời gian—chỉ cần 1-2 tiếng trong một tháng hay thậm chí một quý—đã đóng góp nhiều cho cộng đồng.


Mạch Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét