BÁNH ƯỚT QUÊ MÌNH
Trần Hoàng Phước Hậu
"Xa rồi
cũng mơ ngày trở lại - căn nhà xưa, con ngõ bùn lầy..."
(Hà Thúc Sinh)
Mưa
ròng rã hai ngày, trời mưa lạnh bà con cứ "post" hình thức ăn bánh trái,
bánh xèo, bánh hỏi... lềnh khênh trên Facebook, làm cho tui nhớ lại một món của
quê nghèo ngày xưa, bánh ướt trơn nóng hổi, chấm với mắm nêm hay xì dầu - vài cái
bánh ướt mới ra lò với chén mắm nêm hay chén xì dầu chanh đường ớt tỏi - Trời ơi
ngon tuyệt!
Ở
quê tui, làng Phước Hậu, cách Tuy Hòa 3 cây số nên còn được gọi là cây số 3, nhà
tui ở đó và chung quanh xóm nhỏ, không nhiều chứ ít ra cũng cỡ 5-6 lò bánh tráng,
đi dăm phút là tới. Thời đó lò để tráng bánh là lò đắp bằng đất sét và đun bằng
trấu (không như sau này có gas có điện, lò được làm bằng xi măng hay kim loại),
bánh tráng xong là được trải trên các vỉ đan bằng tre dài chừng 3 mét, ngang chừng
5 tấc, và phơi trong vườn nhà hay ngay trên những con lộ trong làng (không như
bây giờ có máy sấy). Bởi phải lệ thuộc vào ông mặt trời.; bánh tráng từ sáng sớm,
khi mặt trời vừa lên, đến chừng 8-9 giờ là phải xong thì mới kịp nắng, 3-4 giờ
chiều bánh khô, đem vào gỡ ra khỏi vỉ, chất thành chồng rồi đem bán... Trời đang
nắng ngon lành mà bất chợt cơn mưa "em từ đâu đến em" giữa ngày, là
coi như hôm ấy bánh khô không kịp, sượng trân, chỉ có bỏ đi hay tiếc thì để đó,
rán mà ăn cho lại cái vốn.
Muốn
có bánh ướt dân gian thì buổi sáng, khi mà lò còn tráng thì ghé qua mua bánh ướt
mới có, chứ đợi tới trưa thì coi như hôm ấy "khô mỏ"! Bánh tráng chín
xong, họ gấp chiếc bánh ướt tròn bình thường có đường kính chừng 4 tấc thành cái
bánh ướt vuông vức cho mình, một người ăn chừng 3 cái là "okay" cho bữa
sáng. Ở quê mà đâu có gì, mua vài cái bánh ướt mang về, làm chén mắm nêm hay chén
xì dầu với chanh đường ớt tỏi, đơn giản là lấy bánh chấm vào mà "xực phàn",
thêm chén trà ướp sói nóng nữa, thế là xong phần "điểm tâm thịnh soạn"
của con nhà miệt vườn. Còn khá hơn chút nữa thì chiều hôm trước ghé nhà bà làm
bánh bèo, bánh hỏi mua ít tôm chấy hay nhưn đậu xanh (mua ít thôi chứ nhiều là
không có đủ tiền trả), cất kỹ, để sáng mai có mà rắc lên bánh ướt ăn cho nó
sang như hàng "trưởng giả nhà nông". Bánh ướt ở làng tui thường là chỉ
như vậy thôi.
Sau
này lớn lên tui có dịp ghé vài nơi xa nhà thì mới biết là bánh ướt ở mỗi nơi làm
có khác đi, bánh thì cũng thế, cũng từ bột gạo đun chín mà ra nhưng kích thước
và độ dày có khác đi, có thêm phần bổ sung như chả lụa, thịt bằm, bánh tôm...
Ghé Thành ở Nha Trang mà ăn bánh ướt mắm nêm thì phải là 30 cái mới bằng 3 cái ở
quê tui, tráng cái bánh mỏng như tờ giấy vở, đường kính hơn tấc rưỡi, vậy mà nó
ngon hết phản! Rồi vào nam thì tui được ăn bánh ướt họ làm xong cuộn tròn lại có
thêm thịt bằm ở trong và tôm chấy rắc lên, thêm vài miếng chả lụa...
Và ở nơi
tui đang cư ngụ, thành phố San Jose, Hoa Kỳ, tui được thưởng thức thêm các món
bánh ướt độc đáo của quán Tây Hồ, bánh ướt tôm chấy chả lụa bánh tôm, bánh ướt
nhưn thịt thêm hành phi bánh tôm... kèm theo mấy củ kiệu chua nữa chứ! đủ kiểu
hết... đúng là không no không "dìa". Còn buồn buồn thì ra mấy lò bánh
ướt người Việt Nam mua vài ký, bánh ướt trơn hay bánh ướt tôm chấy (có kèm nước
mắm pha sẵn), thêm vài cây chả lụa, mớ giá sống, vài trái dưa leo, bó rau ngò, đem
về "tự biên tự diễn" cho cả nhà cùng ăn, cũng ngon ra phết mà lại tiết
kiệm được mớ tiền.
Đi
nhiều nơi, thưởng thức đủ loại bánh ướt các miền, ở tiệm có, ở nhà bạn bè có...
ngon lắm chứ! nhưng từ dạo xa quê tui chưa được ăn lại món bánh ướt dân giã nơi
làng mình lần nào cả. Ở đây hẳn là không có vì họ làm bánh ướt theo kiểu truyền
thống của họ, bánh trông "sang" và hấp dẫn... Nhưng sao giờ đây tui lại
nhớ da diết đến cái bánh ướt quê mình như thế! Có lúc tui nói chuyện về bánh ướt
quê tui, mấy đứa con nghe vậy chứ tụi nó chưa tưởng tượng được cái tiến trình để
có cái bánh ướt đó ra làm sao.
Vài
lần về thăm lại quê nhà, mong ăn được cái bánh ướt như ngày cũ, mong được nuốt
vào lòng những hương vị đúng thật cái chân chất của quê hương, đã từng cho tôi
một khoảng đời đã sống gắn liền với quê cha đất tổ, vô vàn yêu thương dưới trời
tự do dù trong khói lửa khốc liệt của chiến tranh; nhưng những lò bánh tráng
quanh xóm không còn nữa, đã từ lâu, họ tìm đường khác làm ăn, chứ làm bánh kiểu
như ngày xưa chắc giờ sống không nổi?
Chuyện
bánh ướt ở xóm tui gần như chỉ còn là kỷ niệm! "những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ"!?(Vũ Đình Liên)
(Trần
Hoàng Phước Hậu - Tháng tư 2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét