Được tin buồn cô Hoàng Thị Diệm Phương (nữ sĩ Hoàng Hương Trang) cựu giáo sư trường trung học Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên qua đời. Đồng môn Phan Ngọc Giang tưởng nhớ đến công ơn dạy dỗ của người thầy kính mến. Anh ghi lại "những cảm nghĩ còn canh cánh bên lòng".
Xin chia sẻ đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu.
Trân trọng
NHHN
NHỚ CÔ PHƯƠNG
Phan Ngọc Giang
Lâu rồi không có dịp trải lòng cùng các huynh đệ tỷ muội, chiều nay, mở máy tính thấy một tin ngắn, bàng hoàng viết vội mấy hàng cùng chư vị.
Cô Phương, nữ sĩ Hoàng Hương Trang đã ra đi.
Một người thầy, một cô giáo đã ra đi. Đã có nhiều đồng
môn và thầy cô khác đã có lời ca ngợi và tôn vinh, nên tôi không cần phải viết
gì thêm nữa, nhưng với cô Phương, mình có vài suy nghĩ còn canh cánh bên lòng nên viết ra
đây vài cảm nghĩ gởi trong phạm vi hẹp.
Thời tụi mình học đệ ngũ, đệ tứ cô Phương về dạy trường
Nguyễn Huệ thì quả thật là một đóa hồng lạc giữa rừng gươm, giữa những ông giáo
khắt khe: thầy Toản dáng người cao dong dỏng, với bàn tay sắt, lúc nào cũng lăm
le giáng vào đầu những bạn nào sơ ý, lôi
thôi trong y phục, giày giép hình như lúc nào mắng học sinh cũng chỉ một câu ngắn
“thằng khỉ kia lại đây“ và tiếp theo
là một tát tai như trời giáng, Thầy Gạch
mặt thiết diện phán quan, ít có học sinh nào muốn gần gũi, dù trong thâm tâm thầy
chỉ muốn giữ một quan niệm nghiêm khắc về giáo dục,”Giáo bất nghiêm sư chi nọa, phải dữ dằn nghiêm khắc với chúng mày
chúng mày mới nên người”.
Cũng còn một
vị thầy khả kính tài năng dạy toán - không cần nhắc tên mọi người đều biết - mà
cách thức ứng xử thật là “ văn”- (đối chọi với võ) để xử phạt các học sinh lôi
thôi: bạn nào nhảy cửa sổ trốn học cho 1 điểm
(điểm trên 20), mất giày, giép trong lớp học được lãnh 2 hoặc 3 điểm, đi
học mà quên tập vở cũng 2, 3 điểm gì đó v.v..., thầy ứng xử thật ngắn gọn mà
hiệu quả, không phí nhiều lời, chỉ cần
đánh đồng học lực với tư cách là đủ, ngắn gọn chẳng phải là tiêu chuẩn của văn
chương lẫn toán học hay sao?. Vị thầy hồi ấy có nghĩ ra lý thuyết ”hiện sinh tử”, không biết lâu nay thầy
có đào sâu thêm về thuyết này, riêng
thuyết này đã giúp ích tôi rất nhiều khi học về kỹ thuật phân kênh thời
gian trong truyền tin TDM (time division multiplex).
Có rất ít thầy giáo giám cởi mở hào hiệp như Thầy
Bình dạy Lý Hóa hay thầy Đằng đẹp trai, mãi về sau mới có vài vị tốt nghiệp từ
Saigon hoặc từ Huế về dạy, lúc ấy bọn mình cũng vừa lớn lên, gặp những ông giáo
trẻ đầy lương tâm và cởi mở, thầy trò mới thân mật, gần gũi hơn, những thầy ấy
chắc đã để lại trong trong chúng ta những hình ảnh tốt đẹp khó phai, mà kết quả
học tập cũng khả quan: thầy Trương Tấn Lực, Từ Hữu Đán, Nguyễn Xuân Thu v.v.
Nhắc lại những kỷ niệm về những lão sư khó tính này,
tôi không hề oán trách mà chỉ muốn nêu ra như những kỷ niệm gợi nhớ, vả lại một
cái tát tai thì có nghĩa gì so với những điều huấn nhục trong các quân trường
mà đa số huynh đệ ở đây cũng đã trải qua, vả lại một chút ít roi vọt để dẫn đắt
đệ tử đi về chánh đạo, chớ có chạy theo làm đệ tử của ma quỷ thì nên lắm chứ, học
trò thời nào củng chỉ đứng sau ma với quỷ thôi mà, vả lại môt tát tai để khi rời
ngôi trường có thêm kỷ niệm, có thêm dĩ vãng ấy mà.
Giữa sân trường Nguyễn Huệ khô cằn buổi ấy thì hình ảnh
cô Phương bước vào trường quả đã làm thay đổi không khí, cảnh quang của sân trường
tưng bừng, tươi tắn hơn,
những giờ học
vẽ với cô Phương, vì là môn nhiệm ý, bọn mình học hành nhẹ nhàng như những giờ
giải trí sau những giờ học toán nặng đầu
hay những giờ lý hóa mệt óc. Tuy thời gian học ngắn ngủi nhưng cô cũng truyền đạt
cho chúng mình một ít kiến thức và kỹ thuật cơ bản về hội họa, dạy một môn nghệ
thuật mà phải giữ gìn giữa tính hàn lâm,
mô phạm và phóng khoáng của nghệ sĩ thì quả là khó khăn, cô chưa giám đưa
ra phổ biến những trào lưu hội họa mới
khó hiểu mà chỉ gò trong những kỹ thuật viễn cận, cách thức tô bóng và ánh sáng
theo chương trình.
Cô nhắc lại những nét tỉ mỉ cần có trong hội hoa như
những kỹ thuật điêu khắc trên một tác phẩm chỉ nhỏ bằng hạt thóc của “xính xáng” Đới Ngoạn Quân, mà cô được truyền thụ hay những nét yêu kiều và đầy huyền
thoại của bức tranh Lajoconde của Léonard.de Vinci, điều này đã gây ấn tượng
sâu sắc lâu dài trong tôi, một hôm đi dạo trên đường phố Saigon nhìn vào phòng
vẽ của một họa sĩ thấy có bức Lajoconde thầm nhớ lại những buổi học vẽ với cô
Phương hồi đệ tứ, về nhà mở mạng internet xem lại bức Lajoconde thật giả trên
khắp thế giới lòng thấy nao nao khó diễn tả nhìn thiên hạ sao chép nhiều quá, các
họa sĩ lại phóng tác lại bức này theo mọi khuynh hướng khác nhau từ cổ điển, hiện
thực đến lập thể và trào lộng thầm nghĩ sao mình không vẽ một bức. Sau hai
tháng miệt mài tôi cố chép lại bức Lajoconde nhưng chưa bao giờ thực hiện được
nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa (người phàm như chúng mình khó bắt chước được
thiên tài là chỗ đó nhưng rồi sau khi vẽ xong cũng có cảm hứng viết ra được 4
câu thơ con cóc: ánh mắt Tây phương chẳng
gợn sầu, môi hàm tiếu gợi nét Tô châu, dư ba chẳng đọng riêng trời Ý, phơ phất
đan thanh rợp địa cầu).
Tranh vẽ của đồng môn Phan Ngọc Giang
Cô Phương đa tài từ hội họa đến văn chương thi, văn
và âm nhạc, nhớ hồi cuối năm học 1963-1964 trường NH có tổ chức môt đêm văn nghệ
để gây quỹ là từ thiện tại rạp Diên Hồng đêm ấy có ban nhạc là những chàng tay
trống tay đờn, một số cây nhà lá vườn học sinh Nguyễn Huệ còn có vài anh học
sinh Cường Để Qui Nhơn – là học trò của thầy Nguyễn Đức Giang - từ Bình Định
vào giúp sức, trong đêm văn nghệ, sau tiếng sáo dặt dìu của thầy Lê Chí Tế là
giọng ngâm thơ của cô Phương, dường như ngâm theo một tuồng tích gì đó trong”sương gió bến Tầm Dương”:
‘Bến
Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh
hơi thu lau lách đìu hiu
Người
xuống ngựa khách dung chèo
Chén
quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty …
{Bạch
cư Dị-tỳ bà hành, Phan Huy Vịnh dịch)
…………………………………………………
“Tư mã chàng ơi…”
Nếu Bạch lạc Thiên - Giang châu tư mã đêm năm xưa đã
rơi lệ ướt đẫm áo xanh (Giang Châu tư mã
thanh sam thấp) bên nàng thương phụ nghệ sĩ già đã tạo nguồn cảm hứng cho
bao nhiêu khách văn chương Việt với Xuân Diệu thổn thức từ
tiếng Nguyệt Cầm “Long lanh đáy sỏi
vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm dương, nhạc nhớ người “mà ray rưt mãi đến “sương bạc làm thinh khuya nín thở, nghe sầu
âm nhạc đến sao Khuê”, Vũ Hoàng Chương phải than thở “niềm nhân thế chua cay người lịch duyệt,tình giang hồ chua
xót lệ Giang
châu”, đến Cung Tiến trong Nguyệt Cầm “Trăng Tầm dương
lung linh bóng sáng, từng thoáng lệ ngân, mà
lòng phân vân cuồng điên nhớ.,....,.
ai nhớ nương tử trong
đêm nao trăng thanh trong lời hát, chết theo nước
xanh”, rồi Dương Thiệu Tước
cũng “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương”, Bùi
Giáng lang thang giữa đôi bờ hư thực đi giữa “mùa xuân phía trước
miên trường phía sau”
cũng có lúc buâng khâng ”hỏi rằng đất trích chiêm bao, sá gì
ngẫu nhĩ mà chào đón nhau “ , và còn nhiều nữa,
thế thì, đêm văn nghệ ở rạp Diên Hồng ấy hẳn cũng có nhiều giọt lệ thầm rơi
theo giọng ngâm thổn thức của cô Phương. Buổi văn nghệ có trình diễn vở kịch
“Nhất Tiếu” mà các diễn viên là các học sinh trong 5 lớp đệ tứ năm ấy, tôi còn
nhớ có Lương văn Phu, Phạm Thăng Bình, Lê Mảy, chị Châu - mà tôi không nhớ rõ họ tên trong vai Bao Tự,
Nguyễn văn Năm, bây giờ là Tiến sĩ luật khoa ở Mỹ mà lâu nay tôi không có tin tức.
Kể ra ở một tỉnh nhỏ có một đêm văn nghệ như vậy ở thời điểm ấy quả là một
thành công lớn.
Hồi năm 2005 một nhóm nhỏ thầy trò Nguyễn Huệ ở Saìgon có một cuộc gặp gỡ tại Thảo Cầm Viên,
cô Phương có hát một bài do cô sáng tác và sau đó cô ngâm bài thơ Hổ Nhớ Rừng của
Thế Lữ (chắc cô thầm nghĩ thầy trò NH lúc này đã cùng một lứa phương trời lận đận như những hùm thiêng khi đã sa cơ rồi).
Những năm cuối thập niên 70 cô Phương có viết vài
truyện ngắn, có truyện đăng trong tạp chí Văn, còn nhớ một truyện là “Vườn Huệ
Trắng”, thời gian ấy khi viết truyện chắc cô Phương cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều
của phong trào văn nghệ hiện sinh, trong truyện có một nhân vật thất tình, nhân
vật ấy sáng tác những bức tranh theo đủ khuynh hướng vừa hiện thực vừa trừu tượng
để gởi gắm điều gì đó với tình nhân rồi tìm đến cái chết để chấm dứt cái phi lý
của cuộc đời, bằng cách phủ đầy hoa huệ trong phòng ngủ, ôi cái chết đầy thơm
tho và đầy nghệ thuật vị nghệ thuật hiện sinh. Đây là con đường ngắn ngủi ngoạn mục để băng qua từ kiếp
phù sinh qua thành Uổng tử đó sao?. Sau này tôi có đọc một
bài thơ cũng của cô Phương với tựa đề Người Quét Phố, bài thơ này mang nhiều
tính hiện thực và như những giọt lệ khóc thầm cho kiếp phù sinh của những kẻ trầm
luân, tôi không nhớ hết bài thơ nhưng hiểu được nội dung nỗi lòng của cô Phương
lúc ấy thật bồ tát mà những giọt lệ thầm
khác gì những giọt nước cành dương làm gì không thấm mát lòng người. Vài tác
phẩm nêu ra đây chưa đủ, và không hề đủ
để tiêu biểu cho toàn bộ sự nghiệp văn chương của cô Phương khá đồ sộ, hơn nữa
đây chỉ là những tác phẩm tôi có dịp đọc qua muốn nêu ra như để gợi lại vài kỷ
niệm và cảm nghĩ.
Giờ này Cô Phương đã thanh thản ra đi chắc phải
thanh thản mới dựng sẵn một tấm bia ở Huế. Thôi hãy để một thiền sư thi sĩ tiễn
cô bằng mấy câu thơ họa là lời thơ có thay thế mấy câu kinh:
Cõi
người có bao nhiêu
Mà
tình người vô lượng
Còn
chi trong giả tưởng
Hay
một vết chim bay (Phạm Thiên Thư)
Bọn
mình hầu hết đã trải qua thời xuân xanh với khoa học toán để chuẩn bị cho nghề
nghiệp, đến thời trung niên đầy biến động cũng phải bôn ba với cuộc sống, ít có
thì giờ với văn chương, cô Phương đa tài, tài từ thi ca văn chương, âm nhạc, hội
họa giờ này đã ra đi, tôi chỉ học được ở
cô một chút ít hội hoa, nguệch ngoạc vài nét chẳng theo trường phái nào cả, nhớ
Cô Phương, xin trình các bạn vài bức xem chơi. Trong bức Núi Nhạn Sông Đà tôi
theo một bức ảnh demo trong trang web Nguyễn Huệ HN, tôi tưởng tượng ra non nước
quê hương mình ở vào thời kỳ chưa có những công trình nhân tạo, còn những chiếc
thuyền buồm ngược dòng, theo mùa gió nồm v.v…
Tranh vẽ của đồng môn Phan Ngọc Giang
Ở giữa tôi có thêm hình ảnh của của một ốc đảo, ốc đảo có thêm vào cũng không mất đi tính hiện thực bởi chuyện biến đổi dâu bể của thời gian, của giòng đời có như không dẫu hai ngọn núi gần có vẻ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt (thanh sơn y cựu tại, kỷ độ tịch dương hồng). Trên không cũng có vài chú mòng biển dương cánh bay về núi nhạn. Thời đi học tôi còn biết nhiều anh em huynh đệ ở đây nhiều tài năng hơn tôi về mọi mặt, cũng nhờ nghệ thuật giúp ta thư giãn ít nhiều và cũng vơi đi phần nào của nhân sinh hệ lụy, không phải Victor Hugo đã từng dạy “ton art purifie ton âme”. Cũng mong các bạn hiền mình có thì giờ xin chỉ giáo.
Tôi cũng gởi
theo đây một tấm ảnh của thầy trò NH tại Saigon
hồi 2005.
-
Hàng ngồi: từ bên phải sang: Gs Tùng (dạy lý hóa), Gs Trần Xuân Phúc, Gs Nguyễn
Đình Hối , Gs Thơ (giám thị, dạy Anh văn), Gs Nguyễn văn Chút (mang kính râm),
cô Phương (hội hoạ), kế đến 3 giáo sư mới dạy sau này tôi không biết tên ,ngồi
sát góc trái là Gs Nguyễn Đình Quỹ.
-
Hàng đứng, từ trái sang: Đào Tấn Hoan, Huỳnh Thiên Lộc (học sau lứa bọn mình 4
năm), Phan Ngọc Giang, Lương Công Tổng (sau 2 năm) v,v…, mang kính đen là Đinh
Hồng Hạnh (sau 2 năm), gần giữa tấm ảnh là hai chị em Thanh Hà, Vân Phượng, cô
mặc áo đỏ tôi khg quen, kế đến là cặp vợ chồng Nguyễn Hữu Lệ-Ngọc Anh, Trần Đại (tiệm may Trần Quảng), kế đến một chị
mà tôi khg biết tên, tiếp theo là Nguyễn thị Bích Ngọc, Lê Văn Cử (trước tụi
mình 2 năm, anh của L.V. Trường), cuối hàng
bên phải là Nguyễn Đình Mính (sau tụi mình 3 năm, em của NG. Đình Công, Nguyễn
Đình Quang), áo xanh đứng kế Mính là Đặng Như Đồng (sau 4 năm, là em của Đặng Như Thường, cái tên
ghép với một giai thoại nổi tiếng chắc ai cũng biết còn Đặng Như Ích, em của Thường đã mất cách đây 3
năm).
-
Hàng sau: từ trái qua, đứng sau ngươi mang kính đen Đinh Hồng Hạnh là GS Định,
dạy toán, chơi guitare classique rất hay, giữa tấm ảnh, người hơi nghiêng đầu
là GS Hiệp (dạy sử đia), sau lưng người mặc áo đỏ là “sư hữu Lê Ngọc Hối”, tiếp
theo là hai anh học trước 2 lớp (anh đứng bên phải là Phan đình Trọng).
-
Hai người đứng sau cùng là Gs Dương Đình Đống và Trần Việt .
còn
một người nữa: Gs Lâm Thành Bích (dạy toán năm đệ tứ) là người cầm máy ảnh nên
không có trong ảnh).
Xin chúc mọi người bình an, vạn phúc.
Phan Ngọc Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét