Dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan tràn trên khắp địa cầu, chưa có dấu hiệu dừng lại làm cho nhân loại điêu đứng, lo âu, hoảng sợ. Để chia sẻ nỗi thương đau, mất mát to lớn này, CHS Nguyễn Huệ Lê Mỹ Hoa đã gửi gấm tâm tư tình cảm của mình trong bài BÃO DỊCH. Xin chia sẻ với quý Thầy Cô và quý Anh Chị.
Trân trọng
NHHN
BÃO DỊCH
Lê Mỹ Hoa
Đại dịch đã đi qua địa cầu như một trận hồng thủy, cái tên không còn xa lạ với hai trăm quốc gia trên thế giới, không những thế Virus Covid 19 như một tên sát nhân khổng lồ.
Đi tới đâu tai họa khôn lường đến đó, người chết như lá rụng không phải bởi mùa thu.
Một đề tài quá nóng bỏng trên trang mạng, một người thích viết như tôi hình như khô cạn cả cảm xúc, ngày nào cũng theo dõi. Số người chết cứ gia tăng chóng mặt, mọi công ăn việc làm đình trệ, học sinh, sinh viên rời khỏi ghế nhà trường, khó khăn cho cả thế giới này. Tâm hồn mình cũng cằn cỗi theo chuyện chết chóc.
Ban đầu một vài người làm lây lan, cộng đồng còn phẫn nộ vì quá mơ ước dịch đừng đến, nhưng khi cả thế giới bùng nổ, thì một vài cá nhân lay động cuộc sống không còn là chuyện lớn rồi.
Ban đầu một vài người làm lây lan, cộng đồng còn phẫn nộ vì quá mơ ước dịch đừng đến, nhưng khi cả thế giới bùng nổ, thì một vài cá nhân lay động cuộc sống không còn là chuyện lớn rồi.
Chưa bao giờ mọi người trên trái đất cùng chung một mơ ước, sau một đêm dài thức dậy địa cầu hết dịch, hai từ ấy ngắn quá, nhưng con đường để làm được sao gian nan, vất vả, phải đổi lấy bao nhiêu con người đã nằm xuống, dịch vẫn chưa buông.
Không kịp để tang cho những người đã chết, chết không chia tay, không gặp người thân để nói những lời trăn trối từ biệt, chết trong cô đơn, chết thầm lặng, cái chết không hề được báo trước. Không một cành hoa trên mộ người.
Ngọn gió tử thần đến là ra đi, hỏi ai không buồn, không lo lắng, suy tư....
Một mình tôi bình yên chưa đủ, nơi tôi sống không dịch không có nghĩa tôi sẽ vui.
Tôi cũng như mọi người đang mang trong mình một nỗi buồn xâm chiếm, mỗi sớm mai thức dậy chỉ thấy những con số xót xa, đau buồn, vành tang trắng cho trái đất.
Biết bao nhiêu bác sĩ tài giỏi đã ra đi, một chút lo lắng cho người thân đã xả mình trong trận chiến chưa có hồi kết thúc. Biết bao nhiêu linh mục đem bình yên đến cho đời đã hy sinh.
Mọi người thân và bạn bè của tôi khắp nơi bình an, tôi đã có ba mươi ngày êm ả, trong hai tháng dịch âm thầm nhưng vô cùng chết chóc ở tháng ba.
Con số tổn thương những nước văn minh quá lớn, vì tự lâu đời vốn dĩ họ sống rất tự do trong suy nghĩ trong hành động, không phải lo lắng một điều gì quá xa.
Họ cũng khó thích nghi với cái khẩu trang che mũi miệng, che mất sự tự do khi được hít thở bầu không khí trong lành nơi họ đang sống.
Nói chi đến vấn đề đi lại, một nhu cầu cần thiết khi phải đi đây đi đó, du lịch, hưởng thụ đến những nơi con người cảm thấy thoải mái, an yên.
Đó là lý do các nhà lãnh đạo không thể trong phút chốc làm thay đổi được lối sống gò bó, ẩn mình tuyệt đối để cơn dịch đi qua, và mất mát đã để lại vết thương dài từng ngày tháng.
Đất nước tôi đã trãi qua nhiều thăng trầm, từ ngàn xưa dịch, giặc có đủ. Thiên tai, đại họa có thừa, nên con người luôn đứng trước thử thách.
Mùa mưa chưa đến lo lũ, lụt, bão tố. Trời nắng to đã lo hạn hán. Cái ăn cái để dành. Người VN có ở đâu vẫn cứ lo xa nằm trong gốc rễ, giặc giã triền miên, bây giờ dịch đến mọi người như đã sẵn sàng, nhà nào cũng đầy ắp gạo cơm mắm muối, không phải chen lấn đi mua trong tâm dịch.
Không khó để hiểu khi người dân rất đồng lòng với những gì chính phủ ban ra, và ý thức hơn thế nữa, nhưng đã là xã hội thì ở đâu cũng có những con người ngoại lệ.
Cách đây cả tháng những ngày lang thang ở siêu thị tôi cũng đã lo cho gia đình, mua đủ những gì cần thiết. Mỗi khi cầm đến khẩu trang, tôi cũng nghĩ đến người khác chỉ mua cho mỗi người vài cái còn để dành cho những người đến sau, không nhất thiết phải mua nhiều.
Khi dịch bệnh bùng phát ở một đất nước còn nghèo, thiếu thốn mọi thứ là điều không nhỏ.
Nước rửa tay cũng thế, giá rất rẻ, không hạn chế mua bao nhiêu, nhưng trong tôi cũng vẫn nghĩ còn người khác chỉ lấy vừa đủ dùng. Ai cũng mua thật nhiều để dành cho mình, chỉ vài người là hết hàng.
Vài ngày sau đi qua quầy gel đã hết nhẵn, tôi rất vui vì mình đã không lấy nhiều và ai cũng có mua để ngăn ngừa dịch bệnh, lòng ích kỷ trong hoạn nạn là không đúng.
Mọi người thiếu thốn vật chất phòng vệ, dịch sẽ lây lan rộng lớn rồi chết nhiều, chắc gì mình đã sống, và sống chắc gì đã vui.
Cùng đồng cảm, cùng chia sẻ với nhau, đất nước sẽ đi qua bão bùng, giông tố.
Rất ngưỡng mộ và quý mến những tấm lòng vàng trên thế giới đã cống hiến, hy sinh rất nhiều cho đại dịch.
Không ngần ngại đã bỏ một khoản tiền lớn để mua hết dụng cụ y tế tặng bệnh viện, tại Massachuttes nước Mỹ, người gốc Việt.
Một cụ bà trong nước tuổi đã cao, tài sản không có gì và nói khi chết cũng chẳng mang theo, sẵn sàng tặng đôi bông tai vàng và một số tiền nhỏ tiết kiệm được trong những năm tháng qua, thêm vào để hổ trợ kinh phí phòng dịch cho địa phương.
Thật quý giá những món quà chân chất, thể hiện cả tấm lòng trước dịch bệnh không chừa một ai.
Và rất rất nhiều việc thiện nguyện những người đất nước tôi đã làm được, từng gói mì tôm, những ổ bánh mì, gạo, trứng, nước uống, những hộp cơm, tất cả đều muốn góp tay đẩy lùi dịch bệnh, trả lại bình yên cho cuộc sống, cho mọi người trở về với đời sống bình dị.
Còn mình thì sao???
Hãy đóng góp ý thức thật cao để con số dừng lại, hãy quên đi những bực bội khi phải ở mãi trong nhà, hãy quên nhiều thứ mà bạn đang muốn ra đường.
Người người tặng cả tấm lòng, còn mình chỉ cần ở nhà là đã chung tay đóng góp.
Tôi vẫn tâm niệm thế, và nhốt mình trong không gian nhỏ hẹp, có tên gọi là Ngôi Nhà.
Và ước nguyện lớn lao mong mỏi toàn cầu không còn dịch bệnh, như một phép nhiệm mầu, ngày mai trời lại sáng, mọi nỗi lo âu đều tan biến.
Trái đất như sau một cơn mê dài tăm tối đã bừng tĩnh, người người yên vui, với công việc, với cuộc sống tươi đẹp mà tạo hoá đã ban tặng.
Không biết ước mơ của tôi quá lớn lao không?
Tôi muốn chạy ra biển để khấn nguyện, nhưng sợ một bước chân của tôi rồi hằng ngàn bước chân cũng muốn ra đường như tôi.
Ôi! đại họa khi dòng người vô tình, đằng sau đám đông là cái chết không nhỏ.
Nhiều bài học cay đắng trong hai tháng qua, đã để lại lịch sử không hề phôi pha.
Bão dịch một nỗi buồn không của riêng ai , ở nhà là yêu nhân loại và yêu chính bản thân mình.
Lê Mỹ Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét