Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Lo Xa

GIỚI THIỆU
Dịch cúm Coronavirus Vũ Hán gây tang tóc, đau thương cho biết bao gia đình trên khắp địa cầu. Không những thế, còn ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống của mọi người. Nhiều người "Lo Xa" giành nhau mua hàng chất đầy vào kho tạo nên cảnh "giở khóc giở cười".
Xin mời quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu thưởng thức truyện ngắn LO XA, của CHSLTPY Lê Đức Luận.
Trân trọng
NHHN


Nhiều người đổ tới siêu thị Costco để mua hàng tích trữ. Ảnh: Reuters.

LO XA
Lê Đức Luận

Gia đình ông Sáu Hộ dọn vào khu housing ở đường Westminster, CA, khá lâu - xem như “lão làng”. Ai cũng quí mến cách ăn ở, đối xử của gia đình ông với hàng xóm láng giềng: cởi mở, thân thiện… Con cái lễ phép, chăm chỉ học hành.

Từ ngày mấy đứa con ra trường, có việc làm tốt – nhà cao cửa rộng, mời ông bà về ở chung. Nhưng ông bà vẫn tiếp tục ở lại với căn housing này. Ông Sáu Hộ thường nhắc lại câu người ta hay nói: “ Nhà của cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà của con không phải nhà của cha mẹ - ở chung với con trai thì ngại con dâu, ở với con gái thì ngại thằng rể.” Ông tự an ủi: vợ chồng già ở riêng cho được tự do, thoải mái – không làm phiền đến con cái mà mình cũng ít bận tâm. Rồi ông kết luận: Được thế này là hạnh phúc lắm rồi… Xin cảm ơn nước Mỹ.

Những ngày đầu định cư ở vùng đất mới, California – khí hậu ấm áp quanh năm. Cộng đồng người Việt ở đây cũng thắm đượm tình quê. Ông Sáu Hộ cảm thấy vui. Đất lành chim đậu. Ông tìm được việc cắt chỉ, xếp quần áo trong một công ty may mặc, tiền công mỗi ngày vài ba chục đô. Bà Sáu cũng tìm được một chân thợ may, cùng hãng, tiền công của bà tùy theo năng suất. Bà còn lãnh đồ may thêm ở nhà vào buổi tối - bà làm ra tiền nhiều hơn ông. Số tiền kiếm được, tuy ít ỏi so với những người khác, nhưng ông bà an phận với khả năng và tuổi tác của mình. Điều an ủi là dù không dư giả, nhưng  đủ chu cấp cho con cái an tâm học hành thành đạt.

Mỗi buổi sáng, dù mưa hay nắng, dù lạnh hay ấm… vợ chồng già vẫn đến trạm xe bus trên đường Westminster - rất đúng giờ. Bà vợ đeo túi vải đựng hai hộp cơm, ông chồng mang theo hai bình thủy: một bình trà, một bình cà phê. Họ hủ hỉ bên nhau như đôi tình nhân, và đều đặn như thế suốt mấy năm liền. Đến khi ông Sáu mua được chiếc xe Toyota, tuy cũ nhưng còn chạy êm… người ta thấy hai ông bà quấn quít bên nhau như hình với bóng – ông lái xe, bà ngồi ghế bên. Ít khi thấy ông Sáu Hộ lái xe ra ngoài một mình.

Mấy năm gần đây, ông bà về hưu. Cuộc sống ung dung, chừng mực, đằm thắm của hai ông bà làm nhiều người ngưỡng mộ: Buổi sáng tay trong tay dẫn nhau đi bộ trong công viên. Buổi chiều ông lái xe đưa bà đến phòng tập thể dục (Gym),  rồi hai ông bà cùng đến trường đón thằng cháu nội. Ở nhà: bà nấu cơm, ông rửa chén. Ông chăm sóc cây cảnh, thì bà lau dọn nhà cửa. Công việc phân công đề huề, vui vẻ, không có cảnh “chồng chúa vợ tôi”… Chưa thấy ông bà lớn tiếng với nhau bao giờ. Những bà già trong xóm bảo: “ Bà Sáu kiếp trước khéo tu, gặp được ông chồng hiền khô, lại khéo chiều vợ.”

Người quanh xóm thường gọi ông là ông Sáu Hộ - Nhưng ít ai biết lai lịch của ông. Ông không khoe khoang về quá khứ lẫy lừng, cũng không than vãn những gian truân đã trải qua trong đời. Nhưng tôi biết cuộc đời của ông có một thời “oai phong lẫm lẫm” với nhiều giai thoại - kể nghe như chuyện cổ tích: Ông sinh ra ở một làng quê nghèo khó miền Trung, mồ côi mẹ rất sớm; cha ông làm nghề tiều phu, ở vậy nuôi con. Núi rừng đã ấp ủ nuôi dưỡng ông từ tấm bé. Năm lên mười sáu, ông bỏ làng vào Sài Gòn làm phụ hồ kiếm sống qua ngày. Lớn lên, nhờ cái mã cao lớn, đẹp trai với cái đầu thông minh, quyền biến lần hồi ông trở thành tay thầu khoán thượng thặng. Trước năm 1975, ông là một nhà thầu khá tiếng tăm ở Sài Gòn - giàu có và rất nhiều thế lực. Sau khi Việt Cộng chiếm trọn Miền Nam, ông nghe lời hứa hẹn của “cách mạng”: ở lại để cùng nhau xây dựng đất nước.  Nhưng sau đó không lâu, tôi hay tin ông bị đánh tư sản - mất sạch! Chính quyền “cách mạng” ban cho ông một ân huệ: “ Không bị đưa vào trại Tập trung Cải tạo, nhưng phải đi Kinh tế mới”.

Sau biến cố 30-4-75, tôi vào tù. Và được tin ông đi kinh tế mới ở vùng Long Khánh. Năm 1982, tôi được thả. Lúc ấy những người tù cải tạo được thả về, nếu không đi kinh tế mới mà bám trụ ở Sài Gòn, thì quanh quẩn mấy “nghề” kiếm sống: Đạp xích lô, đẩy xe ba gác, vá ruột xe đạp, đi bán than dạo, đứng chợ trời… Tôi chọn “nghề” bán than.

Một hôm, tôi đang cong lưng đẩy chiếc xe ba gác chở than đi bán dạo trên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng. Bỗng một ông đi xe Vespa, ép vào hỏi:

- Than bán bao nhiêu một ký vậy anh?
- Mua 20 ký trở xuống, giá 3 đồng rưỡi. Trên 20 ký giá 3 đồng.
- Tôi mua hết cả xe, anh có bớt không?
- Bớt chút đỉnh, chứ giá vốn đã hơn 2 đồng rưỡi.
- Vậy anh đẩy xe đến tiệm bánh cuốn đằng kia, tôi chờ anh ở đó, tôi mua cả xe.

Ông ta lái xe đến trước, đứng chờ. Tôi hì hục đẩy xe than mà lòng cứ uất lên vì nghe thằng cha mua than nói giọng bắc kỳ 75 (ông ta giả giọng). Đến nơi, tôi đẩy xe lên lề đường, đưa tay áo lau mồ hôi trán. Bỗng ông ta quay ra sau lưng ôm chặt, nói giọng Phú Yên: “ Sao mà khổ dầy nè…” Tôi ngoái lại… Ông lấy chiếc mũ lưỡi trai xuống, để lộ cái trán hói, miệng cười mếu xệch, hỏi: “ Có biết ai đây hông?” “Anh!” Tôi nghẹn ngào, rồi nước mắt trào ra… Nước mắt của ông cũng đang nhỏ xuống vai tôi…

Qua phút xúc động, chúng tôi vào quán bánh cuốn, ngồi xuống chiếc bàn nhỏ trong góc, ông bắt đầu kề lại những ngày gian truân sau năm 1975 và công việc làm ăn hiện tại. Chúng tôi nhắc lại kỷ niệm những ngày sống bên nhau ở Sài Gòn trước 1975 và hỏi thăm những người cùng quê: ai còn, ai mất…

Sau cùng, ông nắm tay tôi, ân cần, bảo: 
- Chú nên mở vựa than bán sỉ, chứ đi bán lẻ như dầy (vầy) kiếm được bao nhiêu.
- Anh nói như chơi! Vốn liếng đâu mà mở vựa than – Bán dạo cò con mà còn mượn “đầu heo nấu cháo”: Buổi sáng đi thuê chiếc xe ba gác 50 đồng, đến vựa than lấy vài trăm ký đi bán dạo, chiều về mới thanh toán tiền xe, tiền than cho chủ…
- Biết cách “ mượn đầu heo nấu cháo” là tốt rồi. Nên nhớ nhiều người trở nên giàu có nhờ biết cách “muợn đầu heo nấu cháo” đấy – Ngày mai lên Long Khánh xem cách làm ăn của tôi, rồi cùng tính chuyện làm ăn cho chú.  

Trước khi chia tay, ông chỉ đường đến nhà ở Long Khánh. Ông dúi vào túi tôi xấp tiền, bảo: “Bao nhiêu đó có thể nghỉ xả hơi một tuần. Chút nữa chú cân than bán cho bà chủ quán bánh cuốn, bả chịu giá 3 đồng rưỡi.” Ông siết tay tôi, khuyến khích: “Sông có khúc, người có lúc – Cơ thường Đông hết hẳn sang Xuân chú ạ”.

Sáng hôm sau tôi ra ngã ba Hàng Xanh đón chuyến xe đò đi Long Khánh. Leo lên chiếc xe Renault hoán cải từ chạy xăng sang chạy than, tôi đã thấy không an lòng, nhưng không còn chọn lựa nào khác. Trên lộ trình, anh lơ ngồi phía sau thùng xe, cầm que sắt, thỉnh thoản khơi lò than gắn phía sau xe làm những cục than hồng lai rai rơi xuống mặt đường nhựa, tưởng chừng có thể gây ra hỏa hoạn nhưng chẳng ai quan tâm. Mỗi lần xe lên dốc, tiếng máy ọc ạch như muốn đứt hơi, anh lơ hô: “ Xuống! Xuống!... Đẩy!” Hành khách nhanh chóng xuống xe phụ đẩy… Qua khỏi dốc lại lên xe – bình thản! Chẳng ai tỏ vẻ khó chịu, phàn nàn … Có lẽ họ đã quen cái cảnh này. Đến nơi, mặt mày anh lơ lọ lem; hành khách cũng không sạch sẽ hơn anh lơ bao nhiêu: quần áo, mặt mày bám đầy tro than, khói bụi…

Từ bến xe, theo lộ trình chỉ dẫn, tôi đi bộ trên con đường đất đỏ gồ ghề gần năm cây số mới thấy thấp thoáng cái chòi ở bìa rừng. Dưới cơn nắng gay gắt của buổi trưa hè, không một làn gió thoảng, những hàng cây bên đường im phăng phắc. Tôi khát nước và mệt đến lả người… nhưng cố gắng lê bước, rồi cũng đến nơi.

Vừa thấy tôi, ông vội vàng ra khỏi chòi, niềm nỡ: “Mệt hông? Hôm nay nắng gắt quá! Vào đây uống nước nghỉ ngơi một chặp, dịu nắng tui đưa chú vào rừng xem cách đốt than, làm củi.”

Trong căn lều nhỏ, ông bắt đầu kể việc kinh doanh “ than củi” : “ Ngày họ bắt tôi ra khỏi thành phố, tôi nghĩ ngay đến nghề ‘tiều phu’, cái nghề cha tôi đã kiếm sống và nuôi dưỡng tui từ tấm bé. Cho nên tui chọn đến nơi núi rừng này là vậy. Tui thấy trước: chất đốt là nhu cầu cần thiết cho dân thành phố chỉ sau gạo và muối. Thế là tui làm thêm nghề đốt than. Nay tui có sáu lò than đang hoạt động và trên hai mươi người giúp việc. Ở đời hơn nhau ở chổ là biết vận dụng thời cơ và  nhẫn nại kiên trì thôi chú ạ”.

Nắng chiều đổ nghiêng sườn núi, trên con đường rừng dẫn đến lò than, rợp mát bóng cây, vài tiếng chim ca như chào đón. Tôi thả hồn tận hưởng những giờ phút thảnh thơi. Đến nơi, trông thấy những người thợ đang lúi húi xếp củi vào lò. Khi ông đến gần, họ ngừng tay, ngẩng lên, đồng loạt nói “Chào Ông Sáu”. Ông thân mật: “Chào anh em – Hôm nay trời tốt, than ra lò sẽ ‘mượt’ lắm đấy”. Lúc ấy tôi thấy ông “oai phong” như một ông Tư lịnh đến thăm đơn vị. Ông quay sang tôi: “Tui sẽ giúp chú mở một vựa than ở trên Thành phố - bán sỉ - mỗi ký chú kiếm một đồng. Bán càng nhiều chú càng khá. Kiếm được nhiều mối tiêu thụ thì chú rủng rỉnh. Điều đó tùy thuộc vào cái tài giao dịch của chú.

Tối hôm đó, ông đưa tôi về căn nhà khá khang trang gần thị xã Long Khánh. Ở đó sáu người đàn bà đang bận tay sửa soạn bữa cơm chiều, nói cho đúng là một bữa tiệc - kẻ rửa rau, người lau bát, người xào, kẻ nấu xem ra bận rộn và rôm rả chuyện trò… Khi ông xuất hiện, các bà ngừng tay, ngẩng lên, âu yếm nhìn ông, tranh nhau vấn an sức khỏe. Bà này hỏi: “Anh khỏe hông?” Bà kia hỏi: “Mệt hông? Trông bộ đừ bân à…” Ông chỉ cười cười chẳng trả lời bà nào, rồi quay sang tôi: “Giới thiệu với chú, đây là sáu bà nhà tôi – Tôi theo kiểu ‘cách mạng’, mỗi bà có một bí danh như Hai Xuân, Ba Dế…v…v… nhưng với chú, coi như người nhà, nên đơn giản theo thứ bậc tuổi tác cho dễ nhớ: Đây là Bà Nhất, Bà Hai, Bà Ba, Bà Tư, Bà Năm, Bà Sáu.” Giới thiệu đến bà nào ông đưa tay về phía bà ấy. Các bà ngoan ngoãn cúi chào ông và tôi. Rồi ông vỗ vai tôi, nói: “Đây là chú Năm, người cùng quê, lúc trước ở Sài Gòn thân thiết lắm – Sau năm 75 lưu lạc, mới gặp lại nhau. Hôm nay mời chú đến thăm gia đình chúng ta và chú cũng sẽ hợp tác làm ăn. Các em tự nhiên xem chú như người nhà”. Tôi cúi chào, các bà vỗ tay, đồng thanh hô: chúc mừng… chúc mừng…

Màn giới thiệu này, tôi cứ mang máng thấy ông “oai phong” như một nhân vật nào đó trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, hay trong một tuồng hát bội. Nhưng thực tình, tôi thán phục ông…

Buổi tiệc hôm đó có thêm mấy người đàn ông: anh tài xế, hai người phụ xe (lơ xe), một anh công an (quản lý thị trường). Tất cả đều vui vẻ, ăn uống tận tình. Trông mấy bà vợ của ông, người nào cũng tươi tắn, mơn mởn… Bà Sáu là người trẻ nhất, đoán chừng trên dưới hai lăm. Họ xưng hô: Chị chị… Em em… thân mật và có tôn ti trật tự - cảnh gia đình sao mà đầm ấm... Nhưng quan sát căn nhà chiều ngang bốn mét, chiều dài khoảng mười hai mét này mà chứa tới sáu bà - đêm về chẳng lẽ ổng nằm giữa sáu bà theo kiểu Mao? Còn “chuyện ấy” giải quyết làm sao - chẳng lẽ theo kiểu Vua Minh Mạng? Cái đầu tôi nêu lên thắc mắc…

Giữa bữa tiệc, tôi và anh tài xế ra ngoài hút thuốc, tôi nêu thắc mắc này, hỏi anh tài xế. Anh ta cho biết: “Đâu có ở chung. Mỗi bà ông Sáu cất cho một căn nhà, giống nhau, nhưng ở khác Phường, ông có tên trong 6 tờ hộ khẩu. Bởi vậy, dân ở đây gọi ông là: Ông Sáu Hộ. Còn “chuyện ấy” thì mỗi đêm ông ngủ một nhà - Thứ Hai ngủ nhà Bà Nhứt, cứ thế tiếp tục… đến Thứ Bảy ngủ nhà Bà Sáu. Còn ngày Chủ Nhật ông về Sài Gòn nghỉ xả hơi - Khỏe re như con bò kéo xe!

Tôi mỉn cười, lẩm bẩm: “À ra thế! Cái tên ‘Sáu Hộ’ xem ra còn ‘oai phong’ hơn cái tên ‘nhà thầu khoán NT’ một thời vang bóng ở Sài Gòn.

Ông giúp tôi “rủng rỉnh” một thời gian và cũng giúp cho năm sáu anh bạn tù kiếm sống qua nghề bán than dạo. Đó là một cái ơn. Nhưng tiền là phương tiện - Tự do mới là cứu cánh. Năm 1987, ông dẫn Bà Nhứt với bốn đứa con vượt biên. Mấy năm sau tôi đi HO. Gặp nhau trên vùng nắng ấm Cali, anh em lại có dịp bù khú với nhau. Lợi dụng khi hơi men chếnh choáng, lúc dễ dàng thổ lộ tâm tư, tôi hỏi ông về nghệ thuật tề gia:

- Thường thì có một bà đã khổ: nói không nghe, trị không nổi…Vậy mà hồi đó anh có đến sáu bà, gia đạo vẫn yên ấm, vui vẻ, anh có thể nói cái bí quyết cho anh em học hỏi.
- Đấy! Cái nghĩ của đám đàn ông mình: Một vợ cho được yên thân – không sai, nhưng thiếu hào hứng. Nghe lời tui: Một vợ thì được yên thân – Hai vợ mới được ân cần – Ba vợ thì thấy lâng lâng - Bốn vợ thêm phần phấn chấn – Năm vợ mới thấy khỏe thân – Sáu vợ khỏi phải phân trần… Cứ thế tiếp tục, cuộc đời sẽ lên hương…”
- Nhưng rủi mấy bà hợp lại chống đối thì biết đỡ làm sao? Tôi hỏi.
- Cái này thì phải học theo sách mấy ông Việt cộng: “Tuyên truyền 
 Động viên tinh thần – Phát động phong trào thi đua rầm rộ”. Các bà thi đua với nhau để được chiếu cố.

Tới đây thì tôi không thể nhịn cười, hỏi ông câu đểu:
- Mấy bà cùng thi đua và đòi “chiếu cố” thì chịu sao thấu? Tôi nghe hồi ở Long Khánh, mỗi đêm anh ngủ một nhà, chỉ có giải lao ngày thứ Chú Nhật - Giỏi thật!
- Giỏi gì! Chuyên môn ghi sổ - “nợ” như Chúa Chổm. Bởi vậy khi sang đây, tui có năm cái hộp nhỏ, mỗi ngày bỏ vào mỗi hộp ba đồng, cuối tháng gởi về cho mấy bà còn ở bên nhà, coi như trả nợ… Tui không quên cái nghĩa tào khang.

Từ hôm xảy ra nạn dịch Corona Vũ Hán, anh em không còn được bù khú với nhau. Tôi phone hỏi thăm sức khỏe, giọng ông buồn buồn tâm sự: “Từ ngày sang đây với Bà Nhứt sống với nhau rất hạnh phúc – tâm đầu ý hợp... Thế mà mấy hôm nay, tui với bả xích mích với nhau. Buồn hết sức chú ạ…

- Chuyện gì mà nên nông nỗi như thế? Tôi hỏi.
- Thì cũng do mấy con virus Corona Vũ Hán. Bả đi mấy chợ gom về tích trữ nào là giấy vệ sinh, găng tay, khẩu trang, thực phẩm chất đầy nhà. Tui bảo: “Mình dự trữ vừa phải, còn để cho người khác. Ai cũng tích trữ như thế, thì sinh ra khủng hoảng - người xài không hết, kẻ không có dùng”. Bả nói: “Lo cho phần mình trước – tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Tui kể câu chuyện ở nước Nhật: “Khi dự báo thiên tai sắp đến, người vợ lấy xe đi đổ xăng dự phòng, ông chồng căn dặn chỉ đổ nửa bình. Người vợ ngạc nhiên hỏi lý do. Ông chồng trả lời: Để dành cho người khác” Tinh thần người Nhật là thế, mình nên noi theo. Bả không thấy đó là tinh thần cao thượng mà còn bảo: “Như vậy là thiếu khôn ngoan”.

Tui buồn, nhưng không trách sự ích kỷ của người đàn bà trước đây đã trải qua nhiều gian khổ trong một xã hội bất ổn và nhiều gian trá, nên lo xa mà quên tình đồng loại. Suy cho cùng: Con virus Corona siêu hình, chưa biết do thiên tai hay nhân họa, nó đã đem đến sự khủng hoảng cho con người. Nhưng không biết sự xuất hiện của nó, có phải để nhân loại thức tỉnh trước vấn đề tâm linh và những tiến bộ khoa học kỹ thuật? Và sau trận đại dịch này con người có suy gẫm, xét lại những giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa và kiếp sống mong manh? Biết đâu nó có khả năng khởi đầu cho nhân loại một thời kỳ mới: Tương trợ và hợp tác để cải thiện cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và vạn vật trên quả địa cầu này? – Chú có suy nghĩ như thế không?

LÊ ĐỨC LUẬN
(Tháng 4 – 2020)   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét