Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Một Quãng Đời Ngày Xưa



MỘT QUÃNG ĐỜI NGÀY XƯA
Trần Hoàng Phước Hậu

Một Thời Tiểu Học

Tôi hồi nhỏ ở với ngoại từ khi chập chững biết đi cho đến khi gần bắt đầu đi học thì mới được mẹ đón về. Tôi vào thẳng học lớp năm, không qua mẫu giáo, ngày thi vào lớp năm thầy ra bài: viết ba chữ i, u, ư, tôi trúng tủ, làm được, sau đó không biết sao mà thầy lại đổi đề thi kêu viết o, ô, ơ, tôi không biết, coi như rớt. Rồi thầy cho về.

Tôi lì lắm, không chịu, về méc mẹ, kể rõ sự tình. Thấy Tùng hiệu trưởng, là bạn học của mẹ thời trung học, mẹ dẫn tôi đến gặp thầy và khiếu nại, lúc đó (mẹ tôi kể lại) là tôi chạy vào lớp ngồi lì trong đó không chịu về. Cuối cùng thì thầy Tùng đồng ý ai viết được hoặc i, u, ư hoặc o, ô, ơ, đều đậu. Thế là cuộc hành trình trên hoạn lộ của tôi bắt đầu từ đó...

Năm đầu tiểu học, gọi là lớp năm (lớp một sau này)
Hồi đó tiểu học được xếp như sau:
Lớp năm
Lớp tư
Lớp ba
Lớp nhì
Lớp nhất

Trung học đệ nhất cấp:
Đệ thất
Đệ lục
Đệ ngũ
Đệ tứ (xong đệ tứ thì thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp mới vào được lớp đệ tam)

Trung học đệ nhị cấp:
Đệ tam
Đệ nhị (thi tú tài bán phần, còn gọi là tú tài một, đậu mới được vào đệ nhất)
Đệ nhất (thi tú tài toàn phần, còn gọi là tú tài hai, đậu thì được vào thi đại học)

Đại học, ngoại trừ đại học Khoa học, Luật khoa và Văn khoa, được ghi danh thẳng vào học, không thi. Các ngành khác thì phải thi.

Đến năm tôi đệ lục thì bộ quốc gia giáo dục đổi hệ thống giáo dục theo kiểu mới, từ lớp một đến lớp mười hai một lèo rồi thi tú tài, tồn tại đến bây giờ.

Trở lại thời gian học tiểu học, mỗi ngày đi bộ chừng hơn nửa cây số là tới trường, mỗi sáng mẹ cho một đồng để ăn sáng, tôi nhớ, một ổ bánh mì thịt lúc đó là năm cắc (năm mươi xu). Một ly đá chanh cũng năm cắc.

Xong lớp năm, tôi học đủ điểm để lên lớp tư. Mùa hè đến, mẹ cho đi học hè hai tháng, còn một tháng là chơi rong quanh xóm; đủ trò, đá dế, lấy đất sét ngoài đồng về nặn hình làm đồ chơi...

Vào lớp tư, mẹ may cho quần áo mới, đồng phục là quần soọc xanh và áo trắng. Sáng nào mẹ cũng chải tóc, sửa soạn cho tôi trước khi đến trường, chắc bà lúc nào cũng muốn con trai đầu lòng mình đẹp nhất lớp hay sao ấy?

Cuối năm lớp tư, tôi bất ngờ được phần thưởng, ngày bế giảng tôi âm thầm đến trường một mình, lên lãnh phần thưởng hạng nhì của lớp, mang về, mẹ tôi ngạc nhiên và hỏi: "sao con không cho mẹ biết để mẹ chuẩn bị quần áo mới rồi cùng mẹ đi dự lễ bế giảng?" tôi trả lời: "quần áo cũ mà có phần thưởng là ngon rồi", mẹ tôi cười nhưng có vẻ tiếc lắm, về sau bà hay nhắc tới kỷ niệm này.

Hè năm lớp tư, mẹ cũng bổn cũ soạn lại, cho đi học hè hai tháng, một tháng tự do rong chơi phá làng phá xóm, hái trộm ổi, lên chùa Khánh Sơn hái trộm trái thị (chùa Khánh Sơn là một ngôi chùa lâu năm nằm trên sườn núi Chóp Chài, đường lên chùa là một dốc đá cao vời vợi (nhưng lúc đó còn nhỏ quá nên trên dốc đá hổng có tình cờ quen nàng nào cả).

Hết lớp ba của bắn bi, hái trộm trái cây, thỉnh thoảng có tổ chức chia phe ra đánh nhau, chuẩn bị vào lớp nhì. Hè cũng thế, học hè, rồi rong chơi, nhưng giờ thì lớn một chút, biết tụ tập ca hát... Tôi có hai người dì biết hát, mua nhiều nhạc lắm, nhà ngoại ở gần nên thỉnh thoảng tôi vào ngủ đêm nhà ngoại, dì tập cho hát các bài "nhạc tình kinh khủng" như Đồi Thông Hai Mộ, Ngày Anh Xa Vắng, Chuyện Tình Lan và Điệp, Trăng Tàn Trên hè Phố, Hoài Cảm.... và trường ca Hòn Vọng Phu.... hễ học hát được bài nào là hí hửng đến lớp, giờ chơi, chỉ lại tụi bạn cùng hát.

Còn hai tháng nữa thì xong lớp nhì, bất ngờ có sự thay đổi lớn.

Ba tôi là lính, rày đây mai đó, anh em chúng tôi ở nhà với mẹ, ba mẹ xây căn nhà ở quê ngoại, Tuy Hòa, ở bấy lâu nay. Năm đó ba lại đổi về làm ở quận Sông Cầu, quê nội, cách Tuy Hòa năm mươi ba cây số về phía bắc. Ba là sĩ quan coi về quân số. Ba muốn gia đình dọn về đó. Lúc đó Việt Cộng đào phá đường quốc lộ 1, gài mìn..., đường bộ coi như tê liệt hoàn toàn, nên mọi di chuyển đều bằng ghe, đường thủy.

Ghe thì nhỏ, sóng thì to, chỉ hơn năm mươi cây số mà đi từ tám giờ sáng tới bốn giờ chiều mới đến nơi, anh em chúng tôi say sóng điếng người, mẹ tôi kể lại là ra khỏi bến ghe chừng ba mươi phút là anh em chúng tôi cứ ói mửa cho đến khi mệt quá thiếp đi, bà thấy các con như thế bà hối hận và trách ba tôi ghê lắm, sao mà lại quyết định dời chỗ ở như thế. Bà cứ "nam mô Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn" suốt trên đường đi..


Đến Sông Cầu, ba đã thuê nhà sẵn. Chúng tôi vào trường mới, mọi thứ chỉ là bỡ ngỡ.
Là quê nội, nhưng ít quen thuộc, trước đó chỉ vài lần về thăm nội khi mà đường sá còn lưu thông. Mất một thời gian dài anh em chúng tôi mới quen cuộc sống ở nơi này.

Học có hai tháng lớp nhì ở đó, nhưng cuối năm tôi cũng có phần thưởng, và cũng cố tật, đi lãnh thưởng một mình, rồi cũng bị mẹ rầy nữa, nhưng bà vui.

Xong lớp nhì, mẹ cũng mò đâu đó ra chỗ cho học hè, lần học hè này vui, vì mỗi cuối giờ, thầy Phạm Xuân Quý kể chuyện Địch Thanh và Thoại Ba Công Chúa (Ngũ Hổ Bình Tây), hết hè mới hết chuyện.

Vào lớp nhất, à có chuyện rất vui, tôi kết được hai thằng bạn thân, đi đâu, làm gì, cũng đủ bộ ba, Dũng và Dìa. Giờ thì Dìa đang ở Gia Nã Đại, còn Dũng thì vắn số, đã về với tổ tiên sau ngày mất nước (1975) vài năm.

Vào lớp nhất, bài nhiều, học nhiều vậy mà chơi cũng nhiều. Bộ ba chúng tôi còn chơi bạo nữa chứ.... chơi trò "cút bắt"… "Bang Bang!"

Ở đó, trường quận, ít học sinh, nam nữ học chung chỉ đủ một lớp. Trong lớp có ba nàng nhỏ xíu nhưng dễ thương, Lan, Liễu và Hà. Lan học giỏi theo kịp tụi húi cua. Hà và Liễu học trung bình, nhưng cả ba đều chăm. Lan thì con nhà khá giả, Hà thì nhà có tiệm tạp hóa nho nhỏ, Liễu thì mẹ bán hàng ngoài chợ. Bộ ba chúng tôi thì nhà Dũng khá giả có tiệm chụp hình, thời đó tiệm chụp hình làm ăn ngon lành lắm. Dìa thì mẹ có gánh chè, ngon hết sẩy, bà cho tụi tôi ăn chè mệt nghỉ, ba Dìa là thủy thủ, còn tôi thì là con của lính. Chúng tôi nghịch lắm (nghe lời mấy ông anh xúi dại), ba thằng theo "tán" ba cô. Tán theo kiểu con nít, nhớ lại, thấy ngồ ngộ và ngu ngơ sao ấy.

Dìa thì to con nên giao nó hộ tống Liễu. Dũng thì môn đăng hộ đối với Lan, cò tôi thì nhỏ con nên đành phải vào tiệm tạp hóa của Hà để có bánh kẹo ăn thêm cho mau lớn.

Năm đó lính Mỹ mới bắt đầu vào Việt Nam. Táo Mỹ, cam Mỹ, kẹo mỹ, nhiều lắm. Cứ vài ngày thì ba chàng "Ngự Lâm Pháo Thủ" chúng tôi phải chắt chiu tiền quà của mẹ cho để mua cam, táo, kẹo Mỹ tặng "người yêu" chưa yêu mình.

Bộ ba chúng chúng tôi hồi đó cũng "sang" ra phết, mỗi thằng có một chiếc xe đạp lỡ 550 (bánh xe có đường kính năm tấc rưỡi), chiều chiều rủ nhau đạp xe đi vòng vòng... "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Chuyện Lan, Liễu thì để hai thằng "ông nội" kia lo, tôi chỉ kể chuyện Hà thôi.

Hà một "thiếu nữ" lớp nhất nhỏ nhắn , trắng trẻo và xinh xắn. Cô nàng hay e thẹn, ít nói, chăm chỉ. Chiều chiều đạp xe ngang nhà là thấy cô nàng giúp mẹ trông coi tiệm. Thời đó có giới nghiêm, sau mười một giờ đêm là nhà ai nấy ở, không được ra đường, ngoại trừ có trường hợp khẩn cấp. Mỗi chiều, chúng tôi hay rủ nhau lạng xe qua phố vài vòng rồi về học bài…

Nhớ lần đầu chúng tôi mua được sáu trái cam Mỹ. Mỗi thằng hai trái kéo nhau đi tặng "người".

Chúng tôi tới trước nhà Lan cho Dũng mở màn làm người hùng trước, sau đó ghé nhà Liễu. Rồi đến lượt Hà, gần tới nhà Hà, tôi kêu hai thằng "ông nội" kia về trước, khỏi chờ, để "anh mày" làm Triệu Tử Long, đơn thân xông pha chiến trường. Hai thằng ông nội rút dù. 

Tới trước nhà Hà, tôi hơi ngập ngừng, dũng khí tiêu tan, anh hùng Triệu Tử Long bỗng nhiên chùn bước, nhũn tim (mẹ Hà đang ngồi trước cửa). Cuối cùng, "lấy hết sức bình sinh", lúc mẹ Hà vừa bước vào trong nhà, chỉ có mình Hà đứng trước quầy; thế là, anh hùng thấy tim bớt nhũn tim, đi nhanh vào và tặng nàng hai trái cam. May quá! nàng cười và đón nhận rất chân tình, một cách ngây thơ (cho thì lấy, dại gì!). (Nếu khi đó mà mẹ Hà còn "ngồi lì" trước cửa, chắc tôi đứng ngoài mà bóp nát trái cam như Trần Quốc Toản năm xưa, khi không được vào dự hội nghị Diên Hồng quá!).

Một lần nữa, hình như vào mùa hè, không đi học, tôi rủ Dìa cùng đi và lần mò đạp xe leo qua "con dốc sầu", đến tiệm Hà, giả vờ mua kẹo. Hà ngây thơ, nhưng tôi thì "tinh quái". Nhưng "tinh quái" cỡ nào thì cũng nhũn mà thôi. Lần này không những chỉ nhũn tim mà còn nhũn cả chân tay nữa. Số là khi Hà lấy mấy viên kẹo chanh đưa tôi, vô tình bàn tay nàng chạm mạnh vào tay tôi, và tôi làm rớt mấy viên kẹo! ông nội Dìa thấy được đem đi kể tùm lum, làm tôi "quê" một bận; nhưng vừa "quê" và vừa thích…

Lớp nhất, một năm học nhiệt tình để chuẩn bị cho kỳ thi vào đệ thất, thế mà cũng rán tạo nên một tình yêu tuổi thơ mới ghê chứ?

Ngoại trừ giờ học ra, bộ ba chúng tôi quyết chí hy sinh giảm bớt các thú vui khác, rất ít đi lung tung, chỉ tập trung vào Lan - Hà - Liễu. Tôi rủ bộ ba về nhà nội tôi hái dừa, cũng rán để dành ba trái cho ba nàng; lên vườn ổi, thế nào cũng có ba xâu đem về, ra nhà Dìa hái me, rồi cũng là gói ba bịch để chiều đến lạng qua nhà ba nàng mà làm tin cho biết là "anh yêu nàng..."

Rồi năm lớp nhất qua đi. Cả sáu chúng tôi đều đậu vào lớp đệ thất, bước vào trường trung học, những mối tình tuổi thơ vẫn đó, những bài học mới tràn về, niềm vui thơ ấu như chưa bao giờ tàn trên môi trên mắt, dù ngoài kia chiến tranh mỗi ngày mỗi khốc liệt hơn. Hằng đêm, "tiếng đại bác nghe quen như câu dạo buồn", vẫn đều mỗi ngày như để nuôi lớn thêm tuổi của đời người.

Một khúc quanh nữa cho đời mình. Hoạn lộ vẫn còn dài, chưa biết được ngày mai!


Một Thời Trung Học

Những ngày đầu bước vào trường trung học, bỗng thấy mình oai ra và đẹp trai hơn! (nghe tanh tanh như mùi ốc gạo). Vào lớp đệ thất được cũng quả là một "kỳ công" vì phải vượt qua một kỳ thi. Bạn bè từ lớp nhất cũng vào được gần hết. Sĩ số cần thu nhỏ lại, chúng tôi có hai lớp đệ thất, đệ thất 1 và đệ thất 2 mỗi lớp chưa tới ba mươi học sinh.

Bạn cũ, thầy cô mới, kiểu học thì hoàn toàn mới, mỗi môn học do một thầy hay cô phụ trách. Giờ học thì chia rải rác theo từng môn và theo giờ của giáo sư (thời đó, thầy cô dạy tiểu học được gọi chung là giáo viên, thầy cô dạy trung học được gọi là giáo sư).

Đặc biệt trường này lại có môn âm nhạc dạy cho học sinh từ lớp đệ thất tới đệ tứ do thầy Võ Văn Tồn phụ trách; nhờ thế, mà sau này tôi có dịp "phang" vào lĩnh vực âm nhạc mà không vướng phải sự khó khăn.

Trường chúng tôi nằm cạnh biển, có gió mát quanh năm, trường thật nhỏ chỉ có bốn phòng học và một văn phòng cho thầy cô, chỉ dạy từ lớp đệ thất đến đệ tam. Các lớp đệ nhị và đệ nhất thì phải đi học xa nhà, ra Qui Nhơn hay vào Tuy Hòa, Nha Trang... Trường xây trần đúc bê tông, nhìn cũng sang ra phết.

Bộ ba chúng tôi, những chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, vẫn giữ chặt "pháo đài" Lan - Hà - Liễu. Cặp sách thì nặng hơn, thì giờ cho các môn học nhiều ra những vẫn cố dành chút thời gian xông pha "chiến trường" với "vũ khí tối tân" của Mỹ là cam, táo và kẹo Hoa Kỳ. Nhưng sao ấy? chỉ có vậy thôi hà! "chiến trường" vẫn bất phân thắng bại, phe ta "tấn công", phe "người" đón nhận, nhưng nhất định "án binh bất động"; nhưng đó là cái tuyệt vời của cái "thích" trong tuổi ngây thơ, mấy ai có được?

Một năm đầu của trung học trôi qua, không còn hái trộm trái cây hay đá dế, bẫy chim… những "cụ non" đàng hoàng hơn, đi mua mía, mua dưa ở các vườn, quần áo lúc nào cũng "trong thùng" tươm tất. Không còn mang giày sandal mà là giày ba-ta đạo mạo. Mỗi sáng thích đi học sớm để còn đứng dọc hiên trường nhìn những tà áo dài trắng bay lượn trước gió trong sân. Chúng tôi lên lớp đệ lục. Bất ngờ, trường thông báo là từ nay sẽ theo hệ thống giáo dục mới. Thế là lớp đệ lục chúng tôi trở thành lớp bảy, tôi nằm trong lớp 7A (thay vì đệ lục 1). Chương trình học không thay đổi, "bình mới rượu cũ".

Trong thời gian này, có lẽ cũng đã dần biết suy tư, biết tổ chức những lần vui chơi trong lớp, không còn phá phách nữa, "nhớn" rồi đấy! Hè về là biết nhóm lại với nhau chép lưu bút, viết tùm lum. Bộ ba chúng tôi, Ngự Lâm Pháo Thủ, bắt đầu viết thư tạm biệt các "pháo đài", ôi thôi!, đọc lên cũng ướt át lắm, nào là phượng sẽ hồng và tim sẽ tím… toàn là những ngôn ngữ bắt chước đàn anh, đàn chị.

Lớp tám bắt đầu, mỗi đứa chúng tôi cao hơn một chút, tâm hồn mở rộng ra, và con tim chứa đựng thêm tình người và sức sống. Sân trường thấy rộn ràng hơn với những lời chào mừng nhau trong ngày tựu trường. Ba "pháo đài" của chúng tôi cũng khác nhiều, dáng áo dài có khác đi, biết e thẹn mỗi lần nhận "quà làm tin" hay nhận những lá thư xếp gọn gàng của Ngự Lâm Pháo Thủ trao cho. Nhưng vẫn thế, "mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh". Chúng tôi vẫn hồn nhiên coi như "tình là thế" vẫn vui, và mong đợi… 

Ngày Tết đến chúng tôi biết vẽ vời làm thiệp Tết gửi cho thầy cô và bạn bè; hẳn nhiên, thiệp cho các "pháo đài" phải là đặc biệt hơn hết. Lớp tám đang trôi qua thật nhanh, những bài văn, bài toán mỗi lúc một khó hơn, và những lá thư gửi cho "người" cũng dài thêm một chút. Không biết hai "ông nội" kia ra sao? Chứ riêng tôi, thì chưa một lần nào nhận được hồi âm!

Một điều không thể quên trong đời vào mùa hè vừa xong lớp tám! Nỗi buồn vời vợi! Hụt hẫng lạ lùng! Và biết thẫn thờ buồn trong đêm! Chuyện "Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ" với ba "pháo đài" dấu ái đang trên đà mai một!

Sớm quá chăng? Tin Hà sắp lấy chồng, chỉ mới vừa xong lớp tám, cùng lắm là một thiếu nữ mười sáu cái tròn trăng. Nhưng đó là sự thực; thế là, có một "pháo đài bay" và sẽ bay đi xa mãi vào không gian riêng của nó, không bao giờ trở lại chốn này!

Ngày tựu trường lớp chín, "Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ" vẫn trình diện đủ mặt khi điểm danh nhưng "pháo đài" thì chỉ còn có hai. Mọi sinh hoạt trường lớp vẫn thản nhiên, vẫn vui, nhưng có ai biết trong sân trường vui nhộn ấy có một người đang ngậm ngùi xót xa (dù là nỗi xót xa còn non nớt); và ai cũng không hiểu, chỉ một người hiểu!

Tựu trường được vài hôm thì một đêm nghe tiếng đạn pháo kích của VC từ trên núi bắn xuống, một đêm kinh hoàng cho chúng tôi trong thành phố nhỏ "đi dăm phút trở về chốn cũ", một trái pháo trúng ngay nhà của người bạn học cùng lớp, Thuận, làm cho mẹ và một đứa em của Thuận phải từ giã cõi đời trong đêm buồn vô cùng ấy. Rồi nhiều đêm sau đó, thỉnh thoảng có tiếng đạn rơi trên thành phố, có người chết, người bị thương… Nhà chúng tôi cũng làm hầm núp đạn bằng những bao cát nhỏ xếp chồng lên nhau. Nhưng thật khó mà tránh những quả đạn tàn nhẫn đầu tiên rơi xuống thành phố, lúc đó chỉ biết ca bài "Que sera, sera, what will be, will be!".

Chiến tranh, ý thức hệ, ai đúng, ai sai? lịch sử sẽ phán xét! Chứng tích của hoang tàn vẫn còn đấy! Những vết thương đau hằn trên đất mẹ, trên mộ bia của những người nằm xuống trong chiến tranh vẫn còn kia! Chiêu bài chủ nghĩa mị dân vẫn chưa phai! Ai đã mở màn cho cuộc chiến cốt nhục tương tàn? Các Sử Gia ơi! Xin đừng bao giờ thiên vị!

Năm lớp chín đúng là buồn nhiều ít vui, chuyện nước non thương đau vì chiến tranh, và chuyện một "pháo đài" của "ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ" của chúng tôi bị đẩy lui vào dĩ vãng. Bây giờ thì ba chàng "Ngự Lâm" nhưng chỉ còn có hai "pháo đài". Vì thế, tôi trở thành "ban tiếp liệu bất đắc dĩ từ hậu phương" cho hai "ông nội" kia tiếp tục múa may nơi "tiền tuyến" mà mỗi ngày "chiến trường" một gay cấn hơn. Rồi một năm học dài cũng qua đi, chỉ kỷ niệm còn rơi rớt lại bên đời.

Bước vào năm lớp mười với niềm vui chưa hoàn lại; nhưng cũng nhờ năm lớp mười "huyền diệu" này mà tôi cảm được cái hay của văn học Việt Nam qua các tác phẩm bất hủ như Chinh Phụ Ngâm Khúc (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch Nôm), Cung Oán Ngâm Khúc (Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều), Truyện Kiều (Nguyễn Du), và những vần thơ tuyệt tác của các thi sĩ lỗi lạc thời xưa của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Tế Xương, Tản Đà, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… Để rồi hồn thơ tôi được nẩy mầm vào năm đó. Nhưng rất tiếc những bài thơ đầu tay của tôi đã không còn nữa, chỉ còn“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, đền cũ lâu đài bóng tịch dương”!

Vẫn còn nhiều thần tiên mong đợi nơi thành phố biển thân yêu quê nội, thì ba mẹ lại quyết định trở về căn nhà xưa. Còn vài tháng nữa thì mới hết niên khóa, mẹ và các em nhỏ dọn về Tuy Hòa trước, ba đứa lớn chúng tôi ở lại Sông Cầu để học cho hết năm. Bấy giờ đường sá đã được sửa lại tân kỳ do hãng RMK của Mỹ thực hiện, những con đường rộng rãi, láng o; nhờ vậy mà hàng tuần anh em chúng tôi hay thay phiên nhau về thăm mẹ, năm mươi ba cây số bây giờ chỉ cần cỡ một tiếng đồng hồ là tới nơi.

Hè năm lớp mười, năm của "Mùa Hè Đỏ Lửa" (1972) như nhà văn quân đội Phan Nhật Nam đã viết, Việt Cộng mở một trận chiến đánh điên cuồng vào các cứ điểm của miền nam. Đồng bào ta thật vất vả, người dân chết, lính hai bên chết. Đi đâu cũng là đối diện với hình ảnh tang thương. Người ta bồng bế nhau chạy trốn đạn bom từ những nơi chiến trận đang xảy ra, đi xe, đi bộ, "đại lộ kinh hoàng"… Nhưng sau những trận phản công ác liệt của miền nam, Việt Cộng bị đẩy lui. Người ta lại bồng bế nhau trở về quê hương.

Tôi từ giã thầy cô, bạn bè và ngôi trường thân yêu. Chuyện "Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ" và các "pháo đài" trong tôi chỉ còn là kỷ niệm. Chúng tôi về lại quê ngoại để tiếp tục cho hết những năm còn lại của thời trung học.

Về lại nơi chôn nhau cắt rún, có chút trục trặc về hành chánh, nên tôi phải vào trường tư để học, và học lại năm lớp mười, càng khỏe. Bài vở thì nằm lòng như cháo rồi, tôi có nhiều thời gian để tham gia vào các sinh hoạt của trường. Sau ngày tựu trường, tôi xung phong phụ trách khối văn nghệ, khi cần là ôm đàn tập hát, lo tìm người giúp tập các điệu vũ quê hương… 

Tuy trường mới, thầy cô mới, bạn mới, nhưng lớn rồi, nên không còn bỡ ngỡ nữa. Trường Trung Học Minh Tân này do Hội Khổng Học Tuy Hòa mới thành lập, thầy cô trẻ trung, dạy học rất nhiệt tình nhưng cũng rất "chịu chơi"; nói chung là một môi trường rất thoải mái.


Tuy theo ban toán - lý nhưng tôi lại rất thích văn chương, sách của Tự Lực Văn Đoàn (Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam), các tập thơ mới của những nhà thơ cận đại, Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Thanh Tâm Tuyền, Huyền Kiêu, Hường Hoa, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, TTKH, Hữu Loan, Yên Thao, Lưu Trọng Lư…. được tôi tận tình chiếu cố. Những câu thơ, lời rất giản dị mà đi vào lòng người muôn thuở.

“… Mầm tư tưởng còn nằm trên mái tóc
chửa xuống đầu, mà xuống vội làm chi... (Hường Hoa)

hoặc
“Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng của muôn đời…” (Lưu Trọng Lư)
............................................................

Tất cả đã chinh phục tâm hồn tôi một cách lạ kỳ!

Chưa hết, còn truyện chưởng của Kim Dung do Hàng Giang Nhạn dịch, rồi chuyện của Quỳnh Dao do Liêu Quốc Nhĩ dịch, chuyện Thủy Hử, Hán Sở Tranh Hùng, Nhạc Phi Diễn Nghĩa… Truyện dịch như Chuyện Tình (Love Story), Romeo & Juliet… Tôi tìm đọc với những thích thú vô cùng. Chưa kể là truyện của các văn gia Việt Nam nổi tiếng như Duyên Anh, Mai Thảo, Lệ Hằng, Nhã Ca, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Nhật Tiến, Hồ Biểu Chánh…

Lúc này chiến sự tưởng như tạm yên sau khi hai miền nam bắc ký hiệp ước hòa bình Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973 hai bên ngưng bắn… Bất ngờ bắc quân tấn công mạnh vào tỉnh Phước Long, rồi leo thang, nhiều nơi khác. Đồng minh của miền nam là Mỹ đã bắt tay với Trung Cộng, thế cờ thế giới thay đổi, miền nam chịu số phận của nước nhược tiểu bị đồng minh bỏ rơi. Trong khi đó bắc quân vẫn được khối cộng viện trợ đều đều. Đã nằm trong thế thủ, bây giờ miền nam lại càng ở thế bị động hơn nhiều…

Năm học trôi qua cũng có nhiều kỷ niệm, năm "dưỡng già" nên mọi việc trôi qua suông sẻ. Tôi được chọn là học sinh danh dự toàn trường, một điều mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến, vậy mà nó đến mới ghê chứ? Vẫn nhớ mãi những lần tập và diễn văn nghệ, những lần thuyết trình về thi văn Việt Nam. Cũng không quên những lần rủ nhau đi hái dưa bẻ mía ở nhà bạn bè miền quê. Và những lần cả đám bạn văn nghệ kéo nhau ra quán café, tập làm người lớn, bên tách café đen, phì phà điếu thuốc CAPSTAN mà ai đó đã dùng những mẫu tự (vừa xuôi vừa ngược) làm thành hai câu thơ, đọc nghe cũng nhũn tim: "Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát, Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn". Có một điều lạ nữa là tôi không nghĩ tới chuyện hăng say làm "Ngự Lâm Pháo Thủ" như thuở trước, không hiểu tại sao?

Vào lớp mười một, bình thường. Ra thanh niên rồi đó nhé! Biết sắm quần áo theo kiểu mới hiện hành. Năm nay lại có cô bạn văn nghệ thân lắm, hay tâm sự và trao đổi chuyện văn chương, cô bạn học hơn tôi một lớp…

Một năm học "lịch sử" mọi người cố gắng để có sinh hoạt cuộc sống bình thường, một nỗ lực phi thường của dân Việt trong một bối cảnh mà ngày đêm nghe tiếng đạn bom nhiều hơn tiếng nhạc. Chiến cuộc leo thang. Đồng minh bỏ rơi. Cơ đồ nghiêng ngả… Những chàng thanh niên mới lớn bắt đầu có những suy tư và cả ưu tư cho con đường tương lai. Những hình ảnh hái hoa bắt bướm, nghịch phá của tuổi học trò vài năm trước đó tự nhiên ra đi biền biệt, mất hút.

Lần đầu tiên trong đời ăn một cái Tết mà sao nó chẳng có vui, mọi người không vui. Phước Long đầy khói súng, Ban Mê Thuột đất đỏ dậy bụi đường vì đạn pháo, Pleiku tin nóng hàng giờ. Đâu đâu cũng chỉ nghe thấy những bàng hoàng lo sợ. Ước mơ hòa bình chợt tắt theo tiếng đạn réo từng đêm. Hàng ngày đến lớp, vẫn học, thầy cô vẫn trấn an học trò bằng những lời thật thân thương, nhưng có ai hiểu được trong lòng các vị ấy không mang một nỗi lo âu vô vàn?

Rồi lệnh di tản ban hành. Dân từ miền cao nguyên tràn về tỉnh lộ 7, được mệnh danh là Tỉnh Lộ Máu, người chết dọc đường, thảm cảnh! Ngoài trung xa xôi, từng đoàn xe tản cư kéo nhau đi lần vào hướng nam. Con đường của tự do dần dần thu ngắn lại. Số phận như đã an bài! Tôi cũng chia tay gia đình, cùng với đứa em họ, "hai thân hai mình" đi về phương nam. Vào đến Cam Ranh được vài ngày thì mẹ dắt díu mấy đứa em tôi cùng với gia đình ông bác cũng chạy vào đây. Đầu tháng tư 1975 mất Tuy Hòa. Chúng tôi kẹt lại Cam Ranh, sau đó đành trở lại quê nhà với hành lý là dẫy đầy sợ hãi. Cả một vùng trời tang tóc!

Rồi tôi lại vào trường, tiếp tục lớp mười một, có vài thầy cô mới từ "ngoài" vào, nói chuyện rất sắc máu và "chém gió" - "chop the wind" đến lố bịch; cũng còn thầy cô cũ , nhưng những con người đã đổi khác, cái gì cũng khác, có thể chỉ là bề ngoài, nhưng tôi đang sống ngay trên xa lạ quê mình! Cuối tháng tư (1975), Sài Gòn thất thủ. Tất cả ra đi, mất hết! Ba tôi lưu lạc đâu đó, chẳng có tin về!

Gần hai tháng cuối của lớp mười một là một chuỗi thời gian của nỗi hụt hẫng kinh hoàng. Một chương trình học như từ cung trăng vừa rớt xuống. Thế nhưng phải học, học, nhưng tâm trí đã thực sự bị hao mòn quá đỗi. Hè lớp mười một không lưu bút ngày xanh, không hẹn nhau đi chơi hè, và dường như cũng sẽ chẳng thấy tương lai!

Ba tháng hè trôi qua với những sinh hoạt quả ư là lạ lùng, học sinh nhận công tác từ trường học là đi làm kiểm kê dân số, chúng tôi bị một số người lớn tuổi ở quê chửi cho một trận, vì hỏi tên và tuổi của họ (ngày xưa người lớn kỵ chuyện hỏi tên họ lắm). Rồi sau đó đi đào mương làm thủy lợi cả tháng trời. Thế là hết mùa "nghỉ hè"(!) của học sinh.


Lớp mười hai, tất cả học sinh tư hay công đều phải thi vào trường cái gọi là trung học phổ thông, Tôi may mắn đậu vào trường Nguyễn Huệ, một trường lớn nhất tỉnh. Những ngày tựu trường buồn tẻ, ngay cả bạn bè với nhau mà chẳng còn ai dám tin ai! Vài bạn khá thân của năm lớp mười một đột nhiên bỏ học, về quê làm ruộng. Buồn!

Tết năm đó tôi bị bịnh một trận nặng kéo dài cả gần hai tháng, tưởng là phải đi tàu suốt về thăm ông bà! May nhờ chữa đúng thuốc nên mới còn mạng. Sau cơn bệnh, trở lại trường, cố gắng lắm để theo kịp bài vở. Suốt năm học chẳng thân với ai, chẳng có những sinh hoạt gì để mà sau này làm kỷ niệm cho năm cuối cùng của thời trung học. Gần đến ngày thi tốt nghiệp, tôi học ngày đêm, mỗi ngày chỉ ngủ được chừng ba bốn tiếng…

Rồi cũng xong, năm 1976, tôi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông với số điểm khá cao, nhưng ích gì? vì đang mang một lý lịch không tốt với chế độ?; và dường như trong tôi có cảm nhận rằng: Con đường trước mặt mơ hồ biết đâu là bến đỗ? ("tiền lộ man man vị tri hà vãng?").

(Trần Hoàng Phước Hậu - April 2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét