Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Đập Tam Hiệp Có Nguy Cơ Sụp Đổ


Bức ảnh chụp đập Tam Hiệp năm 2009, được chia sẻ trên Wikimedia Commons.

ĐẬP TAM HIỆP CÓ NGUY CƠ SỤP ĐỔ, GÂY NGUY HIỂM CHO 400 TRIỆU SINH MẠNG Ở HẠ LƯU
Minh Hòa

Đài truyền hình NTD hôm 23/6 dẫn lời một nhà thủy văn học nổi tiếng cho rằng đập Tam Hiệp ở Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ do chất lượng kém và áp lực trên sông Dương Tử, trong bối cảnh các trận lũ lụt nghiêm trọng đang diễn ra ở miền trung và miền nam Trung Quốc.
Đập Tam Hiệp bắt đầu được xây dựng vào năm 1994 và hoàn tất vào năm 2006, trở thành con đập lớn nhất thế giới với vùng hồ chứa tới 42 tỉ tấn nước.
Tuy nhiên, nhà thủy văn học người Đức gốc Hoa, ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) cho biết công trình khổng lồ này được xây dựng với chất lượng kém và có nguy cơ sụp đổ trước các trận lũ lụt lịch sử tại Trung Quốc hiện nay.
Đập Tam Hiệp được xây dựng trên sống Dương Tử và nằm ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Hiện tại, một nhánh của sông Dương Tử đang gánh chịu một trận lụt lớn chưa từng có trong 80 năm qua. NTD cho biết chính quyền đã sơ tán khoảng 40.000 cư dân địa phương và đưa ra cảnh báo màu vàng về các trận mưa bão.
Hôm 20/6, mực nước bên trong hồ chứa đập Tam Hiệp đã tăng cao lên gần 2 mét so với mức cảnh báo. Dù vậy, chính quyền Trung Quốc cam đoan rằng cấu trúc của con đập rất chắc chắn và không có nguy cơ sụp đổ. Liệu lời cam đoan của chính quyền Trung Quốc có đáng tin? Ông Vương Duy Lạc đã đưa ra nhận định trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh về chất lượng của đập tam Hiệp.

Sai sót trong thiết kế

Ông Vương cho biết sau trận lụt nghiêm trọng năm 1998, Trung Quốc khi đó đã thuê các chuyên gia phương Tây để đánh giá kiểm soát chất lượng của đập Tam Hiệp. NTD cho biết các chuyên gia khi đó kết luận rằng việc hàn nối các thanh thép của con đập đã không đạt chuẩn.
Giới chức Trung Quốc không hài lòng, cho rằng lời chê bai của chuyên gia phương Tây là phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, lời chê bai đó đã đến quá muộn.
“Việc hàn thép và đổ xi măng ở bờ bên trái của con đập đã hoàn tất. Họ không thể làm lại nó”, ông Vương nói.
NTD cho biết, đập Tam Hiệp đã không được kiểm tra chất lượng bởi một cơ quan riêng biệt, mà chính đội ngũ thiết kế và xây dựng con đập đã tự làm điều đó.
Khi con đập bắt đầu hoạt động, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố rằng con đập có thể chịu đựng một trận lụt tồi tệ nhất trong 10.000 năm. Nhiều năm sau, họ đã sửa tuyên bố này thành 1.000 năm, và một năm sau đó, lại sửa đổi thành 100 năm. NTD bình luận, điều đó cho thấy chính các quan chức Trung Quốc cũng đã giảm sút niềm tin vào đập Tam Hiệp.
Năm 2010, truyền thông nhà nước dẫn lời các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng người dân có thể dành trọn niềm tin vào khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp.
Nhưng năm 2019, các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy con đập có dấu hiệu bị biến dạng do áp lực của nước. Bắc Kinh chỉ đơn giản bình luận rằng con đập đang “đàn hồi tốt”.
Ảnh chụp đập Tam Hiệp năm 2008 và 2019 (ảnh: Google Maps).

Tuy nhiên, ông Vương chỉ ra rằng con đập bị biến dạng là do sai sót trong thiết kế.
Trong một bài báo năm 2019, ông Vương cho biết con đập bao gồm hàng chục khối bê tông độc lập. “Những khối này không được kết nối với lớp nền bên dưới, chúng chỉ ngồi lên nó”, ông Vương cho biết.
Chuyên gia về thủy văn học nhận định, nếu đập Tam Hiệp sụp đổ, nó sẽ đặt ra nguy hiểm cho hơn 400 triệu sinh mạng sống ở hạ lưu.
Từ khúc giữa đến hạ lưu của sông Dương Tử đều là các khu vực có mật độ dân cư đông đúc, trong đó các thành phố lớn như Thượng Hải và Vũ Hán.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng con đập này không có nguy cơ sụp đổ, và chỉ trích điều này chỉ là “tin đồn bị thổi phồng bởi giới truyền thông phương Tây”.
Dù vậy, những lời cam đoan của Bắc Kinh tới nay chưa có tác dụng chấn an những lo ngại về tình hình đập Tam Hiệp, trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc được biết đến rộng rãi về những tuyên bố sai lệch và che giấu thông tin. Một ví dụ điển hình là tình trạng bưng bít về dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến virus corona lây lan ra khắp thế giới trong khi lẽ ra nó đã có thể được khống chế ở địa phương.
Minh Hòa (ĐKN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét