Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Father's Day - Mother's Day: Ngày Phụ Mẫu



FATHER'S DAY - MOTHER'S DAY: NGÀY PHỤ MẪU
Phó Tế Nguyễn Mạnh San

Bài này tôi mới viết xong trong dịp Mùa Báo Hiếu Cha Mẹ và tất cả 4 câu chuyện trong đề tài này là có thật 100%, để cho giới trẻ nào biết tiếng Việt đọc được, vì 4 câu chuyện này rất thiết thực và hữu ích cho giới trẻ phải biết cư xử hiếu thảo với Cha Mẹ mình.

Phó Tế Nguyễn Mạnh San Cựu Phụ Tá Trưởng Phòng Tố Tụng Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ Oklahoma City, Oklahoma.

Người Việt Nam chúng ta có lễ Vu Lan để tưởng nhớ đến công lao của cha mẹ, vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch. Còn người Mỹ có hai ngày đó là Ngày Của Mẹ – “Mother’s Day” và Ngày Của Cha – “Father’s Day”. Đây là cơ hội quý báu để con cái bày tỏ một phần biết ơn công lao trời biển của cha mẹ. Cũng là dịp để nhắc nhở, khơi dậy chữ “hiếu” trong mỗi chúng ta. Người Việt Nam chúng ta có câu:


Công ơn của cha đã được ví như trời cao vút, như ngọn núi Thái Sơn, còn nghĩa mẹ thì bao la tràn trề như nước chảy từ thượng nguồn. Cha mẹ là người đã dành cả cuộc đời cho con, mọi cố gắng, mọi sự hy sinh, vất vả… đến cuối cùng cũng chỉ mong con nên người. Cha mẹ là vầng trăng, là tinh túy của mọi tình yêu thương cao đẹp trong đời.

Người Việt Nam chúng ta, từ xưa đến nay luôn lấy chữ hiếu làm đầu. Đối với thế hệ trẻ ngày nay, sống trên đất Mỹ, họ phải thích nghi với văn minh Mỹ. Hơn nữa, điều kiện sinh sống ở đây cũng không cho phép chúng ta thờ cha kính mẹ theo cách các thế hệ người Việt trước đây đã làm. Xã hội ngày càng phát triển, vì những mục đích, lý do hay đơn thuần chỉ là sự bất đồng trong đời sống hàng ngày mà có nhiều người con đối xử bất hiếu, tệ bạc với cha mẹ của mình. Hiếu thảo với cha mẹ là việc mà mỗi người con cần làm và phải làm.

Nhân dịp ngày “Father’s Day” trong tháng 6 này và ngày “Mother’s Day” mới đi qua hồi tháng 5, tác giả xin được thuật lại những câu chuyện điển hình về chữ “hiếu” mà chính tác giả đã được chứng kiến, đôi khi là được mời đến để đóng vai trò tư vấn cho cả hai bên.

Câu chuyện thứ Nhất: Con có hiếu với cha


Ông bà Huy có 3 người con, 2 gái và một trai. Hai người con gái đã lập gia đình và theo chồng ở nhà riêng, còn người con trai út 30 tuổi vẫn độc thân và sống chung cùng với cha mẹ. Cách đây 6 năm, vợ ông qua đời vì bệnh ung thư. Anh con trai này là kỹ sư cho một hãng điện tử.

Bất ngờ, cách đây hơn 2 năm, ông Huy bị tai biến mạch máu não, bán thân bất toại nằm liệt giường, việc ăn uống tắm rửa phải có người săn sóc ngày đêm. Vì lợi tức của ông khi còn đi làm quá thấp, nên ông được chính phủ trợ cấp mọi nhu cầu hoàn toàn miễn phí. Sau khi được chữa trị ở nhà thương một tuần lễ, đáng lý ông phải được gửi vào viện dưỡng lão (Nursing Home), nhưng anh con trai ông tình nguyện nghỉ việc làm ở sở, để ở nhà săn sóc cho cha 24/24, kể cả 2 ngày nghỉ cuối tuần. Người con trai bằng lòng chấp nhận tiền thù lao tối thiểu của chính phủ trả cho mình mỗi tháng là $1400 để chăm nom cha tại nhà theo lời yêu cầu của anh. Bằng không, cơ quan y tế xã hội sẽ gửi ông vào viện dưỡng lão, trong khi anh lãnh lương ở hãng mỗi tháng là $5500.

Nhưng anh cho tôi biết là anh cảm thấy rất sung sướng khi được ở nhà săn sóc cho cha. Cha anh đã phải làm việc lao động vất vả đến 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, để nuôi dưỡng 2 chị gái và anh ăn học thành tài và có được ngày hôm nay. Anh nhận thấy, đây chính là cơ hội để mình có thể đền đáp công ơn trời biển của cha, người đã chăm lo cho anh từ tấm bé cho tới khi anh ra trường và là một kỹ sư điện tử. Anh muốn được trực tiếp phụng dưỡng cha già trong những ngày cuối đời còn lại của ông. Ngay lập tức, anh nạp đơn xin nghỉ việc ở hãng để ở nhà chăm sóc cho cha, liên tục được hơn 2 năm cho đến ngày ông qua đời.

Anh có tâm sự cho tôi nghe là, lúc ban đầu anh cảm thấy rất vất vả khó khăn trong công việc tắm rửa và làm vệ sinh cho cha mình. Nhưng chỉ vài tháng sau, anh quen dần và cảm thấy thật sự có ý nghĩa, hạnh phúc mỗi khi làm những công việc này.

Câu chuyện thứ Hai: Cô đơn trong viện dưỡng lão


Ông bà Quỳnh có 4 người con, 2 trai 2 gái. Hai đứa con trai đều là bác sĩ y khoa, còn 2 đứa con gái, một là dược sĩ và một là nha sĩ. Khoảng thời gian khi đứa con gái út vừa ra trường trung học thì 2 vợ chồng ông ly dị, và chỉ một năm sau thì bà tái giá với một ông bác sĩ Mỹ già đã về hưu.

Vì mục đích chính trong đề tài này nói về chữ “hiếu”, nên tác giả xin phép không trình bày lý do vì sao 2 vợ chồng ông bà Quỳnh lại ly dị.

Ông Quỳnh là một nhà thương gia tài giỏi, thành công ngay từ hồi còn ở Việt Nam. Khi sang tới Hoa Kỳ thì ông tiếp tục xây dựng lại sự nghiệp thương mại, và mọi sự còn thành công nhiều hơn hồi ông còn ở Việt Nam. Chả thế mà vợ ông không cần phải đi làm việc, chỉ ở nhà và phụ giúp ông săn sóc 4 đứa con cho tới khi chúng khôn lớn, 3 đứa học hành thành tài và một đứa út ra trường trung học với hạng tối ưu. Gia đình ông quả là một hình mẫu mà bất cứ cặp vợ chồng nào cũng mong muốn.

Sau một năm sau ngày vợ chồng ly dị, ông bị bệnh nặng không đi đứng bình thường và không thể tự săn sóc vệ sinh cho mình. Ông phải vào sống trong một “nursing home” vì 3 đứa con lớn đều đã lập gia đình, còn đứa út thì được học bổng phải đi học xa nhà. Về vấn đề vật chất, quả thực ông không thiếu thốn bất kể thứ gì, nhưng về mặt tinh thần thì ông có tâm sự cho tôi biết rằng ông rất cô đơn. Đứa con út bận học hành ở xa, một năm chỉ có thể về thăm ông tối đa là 2 lần. Còn 3 đứa lớn, mặc dù sống chung một thành phố với ông nhưng chúng chỉ đến thăm ông mỗi tháng 1 lần, mỗi lần từ 30 đến 60 phút. Chúng nó viện đủ mọi lý do như bận rộn công việc, con cái…

Những người già cô đơn trong viện dưỡng lão.

Có lần, ông tâm sự với những giọt nước mắt chảy dài trên hai gò má gầy gò, nhăn nheo: “Thầy có biết không, lắm lúc tôi ngồi một mình nghĩ lại, cả một cuộc đời của tôi làm việc vất vả để kiếm đủ tiền mang về nhà phụng dưỡng cha mẹ già của mình. Cho đến khi cha mẹ tôi qua đời, sau đó 2 năm tôi mới lập gia đình và vợ tôi sinh cho tôi được 4 người con. Tôi lại làm việc vất vả, cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn trước để cho vợ và 4 con của tôi được vui hưởng một cuộc sống sung túc, không thiếu thốn bất cứ một thứ gì, không thua kém bất cứ ai. Thế mà bây giờ Thầy thấy đấy, tôi thân tàn ma dại, bị vợ bỏ, con cái không đoái hoài gì đến, một mình lủi thủi trong viện dưỡng lão.

Ba đứa lớn, cả tháng chúng mới tới thăm tôi một lần chớp nhoáng, đến cho có lệ. Còn đứa út nó bận học hành tôi không trách cứ. Không biết kiếp trước tôi có làm điều gì ác độc, hay cha mẹ tôi có làm gì sai quấy không mà ngày hôm nay tôi phải chịu cảnh này. Nhiều khi buồn quá tôi chỉ muốn chết sớm ngày nào tốt ngày ấy...”

Câu chuyện thứ Ba – Người con trai chí hiếu


Bà Nghiêm là một góa phụ trẻ đẹp, bà sống một mình thờ chồng nuôi con. Biết bao nhiêu người có quyền thế công danh ngỏ lời hỏi lấy nhưng bà đều từ chối. Không chịu tái giá, bà quyết chí ở vậy nuôi con và cho đến nay đứa con trai độc nhất của bà đã 37 tuổi. Bà khuyến khích nó lập gia đình đi để bà có đứa cháu nội mà bế bồng.

Nhưng cậu con trai trả lời bà rằng: - Con mà lấy vợ thì có ai săn sóc mẹ, nhất là mẹ lại hay đau yếu. Còn độc thân như thế này thì con mới có thời giờ đưa mẹ đi nhà thờ, đi khám bác sĩ hay đi chơi chỗ này chỗ kia như mẹ muốn… Hơn nữa, con ít thấy có cô con dâu nào thương mẹ chồng như mẹ ruột. Nếu con lấy vợ, những điều này con sẽ không làm được nữa, mà đối với con việc săn sóc cho mẹ là điều quan trọng nhất bây giờ. Mẹ, người cả đời lo âu khổ nhọc vì con. Không chỉ cưu mang con 9 tháng 10 ngày mà còn nuôi con từ thuở lọt lòng cho đến ngày con khôn lớn. Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời, cả tuổi trẻ, những ước mơ, những hoài bão của bản thân mẹ đặt hết vào con, mong con khôn lớn thành người. Nếu không có tình thương của mẹ thì con cũng khó có thể thành tài như ngày hôm nay. Mặc dầu trong Thánh Kinh có nói: “Đàn ông sống một mình không tốt”, nhưng cũng đâu có nghĩa là Chúa bắt buộc tất cả đàn ông phải lấy vợ đâu. Hơn nữa, con có mẹ ở bên cạnh mà, sao gọi là một mình được.

Nghe cậu con trai trả lời như vậy, bà đành giữ im lặng và không còn thúc giục nó đi lấy vợ nữa.

Trong lòng bà nửa vui nửa buồn, bà vui vì có một cậu con trai ngoan ngoãn, hiếu thảo. Buồn vì không biết ngày nào bà mới được bế cháu. Hai tháng sau, bà bị bệnh tim mạch nặng và phải đưa vào nhà thương cấp cứu. Hơn một tuần bà nằm trong nhà thương cũng là hơn một tuần cậu con trai xin phép nghỉ ở sở làm để có thể túc trực ngày đêm bên cạnh mẹ. Kể từ ngày bà về nhà cho đến nay đã hơn một năm nhưng tình trạng sức khỏe vẫn còn yếu.

Bà không làm được những việc nhà như trước nữa mà tất cả đều nhờ vào tay cậu con trai. Tôi có đến nhà thăm bà, bà nói với tôi: - Thật là phúc đức, nhờ ơn Chúa ban cho tôi có được người con trai biết hiếu thảo với mẹ, còn hơn tôi hiếu thảo với cha mẹ tôi trước kia rất nhiều. Nếu ngày đó nó nghe lời tôi lấy vợ, thì giờ này chắc tôi đang ở trong viện dưỡng lão thật.

Cho dù nó không phải đứa con bất hiếu, nhưng nếu có gia đình thì nó sẽ phải lo cho vợ con nó chứ thời giờ đâu mà chăm sóc cho tôi như bây giờ.

Câu chuyện cuối – Mẹ và vợ ai nặng hơn?


Bà Năm có 5 người con, chồng bà đã mất từ lâu và chỉ có một người con trai duy nhất vượt biên, được sang Hoa Kỳ tỵ nạn cộng sản. Sau 15 năm xa cách, người con trai bảo trợ cho bà sang đây theo diện đoàn tụ gia đình. Đáng lý bà không muốn sang Hoa Kỳ, một phần vì đã lớn tuổi, một phần thì còn 4 người con gái của bà, tất cả đã lập gia đình và còn đang sinh sống ở Việt Nam. Nhưng vì thương nhớ đứa con trai của mình và nhất là bà rất muốn gặp mặt 2 đứa cháu nội, nên cuối cùng bà quyết định sang đoàn tụ với cậu con trai.

Khi sang tới đây được một tháng thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng một hôm, bà nấu mắm, và mùi khó chịu của nó lan tỏa khắp trong nhà. Người con dâu của bà phàn nàn với chồng nên cậu con trai có nói là từ nay trở đi bà không được nấu mắm trong nhà nữa. Bà đồng ý không dám nấu nữa.

Tình và Hiếu bên nào nặng hơn? Ảnh minh họa NV sưu tầm. Một tuần lễ sau, tự nhiên con trai bà nói, nếu bà thỉnh thoảng muốn nấu mắm thì cậu sẽ đặt cái bếp điện cho bà nấu ở trong “garage”. Bà cũng nghe lời con trai nên một tháng thỉnh thoảng bà mới dám nấu 1 hay 2 lần.

Một hôm, cậu con trai đi làm về và tỏ thái độ giận giữ với bà. Cậu bảo là tại bà nấu mắm trong “garage” làm mùi hôi bám vào bên trong chiếc xe Lexus mà vợ anh mới mua được 3 tuần lễ.

Anh nói là nếu bà còn nấu mắm ở trong “garage” nữa thì anh ta phải thuê “apartment” cho bà ở riêng, không sống chung nhà với con cháu nữa. Hơn nữa, vợ anh sẽ dọn hết đồ đạc và dẫn theo 2 đứa con về ở nhà bà ngoại chúng.

Ngay hôm sau, bà gọi điện thoại cho tôi trong tiếng sụt sùi than khóc. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện con trai bà nghe lời vợ, tỏ thái độ giận dữ, lời nói vô lễ, bất hiếu với bà. Rồi bà yêu cầu tôi đến nhà chở bà đi mua vé máy bay để về Việt Nam sớm ngày nào tốt ngày ấy. Nghe xong câu chuyện bà kể, tôi hiểu ngay đây là sự hiểu lầm giữa hai mẹ con, và người gây ra sự hiểu lầm này chính là cô vợ của con trai bà.

Sau đó, tôi có gọi điện thoại cho con trai bà. Thứ Nhất, chính anh ta là người đưa ra ý kiến đặt cái bếp điện ở “garage” để cho mẹ mình thỉnh thoảng nấu mắm. Thứ Hai, vợ anh đã đậu xe ở trong “garage” cả 3 tuần lễ rồi. Mà trước đó, lần đầu tiên mẹ anh nấu mắm trong “garage” cũng có thấy cô vợ ca thán gì đâu. Sao lần này lại phàn nàn? Và điều dễ hiểu là lần này vợ anh đậu xe trong “garage” nhưng đã quên không kéo cửa kính xe lên, cho nên mùi hôi của mắm mới bay vào trong xe.

Vậy đây là lỗi của ai? Của vợ anh, hay mẹ anh? Không cần nói thêm nữa chắc anh cũng đã rõ lỗi này là của ai rồi. Thêm nữa, tôi khuyên anh nên tế nhị một chút. Dù cho có phải lỗi của bà hay không thì anh cũng không nên nóng giận với mẹ của mình. Mẹ anh phải là người rất thương yêu con cháu thì mới chịu sang đây đoàn tụ với anh. Hơn nữa, bà ấy mới qua đây chưa đầy 3 tháng, anh nên cư xử cho phải đạo làm con, đừng để mẹ mình phải buồn tủi cho thân phận tuổi già mà suy nghĩ linh tinh. Anh nên rút kinh nghiệm từ chuyện này mà tránh những hiểu lầm không đáng có trong tương lai.

Một tuần lễ sau, bà có gọi điện thoại báo tin cho tôi biết là con trai và con dâu bà đã chắp tay xin lỗi trước mặt mẹ. Chúng xin bà tha thứ cho suy nghĩ vội vàng và nông cạn của mình, xin bà tiếp tục ở đây với con cháu và hứa là sẽ không bao giờ đề cập đến chuyện nấu mắm trong “garage” nữa.

Tôi có nghe được ở đâu đó bài hát như thế này:


Đúng vậy, cha mẹ chăm sóc cho con cả đời mà không một lời than vãn. Thế nhưng, khi họ già đi, chúng ta lại không đủ kiên nhẫn để chăm sóc cha mẹ một ngày. Hãy kiên nhẫn, đối xử tốt với cha mẹ khi họ còn trên đời. Đừng để khi họ ra đi, chúng ta mới nhận ra thì đã quá muộn màng.

PT. Nguyễn Mạnh San


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét