Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Hiện Tượng Tóc Mây



HIỆN TƯỢNG TÓC MÂY
Nguyễn Toàn Đông

Trong vài ba năm, từ 1972 trở đi, giới sinh viên học sinh Đà Lạt chuyền tay nhau đọc cuốn tiểu thuyết Tóc Mây. Nhà văn Lệ Hằng cho in ra hai tác phẩm: Thung Lũng Tình Yêu và Tóc Mây. Cả hai đều lấy bối cảnh Đà Lạt. Tóc Mây nổi bật hơn vì là câu chuyện tình giữa một linh mục và một cô sinh viên Đại Học Đà Lạt. Sân trường Viện Đại Học là nơi đã chiếm nhiều tình tiết của câu chuyện. Nên, hầu như sinh viên nào cũng đọc để nhìn lại những bậc thềm, những lối đi, những góc trường mà đôi tình nhân kia đã từng lui tới, trò chuyện ra sao!

Lệ Hằng gặt hái thành công trước tiên là thêm một nhà văn nữ vượt qua lối mòn cũ trong nghề nghiệp. Tên tuổi bà được xem như nổi lên từ một nền văn học được tự do sáng tác, đi trước thời đại. Kế tiếp, đề tài này hoàn toàn mới lạ. Khơi lên sự tò mò cực kỳ, dù trước đó đã có Vòng Tay Học Trò. Cũng trong thời gian này, còn có Hơi Thở Rướn Cong của Túy Hồng kể về một chuyện tình cấm kỵ khác. Nhưng không được biết nhiều như Tóc Mây. Đến nỗi người ta gọi là "Hiện tượng Tóc Mây".

Thế hệ của tôi lớn lên trong giai đoạn này. Có người đã rơi vào tình cảnh tương tự. Một thời gian sau năm 1975, một linh mục trẻ đến làm cha phó một họ đạo vùng duyên hải. Trước năm 1975, nơi đây không có an ninh nên không có linh mục. Bây giờ, có thêm một cha phó. Không biết có phải vì quá lâu rồi mới có một linh mục trẻ đến đây chăng, mà không lâu sau đó xì-căn-đan xảy ra.

Đã rắc rối. Lại càng rắc rối vì đó là một thiếu phụ trẻ đã có gia đình!! Người chồng không giữ được bình tĩnh, chửi rủa không chừa một ai bên giáo quyền vì vợ mình quyết đeo theo ông cha trẻ. Đúng hơn, cả hai bên đều... như nhau.

Để cho sự việc không lùm xùm, phía giáo quyền tạo ra nhiều cơ hội để giao hảo với phía chính quyền địa phương. Mọi việc khá là suông sẻ. Khi đã có được sự “thông cảm” giữa hai bên, một ngày nọ, sau một buổi thăm hỏi tiệc tùng, cha phó được âm thầm đưa về Sài gòn nương náu trong một nhà dòng.

Để chắc ăn, người ta chọn một khu nhà ở ngoại ô Sài gòn. Nhưng không biết bằng cách nào, người thiếu phụ kia lại bất ngờ xuất hiện trước cổng nhà dòng. Không tới để nói chuyện hòa nhã. Cô đã "quậy tưng lên" để đòi lại người tình (?). Và rồi, nơi tưởng chừng an toàn để nương nhờ cũng đành chịu thua...

Hết nước, phải nhờ công an. Vì đương sự là người vùng duyên hải, nên cô được gởi vào trại giam Bến Giá. Chỉ nhằm cho cô ta không gây phiền phức thêm nữa mà thôi. Thời đó, nghe tên Bến Giá giống như đi lưu đày. Muốn tới thăm nuôi phải theo thứ tự thời gian bao lâu một lần với đủ thứ giấy phép. Rất nghiêm nhặt. Chưa có mấy vụ này với người dân miền Tây từ trước đây. Nhưng từ đây, câu chuyện lại chuyển sang một khúc quanh mới.

Từ đầu, lúc sự việc vừa om sòm, tôi có nghe. Nhưng tình hình chung khắp đất nước còn mới mẻ quá. Nhiều biến chuyển xảy ra hằng ngày. Nên khi chuyện qua rồi thì quên luôn. Không rõ những gì sau đó ra sao. Mãi năm 2007, trong dịp gặp lại vị thầy cũ sang đây thăm bà con, câu chuyện mới được nghe lại giữa hai thầy trò.

Tôi có cảm tưởng Tóc Mây có tính cách thời trang hơn là đặt ra một vấn đề nghiêm chỉnh. Nội dung Tóc Mây không nặng ký bằng Vòng Tay Học Trò. Câu chuyện tình của Tóc Mây có màu sắc lãng mạn cho lạ chơi chứ không thật. Những trường hợp thực tế mà tôi có dịp tiếp xúc đều để lại nhiều nỗi buồn khó thổ lộ.

Năm 2001, mấy tháng đầu tiên mới tới Mỹ, tôi ngỡ ngàng gặp lại ông anh, cựu cha phó một thời đã từng lao đao với cô vợ trẻ của ai đó vùng duyên hải bên quê nhà. Không còn vóc dáng một trang thanh niên hoạt bát năng nổ như xưa. Nay, tóc đã hai màu; con cái đã ba đứa. Trong câu chuyện thật dài, tôi mới được ông anh tâm sự thêm nhiều "trường đoạn" khác nhau trong mấy mươi năm bặt tin nhau. Tôi còn nhớ một câu nói ngắn ngủi của ông:"Thôi đừng nhắc chuyện ngày xưa nữa." Có lẽ niềm vui còn lại đang an ủi ông anh là những ngày cuối tuần và cả Chúa nhật, ông đều ở trong nhà thờ để phụ sự việc nhà chung.

Thì ra, trong thời gian một người đang bị cầm chân trong trại giam, người ở bên ngoài được cho đi vượt biên. Với tất cả sự dè dặt và tế nhị, tôi hơi thắc mắc tại sao người trong trại giam cũng đòi đi vượt biên? Số là khi vào Bến Giá, người thiếu phụ kia chấp nhận trở thành người tình của tay sĩ quan công an trưởng trại. Nhưng thật khó xử cho ông xếp trưởng trại vì người yêu ra một điều kiện chết người: Dẫn cô ta đi vượt biên! Thật là một bài toán nát óc. Không thể ngờ được, tay sĩ quan công an kia đã nhắm mắt gạt bỏ sự nghiệp để cùng vượt biên với người bạn gái, đang là tù nhân của trại. Cuối cùng, chuyện hai người trở nên kỳ diệu hơn cả chuyện cổ tích. Đôi tình nhân ấy bây giờ là một đôi vợ chồng Công giáo ngoan đạo tại Lộ Đức, Pháp. (Người chồng cũ của cô vợ trẻ kia cũng đã mất). Cái kết rất lạ này đã làm nhiều thắc mắc không thể trả lời được! Tất cả đành chìm vào… thâm cung bí sử.

Còn một trường hợp thứ hai. Trong thời gian rộ lên hiện tượng Tóc Mây thì có thêm bài hát Vì Tôi Là Linh Mục của Nguyễn Đức Quang, cũng là cựu sinh viên xuất thân từ Trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt đã phổ nhạc bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Ca khúc này đã góp phần khuấy động lớp trẻ một thời.

Đang lúc đề tài tình cảm úp mở đang gây chú ý, có lời rì rầm trong anh em chúng tôi về vụ giám thị Trường Nguyễn Bá Tòng Sài gòn là một linh mục đang có tình với một nữ sinh. Chuyện vỡ lỡ. Hai người dắt nhau lên Đà Lạt. Họ mở một quán bún bò Huế tại nhà để sinh sống. Tò mò, tôi cũng đã tới một lần. Khi bước vào quán (cũng là nhà ở), tôi thấy một người đàn ông hơi ốm đang bồng một đứa bé ngồi trên giường phía trong; phía ngoài là chỗ buôn bán của người vợ còn quá trẻ. Ấn tượng hôm ấy là thái độ hiền lành của ông!; nhất là ông luôn gọi mấy anh em chúng tới là "các thầy". Nếu nhận xét, khó mà nói rằng đây là một tổ ấm đáng mơ ước vì những luộm thuộm của một gia đình mới khởi sự một cách bất đắc dĩ.

Người ta cho rằng quyển Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai (1977) của nữ văn sĩ Colleen McCullough vừa có giá trị văn học vừa có giá trị nhân bản ngang hàng với quyển Cuốn Theo Chiều Gió. Tác phẩm đã được dựng thành phim. Câu chuyện tình này thôi thúc nhiều suy nghĩ.

Trong môi trường của tôn giáo, tâm hồn con người được an vui khi luôn trông về Đấng mình tôn thờ. Thường khi, hình ảnh vị hướng dẫn tinh thần sẽ hiện lên vừa gần vừa xa. Gần, vì khi tiếp xúc thì thân thiện, dễ mến. Xa, vì khoảng cách tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày vô tình tạo ra một bóng mờ lung linh có vẻ bí mật. Bàn bạc vẻ trần thế bên ngoài. Phảng phất vẻ tôn nghiêm bên trong. Bí mật là nguyên do của tò mò. Tuổi trẻ đang xuân thì sôi động. Thật khó khăn khi trước mắt là trái cấm đầy hấp dẫn. 

Nhân vật cha Ralph trong Tiếng Chim Hót… được xây dựng để người đọc nhận ra sự dằn xé với chính mình. Người đọc yêu mến nhân vật này vì tính cách chân thật của một người đàn ông đúng nghĩa. Còn lại, cuộc sống của cha Ralph là những chuỗi ngày đau thương trong tâm hồn. 

Trở về với câu chuyện Tóc Mây, cũng vậy, có lẽ cũng không trách được đã có những ảo tưởng trong suy nghĩ nơi người này người kia chỉ vì lòng thành. Đó là tâm trạng của cô vợ trẻ kia? Đó là tâm trạng của cô nữ sinh bé bỏng với vị Linh mục giám học của mình? Đến khi đối mặt thực tiễn mới nhận ra mình đã nhầm lẫn tưởng hư là thực.

Sau đây là nguyên văn lời kể của Lm Trần Cao Tường:

“...tôi ngồi bên một nhà văn không Công giáo. Trong lúc chờ khai mạc chương trình, sau một số trao đổi chuyện trò, ông ta hỏi tôi có dịp đọc cuốn truyện Thornbird của một tác giả người Úc nào chưa? Tôi chưa kịp trả lời thì ông hỏi tiếp ngay: tại sao ở Việt Nam chế độ không ưa gì Công giáo mà lại cho chiếu phim đó hoài vậy? 

Không chút do dự, tôi trả lời ngay: "Có thể người ta muốn rêu rao cho thấy bề trái của hàng linh muc: quá nhiều bê bối thấy chưa, phải đáng hồ nghi là vừa!" 

Ông ta liền buông một câu tỏ ra hết sức ngỡ ngàng: "Thế à! Tôi chưa bao giờ nghĩ ra điều đó. Ngược lại, với cá nhân tôi là một người không Công giáo, khi đọc truyện Thornbird, tôi hiểu và thương mến các linh mục nhiều hơn, vì nhận ra chất người nơi họ, rất gần gũi và rất nhân bản. Dĩ nhiên đã là người thì cũng có thể vấp ngã, đó là con số nhỏ. Họ cũng là người như tôi, thế mà họ lại có thể phấn đấu với chính mình để ra đi cứu nhân độ thế. Biết bao nhiêu người như thế. Tôi phục quá chứ!”

Bách Tùng Cao Nguyên 16/6/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét