CHIẾC MỀN MÀU
LAM Thích Nguyên Nguyện Rằm Tháng Chạp năm Nhâm Thân (1992 ) trời trở lạnh, huynh đệ tăng sinh khóa I, khóa II trở về bổn tự sau một năm, đồng tu đồng học tại Phật Học Viện Đại Tòng Lâm, mỗi tăng phòng giờ chỉ còn 1 hay 2 Thầy ở lại, những vị Thầy ở lại đều có chung một lý do: không có tịnh tài mua vé xe để đi về, nên thôi đành ở lại, làm công quả. Nguyên Nguyện ở lại Đại Tòng Lâm lần thứ ba, gió mùa cuối đông thổi rất mạnh, lá bàng rơi xao xác, sáng dậy sân chùa, một màu vàng bàng bạc, những vị ở lại phải quét rác mỗi ngày cho sạch sẽ, hoặc nếu không quét rác thì phải đi làm cỏ đậu phọng. NHẤT NHẬT BẤT TÁC, NHẤT NHẬT BẤT THỰC, thời bao cấp tất cả các thiền môn ở Việt Nam đều phải lao động, Phật Học Viện cũng không ngoại lệ, nhưng có lẽ Phật Học Viện Đại Tòng Lâm là một trong những Phật Học Viện Trung Đẳng có sớm nhất của Việt Nam sau thời kỳ mở cửa. Năm đó, Sư Bà Diệu Cát, tịnh tu trong một tịnh thất, phía trong cầu Ly Trần, Sư Bà có một đám đậu phọng, khoảng 4 sào, đang cần làm cỏ, mà sức khỏe của Sư Bà không cho phép làm những công việc nặng nhọc đó, Sư Bà nhờ Nguyên Nguyện làm cỏ đậu phọng dùm Sư Bà, mỗi ngày bắt đầu từ 7g sáng và kết thúc lúc 4 giờ chiều, buổi trưa Sư Bà cho thọ trai với cơm canh và đồ kho, buổi chiều Sư Bà cho ăn dược thực là cháo trắng. Ngày cuối cùng Sư Bà thết đãi một bữa cơm nóng với chả phù chúc kho tiêu, ngon ơi là ngon, bữa thọ trai hôm đó, cho đến bây giờ Nguyên Nguyện, khó tìm lại hương vị ngon như vậy, mặc dù là một món chay bình thường, nhưng không hiểu sao nó lại ngon đến như vậy. Nguyên Nguyện thời cơm hết 5 chén đầy và dĩ nhiên hết luôn dĩa chả phù chúc, sau đó xin phép Sư Bà Diệu Cát trở lại tăng phòng, Nguyên Nguyện đang đi bộ trên cầu Ly Trần, gió cuối mùa, rét hơn bình thường, vòng đôi cánh tay lại, rùng mình lấy hơi ấm, hơi lạnh từ dưới mặt hồ len lỏi khắp nơi, cái lạnh chẳng hề thuyên giảm, cuối năm, ai nấy cũng lo tết, nên khách thăm viếng không có nhiều, từng chiếc lá bằng lăng rơi nhẹ theo chiều gió, những tiếng rơi của lá khô, mùa đông và mặt đường nghe thành những âm thanh lạnh lùng, khô khốc. Nguyên Nguyện vội bước cho nhanh để về kịp tắm rửa rồi công phu, Sư Bà Thích Nữ Như Ánh trụ trì Thiền Viện Phổ Chiếu, cùng một vị thị giả đi ngược chiều, có lẽ Sư Bà đi thăm viếng một vị tôn túc nào đó cuối năm, trở về vào chiều tối, Sư Bà lặng lẽ đi, đi nhẹ nhàng và an lạc, vì lòng cầu ly Trần chỉ có hơn 2m nên, khi đi gần tới, Nguyên Nguyện vội vàng đứng lại, chắp tay chào Sư Bà, Sư Bà cũng vậy, cũng đứng lại cùng vị thị giả chắp tay xá lại. Sư Bà nguyên là tỷ trưởng cấp tập tại Quảng Nam, Sư Bà là đoàn Sinh của Anh Lê Thanh Hải (Hòa Thượng Thích Tâm Thanh) sinh hoạt chung một Gia Đình Phật Tử tại Quảng Nam, Nguyên Nguyện có thỉnh Sư Bà chứng minh Lễ Đại Tường của Chị Cả Tâm Chánh - Hoàng Thị Kim Cúc tại Chùa Bảo Tịnh, nên Sư Bà có biết Nguyên Nguyện, sau khi chào hỏi, Sư Bà nhẹ nhàng bảo rằng: Tôi nghe Thầy không đủ đồ vạt hò để mặc, và nghe cũng thiếu mền mùng nữa, ngày mai Thầy vô Phổ Chiếu lấy nghe, sẵn lấy thêm một ít mứt tết về ăn. Cảm ơn Sư Bà, Nguyên Nguyện tiếp tục bước, mà trong đầu cứ suy nghĩ, tại sao Sư Bà biết hay vậy? Thật sự lúc đó Nguyên Nguyện chỉ có 2 bộ vạt hò lam đã rách gáy và vạt áo đã bị sờn màu, một áo nhựt bình lam đi đường và một bộ y hậu, vậy thôi, còn cái mền, cái mùng và cái gối là sử dụng lại từ một Thầy rời học viện sớm, nên nó cũng đã mỏng và rách rồi, câu hỏi cứ đặt ra mà không có câu trả lời, thôi thì... Ngày hôm sau vào đúng 30 tết, Nguyên Nguyện đi vô Thiền Viện Phổ Chiếu, từ Phật Học Viện đến đó khoảng 1km, Sư bà rất bận rộn công việc của Thiền Viện cuối năm, nhưng Sư Bà cũng có ý trông Nguyên Nguyện, vừa đến nơi, Sư Bà bảo rằng: Tôi có ý chờ Thầy mà không thấy, Tôi nghĩ Thầy sẻ không vô, Nguyên Nguyện xin lỗi vì ở trong viện có nhiều việc phải làm. Sư Bà đã chuẩn bị sẳn, 1 chiếc mền, 1 chiếc gối và 1 chiếc mùng, được gói cẩn thận trong bọc giấy xi măng và một bọc nilon mứt tết. Trời ơi một món quá sức đắt tiền với Nguyên Nguyện , chưa mở ra đã thấy hoan hỷ rồi! Sư Bà thết đãi một bữa cơm chay cùng với đại chúng, mít kho, canh chua, bún gạo xào. Toàn là những món đắc ý của Nguyên Nguyện, hôm đó được một bữa thọ trai đầy phước lạc, trước khi ra về Sư Bà còn bảo rằng: nếu Thầy có cần gì thì cứ vô đây, Sư Bà còn gởi cho thêm một hộp đậu khuôn kho sả ớt, sao mà hấp dẫn vậy! Chiếc mền may bằng vải màu lam, có chỗ nhạt, chỗ đậm bởi nhiều chủng loại vải, vải dày vải mỏng, được nối với nhau bằng nhiều đường may, không nhất thiết cố định vuông hay chữ nhật, những miếng vải sắp xếp theo tâm thiện và sự khéo tay của người may, cho nên chiếc mền vô cùng thẩm mỹ, chiếc mền có 4 lớp một lớp mặt phải, một lớp mặt trái và 2 lớp phía trong, tạo nên độ dày, giữ cho thân nhiệt đủ ấm vào mùa đông. Chiếc mền đã theo Nguyên Nguyện đến ngày rời Việt Nam, hơn 30 năm, bây giờ chiếc mền vẫn còn trong ngăn tủ của Nguyên Nguyện và được dùng mỗi khi Nguyên Nguyện về Việt Nam. Chiếc mền vẫn còn nguyên đường may, mặc dù nó hơi cũ kỹ, có lẽ Nguyên Nguyện muốn lưu lại những kỷ vật thời khó khăn, để nhắc nhở nhưng việc làm từ thiện của mình được tinh tấn hơn. Nguyên Nguyện cứ nghĩ rằng chiếc mền giúp mình trong những năm tháng Tịnh Như Băng Tuyết, vậy mà năm 2018 khi trở về Việt Nam thiết lễ đại tường cho thân mẫu của Nguyên Nguyện, khi trở lại viếng thăm Phổ Chiếu Thiền Viện và thỉnh an Sư Bà, Nguyên Nguyện nhắc lại chiếc mền và hỏi Sư Bà, sao biết lúc đó Nguyên Nguyện cần mền, Sư bà cười và nói: Thầy Thiện Thuận nói cho tôi biết, ồ thì ra như vậy. Từ đó về sau cứ mỗi năm Sư bà may tặng cho Nguyên Nguyện 2 bộ vạt hò lam, một chếc áo đi đường. Xin tri ân những gì Sư Trưởng Phổ Chiếu đã ưu ái đến Nguyên Nguyện trong những năm tháng sơ cơ cho đến bây giờ, một thâm ân không thể nào quên, xin tri ân TÌNH LAM đã tạo cho những thắng duyên này. Chắp tay nguyện cầu cho một cuộc hồi sinh! Oklahoma
January 29-2021 THÍCH
NGUYÊN NGUYỆN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét