Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

Chợ Tết Tha Hương

 


 

CHỢ TẾT THA HƯƠNG

Thu Tuyết 

Tôi không nghĩ mình có thể tung tăng như một cô bé ngày nào lon ton theo mẹ đi chợ tết ở quê ngoại, nhưng điều đó đã xảy ra sáng nay, tại Foostcray, khu người Việt khá đông ở phía tây Melbourne. 

Dường như lâu lắm, tôi có được cảm giác hân hoan khi bài hát Xuân đã về (NS Minh Kỳ) vang lên với giai điệu tươi vui: “Xuân đã về, Xuân đã về, kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông..”. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người Việt cũng dừng lại lắng nghe, để uống từng lời từng chữ như uống dòng sữa mẹ ngày nao nuôi ta khôn lớn. 

Tôi như đang đứng trên chính quê hương mình. Có phải tôi không còn trẻ để nhanh chóng hội nhập vào văn hoá xứ người. Mặc dầu tôi vô cùng biết ơn đất nước xinh đẹp này đã cho chúng tôi vượt quá những điều chúng tôi mong đợi, nhưng quê hương tôi đã nằm sâu trong từng tế bào, từng giọt máu. Nó luôn ẩn hiện trong suốt chiều dài cuộc sống tha phương. Đôi khi chỉ vài giọt nắng rớt bên hiên nhà, một cơn gió thoảng giữa trưa hay lảng vảng bóng chiều tà cũng làm tâm hồn tôi ray rức khôn nguôi. 

Tôi bước dạo trong yêu thương, yêu người yêu mình, yêu tất cả những gì đang hiện hữu chung quanh. Những khuôn mặt Việt, những quầy thức ăn Việt, những chậu bonsai bày dọc theo lối đi, những câu đối đẹp chỉ thiếu ông cụ đồ với bộ áo dài khăn đóng, và lũ trẻ con theo bố mẹ lăng xăng trong nắng trưa. Tôi chợt thấy hình bóng tôi trong các em! Tất cả làm nên một bức tranh quê hương đẹp đến lạ kỳ. 

Tôi bồi hồi nhớ lại phiên chợ 30 tết của ngày xưa. Mặc dầu ở đây không có: 

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ tết”

(Đoàn Văn Cừ) 


Cũng không thấy: 

“Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ ”

(Đoàn Văn Cừ) 


Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ ấm lòng người viễn xứ. 

Tôi dừng lại bên quầy thức ăn. Những trái bắp nướng cháy sạm gợi tôi nhớ những trái bắp nếp nướng của quê nhà trong tiết trời lạnh giá mùa đông. Một người đàn ông tay không ngừng trộn chảo bột chiên thơm phức miệng luôn mời chào. Bên cạnh là quầy nước mía có đông người đứng đợi... 

Những hình ảnh ấy gợi lại trong tôi những quầy hàng rong trước cổng trường, nhưng hôm nay tôi không tìm lại được hương vị của ngày nào. Không phải vì thức ăn mà có lẽ vì thiếu đi cảm nhận của tâm hồn tinh khiết. 

Mặc dầu niềm vui cứ dâng trào nhưng mắt tôi vẫn cay khi bước ngang quầy câu đối. Tôi xúc động vì nó làm tôi nhớ lại hình ảnh: 

"Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ"

(Đoàn Văn Cừ) 


Thời gian là một thứ gì đó đầy mâu thuẫn, vừa nhân bản vừa tàn nhẫn. Nó có thể xoá đi những điều ta muốn xoá mà cũng sẵn sàng bỏ lại phía sau những điều ta muốn giữ. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, xóm làng, thời niên thiếu... Tất cả chỉ còn là một đám sương mù với những nét chấm phá nhạt nhoà. 

Tuy nhiên, đó là qui luật cuộc sống. Bởi ta không thể ôm mãi quá khứ vào lòng cho dẫu đó là một bức tranh hoàn thiện. Nhưng với tôi, quá khứ là một báu vật, tôi luôn cất giữ và nâng niu; đặt nó vào một ngăn kéo không ổ khoá, để khi cần tôi mở ra, để nhắc tôi nhớ rằng sự tồn tại của TÔI hôm nay được nuôi dưỡng bởi quá khứ. Quá khứ đau buồn cho tôi kinh nghiệm sống. Quá khứ hạnh phúc cho tôi tình yêu thương. Cả hai làm nên một "TÔI" trong hiện tại. 

Trời đã ngả về chiều, ước gì có tiếng chuông chùa đâu đây vọng lại để tôi được hưởng trọn vẹn không khí xuân như ngày nào ở quê ngoại. Và ước gì tôi có thể ôm vào lòng một quá khứ cho dẫu đã rêu phong. 

"Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh

Trên con đường đi các làng hẻo lánh

Những người quê lũ lượt trở ra về

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ"

(Đoàn Văn Cừ)

 

Melbourne, 12/1/2020

Thu Tuyết

Hình minh hoạ tại hội chợ tết Richmond - 2020, Melbourne. 

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét