Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

Mùa Xuân Chín - Bức Tranh Xuân Của Đời Người

 

(Ảnh: topchuan.com)

MÙA XUÂN CHÍN - BỨC TRANH XUÂN CỦA ĐỜI NGƯỜI
Thanh Phong

... chỉ với Mùa Xuân chín, Hàn Mặc Tử đã luôn là một nỗi nhớ khôn nguôi của người yêu thơ, yêu cái đẹp khi xuân về.

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
“Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

Có một chàng thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20 ở Nam Trung Bộ. 16 tuổi, chàng đã làm bài thơ đầu tiên. Chàng đã sống, đã đi, đã yêu tha thiết và đã đau đớn cùng cực. Rồi khi ra đi ở tuổi 28, di sản chàng để lại không chỉ đơn thuần là các tập thơ, kịch thơ và văn xuôi... mà là cả một thế giới tinh thần mênh mông như lời bình của nhà phê bình Hoài Thanh: “Vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh...”. Chàng thi sĩ ấy có bút danh là Hàn Mặc Tử. Nhưng Mùa xuân chín lại là một thi phẩm hoàn toàn khác với cái chất “điên”, chất “cuồng”, chất “đắng” của Hàn Mặc Tử… nó đẹp bình dị, như mơ như thực, khiến đa phần chúng ta có thể cảm được, hiểu được, yêu được.

Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) (Ảnh: Wikipedia)

Muốn hiểu Mùa xuân chín tường tận hơn, tưởng cũng cần nhắc lại một chút về hoàn cảnh ra đời của nó. Theo lời nhà văn, nhà phê bình Trần Thanh Mại, thì: “Qua cái năm bệnh hoạn đầu, nghĩa là vào cuối năm 1937, Hàn Mặc Tử gom góp xong tập thơ làm trên giường bệnh, theo một thể tài mới mà chàng gọi Thơ Điên”.

Có nghĩa là bài thơ Mùa xuân chín nằm trong tập Thơ Điên, được viết ra khi Hàn Mặc Tử đang phải vật lộn với căn bệnh hủi – thời ấy đang bị người ta ghê sợ và xa lánh lắm.

Hoài Thanh, Hoài Chân viết trong Thi nhân Việt Nam“Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã...”

Một người thường rơi vào hoàn cảnh của nhà thơ đã đau đớn lắm. Một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và lãng mạn; một con người tài hoa đang tuổi xuân xanh mà bị dày vò, hắt hủi như Hàn Mặc Tử có lẽ còn đau đớn gấp bội. Vậy mà con người bao nhiêu năm “bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã” ấy lại có lúc viết ra được những câu thơ đẹp kỳ lạ như thể thôi miên thế này:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Cảnh quê đấy, vừa dung dị gần gũi, lại như sương khói mờ ảo, ẩn hiện long lanh như ở miền cổ tích. Có lẽ đó là những câu thơ viết giữa những cơn đau bệnh. Đoán chừng như có một hôm, khi bệnh tật đã chán hành hạ và tạm buông tha cho người thơ, khiến người hơi hồi tỉnh một chút để rời khỏi cái xó nhà hôi hám và ẩm thấp; người chống gậy lần ra trước hiên nhà, bắt gặp cảnh xuân đang đến và họa lại nó không chỉ bằng một hồn thơ tinh mỹ mà còn bằng những nét vẽ bậc thầy.

(Ảnh: tronghoa.vn)

Bức họa ấy có “làn nắng” ửng hồng. Sao không phải “tia nắng” hay “hạt nắng” hay “ánh nắng”? Bởi “làn nắng” mới khiến nắng mong manh, trong suốt và mỏng tang như lụa, làn nắng ấy mới đủ nhẹ nhàng vương vấn, quấn quýt với sương khói lãng đãng đang tan dần. Nắng cứ khiến khói ửng lên và khói lại khiến nắng thêm phần lấp lánh, còn non tơ, e ấp và mơn man hơn cả nắng và khói trong Vọng Lư Sơn bộc bố của Lý Bạch, vì nó chính hợp với cảnh đồng quê bình dị, không phải cảnh hùng vĩ và nguy nga của:

“Nắng rọi Hương Lô, khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”
(Vọng Lư Sơn Bộc Bố - Lý Bạch)

“Lấm tấm vàng” có nghĩa là những hạt màu vàng nhỏ li ti nằm rải rác đều đặn trên mái nhà. Màu vàng này từ đâu ra? Không rõ, nhưng trong nắng ửng hồng, trong khói sương mơ màng, nó có khác gì những hạt bụi vàng ròng lấp lánh rơi trên mái? Được đặt trong khung cảnh thần tiên ấy, mái nhà tranh vốn bình dị nơi quê nghèo, lại trở nên như mơ như thực. Xuân đến lặng lẽ và dịu dàng trong làn nắng ửng, trong sương khói mờ ảo, trong gió xuân nhè nhẹ tinh nghịch và trên giàn thiên lý xanh mướt, khẽ khàng như người tình bé nhỏ tiến vào phòng rồi ngồi xuống chống cằm, âu yếm nhìn ta đang say ngủ, ta chỉ có thể cảm nhận thấy sự hiện diện của nàng. Cũng như xuân tới lặng lẽ đến nỗi ta chỉ nhìn thấy ‘bóng xuân sang” mà thôi.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

(Ảnh: uteen.vn)

Từ khung cảnh gần với mái nhà tranh, giàn thiên lý, ánh mắt nhà thơ nhìn ra xa tít tắp với đồng cỏ xanh mênh mông dập dờn trong gió. Câu thơ gợi nhớ đến cảnh mùa xuân trong Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du: “Cỏ non xanh rợn chân trời...” Gió xuân đang đùa với cỏ biếc, các thôn nữ cũng đang đùa vui trong mùa xuân của cuộc đời. Ta tưởng như nghe thấy tiếng cười trong vắt, lảnh lót của các cô từ trên đồi xa văng vẳng tới, khiến thi nhân cũng đắm mình trong xuân ý triền miên. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi người thơ đang lây trong niềm vui ngây ngất thì nỗi chạnh lòng lại chợt lẻn đến. Thi nhân tiếc nuối cho tuổi xuân ngắn ngủi, tiếc cho hạnh phúc vô thường, chỉ đáo qua đời ta một đôi lần. Có 4 câu thơ nhưng dường như ta thấy cả cảnh xuân đến xuân đi, thấy cả tình người đang vui say sưa lại thoắt buồn tư lự.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Một tiếng hát của tuổi xuân xanh mà lại diễn hóa ra bốn trạng thái cảm xúc. Nó cất lên từ đâu đó ở lưng chừng núi, trong sáng và hồn nhiên lắm, hồn nhiên và lạc quan như tâm hồn tuổi trẻ với cả khung trời hoa mộng, còn chưa hề vương dù chỉ một chút sầu thương của cuộc đời. Ta như nghe thấy khúc Sơn ca Phúc Kiến: “chị em lên núi hái chè” mà Nhạc Linh San cao giọng véo von giữa chập trùng mây núi khi nàng đang bồng bềnh say đắm trong tình yêu với Lâm Bình Chi. (Độc giả nào  đã từng đọc tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ có lẽ không thể quên chi tiết đầy biểu cảm này). Chắc hẳn tiếng ca ấy phải trong và cao lắm mới có thể đập vào các vách núi, vang chỗ nọ, vọng chỗ kia, khiến ta khó có thể xác định được người hát đang ở đâu. Vậy nên nhà thơ gọi là “vắt vẻo” chăng? Tiếng ca ấy lại hổn hển, náo nức như nhựa sống căng tràn trong cơ thể thiếu nữ. Nó khiến cho người ngồi dưới trúc – biểu tượng của người quân tử đoan trang – cũng phải thấy lòng rộn ràng với chút tình ý thơ ngây. Nhưng trên tất cả, những âm sắc và tình cảm phong phú ấy chẳng chút toan tính, chẳng đượm mùi tục lụy, không cố gieo tình mà lại đầy ý vị. Và trong trắng như tuổi thanh xuân.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
“Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

(Ảnh: Lâm Seven, lấy từ Mạnh Mập Blog)

Thi nhân có hai lần sực nhớ: lần thứ nhất người sực nhớ tới ngày tan tác ngay trong lúc hội ngộ của những kẻ đầu xanh; lần thứ hai giữa mùa xuân đất khách, người sực nhớ tới làng quê cũ, tới hình bóng người xưa. “Chị ấy” là ai? Chẳng biết. Có lẽ ngày xưa lúc xuân xanh, “chị ấy” cũng từng là một trong các cô thôn nữ hát trên đồi. Còn nay thì không biết người xưa đang tần tảo gánh thóc nhà ai? gánh thóc năm này qua năm khác dọc những bờ sông nắng cháy. Đặc biệt, cái ánh nắng chang chang, gay gắt đến trắng cả bờ sông ấy là hình ảnh đối lập với “làn nắng ửng” nhẹ nhàng, mơn man ở đầu bài thơ. Đó là lúc mà xuân xanh đã chuyển sang xuân chín, là lúc “sóng xuân cỏ biếc” với những cô thôn nữ hát trên đồi trở thành người phụ nữ tần tảo gánh thóc dọc bờ sông nắng cháy. Cái ngày mai có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi đã là quy luật của hợp tan tan hợp trong đời người. Dẫu biết thế, nhưng ai mà chẳng bâng khuâng, chẳng ngậm ngùi trước mùa xuân tuổi trẻ duy nhất đã đi qua không bao giờ trở lại?

Có ai đó nói rằng: Mùa xuân chín và Đây thôn Vĩ Dạ là những bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử. Vì đâu mà hay? Phải chăng một phần vì cái cảm giác khi chìm giữa vườn thơ của người với những cảm xúc quằn quại, hoang vu, đáng sợ, với những “máu cuồng” và “hồn điên” thật xa lạ, ta lại bắt gặp những câu thơ vô cùng đẹp, dễ thương và nhất là quen thuộc với tâm hồn ta. Ta lại nảy lòng thương xót với con người tài hoa bạc mệnh, sở dĩ làm thơ điên chỉ vì thân xác đang đau đớn và hồn đang rên xiết vì bị vứt vạ vật bên lề của cuộc đời. Còn khi người ấy tạm thời hồi tỉnh, thì ta lại có Mùa Xuân chín, lại có Đây thôn Vĩ Dạ. Có phải thế chăng? Thôi thì dẫu sao, chỉ với Mùa Xuân chín, Hàn Mặc Tử đã luôn là một nỗi nhớ khôn nguôi của người yêu thơ, yêu cái đẹp khi xuân về.

Thanh Phong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét