Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

Để Người Ta Ngu Với Chớ!

 

Hình minh họa

ĐỂ NGƯỜI TA NGU VỚI CHỚ!
Lê Đức Luận

Ngày xưa Cụ Trần Văn Hương ngồi trong nhà tù, buồn tình, Cụ làm thơ: “Ngồi rù gãi háng dái lăn tăn/ Gãi gãi một hồi dái rối nhăng*”. Cả tháng nay dân Sài Gòn “ngồi tù tại gia”, ông Năm Lo ở khu Khánh Hội - Quận 4, không ngoại lệ. Ông cũng buồn như Cụ Hương nên nhại thơ của Cụ, rồi ngâm nga: “Ngồi buồn gãi háng bụng lăn tăn/Gãi gãi một hồi bụng đói nhăn”.

Thằng con trai đang ngồi bó chân trên sofa, nghe ông ư ử ngâm, nó bảo:

- Thơ gì nghe kỳ cục vậy ba?

- Đấy! Tao chỉ nhại lại thơ của Cụ Hương. Chắc mầy không biết Cụ Hương là ai đâu, để ba nói cho mà nghe: “Cụ là một nhà giáo, một trí thức lớn, một chính trị gia được dân miền Nam kính trọng. Cụ từng làm Đô trưởng Sài Gòn, rồi Thủ tướng, Phó Tổng thống, cuối cùng là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đấy…Gần đây không biết thằng “phải gió” nào mượn ý thơ của Cụ để châm biếm bài diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi sang thăm nước Cuba. Thơ rằng: ‘Ngồi buồn gãi háng mấy ai hay/ Gãi ba-bảy-năm, gãi từng ngày/ Gãi cho ta thức, Cuba ngủ/ Gãi hoài, gãi mãi…mỏi cả tay’ (nguyên văn một câu trong bài diễn văn đó: Có người ví von Việt Nam - Cu Ba như là trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây, chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cu Ba thức thì Việt Nam ngủ, Việt nam gác thì Cu Ba nghỉ)

Từ ngày dịch bệnh bùng phát dữ dội, bộ đội lãnh phần giao thực phẩm cho dân Sài Gòn - họ hứa không để sót một ai. Thế là thằng Lắm, con trai của ông Năm Lo, mất việc làm “shipper” (giao hàng). Ông bà Năm Lo chỉ có một thằng quý tử này thôi, cho nên dù nghèo khó, ông bà cũng chắt chiu cho nó vào Đại học. Sau bốn năm, nó lấy bằng cử nhân kinh tế nhưng không kiếm được việc làm cho đúng ngành nghề, nó đành chạy Uber, rồi sang Grab, Go-Việt từ mấy năm nay - dùng ngoại ngữ cho sang, chứ thực sự cái tên truyền thống Việt Nam là “nghề xe ôm”. Từ khi dịch Vũ Hán xuất hiện, người ta ít đi lại nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, nó chuyển sang nghề Shipper (giao hàng). Nay, bộ đội đảm trách công việc đó – Nó thất nghiệp! Nó buồn… Nhưng ông Năm lại vui vì có người “trút bầu tâm sự”…

Những năm đi học, rồi chạy “xe ôm”, nó vắng nhà thường xuyên. Hai ông bà già ở nhà hay cãi nhau những chuyện không đâu. Ông nói chuyện chính trị - chê ông lãnh đạo này, chỉ trích ông lãnh đạo kia, bà Năm bỏ ngoài tai và càm ràm, bảo rằng: “Ông cứ lo nghĩ những chuyện bao đồng”. Còn ông thì bảo: “Bà vô tâm…không biết đến những bất công, đau khổ của người khác”. Nói vậy, chứ ông biết rằng nếu không có sự quan tâm của bà thì cha con ông “vêu mõm”.

Cả tuần nay, trên đài loan báo: “Bà con cứ yên tâm ở trong nhà sẽ có bộ đội đem thực phẩm đến tận cửa”. Hai ngày rồi, ông Năm cứ lom lom trông ra cửa. Chẳng thấy thứ gì! Trong nhà đã hết gạo, thùng mì gói dự trữ cũng sạch trơn. Cha con ông ngồi bó gối nhìn nhau chuyện trò cho qua bữa ăn sáng.

Hôm nay, bình minh chưa ló dạng, bà Năm đã ra khỏi nhà, luồn lách qua mấy con hẻm để gặp những người ở ngoại thành gánh những bó rau, khoai, gạo, mắm… đến điểm hẹn để bán cho dân nội thành. Họ di chuyển trong đêm – hai cảnh đời cam khổ gặp nhau – âm thầm, lặng lẽ trao đổi trong đêm khuya vì ban ngày thuộc về những kẻ có quyền hành. Khi trời hừng sáng, những người dân khốn khổ này phải rút về cố thủ trong nhà, nếu chẳng may bị bắt gặp ở ngoài đường trong giờ làm việc, thì những kẻ “thi hành công vụ” sẽ phạt vạ - tai họa ập đến vô lường! Dù gian nan là thế, người bán không bắt chẹt người mua, và người mua thông cảm với sự cực nhọc của người bán. Hai bên âm thầm giúp nhau trong cơn hoạn nạn – không có lời đãi bôi, dối trá. Đó là cách cư xử nhân hậu, thiệt thà của người Sài Gòn từ bao đời nay… Nó là như thế!

Bà Năm đem về hai bó rau muống và túi gạo khoảng ba kí lô. Vừa bước vào nhà, bà nghe ông Năm nói: - Xứ người ta thì: “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, còn xứ mình thì “Cùng tắc biến, biến tắc ngu” – ngu vừa vừa để chỗ cho người ta ngu với chớ…

Nghe thế, bà Năm tưởng ông chồng đang bảo mình ngu, bà nổi quạu, hỏi:

- Ông nói cái gì mà ngu với khôn ở đây?

Bà Năm vừa dứt lời, ông Năm đứng dậy đỡ lấy túi gạo và hai bó rau muống trên tay bà, rồi giải thích:

- Tui nói đến các người lãnh phần trách nhiệm chống dịch kia kìa, chứ chẳng phải nói gì đến bà đâu. Tui bảo: “Ngu vừa vừa, còn để chỗ cho người khác ngu với… chớ chúng nó ôm hết cái ngu thì dân tình khốn khổ”.

Bà Năm nghe ra, hạ hỏa, nhưng cảnh báo:

- Ông liệu cái thần hồn của ông - ở đó mà ăn nói linh tinh… có ngày chúng nó dí trên trán ông cái F1 là tàn đời.

- Tui ở trong nhà suốt ngày, có tiếp xúc với ai đâu mà F1 với F2.

- Đấy! Con Hồng nhà bà Khánh - mạnh khù, nhưng cái miệng bép xép. Chúng nó đến nhà dẫn đi “ngoáy mũi”- dán cho cái nhãn F1- bị tống vào trại tập trung cách ly - lạy lục cầu khẩn như tế sao nhưng chúng đâu có tha; thằng chồng phải đem hai triệu đi chuộc mạng mới được thả về nhà. Ông ra đó mà lý sự!?

Ông Năm đem gạo, rau vào bếp cho bà Năm làm bữa, rồi trở ra tiếp tục chuyện trò với thằng con. Thấy nó ngồi buồn ủ rũ, ông an ủi:

- Yên chí đi, nay mai chúng nó sẽ gọi các con đi làm trở lại cho mà coi. Ba đoán không sai đâu - chẳng những kêu lại mấy đứa tụi bay mà còn phải tuyển thêm người nữa đấy.

Ông Năm nói tiếp:

- Trước năm 1975, Sài Gòn có khoảng 4 triệu dân. Sau ngày “giải phóng” dân ngoài Bắc vào, các nơi đổ về tăng lên trên 9 triệu theo thống kê năm 2020. Bây giờ nghe nói, nếu tính cả những người cư trú không đăng ký hộ khẩu, thì con số thực tế lên đến 14 triệu đấy. Tao xem trên mạng thấy mấy chú bộ đội hai tay xách hai bịch thực phẩm, ngơ ngơ… ngáo ngáo… tìm đường, tìm địa chỉ vì họ đâu có rành đường sá, ngõ ngách ở Sài Gòn. Cái cung cách này thì mỗi ngày một chú bộ đội giỏi lắm cũng giao được 50 bịch hàng. Học kinh tế bốn năm, mày thử làm con tính: Một Sư đoàn khoảng 10 ngàn quân, vậy cần bao nhiêu Sư đoàn mới đáp ứng được công việc đưa hàng đến tận nhà cho dân? Đó là chưa kể phải cung ứng một số thực phẩm để nuôi đám bộ đội này, trong khi dân thành phố đang khan hiếm lương thực.

Thằng con ngồi nghe ông cha phân tích, nó bảo:

- Mấy ông Trung ương đưa quân đội vào, mục đích chính là để phòng chống nổi loạn, còn giúp dân là chuyện phụ…Con nghĩ như thế.

- Nếu tính vậy thì lòi ra cái “ngu” thứ hai. Mày nghĩ xem: -Trong cơn dịch bệnh, cái chết lù lù trước mắt…cái bụng đói meo thì còn hơi sức, tâm trí đâu mà biểu tình với nổi dậy? Mà nếu có thì chính quyền phải tìm giải pháp an dân chứ sao lại nghĩ đến biện pháp đàn áp?

Ông Năm uống ngụm nước, rồi hỏi thằng con:

- Mày có nghe chuyện bộ đội “đi chợ giùm” cho dân chưa?

Thằng con lắc đầu, ông cha bắt đầu kể:

- Hôm ấy một bà viết trên đơn mua hàng: “Mua giùm một bịch Siêu Thấm hiệu Diana”. Đơn mua hàng chỉ một thứ đó thôi mà làm hai thằng bộ đội khốn khổ vì tìm chỗ bán thực phẩm, rau quả không thấy. Loay hoay mãi trong siêu thị mà tìm không ra món hàng, nên phải hỏi nhân viên phục vụ. Cô nhân viên sốt sắng dẫn hai tên đến tận kệ để hàng. Mừng quá, hai thằng lấy một bịch bỏ vào giỏ. Vì khổ công tìm kiếm nên hai thằng tò mò mở gói hàng ra xem để biết thứ gì? Xem tới, xem lui... một thằng chửi đổng theo kiểu Bắc kỳ (vì hai thằng đều là dân ngoài Bắc): - Bố khỉ! Cái dân Sài Gòn này lạ thật! Đang đói kém không lo đặt mua thực phẩm, lại mua “đồ lau miệng”. Kể ra thì bà đặt “mua giùm” hàng cũng ác - Phải chi bả viết rõ: “Mua giùm bịch băng vệ sinh Siêu Thấm hiệu Diana” thì hai chú bộ đội đâu phải khổ công như vậy. Tội nghiệp!

Thằng con bụng đang đói meo, mà nghe qua câu chuyện nó cười khùng khục. Ông cha được thể nói tiếp trong lúc chờ cơm.

- Mày nghĩ sao về câu khẩu hiệu: “Chống dịch như chống giặc”?

Thằng con ậm ừ, suy nghĩ… chưa nghĩ ra câu trả lời. Ông cha liền đọc thơ:

- “Mới nghe thì thấy là hay/ Xem ra mới biết đắng cay thế nào!”.

Rồi ông Năm tiếp tục:

- Cái con dịch Covid-19, nó không tiến quân lù lù, trông thấy được như “thằng giặc” để mà tiêu diệt. Nhìn những anh bộ đội bồng súng nghiêm túc đứng gác như đang ở một tiền đồn nơi biên ải - mắt cứ lom lom nhìn vào khoảng không gian trước mặt - chẳng thấy gì! Thỉnh thoảng có một người dân đi qua, anh bộ đội chặn lại…nhưng xem ra, nó không phải là “thằng giặc” mà là “thằng dân”. Ngẫm… mới thấy thương cả anh bộ đội lẫn người dân.
- Áp dụng triệt để khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” nên mới có kẽm gai, rào chắn… báo chí tung hô “mỗi địa phương là một pháo đài chống dịch”. Còn nhà cầm quyền lo phân chia địa giới hành chánh: vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng… làm như con Covid không chui qua được các lằn ranh ấn định. Cũng từ mệnh lệnh đó mới nảy sinh việc khám xét giấy tờ, không ích lợi thực tiễn cho việc chống dịch mà chỉ gây ra nạn “hống hách, bạo lực, vô cảm” nơi cán bộ có chức năng. Những điều đó làm cho sinh hoạt xã hội khủng hoảng, dân chúng sợ hãi và cũng là một trong những nguyên nhân lây lan dịch bệnh...

- Chống dịch là phải dùng trí tuệ phối hợp với tri thức y học cùng ý thức trách nhiệm và tự giác của toàn dân chứ không phải bằng “khẩu hiệu”. Chính quyền chỉ cần ra lịnh: “Không được tụ tập đông người và kêu gọi dân chúng giữ đúng khoảng cách 2 mét, đeo khẩu trang để tránh lây lan”. Đơn giản, nhẹ nhàng mà hiệu quả có thể hơn cả các biện pháp nêu trên. Vậy mà cứ “nhắng” lên như giặc Tàu đang tràn qua biên giới.

- F0 - F1- F2- F3… mới là cái nhiễu nhương (?). Thằng F0 nhiễm bệnh, được đưa vào bệnh viện, nó phải khai ra những người đã tiếp xúc. Giả dụ thằng F0 tiếp xúc 10 người, có thể năm, ba người bị lây nhiễm, nhưng cả đám 10 người này bị “dán nhãn F1”, bị đưa vào trại “tập trung cách ly”. Nơi đây không có thuốc men phòng ngừa, điều trị - điều kiện ăn uống và vệ sinh tồi tệ…Thế là, 10 thằng F1, trở thành 10 thằng F0. Rồi 10 thằng F0 này được đưa vào bệnh viện - bệnh viện quá tải. Vậy là cả đám nằm chờ đưa đến nhà thiêu… Người ta bảo: “Trại tập trung cách ly F1 là lò ươm F0”.

Ông Năm dừng lại, hỏi thằng con:

- Vậy mày thấy có ngu không chớ?

- Không ngu đâu ba - họ kiếm được “tiền chuộc mạng” và tiền “ngoáy mũi”. Thằng con phản biện.

Ừ, mày học bốn năm kinh tế, mới thấy. Tao chịu! không nghĩ ra. Ông Năm chua chát, rồi tiếp:

- Chống dịch phải dùng “cái đầu” chứ không phải bằng “cái miệng”. Một bài báo mô tả: “Ông Thủ tướng lưng áo đẫm ướt mồ hôi, thị sát các điểm nóng dịch bệnh…”. Tao chẳng “thương” ông mà thấy đó là điều bất cập. Ông Thủ tướng bề bề công việc quốc gia đại sự mà xuống làm “Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch”. Vậy mấy ông Phó thủ tướng và Bộ trưởng làm cái gì và đang ở đâu? Nếu cả đám này “vô tích sự”- chẳng làm nên cơm cháo gì thì kêu gọi các bậc cao nhân ra giúp nước - Nước mình đâu thiếu hiền tài?

- Chính phủ ra lịnh: “Đâu ở đó” mà không có kế sách gì để giải quyết vấn đề ăn, ở cho số người trước đây đổ về Sài Gòn kiếm sống trong cảnh nhà thuê, gạo chợ bằng đồng lương kiếm được nơi hãng xưởng hay do làm thuê, làm mướn… Nay Sài Gòn bị phong tỏa, hãng xưởng đóng cửa, họ lâm cảnh: Gạo không có tiền mua, nhà không có tiền đóng, họ phải dắt dìu nhau ra khỏi Sài Gòn - tạo ra một cuộc “di tản” vô cùng thê thảm.

- Ông Thủ tướng giải quyết được việc ăn, ở cho đám dân tạm cư Sài Gòn có kết quả đã là một thành tích vẻ vang rồi… cần gì phải phô trương hình ảnh nơi hiện trường – tuyên bố,  chỉ thị lung lung… Chính phủ xuất mấy chục tỷ cứu dân – nghe nói mỗi người được một triệu rưỡi mà cũng xì xà xì xịch - kẻ có người không! Tiền rải xuống tỉnh, huyện mỗi nơi phát một kiểu – có huyện nảy sinh sáng kiến: “lấy tiền mua giúp lương thực cho dân” - mỗi phần được: một bao gạo, năm ba chai nước mắm, vài thùng mì gói...v…v… là trừ phăng một triệu rưỡi. Thế là nhân dân ta thán - chẳng cảm ơn nhà nước mà còn bảo chính phủ: Xạo!

- Đến lúc “thằng trên bảo thằng dưới không nghe” thì quốc gia chẳng còn ra thể thống gì cả!

- Tao nhớ hồi đầu năm 1966, ông Nguyễn Cao Kỳ  đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương ở Miền Nam (như chức Thủ tướng bây giờ), thì cả nước lên “cơn sốt gạo”- giá gạo từ 5 đồng/kg lên 6 đồng, rồi 7 đồng/kg. Ông biết do mấy tên “xì thẩu” Chợ Lớn thao túng thị trường. Ông chẳng nói năng chi. Ông cho gọi 7 tay ba Tàu đứng đầu ngành mua bán lúa gạo ở miền Nam vào văn phòng. Ông để bọn này ngồi chờ từ 4 giờ chiều đến 11giờ đêm - đói meo râu! Đến 11 giờ ông xuất hiện, bảo sĩ quan tùy viên đem ra cái “nón sắt” và xấp giấy, rồi yêu cầu các tay “xì thẩu” viết tên vào mảnh giấy bỏ vào cái nón sắt. Sau đó ông ra “tối hậu thư”: - Tuần tới gạo không xuống giá, các ông trở lại đây bốc thăm – trúng tên nào tôi đem ra bắn tên đó. Bọn “xì thẩu” này là những tay có thế lực bằng Trời lúc bấy giờ - nghĩ rằng đó là trò “rung cây nhát khỉ” nên “nắn gân” ông Kỳ…Tuần sau, giá gạo chẳng xuống mà còn tăng lên 7,5 đồng/kg. Ông âm thầm ra lịnh cho lực lượng “Thanh Niên Trừ Gian” điều tra tên nào phạm tội có bằng chứng cụ thể, đúc kết hồ sơ, đưa qua Tòa án Quân sự xử khẩn cấp. Tên Tạ Vinh bị bắt, ra tòa lãnh án tử hình và đưa ra “pháp trường cát”- Xử bắn ngay lập tức! Năm tên đứng đầu 5 bang hội người Hoa họp khẩn cấp. Họ thấy khó chơi với tay “Tướng cao bồi” và lo sợ đến phiên mình. Thế là, vài giờ sau phiên họp, giá gạo xuống 4 đồng/kg.

- Nghe nói Hội Tam Hoàng của người Hoa cố tìm cách chạy chọt cứu Tạ Vinh, nhưng không thành công. Còn dư luận trong dân chúng thì bảo: Tạ Vinh được thay hình đổi dạng - sống mai danh ẩn tích; người bị xử bắn hôm ấy là một tên tử tù khác - chuyện này thật hư thế nào, đến nay chưa ai biết rõ(?).

Ông Năm chiêu vài ngụm nước cho cái bụng bớt cồn cào, rồi tiếp:

- Câu chuyện này do một sĩ quan thân cận với ông Kỳ kể lại. Tao nghe mà thấy khoái ông “Tướng cao bồi”. Ông còn làm một việc mà một số dân nghèo còn nhớ ơn là: Chương trình “hữu sản hoá xe lam ba bánh và người ở nhà thuê”. Chuyện ở nhà thuê hồi đó cũng giống như thực trạng dân nhập cư ở Sài Gòn bây giờ. Tao không còn nhớ rõ là người thuê nhà ở trong bao nhiêu năm (mười hay hai mươi năm) sẽ không phải trả tiền thuê nữa. Chủ nhà không được đuổi người thuê và bán lại cho người thuê theo giá thị trường.

- Sau này ông “Tướng cao bồi” làm những việc lăng nhăng và tuyên bố những câu làm tao thất vọng! Thần tượng sụp đổ!

- Bây giờ đến ông Thủ tướng Phạm Minh Chính - mới nghe tiểu sử và thành tích của ông – tao choáng! Nhưng xem các lịnh lạc của ông – tao ngợp! Cấm - Phạt - Giam - Tù là biện pháp chính quyền các cấp có thể áp dụng.

- Cấm ra đường – đâu ở đó! Nhưng nhiều người không có tiền trả tiền thuê nhà bị chủ nhà đuổi ra đường. Làm sao đây? Xem ra chỉ có Tề Thiên Đại Thánh có phép “tàng hình” mới làm được, chứ thằng dân khốn khổ thì không “còn cửa”…nên tự phát dìu dắt nhau rời Sài Gòn, về quê kiếm cái ăn, nơi ở…

- Nhưng rồi lại “Cấm” di chuyển và hạn chế các phương tiện giao thông. Thằng dân khốn khổ bất chấp gian nguy: đi bộ, xe đạp, xe máy la liệt trên đường xa vạn dặm. Không sao nói hết những cảnh thương tâm!

- Nhưng về đến nơi, nhiều địa phương lại “cấm cửa”. Thằng dân chỉ biết ngửa mặt lên Trời kêu cứu! Làm sao bây giờ hả Trời?

- Ông Trời cho con người có cái miệng để ăn và nói. Bây giờ chẳng có cái ăn thì nói. Nhưng nói cũng phải coi chừng! Nói mà “lạng quạng” sẽ  bị phạt, bị giam, bị tù…vì tội phỉ báng người thi hành công vụ, nghe lời xúi dục của thế lực thù địch, phản động, âm mưu lật đổ chính quyền… Ôi thôi đủ thứ tội tày đình!

Ông Năm hạ giọng, hỏi thằng con:

- Mầy thấy các nước Tư bản họ giải quyết trong mùa đại dịch thế nào? Có giống xứ mình không?

- Giống làm sao được, ba – Việt nam theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa phải hành xử khác với các nước Tư bản chớ –  ưu việt và khôn ngoan hơn nhiều – dùng “đỉnh cao trí tuệ” để vận động xin Vaccine và tiền cứu trợ. Các nước Tư bản họ cố gắng tự lực, nước mình nỗ lực “đi xin” - sướng hơn chớ! Nước mình chính quyền chủ động đề ra các biện pháp chống dịch, còn các nước Tư bản, họ thăm dò ý kiến của người dân trong vấn đề phòng chống dịch để đưa ra chính sách thích nghi. Trước đây khi nạn dịch mới bắt đầu, Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ, coi như “anh hùng” chống dịch. Các ông lãnh đạo cứ thế hãnh tiến tung hô…quên cả chuẩn bị, đề phòng nên “anh hùng” rơi kiếm. Hiện tại Nikkei Asia xếp Việt Nam vào hạng chót trong bảng chỉ số phục hồi Covid -19 ( 121/121). Buồn thiệt!

Ông Năm trầm ngâm:

- Ừ, mày học kinh tế bốn năm mới thấy ra điều đó, chứ tao thấy biện pháp chống dịch của mấy ổng, giống cái kiểu: “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô…”.

Nồi cơm dưới bếp và hột vịt luộc dằm nước mắm bay lên thơm lừng, ông Năm nuốt nước bọt, bảo thằng con:

- Xuống phụ với mẹ mày dọn cơm ra ăn, tao đói bụng rồi!

Hai già, một trẻ ngồi vào bàn ăn. Ông Năm sếu sáo nhơi mấy cọng rau muống già mà bà Năm tiếc không bỏ đi. Hai hàm răng giả làm việc liên tục mà miếng cơm rau chưa nhuyễn - ông nuốt không trôi!

Bà Năm nhìn chồng thương hại, bảo:

- Ngày mai tui mua trái bầu, nấu bát canh cho ông dễ nuốt.

Lời bà Năm làm ông xúc động, ông âu yếm nhìn bà, rồi nói:

- Tui sinh ra và lớn lên ở cái đất Sài Gòn này, năm nay trên bảy mươi tuổi, chỉ có hai lần nếm trải đau thương: lần thứ nhất vào những năm sau ngày Sài Gòn “giải phóng” – 1975 đến 1978 – vì nạn đổi tiền, ngăn sông cấm chợ…nhai bo bo, sắn khô sái cả quai hàm và lần này – vì nạn phong tỏa, cách ly bởi dịch Tàu (Covid-19).

Ông Năm lại than:

- Ở xứ người ta: “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, còn xứ mình thì: “Cùng tắc biến, biến tắc ngu…”  ./. 

LÊ ĐỨC LUẬN
(Tháng 11- 2021)
*Câu: “Gãi gãi một hồi dái rối nhăng” là người ta phịa thêm, chứ trong bài thơ Tù của Cụ Hương không có câu này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét