Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Giai Cấp Thống Trị Nước Mỹ

 


GIAI CẤP THỐNG TRỊ NƯỚC MỸ 
Paul Adams  _  Huệ Giao 

Những người kiểm soát các thể chế của chúng ta và cả hai đảng, nắm giữ những vị trí cao trong nền kinh tế, chính trị, và văn hóa, bao gồm một tầng lớp ưu tú có chung các giá trị, niềm tin, quan điểm, và quyền lực. Họ thống trị các trường đại học, phương tiện truyền thông, giáo dục, doanh nghiệp lớn, nền thể thao lớn, và Hollywood.

Một số học giả như Charles Murray và các nhà bình luận chính trị như Ben Shapiro và Tucker Carlson đã sử dụng thuật ngữ “giai cấp thống trị” hoặc “giai cấp thống trị mới” cho giới tinh hoa bao trùm toàn bộ thể chế và lưỡng đảng này. Họ đưa ra định nghĩa giai cấp là một phạm trù về quyền lực và quan điểm, những khác biệt về khả năng tiếp cận chính phủ và giáo dục, những thói quen, và thị hiếu. Trái lại, những người theo chủ nghĩa Marx đã coi trọng tâm để phân chia [giai cấp] là giữa chủ sở hữu tư bản và những người làm thuê cho họ – tức là giữa nhà tư bản và người làm công ăn lương, hoặc trong các xã hội phân chia giai cấp trước đây, thì là giữa nô lệ và chủ nô, hoặc lãnh chúa và nông nô phong kiến.

Giai cấp thống trị của nước Mỹ



Nhà triết học chính trị, cựu quan chức tình báo cao cấp, đồng thời là nhà phê bình các trường phái chính trong chính sách ngoại giao Angelo Codevilla đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông hôm 21/09/2021. Ngoài những cuốn sách, bài báo, và các bài diễn văn về nghệ thuật lãnh đạo đất nước và thiết lập chính sách ngoại giao, thì ông Codevilla đã đưa ra một bài phân tích đầy sức thuyết phục theo hướng bảo tồn truyền thống nói về trọng tâm phân chia giai cấp ở Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản một bài xã luận dự liệu tương lai một cách tài tình (và sau này đã trở thành sách) vào năm 2010, trong đó trình bày quan điểm của ông về giai cấp thống trị của nước Mỹ.

Ông Codevilla nhấn mạnh vào quyền lực và quan điểm của giai cấp thống trị mới này – họ tin tưởng mạnh mẽ vào sự ưu việt về mặt đạo đức và trí tuệ của bản thân và hoàn toàn khinh miệt phần còn lại của xã hội.



Theo cách hiểu như vậy, thì giai cấp thống trị không được định nghĩa bằng quyền sở hữu tư bản hay của cải. “Điều thực sự phân biệt những người có đặc quyền này về mặt nhân khẩu học là cho dù trực tiếp làm việc trong chính phủ hay chỉ là nhân viên trong các công ty, thì sự nghiệp và vận mệnh của họ đều phụ thuộc vào chính phủ,” ông viết. Họ bỏ phiếu cho đảng viên Dân Chủ và “thu hút tiền bạc và định hướng từ cùng các nguồn là hàng triệu giáo viên, chuyên gia tư vấn, và các nhân viên chính phủ ở các cấp bậc trung mà mong muốn” trở thành thành viên của giai cấp thống trị và đồng cảm với những gì họ coi là những mối bất bình của những người bị áp bức.

Đảng và giai cấp 



Tác giả Codevilla lập luận rằng Đảng Dân Chủ là đảng của giai cấp thống trị, còn Đảng Cộng Hòa là đối tác cấp dưới của họ. Năm 2010, ông đã viết rằng ông coi phần lớn cử tri là những người không có đại diện cũng như không có tiếng nói. Hầu hết các cử tri của Đảng Dân Chủ nhận thấy đảng của họ đang đại diện rất tốt cho họ, nhưng điều đó đúng với chỉ một số ít cử tri của Đảng Cộng Hòa. Không có đảng phái nào đại diện và bảo vệ các quan điểm và các giá trị của đa số [người dân Mỹ] – yêu nước, đặt Hoa Kỳ lên ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề kinh tế và chính trị toàn cầu, tránh các cuộc chiến tranh không cần thiết và không có khả năng chiến thắng, có một chính sách ngoại giao làm các nước bằng hữu của chúng ta trở nên vững mạnh và khiến những nước địch thủ của chúng ta suy yếu thay vì làm điều ngược lại, và đó là kiên trì ủng hộ gia đình, đức tin, và truyền thống.

Như ông Codevilla đã viết hồi năm 2010: “Nói tóm lại, giai cấp thống trị có một đảng, đó là Đảng Dân Chủ. Nhưng khoảng hai phần ba người Mỹ – một số ít cử tri của Đảng Dân Chủ, phần lớn cử tri Đảng Cộng Hòa, và tất cả những người độc lập – thiếu một phương tiện truyền tải trong nền chính trị bầu cử.”



Sự chia rẽ này cùng với mối bất hòa đảng phái vẫn tồn tại dai dẳng đến năm 2021, đã được phản ánh qua việc [người dân] càng ngày càng mất lòng tin vào các kênh truyền thông lâu đời và các tổ chức khác. Theo một cuộc thăm dò của Gallup hồi tháng Bảy, chỉ có 6% thành viên Đảng Cộng Hòa và 16% trong tổng số người dân Mỹ là tin vào tin tức trên truyền hình. Cứ năm người thì có một người tin vào báo chí. Sự thù địch không ngừng và vô cớ [của giới truyền thông] đối với Tổng thống Donald Trump trái ngược hẳn với cách đưa tin bợ đỡ hoặc trấn áp những tin tức tiêu cực về người kế nhiệm của ông ấy ở Tòa Bạch Ốc (như trong vụ bê bối máy điện toán xách tay của Hunter Biden) rõ ràng là nguyên nhân khiến phần lớn Đảng Cộng Hòa và những người độc lập mất lòng tin như vậy. Ngoại trừ sự tín nhiệm cao dành cho cả hai đảng trong quân đội và các doanh nghiệp nhỏ, thì trong các cơ quan tổ chức khác lại có sự khác biệt rõ rệt. Đảng Cộng Hòa được tín nhiệm nhiều hơn trong nhà thờ và lực lượng cảnh sát.

Cuộc bầu cử của Tổng thống Trump vào năm 2016 đã cho thấy khả năng gây suy yếu các thành viên Đảng Cộng Hòa Cốt cán (RINO) và biến đảng này thành một đảng đặt các lợi ích quốc gia của đất nước lên hàng đầu (giống như các quốc gia khác) và dè dặt với các đồng minh.



Đúng như dự đoán, việc đưa đảng này và đất nước đi theo hướng phản ánh quan điểm và giá trị của hầu hết người Mỹ đã dẫn tới tình trạng thù địch gay gắt và dai dẳng trong nội bộ chính phủ điều hành, giới truyền thông, phần còn lại của giai cấp thống trị, và đặc biệt là từ các thành viên Đảng Cộng Hòa Cốt cán.

Có những trở ngại ghê gớm để duy trì một đảng thứ ba trong hệ thống của nước Mỹ, vì vậy mà các thành viên Đảng Cộng Hòa theo phái bảo tồn truyền thống hiện nay tập trung vào duy trì sự ủng hộ của người lao động, đặc biệt là sự ủng hộ của các gia đình người da màu và người La-tinh. Một phần của nhiệm vụ này là ngăn chặn đội quân lão luyện theo chủ nghĩa toàn cầu và tự do xã hội đó nỗ lực giành lại quyền kiểm soát đảng [Đảng Cộng Hòa]. Nếu những nỗ lực giành lại đó thất bại, thì một số cựu lãnh đạo đảng và những Người không bao giờ ủng hộ Trump dự định sẽ phá hoại các nỗ lực bầu cử của Đảng Cộng Hòa, hỗ trợ Đảng Dân Chủ hoặc một bên thứ ba để dạy cho những người dân thường một bài học.

Quan điểm



Ông Codevilla lập luận rằng giai cấp thống trị đó “đã lớn và tách biệt khỏi phần còn lại của chúng ta nhờ mối liên hệ với một chính phủ đã trở nên toàn quyền hơn bao giờ hết, và trên hết là nhờ có một quan điểm nhất định.”

Như ông nói, “Cho dù là chính thức ở bên trong chính phủ, bên ngoài chính phủ, hay nửa trong nửa ngoài, thì giai cấp thống trị của nước Mỹ đều nói thứ ngôn ngữ và có các thị hiếu, thói quen và những công cụ của giới quan chức. Họ chật vật chế ngự phần lớn những người Mỹ không hướng theo chính phủ.”

Xét về trình độ học vấn, thị hiếu văn hóa, và thái độ coi thường những người dân thường (tầng lớp lao động, mà theo như cụm từ mô tả để đời của ông Obama, là những người “bấu víu vào súng ống hoặc tôn giáo”), thì tầng lớp “có học thức” này có ít sự khác biệt hơn bao giờ hết. Họ chủ định cải thiện xã hội, không phải bằng cách trao quyền cho những người dân thường, mà là quản lý người dân theo hướng có lợi nhất cho mình. Việc này thường đòi hỏi nhà nước nắm quyền kiểm soát tập trung hơn chưa từng có bằng cách áp dụng các chương trình và quy định mới hoặc mở rộng.



Lời đe dọa gần đây của Tổng chưởng lý Merrick Garland là sẽ sử dụng FBI để chống lại những bậc phụ huynh lo lắng đang thách thức các hội đồng trường học chỉ là một trong vài ví dụ về việc lạm dụng quyền lực liên bang gần đây đã vượt ra ngoài dự liệu của luật pháp ban đầu và điều đó dường như trái với Hiến pháp.

Người thợ gốm và đất sét



Tóm lại, thái độ của giai cấp thống trị đối với những người bên ngoài giai cấp của họ thực chất là thái độ của người thợ gốm đối với đất sét. Tuy nhiên, người thợ gốm trong trường hợp này coi thường và khinh bỉ đất sét ngay cả khi họ đang tìm cách tạo hình và kiểm soát nó sao cho phù hợp với mong muốn của mình.


Kiểu thái độ này, tức là tìm cách hạn chế dân chủ và thay vào đó là gia tăng sự thống trị của các chuyên gia và những nhà chuyên môn, là điều thường thấy ở Đảng Cấp tiến trong thế kỷ trước. Như ông Woodrow Wilson, Chủ tịch của Đại học Princeton và sau này trở thành tổng thống Hoa Kỳ, đã nói, “Tôi thường nói rằng công dụng của một trường đại học là biến những quý ông trẻ tuổi trở nên càng không giống cha của mình càng tốt.”


Biện pháp của chính phủ hiện tại chứng minh cho quan điểm này. Bằng cách áp dụng các quy chế và các chương trình tăng nợ và chi tiêu khổng lồ, giai cấp thống trị đang giữ cho mình quyền kiểm soát đối với nền kinh tế và đối với ngày càng nhiều lĩnh vực trong cuộc sống thường nhật.



Ông Paul Adams là một giáo sư danh dự về nghiên cứu xã hội tại Đại học Hawaii, đồng thời là giáo sư kiêm phó Chủ nhiệm khoa đào tạo học thuật tại trường Đại học Case Western Reserve. Ông là đồng tác giả của cuốn “Social Justice Isn’t What You Think It Is” (Công Bằng Xã Hội Không Như Quý Vị Tưởng), và viết rất nhiều tác phẩm về chính sách phúc lợi xã hội và các nguyên tắc ứng xử chuyên nghiệp và có đạo đức.



Paul Adams  _  Huệ Giao - Báo Mai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét