Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Vị Trí Tư Tưởng Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh

 


ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn 

VỊ TRÍ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Trong những chương trước đây, chúng ta đã ít nhiều xác định vai trò và vị trí đạo Phật trong  Đoạn Trường Tân Thanh tức Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tất cả công việc ấy cũng chỉ nhằm chuẩn bị cho những phần sau với những trình bày đầy đủ và chi tiết hơn. Riêng ở đây, một lần nữa chúng ta lại làm công việc xác tín địa vị tư tưởng nhà Phật bên cạnh hai nguồn ảnh hưởng khác nhau không kém quan trọng là Nho giáo và Lão giáo được đề cập ít nhiều trong đó. Hai nguồn tư tưởng này có những khác biệt và dung hợp chính yếu nào so với tư tưởng đạo Phật nơi Đoạn Trường Tân Thanh?  Đây là vấn đề cần được tìm hiểu riêng trong chương này và rải rác ở các chương sau. 

CHƯƠNG I

SỰ TƯƠNG HỢP GIỮA TƯ TƯỞNG ĐẠO NHO VÀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Có nhiều biên khảo khi tìm hiểu Truyện Kiều đã nhận thấy Nguyễn Du tiên sinh đã xây dựng tác phẩm của mình trên nền tảng của hai nguồn tư tưởng mà người Đông phương từng thấm nhuần sâu đậm nhất là Phật giáo và Nho giáo. Đồng thời, khi xét đến các nguồn ảnh hưởng này, họ thường tách biệt ảnh hưởng Nho giáo, ảnh hưởng Phật giáo và cả ảnh hưởng Lão giáo thành ba khía cạnh biệt lập hoặc không có sự liên hệ đặc biệt nào cả. Thật ra, Nguyễn Du tiên sinh cũng như rất nhiều nho sĩ của nước ta trước kia nhân học Hán học nên đã nghiên cứu thêm những kinh điển nhà Phật hầu như được viết bằng chữ Hán. Và từ sự nghiên cứu, tìm hiểu thêm này hòa lẫn với kinh nghiệm bản thân và đời sống, dần dần rất nhiều nhà Nho đã thấm nhuần và chịu ảnh hưởng của nhà Phật. Trong cuộc sống, tùy theo hoàn cảnh thay đổi, họ đã hành xử khi thì theo quan niệm của Khổng môn, khi thì bằng thái độ của cửa Phật và cũng có khi theo lối sống tiêu giao phóng khoáng của Đạo gia. Tuy nhiên, việc hành xử không phải là thuần túy theo một quan niệm của một trong ba nguồn ảnh hưởng ấy một cách riêng rẽ, nhưng dung hợp tạo cho các nhà nho một phong thái đặc biệt. Tinh thần “tam giáo đồng quy” đã làm cho ba nguồn tư tưởng Nho, Phật, Lão kết hợp chặt chẽ với nhau thành một mối. Dĩ nhiên, không phải là chúng tan biến vào nhau để thành một thứ tôn giáo hay triết lý tổng hợp, nhưng chúng chỉ hòa điệu với nhau theo như nghĩa của câu “hòa nhi bất đồng” của Khổng Tử.

Trong một tinh thần như thế, ít nhiều Tố Như tiên sinh cũng đã có phong thái của một kẻ sĩ theo lối nhà Nho nhưng cũng lại vừa là một cư sĩ của đạo Phật hoặc nghệ sĩ với đời sống thanh tao phóng khoáng theo tinh thần Lão Trang. Qua những tác phẩm, nhất là bằng Hán văn gọi chung là Thơ Chữ Hán đã được đề cập như Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm và Bắc Hành Tạp Lục, chúng ta đã nhận chân được phần nào con người của tiên sinh ở ba tư thái này [1]. Thành thử, suốt Truyện Kiều. người ta thấy tiên sinh hầu như mượn thân thế nàng Kiều để chứng minh cho thuyết “tài mệnh tương đố” cũng như tìm một câu trả lời, đề ra một cách giải quyết sự mâu thuẫn ấy.

Mục 1:               

NGẪM HAY MUÔN SỰ TẠI TRỜI và ĐÃ MANG LẤY NGHIỆP VÀO THÂN

Mở đầu cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, tiên sinh đã đưa ra hai thuyết lý của đạo Nho và đạo Phật: 

Trăm năm trong cõi người ta.                 (l - 4)

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. 

Hai câu thơ đầu tiên đề cập đến một thuyết lý mà người Á Đông - và đặc biệt Trung Hoa rất tin tưởng - đó là tư tưởng “Thiên Mệnh”. Và hai câu thơ kế tiếp đã đề cập đến một trong những nguyên lý căn bản của đạo Phật là nguyên lý vô thường trong sự kết tạo và hình thành "sự khổ" (dukkha). 

Theo đó, Thiên Mệnh (天命) hay Đế Mệnh (帝命) là một quan niệm có từ lâu đời trong đời sống của người Á Đông, nhất là người Trung Hoa. Đồng thời, trong tư tưởng và học thuyết đạo Nho, Khổng Tử , người có công xây dựng một tinh thần Nho học mới , cũng đã đề cập đến điều này. Khổng Tử thường chú trọng đến thực tế, nghĩa là đưa ra những quan niệm áp dụng trong sự hành xử hàng ngày của đời sống mà người ta vẫn gọi là "hình nhi hạ học". Song hàm ngụ trong các quan niệm này là cả một quan niệm rộng lớn về trời đất, vũ trụ, lý lẽ huyền vi của tạo hóa mà người ta thường gọi là "hình nhi thượng học" [2]

Đạo Nho của Khổng Tử cũng tin tưởng có "Mệnh trời" hiểu như là một thực tại huyền vi sắp đặt trật tự mọi vật, mọi loài. Ngài thường nói với các môn đệ: 

Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã”

  子也

(論語堯曰)  [3]

Không hiểu được mệnh trời thì không làm người quân tử được (Luận Ngữ - Nghiêu viết, mục 3, XX)

Mặt khác, người quân tử nói một cách riêng, và người đời nói một cách chung, làm điều gì cũng do sự an bài của trời. Thành thử, sự thịnh suy thăng trầm ở đời hoặc ở bất cứ mọi chủ trương nào đó thi hành được hay không đều do mệnh trời: “Đạo chi tương hành dã dư, mệnh dã; đạo chi tương phế dã dư, mệnh dã" [道之 與,命 道之將廢也與, 命也  (論語 -憲問) [3]

(Đạo mà đem thi hành được cũng ở mệnh trời; Đạo mà bị bỏ phế không thi hành được cũng bởi mệnh trời . Luận ngữ - Hiến vấn, mục 38) 

Ngoài ra, người ta nhận thấy Nho giáo tuy chủ trương mọi sự đều do bởi mệnh trời, của hóa công, nhưng "Mệnh trời" lại không phải là một thứ định luật khe khắt hoàn toàn trói buộc hoặc an bài cho mỗi người. Sách Đại Học được xem là sách ghi chép những tư tưởng  quan yếu của Nho giáo và riêng của Khổng Tử đã viết: 

“Duy mệnh bất vu thường,        惟命不于常

đạo thiện tắc đắc chi,                 道善則得之

bất thiện tắc thất chi hĩ”.           不善則失之矣

大學   [4]

(Mệnh trời không nhất định, có đạo đức thiện hảo thì còn, không thiện lương sẽ mất- Đại học, X) 

Đây là đoạn văn rút ra từ thiên “Khang cáo” trong Kinh Thư của Nho giáo cho thấy ý nghĩa chữ Mệnh đã thay đổi và có sắc thái khác một khi con người làm được điều thiện. Nghĩa là gây được công đức là có thể thay đổi được số phần của mình, tương tự như thay đổi của nghiệp quả tốt đẹp bằng nghiệp nhân tốt đẹp trong đạo Phật: 

Thiện căn ở tại lòng ta”                (c.3251)   

Xét trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhiều lần đề cập đến mệnh trời như là một màn lưới rộng lớn, một ám ảnh không rời trong suốt đời Thúy Kiều. Ở đây, mệnh trời đã đeo đẳng, ghen ghét nàng Kiều vì nàng là kẻ có tài, có sắc lại thông minh hơn  người. Theo niềm tin của người bình dân Trung Hoa, “Trời già” thường ghen ghét, đố kỵ những kẻ tài ba và ban cho họ số kiếp oái ăm, trắc trở. Trời cũng lại ghen ghét hơn, nếu những kẻ đó là kiếp "má hồng” vừa có tài trí lại vừa có cái đẹp sắc sảo của mình. Do vậy, ít nhiều Truyện Kiều của Tố Như đã cho thấy điều đó: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”; “Phũ phàng chi bấy Hóa công, khuôn xanh có biết vuông tròn mà hay”, “Người dù muốn quyết Trời nào đã cho”, “Túc nhân âu cũng có Trời ở trong”, “Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu”, “Hóa nhi thật có nở lòng”, “Phúc họa đạo Trời“Ngẫm hay muôn sự tại trời, v.v... Tất cả điều này đều muốn khai triển một biểu tượng mệnh danh là Thiên Mệnh đang đeo đuổi đời Kiều. Chúng ta có thể hiểu từ ngữ “Trời”, “Hóa Công”, “Hóa nhi”, “Khuôn xanh” theo nghĩa trong đạo Nho, nhưng cũng có thể hiểu rộng rãi hơn theo quan niệm thông thường của người bình dân về ông Trời. Nếu tìm hiểu kỹ càng đạo Nho qua Khổng Tử, Mạnh Tử cũng đã đề cập ý niệm Trời nhưng rất mơ hồ và bao quát. 

Song điều quan trọng theo quan điểm của đạo Nho là phải “thanh kỳ tâm”. phải hướng về điều thiện, làm điều thiện để rồi nhờ công đức đó, mệnh trời mới có thể thay đổi ban phát số phần tốt đẹp hơn cho con người. Thành thử, Tố Như tiên sinh đã mượn lời của sư Tam Hợp để chứng minh điều đó khi tiên sinh phóng bút:  

Khi nên trời cũng chiều người”          (c. 2689)

Nhưng dù “chiều người” và dù “Tâm thành đã thấu đến trời” (c.2717) khiến trời xanh phải thay đổi bằng cách ban ân huệ cho Kiều được tái hợp và sống hạnh phúc cùng gia đình và chàng Kim. Rốt cùng, sự ban ân hay làm đổi thay số phần một con người cũng lại do trời, do thiên mệnh quyết định: 

Ngẫm hay muôn sự tại trời,               (c. 3241)

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.” 

Đau khổ, đoạn trường hay sung sướng, hạnh phúc, phong trần hoặc thanh cao..v..v.. đều có bàn tay của trời già bày vẽ. Nếu dừng lại ở đó và chấp nhận một thứ định mệnh như thế, hóa ra đời người cùng với thân phận của nó quả thật đều do mệnh trời sắp xếp. Và nếu chấm dứt ở đó, buông trôi cho định mệnh do "hóa nhi" (Hóa nhi thật có nỡ lòng, c.1129) an bài, hóa ra mọi nỗ lực của con người để chiến thắng định mệnh, vượt lên trên số kiếp oái oăm đều là vô ích hay sao? Đây cũng là vấn đề sẽ được Nguyễn Du giải quyết ngay trong ĐTTT. Việc giải quyết này không phải chỉ một quan niệm Nho giáo là đủ, tiên sinh đã đem vào đó những triết lý đạo Phật mới có được câu trả lời hợp lý, hợp tình hơn. 

Ngoài ra, trước các câu hỏi “Trời là ai?”, “Trời có phải là Thượng Đế toàn năng như trong các tôn giáo tôn thờ Thượng Đế hay không?”. Câu trả lời của đa số người Đông phương chịu ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa chắc chắn sẽ trả lời là “không”. Danh từ  “ông trời” , “trời già”, “trời xanh”, “hóa nhi”...v.v... được họ sử dụng tùy lúc, tùy thời: khi thì đáng ghét, khi thì thân mật dễ thương: “Nỗi gan riêng giận trời già”. Nhưng ông trời lại được họ tin tưởng và tượng trưng cho sự công minh sáng suốt như khi nói “Trời xanh có mắt”, hoặc nói như Nguyễn Du “có đâu thiên vị người nào" - c. 3245) đều nói lên ý nghĩa ấy. Niềm tin về một ông trời cũng khác hẳn niềm tin về Thượng Đế của các tôn giáo khác.

Khi Nguyễn Du đã kết thúc ĐTTT với câu: “Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa". - c. 3250), chẳng qua chỉ là lối nói thông thường của dân gian khi trách mình hay biểu lộ sự than thở về thân phận của mình mà thôi. Câu thơ trước đó: "Đã mang lấy nghiệp vào thân" (c.3249) mới là câu trả lời của Tố Như về định nghiệp của cuộc đời Thúy Kiều theo tinh thần của đạo Phật. Định nghiệp của cuộc đời Kiều sẽ thay đổi vì "Thiện căn ở tại lòng ta" (c.3251). Đó là vấn đề chúng ta sẽ thấy ở những phần sau.

Mục 2 

TẺ VUI THÔI CŨNG TÍNH TRỜI BIẾT SAO

Nằm trong chiều hướng ấy, ý nghĩa Thiên mệnh  nơi Truyện Kiều và qua ngòi bút của Tố Như cũng cần nhìn một cách khác hơn chứ không hoàn toàn thuần túy như quan niệm của đạo Nho. Nho giáo chủ trương thiên mệnh còn được mệnh danh dưới một cách hiểu chi tiết hơn là Tánh: “Thiên mệnh chi vị Tánh - Trung Dung, Chương 1” (天命之謂性-中庸) [5]. Mệnh trời chi phối con người thông qua cái Tánh. Cuộc đời nàng Kiều của Nguyễn Du được hình thành ít nhiều cũng phát xuất từ quan niệm về Tánh đó. Những năm tháng khi đã quen thân với Kim Trọng và chưa bước vào chốn đoạn trường, tiếng đàn của Kiều như lời Kim Trọng nhận xét: "Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào" (c.489-490). Thúy Kiều đã trả lời với ý thức và nhận xét về mình: “Rằng quen mất nết đi rồi/Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!” (c.493-494). Tánh hay tính ở đây có thể hiểu là bản tính của một người sinh ra đã có, chẳng hạn như Kiều là kẻ “Thông minh vốn sẵn tính Trời” (c. 29), nghĩa là trời đã dành cho nàng sự thông minh tài trí, cũng như cho thấy Thúy Vân một cái tướng người phúc hậu. Và  Kim Trọng đã được Nguyễn Du phác họa là một con người “Văn chương nếp đất, thông minh tính trời” (c.150): sự thông minh là do thiên phú (thông minh tính trời), còn tài năng lại do dòng dõi, do xã hội hun đắp, xây dựng mà thành (nếp đất).

Vạn vật vũ trụ tuần hoàn, bốn mùa thay đổi, khi thì bão táp phong ba, khi  thì mưa thuận gió hòa, cũng như mỗi người sinh ra đời đều có một số phần, một thân phận khác nhau, có khi thì đau khổ, có lúc lại sung sướng, đều do bởi ông trời hay nói khác hơn là do bởi “Tính trời”.... Tất cả đều do ông trời tạo nên mà ra cả. Thêm vào đó, tự tánh mỗi người không phải hoàn toàn do bẩm sinh hoặc do bản chất tự nhiên. Cũng có thể “tính” thay đổi do sự tập thành, nhưng vốn sẵn có một mầm mống do trời ban. Quen “mất nết” thật ra cũng do ở bản tính của Thúy Kiều thiên về sự đa sầu đa cảm nên mới tạo ra cung đàn bạc mệnh làm chàng Kim phải “Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” (c.490). Nhưng rồi kinh nghiệm do đời sống đem lại hoặc do xã hội ảnh hưởng, uốn nắn đã làm biến cải cái Tánh không ít. Do đó, làm thế nào để vừa giữ gìn cái tánh tự nhiên trong sáng của mình, vừa thích nghi và hòa hợp được đời sống bên ngoài như với tha nhân và với vũ trụ thiên nhiên? Chúng ta sẽ nhận thấy nàng Kiều đã làm được công việc đó sau bao lần “gạn đục khơi trong” (c.3181) và được Kim Trọng khen ngợi:   

Gương trong chẳng chút bụi trần,              (c. 3173)

Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm.

Chính nhờ tấm lòng "chẳng chút bụi trần" thanh cao và trong sáng như tấm "gương trong" nên khi tái hợp, theo yêu cầu của Kim Trọng ,Kiều đã đàn một bản đàn tràn ngập sự ấm cúng vui vầy: 

Khúc đâu đầm ấm dương hòa ,              (c.3199)

Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh ?!

Khúc đâu êm ái xuân tình ,

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông !

Lọt tai nghe suốt năm cung ,

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao .

Thông qua tiếng đàn, người đọc sẽ nhận ra một Thúy Kiều khác xưa. Một tiếng đàn thủa chưa bước vào chốn đoạn trường đã thể hiện cái TÍNH của Kiều với "tiếng sắt tiếng vàng chen nhau", với "Nghe ra như oán như sầu" (c.474, c.476) khiến chàng Kim phải thốt lên: "Rằng hay thì thật là hay/Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!' (c.489-490) 

Câu trả lời của Thúy Kiều lúc ban đầu đã thú nhận: 

"Rằng: Quen mất nết đi rồi ,            (c.493)

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!"

Lời vàng vâng lĩnh ý cao,

Họa dần dần bớt chút nào được không?!"

Khi Kiều nói là "họa dần dần bớt chút nào" nghĩa là "tính trời" có thể thay đổi do quá trình tu tập bởi chính mình. [Trong mục 3 bên dưới, chúng ta sẽ đề cập thêm về sự liên quan giữa "tính trời" và "thân nghiệp"]

Cho nên ,sau mười lăm năm đoạn trường với nhiều đau khổ, "tính trời" của Kiều thực sự đã khác xưa như Kim Trọng đã nhận ra khi Kim Kiều tái hợp: 

"Chàng rằng: Phổ ấy tay nào?            (c.3207)

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?

Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận đến ngày cam lai"

Theo đạo Nho ,đây chính là đức Trung Hòa mà bất cứ ai cũng cần đạt tới để mọi vật trong trời đất được yên ổn trật tự và được nẩy nở phát triển thuận hòa. Sách Trung Dung đã viết: “Trí trung hòa thiên địa vị yên, vạn vật dục yên - Chương I” (致中和天地位焉,萬物育焉) [5], chẳng qua muốn nhắc nhở cái cứu cánh cần đạt tới để sống giữa đời.

Xét chung, cuộc đời Thúy Kiều cũng thế. Ngay từ khi còn là cô gái bé nhỏ, nghĩa là chưa chịu ảnh hưởng lớn lao của đời sống, cái tánh của nàng đã sớm lộ hình cho thấy ít nhiều cái tướng báo trước cuộc đời phong trần: “Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa” (c. 415). Và sau này lớn lên, nàng cũng ý thức được điều đó hơn ai hết “Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao”. Rồi từ sự êm ấm, nàng vì ngộ biến và số phần long đong phải lăn lưng vào cuộc đời trầm luân, trải bao nhiêu nỗi đoạn trường đắng cay, chịu không biết bao nhiêu đày ải, dày vò. Tuy nhiên, giữa bao nhiêu cơn phong ba ấy, nàng đã nhiều lần nỗ lực, cố gắng vượt khỏi màng lưới số mệnh bằng cách đem tài trí và sự khéo léo của mình ra thi thố, hành xử. Đôi lần bất lực trước cuộc đời oan  nghiệt, nàng đã tìm đến cái chết những mong cho xong một đời người, nhưng “người dù muốn quyết trời nào đã cho”. Dầu vậy, nhìn chung đời Kiều, từ việc bán mình chuộc cha đền đáp ơn sinh thành, đến việc báo đáp ân nghĩa, suy xét điều hơn lẽ thiệt khi sống với Thúc Sinh, Hoạn Thư hay Từ Hải. Riêng về cái chết của Từ Hải là do Kiều nhẹ dạ tin theo lời Hồ Tôn Hiến nhưng theo đánh giá của Tam Hợp đạo cô (người tu theo đạo giáo) cũng là người am hiểu đạo Phật (Nguyễn Du nhiều lần gọi là nhà  - c.2679) đã cho rằng: "Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều" (c.2680) và "Hại một người, cứu muôn người"(c.2685). Rồi tiếp đến khi tái hồi với Kim Trọng, nhất nhất nàng đều biết cách ăn ở phải trái như lời Tam Hợp đạo cô tiên đoán và khen nàng: “Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng” (c. 2686). Nhờ đó, cuộc đời phong trần của nàng mới có thể chấm dứt. Thêm vào đó, trong những lúc uống cạn ly rượu đắng cay đoạn trường, đối diện tận cùng của sự khổ đau, “đã không biết sống là vui” (c. 2613), nàng đã liều thân nơi dòng sông Tiền Đường tìm lấy cái chết, nhưng lại nhờ “Tâm thành đã thấu đến trời”(c.2717); cũng như nhờ “phận mỏng” song “đức dày”(c.2714) mà nàng đã được vớt khỏi chốn trầm luân, chấm dứt số kiếp oan khiên. Đây cũng là điều đạo Nho của Khổng Tử chủ trương “Mệnh trời không nhất định, có đạo đức thiện hảo thì còn”:  

Duy mệnh bất vu thường,           惟命不于常

đạo thiện tắc đắc chi,                  道善則得之

bất thiện tắc thất chi hĩ ”.           不善則失之矣

(Đại học IX)                               (大學)    [4]

Nếu số mệnh của một con người do trời tạo dựng thông qua cái TÍNH của mình và hạnh phúc hay đau khổ, "tẻ hay vui" là do bởi "tính trời" (c.494) như Kiều đã ý thức về mình .Nhưng rồi những năm tháng trong chốn đoạn trường, dần dà Thúy Kiều đã thay đổi ý thức về "số mệnh" bằng cái nhìn mới mẻ và thấu suốt hơn về "số kiếp": 

"Tẻ vui cũng một kiếp người,              (C.1193)

Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru.   

Kiếp xưa đã vụng đường tu,

Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!"   

Đi từ "Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao" tiến đến "Tẻ vui cũng một kiếp người"  là đi từ sự buông xuôi do cứ nghĩ là trời sắp đặt mọi sự, để đi đến chỗ nâng tầm suy nghĩ của nàng Kiều lên bước đường "tỉnh thức", thấy được nỗi oan kiêng đoạn trường của mình là do định nghiệp từ kiếp trước .Rồi về sau khi ở giai đoạn tái hợp , chàng Kim đã nhận ra một Thúy Kiều đã khác trước : "Tẻ vui cũng tại lòng này /Hay là khổ tận đến ngày cam lai?" (c.3209). Thấy được hạnh phúc và khổ đau là do "cõi lòng" mà ra chính là con đường của đạo Phật. Sau cùng, nhờ thấu rõ lẽ Thiền, Tố Như qua lời Kim Trọng ,đã phác họa một nàng Kiều sau mười lăm năm đoạn trường bằng một hình ảnh vượt thoát: "Hoa tàn mà lại thêm tươi / Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa" (c.3123) . Đó là hình ảnh sáng ngời của kẻ thấu hiểu lẽ đạo .Và kẻ hiểu đạo rồi đạt đến bến bờ của giác ngộ không hề nói đến sự tỉnh thức nữa. Tố Như đã để cho chàng Kim nhận ra một Thúy Kiều dù "Hoa tàn" "mà lại thêm tươi!". Tại sao "hoa tàn" "lại thêm tươi"? Tại sao "trăng tàn" "lại hơn mười rằm xưa"?. Đó không phải là ngôn từ sáo rỗng. Trong âm có dương ,trong sự "vô thường" lại có sự "thường". Kinh "Kim Cương Bát nhã Ba La mật Đa Tâm Kinh"(Prajnãpã ramitãhrdaySũtra) mà Nguyễn Du đã đọc trên một ngàn lần [6]đã có câu: "Này Xá Lợi Phất (Sãriputra), sắc ở đây là không, không là sắc; sắc không khác không  không không khác sắc; sắc tức thị không, không tức thị là sắc..." [7]. Cho nên, khi Tố Như viết "Hoa tàn mà lại thêm tươi/Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa" (c.3209) là nói theo cách của Kinh Kim Cương Bát Nhã. Đó chính là sự tỏa sáng của người đã thực sự sống và thực sự thấy lẽ đạo. Và đạt đạo thì vô ngôn! Những lời ca ngợi chân thực của Kim Trọng thông qua sự hy sinh của Thúy Kiều để báo hiếu cũng như giúp chấm dứt nạn binh đao ,tránh cho cái chết của nhiều người sau này do nạn chiến tranh là một công đức sáng ngời dù đem lại biết bao đau đớn, bao nhiêu nỗi đoạn trường cho Thúy Kiều! Hoa tàn lại tươi tốt, trăng tàn lại sáng tỏ hơn mười rằm xưa. Đó là cách nói vẫn dùng trong chốn thiền môn nói về sự thấu đạt chân lý của lẽ Thiền. Trong các kinh sách đạo Phật ,chư Phật và các Bồ Tát vẫn thường nhắc nhở những bậc thanh văn ,duyên giác (những kẻ tu hành đã dần dần thấy được lẽ Đạo) và cả những người mới bước vào nẻo Thiền với lời khuyên: "Kiến Tánh thành Phật    Thấy được chân tính (bản lai diện mục) sẽ thành Phật!" như lời dạy của Sơ tổ Đạt Ma (-528 SCN) khi lập phái Thiền đốn ngộ ở Trung Hoa [8]. Phật là người đã giác ngộ, đã thấy rõ chân tính của mình. Chúng ta sẽ không lầm lẫn khi nói là Thúy Kiều đã đại giác như chư Phật! Kiều đã đi qua con sông đoạn trường và đã được an lạc bằng con đường soi chiếu cái tâm của mình và đã nhận ra lẽ đạo, tiến đến "cái thấy" (giác), "đã ngộ" như bao thiền sư hay các cư sĩ đến với cửa Thiền. Ngộ là nhận ra lẽ sống và lẽ sống cũng là là lẽ đạo! Nói khác đi ,cái tâm của Thúy Kiều đã "đáo bỉ ngạn" (Pãramitã), đã bước sang bờ giác, đã đi và đã đến. Và thiền là gì? Há không phải là con đường vượt qua biết bao nhiêu nỗi khổ đau, bao nhiêu nỗi đoạn trường để thấu đạt lẽ sống an lạc như hình ảnh Thúy Kiều ở giai đoạn đoàn tụ đó chăng!

Trong những mục tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục đào sâu con đường chứng đắc sự an vui về sau của Thúy Kiều khởi đi từ bước đầu tiên "Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!" đã đặt ra ở mục này đi từ cách nhìn của Nho giáo, của đạo gia và đạo Phật. Khi Tố Như để cho nhân vật Tam Hợp đạo cô (''Gặp bà Tam Hợp đạo cô" - c.2651), một người tu theo đạo giáo đã tiên tri về cuộc đời Kiều. Rồi ngay sau đó, Tố Như lại gọi Tam Hợp đạo cô là "sư" theo cách tu theo đạo Phật (" rằng: Phúc họa đạo trời/,Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra /Có trời mà cũng tại ta" (c.2655-2657). Đó là là sự dung hợp tinh thần đạo Lão khi xem "phúc" hay "họa" là do "đạo trời" (với khái niệm "Trời là đạo- Thiên nãi Đạo   , Đạo Đức Kinh của Lão Tử ) [9]. Bên cạnh nỗ lực tu chứng của chính mình vượt lên "số kiếp" theo tinh thần đạo Phật là sự dung hợp với những khái niệm về "số mệnh" do trời của Nho giáo mà chúng ta vừa đề cập bên trên. Đứng về khía cạnh tu hành mà nói, những ngươì tu theo đạo giáo như Tam Hợp đạo cô cũng là người tường tận giáo lý nhà Phật và chắc chắn cũng hiểu rõ đạo lý của Nho giáo. Không phải tự nhiên câu chuyện lấy từ dân gian là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du sử dụng hình ảnh của đạo cô Tam Hợp hay là nhà sư Tam Hợp trong những lời tiên tri ,đoán định về quá khứ hay vị lai của đời Kiều. Ba nguồn triết lý Nho ,Phật và Lão đều dung hợp lại (tam hợp) để nhằm giải thích số mệnh, nghiệp kiếp và cuộc đời "phúc họa" do đạo trời giáng lên đời nàng Kiều. Để rồi như chúng ta sẽ thấy về sau, tinh thần Thiền, vẫn được xem là tinh hoa của đạo Phật, sẽ là câu trả lời cho bước đường đi đến "dương hòa" ("Khúc đâu đầm ấm dương hòa" -c.3199) hay là con đường giải thoát của Thúy Kiều. Đó là cái mới mẻ (tân thanh) mà ĐTTT của Nguyễn Du đem lại khác với cái nhìn về tam giáo còn sơ sài ,thiếu lập luận vững vàng  như trong Kim Vân kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

[1] Xem: THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du  được đăng lần lượt trên Nguyễn Huệ Hải Ngoại do Dương Anh Sơn chuyển dịch (227 bài gồm: Thanh Hiên Thi Tập 78 bài, Nam Trung Tạp Ngâm 40 bài và Bắc Hành Tạp Lục 109 bài)

[2] Nho Giáo, Trần Trọng Kim, Q.1, NXB BGD, TTHL, Saigon 1971, tr. xix, xx (phần Tựa)

[3] LUẬN NGỮ / TỨ THƯ, dịch giả Đoàn Trung Còn, Khai Trí XB, Saigon, 1962, tr. 314 & tr. 232

[4] ĐẠI HỌC, dịch giả Phạm Ngọc Khuê, Tủ sách Triết học, TTHL BGD XB, Saigon, tr.52

[5]TRUNG DUNG /TỨ THƯ ,dịch giả Đoàn Trung Còn, Khai Trí XB, Saigon 1962, tr.40 &42

[6] Xem Nguyễn Du, THƠ CHỮ HÁN/Bắc Hành Tạp Lục, bài Lương Chiêu Minh thái tử Phân Kinh Thạch Đài 

[7] Daisetz Teitaro Suzuki, THIỀN LUẬN (Quyển Hạ), Tuệ Sỹ dịch ,An Tiêm XB, Saigon, 1973, tr. 326, 327, 328

[8] Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận (Quyển Thượng), Trúc Thiên dịch, An Tiêm XB, Saigon 1971, tr. 278 & 279  

[9]  ĐẠO ĐỨC KINH - Lão Tử, Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch & chú giải, Khai Trí XB, Saigon 1961, Chương XVI, tr. 102.

(Lần đến: Chương I, Mục 3: KHI NÊN TRỜI CŨNG CHIỀU NGƯỜI)

Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét