Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Việt Nam Và Ả Rập Xê Út Cần Bảo Vệ Phụ Nữ Và Trẻ Em Việt Bị Buôn Lao Động

 

LHQ: VIỆT NAM VÀ Ả RẬP XÊ ÚT CẦN BẢO VỆ PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM VIỆT BỊ BUÔN LAO ĐỘNG

BPSOS vận động quốc tế tăng áp lực lên Việt Nam và Ả Rập Xê Út

Mạch Sống, ngày 4 tháng 11, 2021

Trong thông báo gửi báo chí ngày hôm nay, 4 Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ cho biết họ đã lên tiếng với hai chính phủ Việt Nam và Ả Rập Xê Út về các hồ sơ nạn nhân người Việt bị buôn lao động.

“Chúng tôi kêu gọi Ả Rập Xê Út và Việt Nam ban hành các biện pháp và chính sách để phòng và chống buôn người và bảo vệ các người lao động bị buôn bán,” các chuyên gia nhân quyền của LHQ tuyên bố trong bản thông báo.

Các báo cáo viên đặc biệt nhắc đến “các cáo buộc thực sự đáng quan ngại” mà họ nhận được về một số công ty Việt Nam đã làm giả năm sinh trên giấy tờ tuỳ thân để xuất khẩu các em gái vị thành niên đi lao động nơi xứ người.

Ngày 30 tháng 6, tại buổi họp lần thứ 47 của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, giới chức đại diện Việt Nam Bà Lê Thị Tuyết Mai báo cáo với quốc tế: “Việt Nam đã triển khai những cố gắng lớn lao trong việc chống nạn buôn người, đặc biệt trong việc buôn phụ nữ và trẻ em.” 

Bà Lê Thị Tuyết Mai và Ts. Nguyễn Đình Thắng phát biểu trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, ngày 30/06/2021

Tiếp sau đó, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, đã phản biện ngay tại diễn đàn LHQ này và nêu lên trường hợp của 30 nữ nạn nhân, trong đó có cả trẻ em vị thành niên, đang được BPSOS can thiệp ở Ả Rập Xê Út:

“Nhiều người trong số họ bị bóc lột, bị lạm dụng, và có khi bị hãm hiếp bởi chủ. Một nạn nhân bị thương tích trầm trọng do bị đánh đập liên tục. Có những người phải lao động 15 đến 20 giờ một ngày. Một nạn nhân chưa được trả lương trong 3 năm.”

Ts. Thắng nói tiếp: “Các nạn nhân này đã cầu cứu với doanh nghiệp đưa họ đi và với Toà Đại Sứ Việt Nam, nhưng vô ích. Một giới chức toà đại sứ lại còn hăm doạ các nạn nhân đã lên tiếng cầu cứu trên Facebook là sẽ bị bỏ tù vì vi phạm luật Việt Nam và luật Ả Rập Xê-Út.”

Trong thông báo, các chuyên gia LHQ nói đến trường hợp của em gái 15 tuổi bị gửi sang Ả Rập Xê Út làm gia nhân và đã chết ở đất nước này.

“Đó là em H’Xuân Siu, khi rời khỏi VIệt Nam chưa đầy 15 tuổi và khi qua đời hãy còn ở tuổi 17,” Ts. Thắng, cho biết. “Trong 4 tháng qua, chúng tôi hợp tác với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và một tổ chức quốc tế để kêu gọi chính phủ Việt Nam đưa thi thể của em H’Xuân về với gia đình.”

Theo Ts. Thắng, có nhiều triển vọng xác của em H’Xuân sẽ được hồi hương vào giữa tháng 11 này.

Việc nhiều báo cáo viên đặc biệt của LHQ ra thông báo chung cho thấy họ đã không tin lời phát biểu của Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại Sứ của Việt Nam tại LHQ.

Trong khi đó một số viên chức LHQ đã thường xuyên trao đổi thông tin với BPSOS về những hồ sơ nạn nhân mà BPSOS cung cấp. 

Em H’Xuân Siu vài hôm trước khi qua đời, tháng 7, 2021

Ngày 27 tháng 10 vừa qua, tại buổi điều trần ở Hạ Viện Hoa Kỳ về nạn buôn người, Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) nhận định rằng Việt Nam phải bị xếp Hạng 3 về phòng, chống buôn người.

Các quốc gia ở Hạng 3 sẽ đối mặt nhiều biện pháp chế tài của Hoa Kỳ. DB Smith cũng đưa vào hồ sơ Quốc Hội tài liệu của BPSOS về các phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán sang Ả Rập Xê Út.

“Chúng tôi đang kêu gọi Hoa Kỳ nêu tình trạng buôn lao động này tại buổi đối thoại nhân quyền sắp diễn ra với Việt Nam,” Ts. Thắng nói.

Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ cùng lên tiếng gồm có: Bà Siobhán Mullally, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về Nạn Buôn Người, Đặc Biệt Phụ Nữ và Trẻ Em; Ông Nils Melzer, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về Tra Tấn và các Hình Thức Đối xử hoặc Trừng Phạt Độc Ác, Bất Nhân hoặc Hạ Nhân Phẩm; Ông Tomoya Obokata, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về các Hình Thức Nô Lệ Tân Thời, Bao Gồm Nguyên Nhân và Hậu Quả; Ông Felipe González Morales, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về Nhân Quyền của Di Dân. Ngoài ra có sự ủng hộ của Ông Morris Tidball-Binz, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về Hành Quyết Tuỳ Tiện hay Ngoài Luật Pháp. 

Năm 2008, BPSOS thành lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA). Đến nay, liên minh này đã giải cứu hoặc can thiệp cho gần 11 nghìn nạn nhân buôn người, tuyệt đại đa số là người Việt, tại 25 quốc gia trên thế giới.

Thông tin liên quan:

Các doanh nghiệp liên quan phải hồi hương gấp 30 nữ lao động Việt bị kẹt ở Ả Rập Xê-Út

Dân Biểu Hoa Kỳ: Việt Nam xứng đáng bị đưa vào Hạng 3 về buôn người

DB Christopher Smith kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào Hạng 3 về nạn buôn người

Phát biểu của Đại Sứ Việt Nam và của Ts. Nguyễn Đình Thắng tại LHQ

Thông báo của các báo cáo viên đặc biệt của LHQ

Mạch Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét