Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 150

 




Cô Em Dễ Thương

 




Chỉ Là Khát Vọng

 




Giọt Nước Mắt Quả Phụ !...

 




Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 149

 


 

Con Hổ Già Và Người Lữ Hành Tham Lam

 

(Ảnh: Được sự cho phép của Đài Phát thanh Hy Vọng / Michael Anderson)

Trí Tuệ Cổ Xưa: CON HỔ GIÀ VÀ NGƯỜI LỮ HÀNH THAM LAM 
Nhã Liên biên dịch

Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa nhắc nhở chúng ta về những truyền thống và giá trị đạo đức đã được trân trọng và gìn giữ trên khắp thế giới. Chúng tôi hy vọng những câu chuyện và thông điệp trong loạt bài này sẽ khiến trái tim và tâm trí của độc giả được thăng hoa.

“Con hổ già và người lữ hành tham lam” là một câu chuyện về tính tham lam và hậu quả nguy hiểm và đầy tiếc nuối mà nó sẽ dẫn người ta đến.

Câu chuyện được kể lại này là một phần của bộ sưu tập đặc biệt dành cho trẻ em, gồm các câu chuyện bằng âm thanh và hình ảnh minh họa gốc được biên soạn và sản xuất vào năm 2012 như một phần của chương trình “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa” của Đài Phát thanh Hy Vọng.

Mời bạn đọc bản dịch câu chuyện bên dưới, và du hành vào một thế giới khác!

(Ảnh: Được sự cho phép của Đài Phát thanh Hy Vọng/Michael Anderson)

Ngày xửa ngày xưa, có một con hổ sống trong một khu rừng. Nhiều năm trôi qua, nó trở nên quá già để đi săn. Một ngày nọ, khi hổ đang đi dạo ven hồ thì nó bỗng phát hiện ra một chiếc vòng bằng vàng. Nó nhanh chóng vớ lấy chiếc vòng và nghĩ đến chuyện sử dụng chiếc vòng để làm mồi nhử ai đó. Khi nó đang có ý nghĩ này trong đầu, thì một người lữ hành đang đi qua bờ đối diện của hồ.

Ngay lập tức, con hổ nghĩ: “Hắn ta sẽ là một bữa ăn thật tươi ngon!” Do vậy, nó tính kế để dẫn dụ người lữ hành. Nó giữ chiếc vòng dưới chân để cho người lữ hành có thể nhìn thấy được, và nói: “Anh có muốn lấy chiếc vòng vàng này không? Tôi không cần đến nó.”

Ngay khi người lữ hành thấy chiếc vòng, anh ta muốn có được nó, nhưng lại chần chừ không tiến lại gần con hổ. Anh ta biết điều đó thật nguy hiểm, nhưng anh ta vẫn muốn có cái vòng vàng. Vì vậy, anh ta cẩn trọng và hỏi con hổ: “Làm sao ta có thể tin ngươi? Ta biết ngươi là một con thú và ngươi có thể giết ta.”

Con hổ tinh ranh đáp một cách vô tội: “Này anh lữ hành, khi còn trẻ, tôi đã rất ranh mãnh xấu xa, nhưng giờ tôi đã thay đổi. Tôi đã nghe theo lời khuyên của một vị thánh; tôi đã bỏ hết quá khứ độc ác lại phía sau và giờ thì tôi hoàn toàn cô độc trên thế giới này, và chỉ làm những việc tốt. Tôi cũng đã trở nên già, tôi không còn răng, và những cái móng vuốt của tôi thì cùn, vậy nên anh chẳng cần phải sợ tôi.”

Người lữ hành bị những lời tinh quái này đánh lừa, và niềm ham muốn đối với vàng của anh ta nhanh chóng lấn át nỗi sợ con hổ. Anh ta đã nhảy xuống hồ để lội qua chỗ con hổ.

Tuy nhiên, như con hổ đã toan tính, người lữ hành bị mắc kẹt trong vùng đầm lầy. Nhìn thấy điều này, con hổ an ủi anh ta và nói: “Ồ, đừng lo lắng, tôi sẽ giúp anh.”

Dần dần, con hổ ngày càng tiến đến gần người lữ hành và chộp lấy anh ta. Khi người lữ hành bị con hổ lôi lên đến bờ, anh ta thầm nghĩ: “Ôi, lời nói về sự thánh thiện của con thú này đã khiến ta hoàn toàn bị lừa. Súc sinh thì mãi mãi là súc sinh. Giá mà ta không để lòng tham lấn át lý trí, thì đâu nên nỗi này.”

Nhưng đã quá muộn; con hổ chén sạch người lữ hành. Và đó là câu chuyện người lữ hành đã trở thành nạn nhân của lòng tham và con hổ đã thành công với mưu kế thâm hiểm của nó như thế nào.

Bài học: tham lam thì sẽ bị trừng phạt.

Câu chuyện “Con hổ già và người lữ hành tham lam” (Old Tiger and a Greedy Traveler) được tái bản với sự cho phép của “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa – Sách dành cho học sinh” do Đài Phát thanh Hy Vọng xuất bản. Âm thanh và hình ảnh minh họa của Đài Phát thanh Hy Vọng. Bản quyền ©2012.

Câu chuyện “Con hổ già và người lữ hành tham lam” (Old Tiger and a Greedy Traveler) được tái bản với sự cho phép của “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa – Sách dành cho học sinh” do Đài Phát thanh Hy Vọngxuất bản. Âm thanh và hình ảnh minh họa của Đài Phát thanh Hy Vọng. Bản quyền ©2012.

Đội ngũ Epoch Inspired đem đến đến những câu chuyện ca ngợi lòng tốt, truyền thống và tâm linh, cung cấp những hiểu biết có giá trị về cuộc sống, văn hóa, gia đình, cộng đồng và thiên nhiên.

Nhã Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Ức Trai Thi Tập Của Nguyễn Trãi: Bài 4, 5 Và 6

 


ỨC TRAI THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI: Bài 4, 5, Và 6
Thầy Dương Anh Sơn 

THỜI KỲ LƯU LẠC KHI GIẶC MINH XÂM LƯỢC (Khoảng 1407-1417)

Bài 4:       

TẶNG HỮU NHÂN                                          贈 友 人        

Bần bệnh dư lân nhữ                                              病予 汝,
Sơ cuồng nhữ tự dư                                                疏狂汝余.
Đồng vi thiên lý khách,                                           客,
Câu độc sổ hàng thư.                                              讀數書.
Hồ lạc tri hà dụng,                                                  落知何用,
Thê trì lượng hữu dư.                                             遲諒餘.
Tha niên Nhị Khê ước                                            他年蕊溪約,
Đoản lạp hà xuân sừ.                                              荷春
Nguyễn Trãi                                                        阮廌

DỊCH NGHĨA:

Ta thương bạn nghèo lại bị bệnh - Giống như ta bạn cũng ngông cuồng - Cùng nhau làm khách chốn xa - Đều cùng đọc mấy hàng sách  (c.1-4) – Thô và trống rỗng biết dùng làm gì đây? – Thong dong xét ra là dư dả - Ước hẹn năm nào sẽ về Nhị Khê - Đội chiếc nón rách cũ vác cày ruộng mùa xuân (C.5-8).

DỊCH THƠ:

TẶNG BẠN

Ta thương bạn bệnh thêm nghèo  
Giống ta, bạn cũng lại đèo cuồng ngông!  
Dặm ngàn làm khách nhau cùng, 
Bạn, ta: sách đọc mấy dòng như nhau.   
Rỗng thô, dùng biết ra sao!        
Có dư thong thả xét vào nhàn đây.     
Nhị Khê hẹn ước năm rầy, 
Đầu che nón rách ruộng cày mùa xuân! 

CHÚ THÍCH:

- dư : ta; nhữ: mày, bạn, ngươi (có sách dùng chữ cùng nghĩa với ).
- câu : đều đặn, cũng đều.
- hồ lạc : trống rỗng, thô thiển, không sâu sắc (hồ: cây bầu, trái bầu).
- thê : ngừng nghỉ, dừng chân, nhàn tản.
- trì 遲: chậm rãi, thong thả.
- lượng : xét vào, lường xét, tin giữ, cân nhắc.
- đoản lạp  : nón ngắn cụt cũ và rách nát. Dân quê gọi là nón mê.
- hà : hoa sen, loại cây bạc hà nước; một âm là hạ: gánh vác, đảm nhận.
· có bản chép câu 7: Tha niên Nhị Khê điếu (câu cá).
· Trang tử (): Hồ lạc vô sở dụng 所用 (quả bầu rỗng tuếch không dùng được).    

Bài 5:

THÔN XÁ THU CHÂM                                        村 舍 秋 砧

Mãn giang hà xứ hưởng đông đinh,                                  滿江何處響東丁,
Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình.                               夜月偏久客情.
Nhất chủng Tiêu Quan chinh phụ oán,                           種蕭關怨,
Tổng tương ly hận nhập thu thanh.                                   總將離恨入秋聲.
Nguyễn Trãi                                                             阮廌

DỊCH NGHĨA: 

Tiếng chày từ phía đông vang vọng khắp con sông - Làm động khách trọ ở lâu ngày vào đêm trăng – Gieo nên nỗi oán giận của người thiếu phụ hướng về Tiêu Quan – Bao nhiêu nỗi hận chia lìa đượm vào tiếng thu. 

DỊCH THƠ:

NƠI XÓM TRỌ, NGHE TIẾNG CHÀY NỆN VẢI MÙA THU

Chày đông vang vọng khắp sông,    
Trọ lâu, khách chợt chạnh lòng đêm trăng.     
Oán gieo chinh phụ Tiêu Quan,        
Bao nhiêu ly hận đượm tràn tiếng thu!

CHÚ THÍCH:

- châm 砧: chày làm bằng đá để nện vài khỉ giặt, xả...
- đinh 丁 đinh: trong thâp can. Tiếng gõ đinh, tiếng đập. Tráng đinh…
- thiên kinh : kinh động, làm cho lay động.
- cửu khách 久客: khách trọ ở xa lâu ngày.
- tình cảm 情 tình: ở đây có thể tạm dịch là động lòng, chạnh  lòng.
Tiêu Quan  蕭關 Tiêu Quan: ải lớn phía bắc Trung Hoa để giữ biên giới ngăn các bộ tộc phía bắc thường quấy nhiễu ở vùng biên ải.
ly hận : nỗi oán sầu, cảnh chia ly, tan tác.

Bài 6:

THANH MINH                                                       清 明

Nhất tùng luân lạc tha hương khứ,                           從淪落他
Khuất chỉ Thanh Minh kỷ độ qua.                            屈指清明
Thiên lý phần doanh vi bái tảo,                                千墳塋違
Thập niên thân cựu tận tiêu ma.                               十年親舊盡消磨
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ,                                    乍晴天模棱雨
Quá bán xuân quang tư cú hoa.                                半春光句花
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng,                               聊把一杯
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.                                 莫教日日苦思家 
Nguyễn Trãi                                                             阮廌

DỊCH NGHĨA:

Một lần lưu lạc nơi quê người - Bấm đốt tay đã trải qua mấy lần tiết Thanh minh - Mồ mả xa ngàn dặm khó lòng viếng thăm - Trải qua mười năm, người quen thân đã mất mát hết (c.1-4)- Chợt khi đang mưa trời lại tạnh ráo – Xuân đã qua nửa mùa, hoa đã kém tươi - Gượng nỗi buồn rầu uống một chén rượu vẫn chưa nguôi sầu! -  Đừng cho nỗi khổ vì nhớ nhà xảy ra hàng ngày (c.5-8). 

DỊCH THƠ:

THANH MINH 

Từ khi trôi dạt chốn xa,
Thanh minh bấm đốt trải qua mấy lần.
Mả mồ ngàn dặm khó thăm,
Người thân mất hết mười năm phai tàn.
Chợt trời tạnh lúc mưa sang,
Xuân qua đã nửa, hoa tàn kém tươi.
Gượng buồn, chén rượu nhắp môi,
Nhớ nhà nỗi khổ đừng khơi mỗi ngày.    

CHÚ THÍCH:

- tha hương : quê người, nơi xa quê cũ.
- khuất chỉ 屈指: cong tay để bấm đốt tay.
- kỷ độ qua : trải qua mấy lần.
- phần doanh 墳塋: phần đất mồ mả, chôn cất người khuất bóng .
- vi bái tảo : khó đến bái lạy, chùi quét (vi: bế tắc, không làm được, chia lìa).
- thân cựu 親舊: người thân, bạn bè.
- tiêu ma 消磨: mất mát, mất hết và phai mờ.
- sạ : bỗng nhiên, bất chợt.
- mô lăng vũ 模棱: mô lăng : dở dang, mơ hồ, do dự, lưng chừng. Mô lăng vũ: mưa không bình thường, mưa cắt cớ trong tiết thanh minh  vào tháng ba âm lịch.
- tư cú hoa 句花: hoa dừng lại không phát triển nữa, hoa kém tươi.
- liêu bả 聊把: buồn rầu.
- hoàn 還: vẫn chưa ,trở lại ,trở về ,vẫn còn...
- cưỡng : gượng gạo.
- mạc giao 莫教: đừng cho, đừng để, đừng sai khiến.  

(Lần đến: ƯTTT bài 7, 8 và 9)   

Dương Anh Sơn                                 


Hai Thánh Tử Đạo Việt Nam Bernado Vũ Văn Duệ Và Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh

 

Bức họa 117 Thánh Tử Đạo tại Việt Nam (ảnh chụp lại từ nguyệt san Đức Mẹ HCG, tháng 11, 1994)

HAI THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM BERNADO VŨ VĂN DUỆ VÀ ĐA MINH NGUYỄN VĂN HẠNH 
Thanh Phong 

Ngày 1 tháng 8 hàng năm, Giáo Hội Công Giáo kính nhớ hai vị Linh Mục Thánh Bernado Vũ Văn Duệ và Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh được phúc tử đạo tại pháp trường Bẩy Mẫu ngày 1 tháng 8 năm 1838 là hai trong số 117 Thánh Tử Đạo tại Việt Nam được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tôn phong lên bậc Hiển Thánh ngày 19.6.1988.

Thánh Bernado Vũ Văn Duệ, Sinh năm 1755 tại làng Quần Anh Hạ tỉnh Nam Định. Ngay từ nhỏ, cậu Duệ đã dâng mình cho Chúa và hướng tới chức linh mục nhưng vì tình hình bách hại của Chúa Trịnh và thời vua Cảnh Thịnh nên việc học của cậu bị gián đoạn. Mãi đến năm 40 tuổi (1795), thầy Duệ mới được thụ phong linh mục và cha đã phục vụ Giáo Hội suốt 37 năm. Năm 1832 khi đó cha Duệ đã 77 tuổi và bệnh tật luôn nên Đức Giám Mục đã cho cha về hưu tại xứ Trung Lễ.

Tuy đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày cha vẫn siêng năng cầu nguyện, suy niệm lời Chúa, chia sẻ Tin Mừng cho tín hữu đến thăm hỏi ngài. Cha thực hành việc hãm mình đền tội bằng cách ngủ dưới đất thay vì trên giường, không nằm trong mùng để cho muỗi tự do đốt. Nhiều giáo dân xin cha đừng làm thế để giữ sức khỏe nhưng cha trả lời, “Bấy nhiêu việc hãm mình đã là gì? Tôi không có cơ hội làm việc lớn thì tôi chọn lựa một chút khó khăn vậy thôi!”

Dưới triều vua Minh Mạng, quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh tuân lệnh vua, truy lùng gắt gao các giáo sĩ. Đức Giám Mục Delgado Y, Giám Mục giáo phận Bùi Chu phải đi trốn tại xứ Kiên Lao. Trên đường đi, Đức Cha ghé vào Trung Lễ thăm cha Duệ. Đức Giám Mục nói nửa đùa nửa thật, “Cụ còn sức theo tôi đến thủ phủ Nam Định chăng?” Cha Duệ hiểu ý người cha chung địa phận muốn nói về việc tử đạo, nên trả lời, “Thưa Đức Cha, khi nào Đức Cha bị bắt, xin cho phép con theo cùng.”

Ngày 28.5.1838 Đức Cha Delgado Y bị bắt tại Kiên Lao. Nghe tin ấy, cha Duệ khóc lóc thảm thiết và muốn ra trình diện quan để được tử đạo với vị Giám Mục của mình. Lúc đó cha Duệ đã 83 tuổi, mắt lòa, đi đâu phải có người dẫn nên không ai chịu đưa cha đi nộp cho quan. Từ đó, khi nằm trong nhà hễ nghe tiếng chân người đi bên ngoài cha lại nói to, “Hãy báo tin cho các quan biết tôi ở đây. Tôi là linh mục, hãy đến mà bắt tôi.” Giáo dân xin cha giữ thinh lặng kẻo lụy đến dân làng. Cha đáp, “Tôi không thể im được vì tôi đã hứa với Đức Cha.”

Một bữa nọ lính đi tuần qua, nghe tiếng cha gọi thì bước vào. Cha nói với họ, “Bây giờ các ông hãy bắt tôi nộp cho quan đi, tôi là linh mục đây.” Một thầy giảng đứng đó liền nói, “Ông nội tôi đó, các ông đừng để ý làm gì, ông ấy già nua nên lú lẫn, tự cho mình là linh mục đấy thôi.”

Cha Duệ thanh minh, mình rất tỉnh táo chứ chưa lẩm cẩm. Nhưng lính thấy cụ già đã ngoài 80 nằm liệt trên giường như thế nên họ tin lời thầy giảng rồi bỏ đi. Quân lính đi rồi mà cha cứ lẩm bẩm phàn nàn vì làm cha mất cơ hội bị bắt. Dân làng sợ liên lụy họ bàn nhau đem cha vô một túp lều của người cùi ở ngoài đồng vì nghĩ rằng lính không bao giờ bén mảng đến. Không ngờ ngày 04 tháng 7, 1838 một toán lính vô tình đi ngang qua, nghe tiếng cha gọi, họ vào. Cha nói, “Các chú tìm đạo trưởng hả? Tôi là đạo trưởng đây.” Vì không có ai ở đó để cải chính như hôm trước nên cha bị bắt đem về nộp cho quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh.

Tổng Đốc thấy lính dẫn đến một cụ già thì cười rồi sai lính lấy bức ảnh Chúa đặt trên đất và nói, “Ông lão bước qua tấm ảnh đi, ta sẽ tha cho về.” Cha Duệ đáp, “Xin quan lớn đừng bảo tôi làm thế, dù thế nào tôi cũng chẳng thể vâng lời quan.” Bấy giờ trời tối, quan sai giam cha trong ngôi chùa gần đó. Sáng hôm sau lính giải cha về Nam Định. Viên quan án ở đây cũng để cây Thánh Giá yêu cầu cha bước qua. Cha trả lời quan như đã trả lời viên Thống Đốc. Viên quan án thấy tội nghiệp tuổi già nên không đánh đập gì nhưng bắt cha mang gông và đưa vào trại giam.

Gần 2 tháng trong lao tù, nhiều lần quan cho người vào dụ dỗ cha bỏ đạo nhưng cha cương quyết từ chối. Trong nhà tù chật chội, hôi hám; có người mang cho cha một tấm chăn (mền) cũ để đắp cho đỡ lạnh nhưng cha từ chối và nói, “Nơi tôi nằm bây giờ còn êm ái hơn Thánh Giá Chúa Giêsu chịu xưa nhiều.” Có một hôm mưa giột ngay chỗ cha nằm, lính đến bảo cha dời chỗ, cha không chịu, “Cứ để tôi ở chỗ ướt này cũng được, không can chi. Tôi chỉ lo những sự đời sau và ước ao đổ máu vì đạo Chúa mà thôi.”

Ngày 12.7 Đức Cha Y lìa trần trong ngục nhưng vẫn bị lính khiêng xác ra pháp trường xử chém. Thời gian này có thêm linh mục Nguyễn Văn Hạnh Dòng Đa Minh mới 66 tuổi bị giam chung với cha Duệ, cha Hạnh thường thay mặt cha già trả lời cho quan khi tra hỏi. Sau khi thấy không thể nào lay chuyển được lòng tin vào Chúa của hai ngài, quan làm án gửi về kinh đô.

“Chúng tôi đã tra khảo hai tên Vũ Văn Duệ và Nguyễn Văn Hạnh. Chúng đã bị bọn Tây lừa mà theo đạo Gia Tô từ lâu. Chẳng những chúng tin mà còn giảng đạo ấy cho nhiều người khác tin theo nữa... Xem ra đạo ấy đã thấu tận tâm can bọn chúng đến nỗi không thể bỏ được. Vậy chúng tôi luận cho chúng án trảm quyết, để ai nấy đều biết tội chúng nặng đáng phải phạt thể ấy.”

Ngày Chiến Thắng Vinh Quang, Sau khi nhận được bản án đệ trình, lẽ ra với tuổi 83 theo luật thời đó, cha Duệ không bị xử tử nhưng vua Minh Mạng bất chấp luật lệ, ký bản án liền. Nghe tin ấy, cha Duệ tỏ ra vui mừng, gia tăng việc hãm mình chuẩn bị cho ngày hồng phúc mà cha hằng mong đợi. Ngày 24.7 quan cho tách riêng cha Hạnh đi giam nơi khác. Nhưng ngày 01 tháng 8 hai vị cùng được đưa ra tòa lần chót trước khi đưa đi xử. Cả hai linh mục đều khẳng khái tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Cha Duệ vì quá yếu sức, lính phải cáng ra pháp trường Bẩy Mẫu. Ra đến cửa thành, vì viên quan chủ tọa cuộc xử án chưa đến, hai linh mục phải đứng ngoài nắng mấy giờ liền. Một giáo hữu đưa cho cha Duệ chiếc chiếu nhỏ để che nắng, cha cám ơn và từ chối. Suốt hành trình, cha luôn làm dấu Thánh Giá nhiều lần và cầu nguyện cách sốt sắng.

Đến pháp trường, lính tháo gông xiềng xích và trói hai vị vào cọc. Theo lệnh quan, hai lý hình thi hành phận sự, chém và tung đầu lên cho mọi người trông thấy. Dân chúng ùa vào thấm máu hai vị tử đạo. Quân lính chôn cả đầu lẫn xác tại pháp trường. Sau các tín hữu xin phép được đưa thi hài về an táng tại Lục Thủy. Cha Duệ đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với vị Giám Mục của mình. Đi theo ngài đến cùng, để rồi chung hưởng vinh phúc trên Thiên Quốc.

Cả hai vị tử đạo đã được Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900 và được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tuyên phong Hiển Thánh cùng 115 vị tử đạo khác vào ngày 19.6.1988 và truyền cho toàn thể Giáo Hội kính nhớ hai vị Thánh Tử Đạo Bernado Vũ Văn Duệ và Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh vào ngày 01 tháng 8 hàng năm. (Vì khuôn khổ bài báo có hạn nên chúng tôi không thể viết thêm tiểu sử của Thánh Tử Đạo Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh, viết theo tài liệu trong cuốn Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo VN).

Thanh Phong - Viễn Đông

Bấm Và Quẹt

 


BẤM VÀ QUẸT 
Nguyễn Thị Thêm 

Tôi tắt Iphone để ngủ. Quyết định sẽ không bị quyến rũ bởi nhiều thứ trong này. Thời đại điện tử, tất cả hỉ nộ ái ố đều nằm trong cái iphone nhỏ xíu bằng bàn tay khép lại. Nó tuy nhỏ nhưng nắm vận mạng tiền bạc của con người. Thư từ, giấy tờ, nhà băng, cổ phiếu và tất cả những gì thuộc về cá nhân quan trọng cũng nằm trong đó.  

Tôi lan man nghĩ đến mình. Cả đời không nghiện gì nhưng về già hình như tôi nghiện Iphone. Phải công bằng một chút là tôi nghiện internet. Cái desktop, ipad, Iphone là người tình không có không được. Qua thăm con cũng rinh kè kè cái laptop nặng trịch đi theo. Qua khu vực security ở phi trường lụi hụi lôi nó ra để kiểm tra, rồi lại bỏ nó vào carry one lôi đi. Mệt muốn ná thở. Khổ cái thân già là không thể nào rinh nổi cái carry one đó bỏ lên khoang hành lý trên đầu. Lần nào đi chơi cũng áy náy phải nhờ người giúp. Kéo vali vào máy bay, tới ngay ghế ngồi, tìm xem có chàng trai nào vai to cao lớn, đẹp trai ngồi hoặc đứng kế đó để cười tình : ' Please...please". Lúc xuống máy bay cũng vậy, đứng lên chờ , miệng cười ruồi,  chọn anh chàng nào đứng gần đó dáng thân thiện để "Xin một tay...please" để đem cái của nợ xuống dùm. Thiệt là quê xệ. 

Có một lần tôi đi Nhật, không muốn phiền hà nhờ vả người khác, tôi bỏ laptop vào hành lý ký gửi. Qua tới Nhật về nhà mở vali ra tôi thấy hải quan đã mở vali tôi ra lục soát, họ có để lại trong đó tờ giấy kiểm tra hàng hóa. Con tôi nói tại má bỏ laptop vào trong này. máy rọi thấy lạ nên họ đã mở ra kiểm tra. 

Mấy đứa con trai đều ở xa, mỗi lần đi thăm đều kỳ kèo mẹ ở lại chơi ít nhất cũng ba tuần. Cả hai thằng con biết ý mẹ, lúc nào cũng xếp đặt phòng riêng  có bàn để laptop, cái ghế dựa để mẹ ngồi cho thoải mái. Thằng lớn còn đem cái monitor thật to gắn thêm vào cho mẹ dễ đọc.

Hàng ngày con đi làm, cháu đi học, bà già trầu ngồi ở nhà mình ên. Không chơi với người tình mặt trắng thì biết làm gì cho hết ngày giờ. Thế là mở laptop ra, chuyện thế giới, chuyện nội địa, chuyện chiến tranh , bão lụt, chính trị, văn chương nằm hết trong đó. Ngồi chơi lâu cũng mệt, tắt laptop lên giường. Lại có tin nhắn thế là tôi lôi Iphone ra quẹt. Thật lạ! ngồi thì buồn ngủ, nằm quẹt lại tỉnh rụi. Cho nên với ánh sáng của màn hình mắt không yếu không khô, người không mất ngủ mới là chuyện lạ. 

Có những điều tuy rằng tai hại nhưng với thời đại mới không dùng Internet sẽ không giải quyết được cuộc sống hàng ngày. Cả thế giới đều phủ phục dưới sự lãnh đạo tối ưu của Google. Cả thế giới đều tình nguyện bị theo dõi, bị khống chế nhưng vẫn cám ơn bất tận. 

Này nhé trong mùa dịch, người cách ly người. Học sinh không đến trường cửa hàng đóng cửa. Tất cả đều phải liên lạc với nhau trên màn hình qua Iphone và qua internet. Cháu tôi nhỏ xíu mới vô mẫu giáo mà cũng được nhà trường trang bị một cái laptop. Các cháu lớn ở nhà,  tới giờ là vào phòng đóng cửa lại học trên máy. Thầy cô không cần đến trường, học trò không cần tới lớp. Cô giáo có thể vừa chăm con vừa dạy học. Học trò cũng có thể vừa ăn trong giờ mà không bị phạt. Tất cả đều đáp ứng cho tình hình hiện tại. Nhưng rồi kết quả học tập không biết có đạt được tốt đẹp không?  Đành thôi. 

Thời kỳ Covid cha mẹ cách ly con cái. Muốn mua gì quẹt cho con. Con mua xong đem thức ăn cho cha mẹ cũng quẹt báo tin cho mẹ. Tới cửa rào bấm chuông và đặt thức ăn trước cửa nhà. Khi thấy cha mẹ ra nhận đồ đứng bên kia đường đưa tay vẫy vẫy.  Cha mẹ bấm phone quẹt "Thank you" Chuyện thật như đùa, sự hiếu thuận, tình gia đình thời Covid thể hiện như vậy đó. 

Thời đại tin học cộng thêm dịch bệnh Coronavirus thế giới đảo lộn chẳng có gì là không thể xảy ra. Tất cả mọi việc và cuộc sống trên đời này đều bấm và quẹt trên màn hình là giải quyết được hết. Người thật  hay là người ảo cũng chỉ liên lạc với nhau qua bấm và quẹt. 

Bà bác sĩ gia đình của tôi cả năm chưa lấy hẹn cho tôi gặp mặt một lần ở văn phòng. Lý do dịch bệnh giảm thiểu tối đa gặp mặt. Ông Bác sĩ chuyên khoa cũng "Text " gửi qua phone order đi xét nghiệm và chụp hình. Kết quả cũng "text" trên messages là "Kết quả tốt. không cần gặp" rồi gửi order cho tái xét  nghiệm năm sau. 

Hôm qua tôi đi thử máu theo order của bác sĩ để tuần sau gặp ông ta. Con gái cũng làm đủ thủ tục ở nhà rồi. Trung tâm Quest Diagnostic gửi cho tôi trên iphone  để tôi check in 20 phút trước giờ hẹn. Tôi bấm vô "I am here of Quest " theo yêu cầu. Nhưng tới bãi đậu xe bấm vào vẫn chưa cho check in. Vào tận nơi văn phòng bấm lại mới được và tên mình hiện lên TV với giờ hẹn. Rất nhiều người đứng đó cầm iphone quẹt quẹt rồi hỏi y tá. Có người bỏ về.. có người lúng túng không biết làm sao.Tôi nghĩ với lối làm việc hiện đại, thật khó khăn cho những người không biết sử dụng internet, nhất là những người lớn tuổi và lẩm cẩm như tôi. 

Chúng tôi là những người không còn trẻ. Vợ vật lộn chợ đời trong thời buổi quản lý thị trường, lao động là vinh quang. Chồng tù cải tạo ở trong rừng sâu không hề thấy ánh sáng văn minh và con người lịch sự. Qua đến xứ Mỹ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng cong lưng cày hai ba job để có được một mái nhà, lo cho con học đến nơi đến chốn. Con học xong, đổ đạt ra trường và bay đi xa. Nhiều khi nhớ con, tôi gọi hỏi thăm mà quên đi mỗi tiểu bang, hay quốc gia múi giờ đều khác. Có những lúc con còn đang say ngủ, nhận facetime của mẹ mà bên đó tối om. Tôi đành xin lỗi con rồi chúc nó ngủ ngon. Có lúc quên canh giờ gọi con đang giờ làm. Con quẹt lại : "Mẹ ơi! con đang bận, con sẽ gọi lại sau giờ làm việc" 

Nhớ ngày xưa, khi con tôi học đại học, cùng nhóm bạn lắp ráp làm và bán computer. Chúng tự làm cho mình cái máy theo ý và thảy cái laptop cũ cho tôi. Thú thật tôi không thể tin được có cái dụng cụ tuyệt vời như vậy. Tôi mày mò vào máy và hỏi con cách sử dụng. Tất cả những gì lúc đó lạ lẫm tôi chưa từng biết. Cháu chịu khó chỉ từng chút mà tôi như lạc vô mê hồn trận quên trước quên sau. Có lẽ trong đầu con nghĩ rằng sao dễ như vậy mà mẹ mình không biết. Tôi phải bảo con nói chậm rồi ghi ra giấy làm từ từ từng bước. Bây giờ thỉnh thoảng xem lại thấy cũng vui vui. 

Tôi bắt đầu mày mò vô mail và viết trả lời ...không có dấu. Mặc ai đoán sao cũng được vì tôi đâu biết phải làm sao đánh chữ Việt. Một lần trả lời Email cho một người học trò, em gọi phone lại cười ngất khi thấy tôi trả lời email không dấu. Tôi cũng không rành để có thể theo em từng step mà download Unikey. Con trai tôi đang học High School, cháu theo chỉ dẫn để gắn cho tôi bảng đánh bằng tiếng Việt trên máy. 

Phải nói chưa có lúc nào tôi vui và say sưa viết như thế. Thật lâu...rất lâu, có đến mấy chục năm tôi không dùng đến chữ nghĩa. Tôi chỉ biết làm việc kiếm tiền, quán xuyến gia đình, chăm mẹ chồng, chồng và con cái. Tôi chưa bao giờ được sống cho riêng tôi. Bây giờ có cái máy xinh xắn này làm bạn, tôi như có thêm sức sống để yêu đời. 

Những lúc quá căng thẳng vì những áp lực... tôi mở máy, hít sâu và tay tôi bấm phím. Những suy nghĩ trong đầu tôi được dịp nhảy múa trên màn ảnh nhỏ. Khi có việc cần phải làm ngay, tôi bỏ đó đi làm. Trở vào trang giấy vẫn còn chờ đợi. Chưa có người bạn nào chung thủy và tốt như computer. Không phàn nàn, không nóng giận. Chờ đợi và chia sẻ. 

Chỉ ở màn hình và những con chữ tôi đã tìm lại bạn bè từ lâu lắm không gặp. Tôi có thể đi du lịch khắp cùng thế giới. Tôi kết bạn với những người chưa bao giờ tôi biết mặt ở khắp năm châu. Tôi học hỏi rất nhiều ở những người bạn phương xa tài giỏi. Mặc dù là ảo nhưng tôi đã có một  tình bạn rất thật và rất tốt. Một tình bạn đối xử với nhau chân thành ở tấm lòng, sự cảm thông, hợp ý. Tình bạn này không đặt vấn đề giàu nghèo hay địa vị xã hội. Mạng lưới Internet đó đã khiến tôi lặn lội qua tận Canada,Texas, Oregon, Virginia ...để gặp mặt và chúng tôi thành những người thân như trong một gia đình.  Vùng Riverside nắng như thiêu đốt nhưng tôi biết giờ này ở Úc trời đang mưa. Cây mận nhà anh Năm Sanh trái từng chùm chi chít và bầy dơi về lùng sục mỗi đêm. Tôi có thể biết được giờ này bên Pháp đang có biểu tình hay Canada tuyết đang rơi thật nhiều trắng cả vùng trời. Nhờ Internet tôi đã về với trường xưa, gặp lại thầy cô, bạn bè và chia sẻ vui buồn. Internet đã cho tôi một năng lượng sống, một không gian tĩnh lặng bình yên để tâm sự. 

Tuy nhiên trong cái hay vẫn có những cái tiêu cực, nhiều nữa là khác. Mọi người đều biết những cái không tốt và nguy hiểm từ Facebook, Youtube, Instagram...cho nên mình phải biết chọn lựa và dừng lại kịp lúc. Đừng quá say mê trên mạng ảo cũng đừng quá tin vào những quảng cáo hay những tin tức không đáng tin cậy mà có ngày hối hận không kịp.

Phải công nhận khoa học kỹ thuật tiến bộ khôn lường. Ngày nào một cái phone cùi bắp cũng đã quá hay. Không còn gửi thư chờ đợi cả tháng trời thư mới tới. Chỉ một cú phone bên kia đầu dây xa nửa vòng trái đất đã nghe rõ câu trả lời, tin tức biết ngay tức khắc.

Ba tôi mất tại Việt Nam (ba tôi đi tu và mất tại chùa). Ngày làm lễ phát tang, chúng tôi bên này con cháu tụ tập về nhà tôi và cùng thực hiện các nghi thức phát tang đồng loạt với bên Việt Nam. Từng hồi chuông tiếng mõ, tiếng tụng kinh của rất đông chư tăng ni, những lời thầy thuyết pháp, chúng tôi hiểu rõ hơn về sinh tử và sự vô thường. Chúng tôi có cảm giác gần gũi gia đình hơn,  cùng chịu đại tang và cùng nhau chí thành cầu nguyện.

Thế giới mỗi ngày mỗi tiến bộ mà óc tưởng tượng của chúng ta không thể nghĩ tới. Khó tin như chuyện Tôn ngộ Không bay trên mây. Như tiên thánh có thể thấy người dưới trần gian.Thuận phong nhĩ có thể nghe ngàn dặm...Iphone thời nay có thể thấy rõ người đang trực tiếp nói chuyện với mình. Đi chơi vòng quanh thế giới có thể Livestream cho người ở nhà cùng thưởng ngoạn. Con cái có thể biết cha mẹ đang ở đâu, làm gì, nhà mình có ai vào không và từng ngóc ngách trong nhà ngồi ở văn phòng có thể nhìn thấy rõ ràng. Những cái bấm, quẹt thay đổi từng giờ. Con người mập có thể lên hình đẹp như tiên nga. Con có thể ở Ý ở Đức ở Nhật order thức ăn cho mẹ, nhà hàng mang tới tận nhà. Sự hiếu để, chăm sóc dễ dàng như trong một giấc mơ.

Vì vậy, cả thế giới bấm và quẹt. Quẹt đem niềm vui đến với người khác. Bấm để báo một tin không lành. Bấm một cái có thể chuyển tặng một số tiền rất lớn. Quẹt sai một cái tiêu tan hết số tiền trong ngân hàng hay Facebook mình bị mất sạch.

Chỉ một cái Iphone nho nhỏ, ta chỉ cần hai ngón tay bấm và quẹt ta có thể đi khắp năm châu. Nó có thể khiến ta vui buồn, giận ghét. Nó khiến ta quên ăn mất ngủ. Nó chiếm hết thời gian của mọi thành viên trong gia đình. Trong nhà không còn cười vui nói chuyện hay tâm sự với nhau. Mỗi người mỗi cái iphone và sống trong ốc đảo của mình. Mỗi người có bạn bè riêng, cuộc sống riêng và nép mình vào đấy để tìm hạnh phúc riêng tư. Để thấy người tàng hình trong đó tốt hơn cha mẹ. Ngọt ngào hơn người chồng, người vợ trong nhà. Người trong đó hiểu ý mình hơn bất cứ ai và yêu mình hơn cả mạng sống của người ấy...Thế là lao vào cuộc tình xa để bỏ cả học hành và sập bẫy. Cuộc sống ở thời đại internet muôn màu muôn sắc khiến con người sống ảo vui hơn sống thực, say mê theo nó quên hẳn với những người yêu thương trước mặt.

Hãy coi Iphone là phương tiện chứ không phải là người thân. Laptop, Iphone hư, mất ta có thể mua một cái mới, người thân mất ta không thể tìm lại được. Khi không cần thiết hãy tắt Iphone, ngừng bấm và quẹt. Dành một chút thời gian nghe cha mẹ tâm sự và cùng cha mẹ đi dạo một vòng để người già thấy mình được quan tâm chăm sóc.

.....

Tôi đã chấm dứt bài viết này ở đây. Thế nhưng có một điều tôi muốn chia sẻ. Một sự chia sẻ rất ngại ngùng và khó khăn mà tiếng miền Trung gọi là "ốt dột" tiếng miền Nam mình gọi là "mắc cỡ hay quê xệ"

Tháng 5 tôi đi cruise với nhóm học trò cũ mà tôi coi như em gái. Có em đã hơn 40 năm tôi chưa gặp lại. Mấy cô trò đi chơi vui lắm. Để có thể chung phòng nói chuyện cho đã, chúng tôi chọn 4 người một phòng dù không có balcony cũng không sao.

Trước khi đi chơi tôi dặn hết con, cháu, bạn bè đừng gọi phone hay nhắn tin vì tôi sẽ không mua internet trên tàu. Tôi muốn dùng thời gian để nghỉ ngơi, chơi với các em cho thỏa thích.

Thường mỗi khi đi cruise, khi tàu ghé đất liền internet trong iphone sẽ hoạt động trở lại và khi ấy là dịp liên lạc báo tin cho gia đình. Tàu rời bến là phải bấm đóng Airplane Mode để bên ngoài có gọi cũng không được.

Thế nhưng, các bạn biết thế nào không? Sau 7 ngày rong chơi trên biển, tàu ghé vào cảng Long Beach tôi mở Iphone ra để gọi về nhà thì phát hiện tin nhắn trong Messages của AT&T báo là tiền tôi xài phone đang vượt qua 200$.00. Tôi hết hồn và sực nhớ khi tàu rời bến hôm qua tôi quên không đóng Airplane Mode và cách đây vài hôm khi đang ngủ tôi thấy điện thoại mình có internet. Cứ tưởng tàu cặp bến đất liền, tôi nằm mở Facebook ra xem và post hình mấy cô trò trên tàu. Coi đồng hồ thì chưa tới giờ tàu cập bến. Tôi vội vàng tắt phone và kể cho các em biết và ngạc nhiên không hiểu vì sao? Lúc ấy tàu cũng cập bến rồi, phone các em ấy cũng đã hoạt động.

Điện thoại này do con trai mua tặng mẹ và cháu trả bill hàng tháng nên tôi lâu nay cứ thế mà xài. Về nhà thấy tin nhắn con trai:

-  Mẹ ơi! cẩn thận, AT&T nói mẹ xài điện thoại vượt quá 200$00". Tôi đành nhắn lại:

-  Mẹ cũng mới biết và mẹ đã về nhà rồi.  Tôi kể cho con biết tôi sử dụng điện thoại như thế nào.

Thật lòng tôi cũng không biết tôi đã vô tình bấm hay quẹt sai lúc nào để điện thoại nhảy qua đường dây quốc tế. Tôi không gọi phone hay xài Youtube hoặc Facebook khi tàu chạy giữa biển. Con tôi và bạn bè cũng không gọi vì tôi đã dặn trước rồi. Vậy thì do đâu đường dây điện thoại viễn liên charge số tiền này.

Con tôi gọi phone hỏi thăm sức khỏe mẹ và an ủi tôi:

- Không sao! Mẹ đừng lo, con sẽ trả. Mẹ đi chơi vui là được rồi

Thế nhưng vài ngày sau, khi nói chuyện cháu cười cười hỏi tôi:

- Mẹ biết đường dây điện thoại charges bao nhiêu nhiêu không? " Tôi trả lời  đầy tự tin:

-Khoảng 220$. Nó cười mà tôi thấy thật là tội nghiệp:

- Hơn 500$ đó mẹ

Thật lòng tôi không tin được. Tôi nói con gọi hỏi kỹ và khiếu nại. Cháu nói con gọi mấy lần mà không được gì hết. Mỗi lần con gọi nó tính tiền viễn liên mắc lắm mẹ ơI. Thôi con trả cho rồi.

Trời ơi! Đi chơi 7 ngày mua vé chỉ có hơn 300$ mà tiền điện thoại không gọi, không xài phải trả hơn 500$ quả là chuyện tệ hại nhất của tôi từ trước tới giờ.

Con gái tôi khi biết chuyện, tới phiên nó khiếu nại và nó trả lời với tôi như vầy:

- Má không gọi phone, không viết mail và gửi đi. Má không mở Youtube hay Facetime, nhưng đường line internet của Iphone vẫn hoạt động. AT&T charge mình giá cao vì giữa biển là không phận quốc tế có rất nhiều hãng điện thoại sử dụng dịch vụ. AT&T phải trả chi phí nối kết đường dây viễn liên đó. Không biết có đúng như vậy hay không, nhưng đành phải ký check  cho trả tiền cho xong.

Bây giờ tôi đã sáng mắt ra và biết cái lỗi của mình. Tôi viết thêm phần này để các bạn thấy cái sai của tôi mà tránh. Nếu đi cruise, đi Âu Châu hay bất cứ nước nào ngoài Mỹ, các bạn có thể mua đường line phone của hãng mình trước. Hình như AT&T giá 10$ một ngày và quy định xài như thế nào đó (Con tôi sẽ mua cho tôi trong chuyến đi Âu Châu sắp tới)

Khi các bạn đi cruise nhớ đóng lại Airplane Mode bằng cách gạt nó qua màu xanh như vậy sẽ không ai gọi vào được. Nhất là cẩn thận đừng bấm hay quẹt bất cứ cái gì mình không biết hay không hiểu trên Iphone.

Một lần lẩm cẩm tôi đã mất đi hơn 500$ mà không dám gọi một cú phone cho con. Nếu xài thả ga thì tôi cũng không tiếc làm gì. Nhưng thôi! Một bài học để nhớ đời Đừng bấm sai, quẹt bậy trên Iphone có ngày trả tiền sặc máu. 

Nguyễn thị Thêm