Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 14 tháng 7, 2022
Đoàn người Việt có 3 mục tiêu rõ rang khi tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế lần 2 trong các ngày 28 - 30 tháng 6 vừa qua:
1. Các vấn đề của từng nhóm được quan tâm và các nhóm kết nối chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
2. Nửa triệu người Việt ở trong và ngoài nước sẽ theo dõi các hoạt động của họ và qua đó hiểu được cách hoạt động hiệu quả.
3. Vị thế của BPSOS thêm vững chãi trong cộng đồng quốc tế để hỗ trợ các nhóm người Việt đạt 2 mục tiêu trên.
Đoàn người Việt bao gồm 6 nhóm: Tây Nguyên, Hmong, Cao Đài, Công Giáo, Phật Giáo, và nhóm BPSOS cùng với thân hữu. Mỗi nhóm đều có những trọng tâm riêng với những sinh hoạt đặc thù.
Nhóm Tây Nguyên (17 người): Trình bày việc nhà nước Việt Nam cấm đoán các điểm nhóm Tin Lành tư gia của người Tây Nguyên và ép tín đồ phải tham gia số ít tổ chức Tin Lành được nhà nước công nhận và dùng làm công cụ; vận động cộng đồng quốc tế can thiệp cho hơn 60 người Tây Nguyên đang là tù nhân lương tâm tôn giáo và hỗ trợ các nỗ lực đẩy lùi chính sách đàn áp người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Trong nhóm có 2 mục sư Tin Lành Tây Nguyên.
Nhóm Hmong (3): Nêu tình trạng vô hộ tịch của hàng chục nghìn người Hmong bị trục xuất khỏi bản làng và không được cấp giấy tờ tuỳ thân vì theo đạo Tin Lành; vận động cộng đồng quốc tế thúc đẩy nhà nước Việt Nam ngưng chính sách ép bỏ đạo và cấp giấy tờ tuỳ thân cho những ai không hộ tịch. Trong nhóm có một mục sư Tin Lành Hmong.
Nhóm Cao Đài (8): Giúp cho cộng đồng quốc tế nhìn rõ bản chất của Chi Phái do nhà nước dựng lên năm 1997 không là đạo Cao Đài mà là một tổ chức tội phạm được nhà nước dùng để trấn áp tín đồ Cao Đài; trên căn bản đó vận động quốc tế yểm trợ công cuộc khôi phục Hội Thánh Cao Đài và thu hồi tất cả các cơ ngơi, tài sản đang bị Chi Phái 1997 chiếm giữ. Trong nhóm có một chức sắc Cao Đài và, rất đặc biệt, một người đến từ Việt Nam: nữ Chánh Trị Sự Nguyễn Xuân Mai.
Nhóm Công Giáo (11): Báo động với cộng đồng quốc tế tình trạng ngôn ngữ hận thù và kích động bạo lực ngày càng lan rộng ở Việt Nam, nhiều khi được khuyến khích bởi chế độ; tranh thủ sự quan tâm và hợp tác của các tổ chức bảo vệ các Cơ Đốc nhân bị bách hại. Ngoài ra, có linh mục Chánh Xứ của Giáo Xứ Mẹ Việt Nam (Maryland) tham gia hội luận.
Nhóm Phật Giáo (5): Lên tiếng với cộng đồng quốc tế về chính sách của nhà nước nhằm triệt tiêu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bằng cách phá chùa, gây khó khăn cho các tăng, ni và Phật tử bằng các biện pháp không cấp giấy tuỳ thân, ngăn cản việc đi lại, và thường xuyên sách nhiễu; vận động cộng đồng quốc tế theo dõi và yểm trợ nỗ lực phục hoạt giáo hội. Nhóm có một hoà thượng và một đại đức tham gia.
Nhóm Phật Giáo Hoà Hảo (2): Lên tiếng về các tù nhân lương tâm tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm. Ngoài ra, có thêm 4 tín đồ PGHH đã tham dự buổi lễ cầu nguyện đa tôn giáo chiều ngày 29 tháng 6.
Nhóm BPSOS và thân hữu (15): Gồm nhân sự từ văn phòng BPSOS ở các thành phố khác nhau và một số thân hữu, nhóm này tạo phương tiện và cơ hội để các nhóm kể trên có tiếng nói tại hội nghị thượng đỉnh, kết nối với cộng đồng quốc tế, và gửi thông điệp đến người Việt ở trong và ngoài nước. Thành viên của nhóm hỗ trợ phần thông dịch, giới thiệu các nhóm với những giới thức và tổ chức quốc tế, và quán xuyến công tác truyền thông. Chúng tôi đã cử người đi cùng các nhóm cần yểm trợ. Chẳng hạn, nhóm Hmong được bổ sung thêm 3 nhân sự.
Mục tiêu 1: Cộng đồng quốc tế quan tâm
Đoàn người Việt là đoàn hùng hậu nhất tại hội nghị thượng đỉnh và đa dạng về tôn giáo, sắc tộc và trang phục.
Ngày 28 tháng 6, đoàn người Việt cử một phái đoàn đa tôn giáo họp riêng với Bộ Ngoại Giao; đồng thời, vài nhóm nhỏ đã họp riêng với một số văn phòng thượng nghị sĩ để trình bày sách lược 3 năm, 5 năm săp đến. Các nơi này đều cho biết họ sẽ yểm trợ. Sau buổi họp với đoàn người Việt, Đại Sứ Lưu Động cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain cho biết là Ông cảm kích trước sự thể hiện tính liên thông đa tôn giáo, đa sắc tộc của đoàn người Việt.
Ngay tại hội nghị thượng đỉnh, Dân Biểu Christopher Smith, tác giả của nhiều đạo luật nhân quyền và chế tài kẻ vi phạm nhân quyền, đã bỏ thời gian để tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói của các nhóm người Việt và thăm bàn thông tin của đoàn người Việt.
Vài chục tổ chức bảo vệ nhân quyền cùng hợp tác trong Chiến Dịch Toàn Cầu cho Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo, do BPSOS điều phối, đều nắm rõ hơn tình hình đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Họ đã chung sức thực hiện cuộc tuần hành đến các toà đại sứ của những quốc gia giam giữ tù nhân lương tâm, trong đó có Việt Nam.
Người tham gia hội nghị thượng đỉnh phần lớn đều biết là ở Việt Nam có nhiều tù nhân lương tâm tôn giáo. Tại buổi họp khoáng đại của hội nghị, Việt Nam đã bị nêu tên cùng với Trung Quốc là 2 thể chế cộng sản với ý thức hệ và chính sách bài tôn giáo.
Tương tự, Ts. Katrina Lantos-Swett, đồng chủ tịch Ban Chỉ Đạo của hội nghị thượng đỉnh, khi được phỏng vấn đã chia sẻ cảm nghĩ về nhà nước Việt Nam: “Hãy bêu cho xấu mặt ở mọi nơi mà giới chức của họ đến.” Xem:
https://www.facebook.com/NFoRB/videos/1629724317398775
Sau hội nghị, tổ chức ADF International đã gặp riêng nhóm Tây Nguyên tại trụ sở của họ và rồi đi theo nhóm Tây Nguyên đến North Carolina để thu hình làm phim tài liệu với mục đích tạo sự quan tâm toàn cầu.
Qua các bài tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu thảnh quả của từng nhóm: Cao Đài, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Tin Lành Tây Nguyên, Tin Lành Hmong, và Công Giáo.
Mục tiêu 2: Thông tin được truyền bá
Số người theo dõi các hoạt động của đoàn Việt Nam đã vượt xa mốc nửa triệu. Tính đến ngày 14 tháng 7, các video về hoạt động của đoàn Việt Nam đã có tổng cộng 975.000 lượt xem. Dưới đây là vài con số tiêu biểu:
· 423.000 lượt người theo dõi lời phát biểu của nữ Chánh Trị Sự Nguyễn Xuân Mai, người duy nhất đến từ Việt Nam
· 67.000 lượt người xem cuộc hội luận về tình trạng Đạo Cao Đài và kế hoạch phục hồi hội thánh cũng như lấy lại các cơ ngơi hiện bị chi phái Cao Đài quốc doanh chiếm đóng
· 360.000 lượt người theo dõi cuộc tuần hành đến các toà đại sứ nhằm kêu gọi tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo
Đó là chưa kể các kênh truyền thông tiếng Êđê và tiếng Hmong. Nhiều nhóm Tây Nguyên cho biết họ nấu cháo gà để cùng nhau thức khuya theo dõi các diễn tiến tại hội nghị thượng đỉnh.
BPSOS đang lên kế hoạch truyền thông trong sự phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng tôn giáo để đạt mục tiêu 2 triệu lượt xem.
Mục tiêu 3: Đóng góp của BPSOS Để tạo cơ hội và phương tiện cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc người Việt tham gia phong trào vận động tư do tôn giáo toàn cầu, BPSOS chủ trương củng cố hơn nữa vị thế trong thành phần lãnh đạo của phong trào này. Các chỉ dấu về thành quả bao gồm:
Tại hội nghị thượng đỉnh, BPSOS đã điều hợp 20 sự kiện, không riêng cho đoàn người Việt mà còn cho các tổ chức người Chin và Rohingya ở Miến Điện, các tổ chức Nigeria, Algeria, Sri Lanka, Pháp Luân Công, v.v. Điều này đã tạo nên mối giao hảo rộng rãi với các tổ chức xã hội dân sự trên thế giới. Cô Sharifah Shakirah, người Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện, phát biểu tại cuộc hội luận do BPSOS điều hợp (ảnh BPSOS) Kết luận Có người cho rằng tham gia hội nghị thượng đỉnh không làm thay đổi chế độ. Cách suy nghĩ như vậy là phiến diện vì chính người dân có thể chủ động thay đổi mối tương quan về lực và thế với chính quyền bằng cách: (1) tăng nội lực của chính mình, và (2) tranh thủ cộng đồng quốc tế đứng cùng với mình. Mục tiêu đầu mà chúng tôi đề ra cho phép các nhóm tham gia, và những ai theo dõi họ, đo lường mức độ gia tăng năng lực của từng nhóm và mức độ liên kết với cộng đồng quốc tế. Khi cán cân lực và thế đã nghiêng đủ về phía người dân thì chính người dân sẽ tác động để chế độ phải dần dà đổi thay. Mục tiêu thứ hai đo lường tầm ảnh hưởng của các nhóm, qua các hoạt động tại hội nghị thượng đỉnh, đến nhận thức của người Việt ở trong và ngoài nước. Tầm ảnh hưởng này sẽ giúp chuyển thông điệp thiên về hành động của họ đến đồng bào trong nước và cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Mục tiêu thứ 3 cho phép chúng tôi, BPSOS, tự đo lường khả năng làm bệ đỡ cho các nhóm người Việt không chỉ đạt mục tiêu mà còn khai thác các thành quả đạt được. Mạch Sống |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét