Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Việt Nam Đe Dọa Các Nạn Nhân Tố Cáo Tình Trạng Buôn Người Trong Chương Trình Xuất Khẩu Lao Động

 


LHQ: Việt Nam đe doạ các nạn nhân tố cáo tình trạng buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ công bố bản phúc trình hàng năm về nạn buôn người


Mạch Sống, ngày 19 tháng 7, 2022

http://machsongmedia.org


Ngày 26 tháng 6 vừa qua, văn phòng của Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ đã công bố thư tố giác số UA VNM 3/2022, ngày 26 tháng 4, của 4 chuyên gia nhân quyền của LHQ gửi chính phủ Việt Nam về tình trạng buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động. Theo thủ tục của LHQ, trước khi công bố thư tố giác, quốc gia nhận thư có 60 ngày để trả lời.


Văn thư kể trên yêu cầu chính phủ Việt Nam làm rõ sự lộng hành của các thủ phạm buôn người ở Ả Rập Xê Út dưới sự bảo kê của tuỳ viên lao động thuộc toà đại sứ Việt Nam. Những nạn nhân đã được cảnh sát Ả Rập giải cứu và đưa vào trung tâm xã hội SAKAN ở thủ đô Riyadh lại bị một nhóm chân tay của các đường dây buôn người khủng bố tinh thần nhằm bịt miệng. Những thủ phạm này giữ quan hệ mật thiết với toà đại sứ Việt Nam.


Thư tố giác chỉ ra rằng cuối năm 2021, cô H’Thái Ayun, một nạn nhân tạm trú ở trung tâm SAKAN, đã bị số chân tay này đe doạ tính mạng. BPSOS đã phối hợp với một tổ chức quốc tế, văn phòng Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, và chính quyền Ả Rập để gấp rút đưa cô H’Thái đi lánh nạn ở một quốc gia khác. 


Ts. Nguyễn Đình Thắng phản biện phát biểu của Đại Sứ Việt Nam tại LHQ về tình trạng buôn người xuất phát từ Việt Nam, 30 tháng 6, 2021


Đồng thời, công an ở Việt Nam đã phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động để điều tra và đe doạ một số nạn nhân đã hồi hương vì khi còn ở trại SAKAN đã cùng với cô H’Thái đứng lên đòi công lý. Công an đã tra khảo các nạn nhân này về quan hệ với cô H’Thái lúc còn ở SAKAN cũng như sau khi về nước. BPSOS đã cung cấp cho LHQ các thông tin và chứng cứ về những cuộc khảo tra này.


Thư tố giác chỉ ra rằng nhà nước Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc không được hăm doạ hoặc trả thù những người báo cáo vi phạm. Theo định nghĩa của LHQ, những người báo cáo vi phạm nhân quyền với LHQ đương nhiên được xem là những người bảo vệ nhân quyền; đích thân Tổng Thư Ký LHQ có trách nhiệm lên tiếng bảo vệ họ khi bị hăm doạ hoặc trả thù.


Trước đây, ngày 25 tháng 10, 2021, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ đã gửi văn thư cho chính phủ Việt Nam về các trường hợp buôn người lao động sang Ả Rập Xê Út, dựa trên các thông tin do BPSOS cung cấp. Ngày 5 tháng 3, 2022 Việt Nam trả lời văn thư này. Tuy nhiên, họ chỉ nêu lên những vấn đề chung chung về chính sách, về khung luật Việt Nam…


Thư tố giác mới đây đã chỉ ra điều này:

“Chúng tôi cảm ơn quý Chính Quyền về văn thư trả lời mà chúng tôi nhận được ngày 5 thảng 3, 2022. Tuy nhiên, chúng tôi lấy làm tiếc là một số câu hỏi của chúng tôi đã không được đáp ứng, đặc biệt liên quan đến việc điều tra, truy tố, và trừng phạt các thủ phạm trong vai trò buôn phụ nữ và thiếu nữ. Hơn nữa, chúng tôi đã nhận được các cáo buộc mới liên quan đến một số phụ nữ bị ảnh hưởng mang tính cách rất đáng quan ngại.”


Ngày 30 tháng 6, 2021 Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, lên tiếng tố cáo trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ tình trạng buôn phụ nữ và thiếu nữ sang Ả Rập Xê Út trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam. Ngay sau đó, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em đã làm việc chặt chẽ với BPSOS về hồ sơ của 30 nạn nhân ở trại SAKAN. Con số nạn nhân sau đó tăng dần lên đến 50 người. Xem các bản tin về những vụ can thiệp và/hoặc giải cứu số nạn nhân này: https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi.html


Các chuyên gia nhân quyền ký tên trong thư tố giác chung ngày 26 tháng 4, 2022 bao gồm:

  • Bà Siobhan Mullally, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em
  • Bà Fernanda Hopenhaym, thành viên Tổ Công Tác về các vấn đề nhân quyền và các công ty xuyên quốc gia và các doanh nghiệp thương mại khác
  • Ông Felipe Gonzales Morales, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về nhân quyền của di dân
  • Ông Tomoya Obokata, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về các hình thức nô lệ, bao gồm các nguyên nhân và hậu quả


Ngày 18 tháng 1, 2022, các chuyên gia nhân quyền của LHQ cũng gửi văn thư tố giác cho chính quyền Việt Nam về số hơn 400 nạn nhân bị buôn lao động từ Việt Nam sang Serbia. BPSOS cũng đã cung cấp một số thông tin về hồ sơ này cho LHQ.


BPSOS cũng chia sẻ thông tin về tình trạng buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động, được bảo kê bởi các giới chức Việt Nam, với một số chính phủ như Hoa Kỳ, Đức, Pháp và Anh. Đây là những quốc gia quan tâm đặc biệt đến nạn buôn người từ Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới và đường dây đưa lậu người từ Việt Nam sang Âu Châu.

Hôm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ công bố bản phúc trình thường niên cho Quốc Hội về tình trạng buôn người trên thế giới.


“Chúng tôi tin rằng bản phúc trình này sẽ bao gồm các hồ sơ do BPSOS cung cấp trong 12 tháng qua”, Ts. Thắng nhận định.  


Thông tin liên quan:


LHQ công bố thư tố giác tình trạng lao động Việt bị buôn bán sang Ả Rập Xê Út

https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi/1777-lhq-cong-bo-thu-to-giac-tinh-trang-lao-dong-viet-bi-buon-ban-sang-a-rap-xe-ut.html


LHQ tố giác nạn buôn người từ Việt Nam sang Serbia

https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi/1805-viet-nam-tiep-tuc-bi-lhq-to-giac-ve-nan-buon-nguoi-lan-nay-o-serbia.html


Mạch Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét