Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

AHĐPTĐTTT (tiếp theo): Phần 2. Chương 2, Mục 6

 


AHĐPTĐTTT (tiếp theo): Phần 2. Chương 2, Mục 6
Thầy Dương Anh Sơn 

VỊ TRÍ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

CHƯƠNG II

SỰ TƯƠNG HỢP GIỮA TƯ TƯỞNG ĐẠO LÃO VÀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Mục 6

THIỆN CĂN Ở TẠI LÒNG TA

Qua những điều trình bày bên trên, chúng ta nhận thấy ít nhiều Nguyễn Du tiên sinh đã chịu ảnh hưởng, cũng như dung thông được một lúc hai nguồn tư tưởng của Đạo gia và Thiền gia trong Đoạn Trường Tân Thanh. Sự hòa điệu cùng nhịp của hai nguồn này đã tạo ra một sắc thái thật đặc biệt để cho Đoạn Trường Tân Thanh có nghĩa lý và tồn tại trong liên tục. Tố Như không viết Truyện Kiều như viết một cuốn truyện để “mua vui cũng được một vài trống canh ” (c.cuối 3254), nhưng quả thật mọi tư tưởng, mọi ngôn từ được sử dụng đều nhắm đến việc phô diễn cái kiến giải của mình về cuộc đời xuyên qua thân phận nàng Kiều. Đồng thời, chúng ta có thể nói rằng tư tưởng Đạo gia và Thiền gia đã “gắn bó một lời” (c.3165) không thể tách biệt nhau, vì đều có những điểm tương đồng và đều hướng đến một cùng đích. Cùng đích của đời người hay là khát khao của Tố Như phải chăng là tạo dựng được từ cõi lòng, từ cái tâm của mình một sự điều hòa, quân bình. Sự tương sanh giữa Tài và Mệnh, Bỉ Sắc và Tư phong, Họa và Phúc, Đục và Trong ,Hoa tàn và Thêm tươi ,Trăng tàn và hơn mười rằm xưa v.v... đều nhắm tới đức Tĩnh của Đạo gia hay Giác Thanh Tịnh của Phật gia, nghĩa là đạt đến đức Hòa giữa những cặp tương tranh tương sanh ấy. Và nếu đạo Phật trụ nơi chữ Tâm thì Đạo gia - một cách tương hợp - cũng lấy “cõi lòng” để an trụ:  

Thị dĩ thánh nhân, vị phúc bất vị mục, cố khử bỉ thủ thử” [1] 是 以 聖 人,爲 腹 不 爲 目,古 去 彼 取 此 (Bởi thế, bậc thánh nhân, vì bụng không vì mắt, nên bỏ cái này để lựa cái kia).  

“Phúc” ( - lòng, bụng) chính là “cõi lòng” hay là cái tâm của mỗi người biết lựa chọn một pháp môn sao hợp với chính mình. Và trong sự lựa chọn ấy làm thế nào để cho việc kết hợp phải khế cơ với tâm thức mỗi người mới là điều cần thiết. Bởi thế, Thúy Kiều đã chọn lựa cho mình con đường Trung Đạo khi phát biểu tâm nguyện của mình.  

Chẳng tu mà cũng như tu mới là!”     (c. 3108)

Chọn con đường (Đạo 道) hay chọn một pháp môn để nương vào đó để đi đến tỉnh thức và NGỘ, Thúy Kiều đã chọn cho mình con đường “vì bụng chứ không vì mắt”, nghĩa là con đường bên trong, con đường của sự đào xới tâm linh của mình. Nói một cách khác, tinh thần Đạo gia và Phật gia đã gặp gỡ nhau ở pháp môn này. Đạo gia nói:   

Đạo thường vô vi, nhi vô bất vi”[2] 
道 常 無 爲,而 無 不 爲    (老子 – 道德經)

Không làm, nhưng không có gì mà không làm cũng là cách nói tương hợp với tâm nguyện của Kiều khi chọn “con đường giữa” (trung đạo) mà thôi. Tuy vậy, vai trò của đạo Phật bên cạnh tư tưởng Đạo gia lại bước bước thêm một bước nữa, vượt lên một bực nữa, để nói về cái thực tại có thể dung thông được các mối bất đồng hoặc sự thiếu hòa điệu trong nhận thức trước thực tại. Thực tại ấy chính là cái Tâm Viên Giác mà Kiều đã thành đạt được (Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa. c.3124). Chính vì thế trong phần kết luận, Nguyễn Du tiên sinh đã viết: 

Thiện căn ở tại lòng ta”          (c. 3251) 

Gốc rễ của tính thiện nằm trong cõi lòng hay chính cái tâm của mỗi người .Vai trò của đạo Phật bên cạnh Đạo gia nhằm xác định rõ gốc rễ này mà cả hai nguồn tư tưởng này đang hướng về. Dĩ nhiên, khi hỏi Tâm là gì thì cũng giống như khi hỏi về Đạo: “Đạo khả đạo, phi thường đạo 道 可 道 非 常  道” (Đạo có thể gọi là đạo, không phải là đạo"thường") [3]. Cho nên, cái Tâm ở đây không thể biện giải rốt ráo được, trừ phi chính mỗi chúng ta là Thúy Kiều, chính mỗi chúng ta phải đi qua cầu đoạn trường. Thêm vào đó, chữ Đạo mà Tố Như sử dụng trong Đoạn Trường Tân Thanh bên dưới đây tuy rất đúng với ý nghĩa của Lão gia, nhưng nó vẫn còn mù mờ, chưa xác định rõ Đạo là gì, gần hay xa. 

Sư rằng: Phúc họa đạo trời        (c. 2655){a}

“Đạo trời” hay đạo của Thiên Địa, của Vạn Vật mà Lão Tử đã đề cập trong Đạo Đức Kinh (chương I) vẫn còn tách biệt, chưa gần gũi với con người thật sự (pháp tánh). Chỉ đến khi nào đạo trời và đạo người là một thì chúng ta mới thấy rõ hơn phần nào ý nghĩa chữ đạo đó. Tư tưởng đạo Phật chính là yếu tố có thể soi chiếu ý nghĩa này vì lấy con người làm gốc rễ dung thông được đạo trời và đạo người (Pháp tánh và Phật tánh).  

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra  (c. 2656)
Có trời mà cũng tại ta”  {b}

Trong câu trên {a} có thể nói là biểu tượng của Đạo gia.  Hai câu nối theo sau {b} chính là biểu tượng của tư tưởng đạo Phật mà vai trò của nó đã cho thấy rõ ràng vị trí vượt trội lên tư tưởng Đạo gia trong việc qui hướng ý nghĩa và giải quyết những điều được đặt ra nơi tiền đề. Nói một cách đơn giản hơn, nếu tư tưởng của Đạo gia (Phúc họa đạo trời) được xem là tiền đề thì tư tưởng nhà Phật lại có công dụng của một hậu kết tất yếu từ tiền đề ấy dựa vào nổ lực tự thân ! (Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra/ Có trời mà cũng tại ta...). Nói khác hơn, chữ TÂM hay lòng người đích thực mới là căn nguyên để giải quyết câu hỏi đã đặt ra từ tiền đề về sự KHỔ: " Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng !" (c.3,4). 

Và chính điều này đã cho thấy giá trị mà tư tưởng đạo Phật đã đóng góp trong Đoạn Trường Tân Thanh. Nếu có thể dùng được khái niệm" NHÂN BẢN", theo cách nói của triết học hiện sinh (L'humanisme) như là một triết học về con người và đề cao những giá trị sống của chủ thể cũng như vươn đến sự hiện hữu như là bản chất  đích thực trong cuộc sống, của "hiện hữu" (Dasein- Heidergger), chúng ta sẽ thấy Nguyễn Du ngay từ những câu thơ trong phần mở đầu đã khẳng định: "Sinh rằng giải cấu là duyên / Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều (c.419-420). Tố Như đã thiết định sự vươn dậy của Thúy Kiều luôn dựa trên nổ lực của sự tỉnh thức  và gạn đục khơi trong để làm chủ bản thân và định đoạt con đường đi của mình . Nhân có định ,sắp xếp và định hướng đời mình cho đúng đắn, rõ ràng mới có thể làm nền tảng và gốc rễ để TÍNH THIỆN hay cái "thiện căn" phát sinh từ cái tâm thiện lương của mình .Đó có thể xem là "chủ thể tính",  và" tự do tính" trước thân phận làm người mà triết học hiện sinh thường đề cập. G.S Trần Thái Đỉnh trong cuốn "Triết Học Hiện Sinh" đã nêu rõ: "Triết học hiện sinh  không mất thì giờ bàn những chuyện xa xôi về những lẽ huyền vi của tạo hóa , nhưng chỉ chú trọng đến thân phận con người ,tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Không gì tha thiết với con người bằng chính con người" [4]. Một cách tương hợp, những vấn đề về thân phận con người thông qua cuộc đời đoạn trường của Thúy Kiều mà Nguyễn Du nêu ra trong ĐTTT đã hàm ngụ những vấn đề căn bản của "hiện sinh tính" mà triết học hiện sinh đặt ra trong thời đại hiện nay! Cuộc đời Thúy Kiều với mười lăm năm đoạn trường là một câu hỏi lớn về Nghiệp, về Mệnh và về lẽ Đạo.   

Những câu hỏi lớn đó được giải đáp dần dà trong nỗ lực vươn dậy của một con người mang tên là Thúy Kiều. Đề cao nỗ lực "nhân định", tư tưởng của Tố Như mang đậm màu sắc đạo Phật như Phật Thích Ca đã từng nói xưa kia: "... Chỉ có người nào tự chinh phục được mình mới là người chiến thắng vinh quang nhất "(Dhammapada VII 4) [5]. Chinh phục được chính mình chính là chinh phục cái Tâm  hay là trở về với Thiện căn.

(Lần đến: AHĐPTĐTTT, Chương III, Mục 1: Hoa tàn mà lại thêm tươi)

Dương Anh Sơn

[1] Lão Tử Đạo Đức Kinh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, chương XII, tr.84, NXB Khai Trí, Saigon 1961
[2] Lão Tử Đạo Đức Kinh, sđd, Ch. XXXVII, tr.189
[3] Lão Tử Đạo Đức Kinh, sđd, ch. I, tr.37
[4] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, khảo luận NXB Thời Mới tái bản, Saigon 1968, tr.17
[5] W. Rahula, Con đường thoát khổ, Thích Nữ Trí Hải dịch, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh Saigon XB, 1967, tr.127 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét