Hình minh họa
Truyện ngắn ĂN MÀY TRÊN XỨ MỸ
Lê Đức Luận
Hắn đứng bên trụ điện ngã tư đường, dưới chân để một
cái ba lô kiểu học trò. Khi đèn đỏ bật lên, xe dừng lại, hắn bước ra, chìa một tấm
bìa cứng vào cửa kính xe - bên phía người lái - trên đó nguệch ngoạc mấy chữ:
Homeless… No Job… Hungry – Need help! God Bless You! Khách qua đường, có người
hạ cửa kính, cho hắn tiền, hắn nhét tiền vào túi, rồi giơ ngón tay cái lên tỏ vẻ
hài lòng; có người không hạ kính, im lặng, nhìn thẳng – coi như không có hắn bên
cạnh. Hắn bỏ đi và tiếp tục chìa tấm bảng vào cửa kính xe sau. Người khách hạ kính,
nói gì với hắn không ai nghe rõ, nhưng không cho tiền. Hắn bỏ đi với vẻ mặt không
vui… Cứ thế hắn chìa tấm bảng đó được bốn, năm lần thì đèn xanh bật lên. Xe chạy!
Hắn thong thả trở về trụ điện móc trong ba lô chai nước lọc hay lon Coca, có
khi là lon bia - uống ực… rồi đốt điếu thuốc lá phì phèo, ung dung nhìn dòng xe
cộ nối đuôi nhau… Chờ đèn đỏ bật lên, hắn lại rời trụ điện (đôi khi trên môi còn
gắn điếu thuốc lá) tay cầm tấm bảng chìa vào cửa kính xe như trước. Không ai đếm
cả ngày, hắn tới lui cái trụ điện bao nhiêu lần, nhưng những người để ý theo dõi
và biết chuyện, đã nói: “Một ngày hắn kiếm được trên một trăm đô la tiền tươi,
không phải khai thuế.” Thế là lòng nhân đạo của khách thập phương rơi vào túi hắn
hơn hẳn tiền lương của một người làm tám giờ trong các tiệm Seven Eleven hay Mc
Donald.
Trên đây là hình ảnh thường thấy hiện nay ở vùng phụ cận Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
Cách nay mấy mươi năm, khi đến định cư ở vùng này, tôi
chỉ nghe tiếng “ăn mày” từ các bà mẹ Việt Nam mắng con: “Mày không lo học hành,
lớn lên chỉ có nước đi ăn mày” chứ chưa thấy hình ảnh người “ăn mày Mỹ” như thế
nào. Bây giờ, lái xe một đoạn đường là thấy một người đứng cạnh cột đèn chờ đèn
đỏ bật lên là bước ra chìa bảng xin tiền. Trông điệu bộ những anh “ăn mày xứ Mỹ” không giống hình ảnh những người ăn mày xứ khác. Tôi
cố tìm một chữ để “gán” cho họ, nhưng chưa có từ ngữ nào thích hợp.
Ở quê tôi, chỉ có những kẻ già cả, ốm yếu, tật nguyền,
tàn phế, không còn khả năng kiếm sống - họ đói khát, ăn mặc rách rưới, thân thể
còm cõi trông rất tang thương… Họ lây lất đó đây cầu xin bá tánh rủ lòng thương
xót cho họ miếng ăn độ nhật. Người ta gọi: đó là kẻ ăn mày.
Ở Mỹ ít thấy người già đi ăn mày - vì trên 65 tuổi,
họ đã có tiền hưu trí hoăc hưởng tiền trợ cấp xã hội (welfare); cũng ít thấy những
kẻ tật nguyền, tàn phế lê lết đó đây xin tiền vì họ nhận được tiền trợ cấp an
sinh xã hội (SSDI hay SSI). Khoản trợ cấp này đủ để họ nuôi sống bản thân. Người
già không nơi nương tựa thì vào viện dưỡng lão; kẻ tật nguyền có các cơ sở xã hội
chăm sóc.
Nhưng bây giờ, trên xứ Mỹ xuất hiện ăn mày theo
phong cách khác thường. Đó là một hiện tượng lạ. Những người ăn mày này đa số vào
độ tuổi trung niên hay trẻ hơn – trông họ còn khỏe mạnh, và mỗi người trông ra một
vẻ: có anh đẹp trai, tóc dài, trông rất nghệ sĩ; có kẻ xâm tay chân, mình mẩy,
mặt mày trông rất cô hồn; cũng có người đượm một nét buồn cô đơn như kẻ thất tình.
Và trông cái cách người cho, kẻ nhận cũng rất lạ kỳ - người cho không có cái xót
thương thông thường, người nhận không có cái vẻ khúm núm mang ơn. Hai bên xem
như chuyện nước chảy qua cầu – không ơn nghĩa, dài dòng…
Trông những
người “ăn mày Mỹ” tôi liên tưởng đến các Cái Bang trong truyện võ hiệp
Kim Dung. Không biết Bang chủ Hồng Thất Công, Hoàng Dung và các trưởng lão Cái
Bang 8 túi trong Anh Hùng Xạ Điêu có gây nên nguồn cảm hứng cho một số người Mỹ
“lang bạt kỳ hồ” hay không mà số người đứng xin tiền ở các ngã tư đèn xanh, đèn
đỏ mỗi ngày một nhiều?
Có người phát biểu: “Biết đâu một mai có vài tay hảo
hán trong đám “Cái Bang” này trở thành chính khách và sẽ tung hoành trong sinh
hoạt chính trị ở Hoa Kỳ? Đến nay chưa thấy có bang bệ gì cụ thể. Họ còn làm ăn
riêng lẻ và chỉ mang “một túi” thôi. Nhưng nó biến hóa “thiên hình vạn trạng” làm
trớ trêu tấm lòng từ thiện.
Một chuyện mới nghe tưởng là nói chơi, nhưng mà có
thật: Một buổi sáng đẹp trời, khách qua đường trông thấy một anh mặt mày rủ rượi
chìa tấm bảng “ will work for beer – craving a beer”. Ý anh ta muốn nói: “đang
thèm ly bia - xin ít tiền lẻ uống lon bia”. Khách qua đường có kẻ bĩu môi, trề miệng…
nhưng có người mỉn cười móc túi cho tiền. Hôm đó, hắn kiếm được nhiều tiền gấp
bội so với những ngày hắn chìa tấm bảng “ Hungry – Need help!”
Anh ăn mày Mỹ xin tiền uống bia cũng na ná như chuyện
anh ăn mày xứ Giao Chỉ ngày xưa đòi ăn xôi gấc. Dân tôi ghét cái “chảnh” của
anh ăn mày Giao Chỉ, nhưng dân Mỹ lại ưa “cái lạ”, cái “hóm hỉnh” của anh ăn mày
Mỹ. Vậy là hắn kiếm được tiền!
Không ai hiểu được hắn - hắn có toan tính hay bất chợt
tìm ra “cái lạ” để moi tiền?
Ở Mỹ, từ những nhà khoa học, trí thức cho đến anh ăn
mày phải tìm ra “cái lạ”, “cái mới” mới kiếm
được tiền. Có những điều mới lạ tạo nên văn minh, tiến bộ, nhưng có những cái làm
cho xã hội bại hoại - sự tinh ranh, dối trá làm cho lòng người hoài nghi đưa đến
hiện tượng khủng hoảng niềm tin. Nhân đạo bị xói mòn! Lòng trắc ẩn đôi khi xơ cứng!
Đó là một trong những nét đặc trưng của nếp sống văn minh vật chất Hoa kỳ.
Trước đây, có một thời gian, thường xảy ra nạn xin
hay mượn tiền “đổ xăng hay chế nhớt xe”.
Chuyện này nhiều người đã gặp, bây giờ “xưa rồi”- không còn ăn khách! Nhưng kể
lại cho vui câu chuyện: Một hôm, tôi vừa đậu xe
trước chợ Walmart, một anh thanh niên người Việt, ăn mặc khá bảnh bao, tiến đến,
lễ phép nói: “Thưa bác, cháu chạy xe qua đây, xe khô nhớt, không chạy được nữa
– cháu lại bỏ quên cái ví ở nhà - nhờ bác giúp cho ít tiền mua bình nhớt, hôm nào
gặp lại cháu xin hoàn trả tiền cho bác. Bà vợ tôi móc ví đưa cho hắn mười đồng,
còn hỏi: “bao nhiêu đó đủ không?” Hắn cảm ơn, rồi vội vã bước đi. Một tuần sau,
ở một bãi đậu xe khác, tôi thấy hắn xăm xăm đi tới, tưởng hắn đến trả tiền. Hôm
ấy trời lạnh, tôi mặc áo ấm, đội mũ che tai, nên hắn không nhận ra. Đến gần, hắn
soạn lại bổn cũ, nhưng lời lẽ tha thiết hơn… Tôi biết thằng “xạo” nên hỏi “đểu”:
“Cháu chạy loại xe gì mà phải thay nhớt hằng tuần vậy?” Bấy giờ, hắn nhận ra tôi,
bỏ đi một mạch, không một lời chào từ giã. Bà vợ tôi ngồi bên, nguýt dài theo hắn,
lẩm bẩm: “cái đồ mắc dịch!”
Hắn đi rồi, tôi nghĩ đến sự đời lắm cái trớ trêu! Nó
mà ở Việt Nam thì bị “điệu” ngay về đồn công an, gán cho cái tội “lừa đảo”; còn
mấy tên ăn mày sẽ bị “hốt” lên xe cây, chụp cho cái mũ “bôi bác chế độ” – Thế là,
cả đám được đưa vào “vùng đất mới” gặm “nhân sâm” (khoai mì).
Ở một xứ áp dụng
“luật rừng”, giải quyết vấn đề rất đơn giản, dễ dàng; còn xứ Mỹ có cả “rừng luật” – tìm trong Hiến
pháp Hoa Kỳ không có điều khoản nào “cấm ăn mày”. Nên ăn mày có cơ phát triển và
trở thành vấn nạn xã hội.
Tôi nhớ lại một buổi chiều Giáng sinh, cách nay đã hơn
mười năm. Hôm ấy, tuyết rơi thật dữ, phủ dày trên nửa thước, tuyết vẫn còn rơi!
Bên ngoài trời lạnh dưới 0 độ F. Lẽ ra, tôi đóng cửa tiệm về nhà sớm để tránh
nguy hiểm lúc lái xe. Nhưng hôm ấy lễ Giáng sinh, nhiều khách cẩn bộ quần áo giặt
ủi tươm tất, nên tôi nán lại chờ. Lúc đó, một người đàn bà da đen, độ tuổi dưới
ba mươi, bế một đứa bé có vẻ sơ sinh, phủ một chiếc khăn lông sơ sài, ngoẹo đầu trên vai nàng. Nàng nói với giọng thiết
tha và nét mặt thật buồn. Tôi không hiểu hết những lời tha thiết. Nhưng biết nàng
đang cần ít tiền mua sữa cho con và nàng có bữa ăn đêm nay. Chúa ơi! Sao lại có
những mảnh đời đáng thương thế này? Trong khi mọi nhà đang sum họp, tiệc tùng tưng
bừng, hoa đăng rực rỡ chuẩn bị đón mừng
Chúa giáng sinh, thì có mẹ con một người đói khát lang thang trong tuyết giá để
tìm miếng ăn?
Lòng tôi thấy nghẹn! Tôi cho nàng 50 đô la.
Nàng cảm ơn rồi bước ra cửa. Bên ngoài tuyết vẫn tiếp
tục rơi… Lòng trắc ẩn trong tôi trổi dậy, tôi vội vã bước theo nàng, hỏi vội:
“Bây giờ cô đi về đâu?” - “Tôi về nhà trọ gần đây.” – “Tuyết rơi lớn thế này, cô
đi bộ thật là bất tiện – hay cô chờ tôi một lát, tôi đóng cửa tiệm, tôi lái xe đưa
cô về.”
Người đàn bà từ chối, nói: “Cảm ơn ông! Chỉ còn một
đoạn đường ngắn, tôi đi được.”
Hình ảnh người đàn bà và đứa trẻ thơ ám ảnh tôi một
thời gian. Nhưng rồi công việc làm ăn bận rộn, với lại hằng ngày có kẻ vào tiệm,
nói lời tha thiết, xin tiền làm cho lòng trắc ẩn xơ cứng. Chuyện thương tâm Giáng
sinh năm trước nhạt dần trong trí nhớ.
Nhưng Mùa Giáng sinh năm sau, người đàn bà ấy lại xuất
hiện – cũng với đứa trẻ thơ ngủ thiếp trên vai – cũng những lời cầu xin tha thiết
– cũng vẻ mặt hắt hiu buồn thảm, và nàng cũng chỉ xin ít tiền mua sữa cho con và
nàng có bữa ăn đêm nay.
Trực giác báo cho tôi biết: “coi chừng bị lừa”. Bỗng
dưng tôi có thái độ lạnh lùng, hỏi nàng: “ Cô có thêm đứa con thứ hai?” Nàng cúi
mặt không trả lời. Tôi hỏi tiếp: “Từ sáng đến giờ, cô vào bao nhiêu tiệm và kiếm
được bao nhiêu tiền?” Nàng ngước mặt, đôi mắt long lên, giận dữ, trả lời: “Ông
không cho thì thôi, chớ có tò mò xâm phạm đời tư của tôi.”
Nàng vùng vằng bước ra khỏi tiệm. Tôi chưng hửng! Bất
giác tôi chắp tay khấn nguyện: “Lạy Chúa! Xin ban cho nhân loại tấm lòng lương
thiện…”
LÊ
ĐỨC LUẬN
(Tháng 6-2022)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét