Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

BPSOS Và Người H'Mông Tái Định Cư Từ Thái Lan

 

Ngày 21 tháng 10, 2023

BPSOS và người H’mông tái định cư từ Thái Lan


https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2041-bpsos-va-nguoi-hmong-tai-dinh-cu-tu-thai-lan.html


Thời gian gần đây, trang Mạch Sống đã đưa tin về vài gia đình người H’mông tỵ nạn ở Thái Lan được tái định cư ở nước thứ ba.

Sau đây là một số thông tin về việc tái định cư người H’mông, và công việc của BPSOS, không chỉ cho người H’mông nói riêng và người Việt Nam nói chung mà cả người tỵ nạn thuộc quốc tịch khác ở Thái Lan.

Gia đình 8 người của ông Vàng Đức Sơn đến Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ ngày 14/9/2023. 


Trong năm nay, có bao nhiêu gia đình người tỵ nạn từ Việt Nam đã và sẽ được tái định cư sang nước khác? Trong số đó, có bao nhiêu gia đình là người H’mông? Còn những nhóm khác?

TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc và Chủ tịch của BPSOS cho biết “Tổng cộng có khoảng 130 người Việt đã có quy chế tỵ nạn đang trong tiến trình được cứu xét tái định cư, không kể 25 người đã lên đường tái định cư ở Hoa Kỳ, Canada, và Úc trong tháng 9. Trong số 130 người kể trên, có 12 gia đình người H’mông, 12 gia đình người Thượng, 3 gia đình người Khmer Krom, và 6 gia đình người Việt. Trong số này, 21 người đã hoặc sẽ lên đường tái định cư trong tháng 10 này.”

Họ thường sang định cư những quốc gia nào? Tái định cư qua chương trình gì?

Ông Nguyễn Đình Thắng nói “Hoa Kỳ là đông nhất, kế đến là Canada, rồi Úc và Tân Tây Lan. Tất cả đều định cư qua chương trình tái định cư người tỵ nạn của chính phủ các quốc gia kể trên.”

Chẳng hạn trong tháng 9/2023 vừa qua, chỉ nói riêng người H’mông, gia đình ông Vàng Đức Sơn (tổng cộng 8 người) và vợ chồng anh Giàng A Dì đến bang Minnesota, Hoa Kỳ; chị Giàng Thị Sao cùng chồng và hai con đi Úc.

Sắp tới ngày 25/10, sẽ có hai gia đình người H’mông và một gia đình người Thượng, tổng cộng 17 người, lên đường tái định cư ở Hoa Kỳ.


Vì sao trong năm nay Cao ủy Tỵ nạn giới thiệu nhiều trường hợp người tỵ nạn từ Việt Nam?

Ông Nguyễn Đình Thắng nói “Cao ủy Tỵ nạn/ LHQ gần đây giới thiệu tái định cư nhiều người Việt đã có quy chế tỵ nạn nói chung ở Thái Lan. Tại buổi tiếp xúc vào cuối tháng 6 với vị đại diện CUTN/LHQ ở Thái Lan, người này xác nhận với tôi là người tỵ nạn đến từ Việt Nam là một trong 4 quốc gia được ưu tiên tái định cư; 3 quốc gia kia gồm Lào, Campuchia, và Trung Quốc.”

Ông giải thích thêm “Có 3 yếu tố tạo nên sự thay đổi này: (i) Các quốc gia nhận tái định cư quan tâm hơn đến người tỵ nạn nói chung ở Thái Lan do Hoa Kỳ vừa làm gương vừa đôn đốc; (ii) tình trạng đàn áp xuyên quốc gia của nhà nước Việt Nam tăng lên đáng kể, đặc biệt nhắm vào người tỵ nạn ở Thái Lan, trong những tháng gần đây mà điển hình là vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái hồi tháng 4 vừa qua; (iii) cuộc vận động của BPSOS cho những hồ sơ của người Việt, trực tiếp với Cao ủy Tỵ nạn/LHQ và gián tiếp qua các cơ quan LHQ khác cũng như với chính phủ một số quốc gia.”


BPSOS đã có những hoạt động, hoặc chương trình vận động gì, để Cao ủy Tỵ nạn hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ chú ý tới người tỵ nạn ở Thái Lan từ Việt Nam?

TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết “BPSOS cung cấp rất nhiều thông tin về tình trạng đàn áp nhân quyền, nhất là quyền tự do tôn giáo, cho các định chế nhân quyền của LHQ, cho chính phủ Hoa Kỳ và của nhiều quốc gia khác.

“Chẳng hạn, tại khoá họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ đang diễn ra, bản báo cáo về hăm doạ và trả thù bao hàm nhiều hồ sơ do BPSOS cung cấp. Hoặc trong đợt rà soát Việt Nam về thực thi Công ước LHQ về quyền của trẻ em năm 2022, BPSOS đã nộp tổng cổng 6 báo cáo, trong đó có nhiều hồ sơ của người tỵ nạn ở Thái Lan.

“Tại đợt rà soát về Công ước LHQ về xoá bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc vào cuối tháng 11 tới đây, BPSOS nộp 3 bản báo cáo trong đó có nhiều hồ sơ của người Thượng và người H’mông đang tỵ nạn ở Thái Lan. Những thông tin này không chỉ giúp Cao ủy Tỵ nạn/LHQ hiểu ra tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam mà còn thuyết phục họ về mối nguy cho một số người tỵ nạn vì bị nhà nước Việt Nam nêu đích danh là phản động, là chống đối nhà nước. Đó là cách BPSOS vận động chung cho mọi người Việt đã có tư cách tỵ nạn sớm được tái định cư.

“Song song, BPSOS cũng vận động riêng cho một số hồ sơ tỵ nạn cụ thể có dấu hiệu nguy hiểm cận kề.”


BPSOS đã hỗ trợ những trường hợp gần đây như Vàng Đức Sơn, Giàng A Dì, Giàng Thị Sao như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Thắng nói “Quan trọng nhất là giúp họ có được quy chế tỵ nạn. Không quy chế tỵ nạn thì không được tái định cư. Do đó BPSOS ưu tiên tài trợ một đội ngũ luật sư và thông dịch viên để giúp đồng bào lập hồ sơ xin tỵ nạn. Chúng tôi còn đào tạo và hỗ trợ một đội ngũ những người theo dõi và làm báo cáo về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam – các báo cáo này cấu thành thông tin về quốc gia nguyên quán, giúp Cao ủy Tỵ nạn/LHQ phối kiểm lời khai của từng hồ sơ xin tỵ nạn.”

Ông cũng cho biết “Trước khi các gia đình tỵ nạn lên đường định cư, BPSOS nối kết họ với các mạnh thường quân ở hải ngoại để giúp đóng tiền phạt thay vì phải ngồi tù lên đến 40 ngày vì đã cư trú bất hợp pháp nhiều năm trên đất Thái Lan.”


Đó là tiền phạt gì?

Như đã đề cập trong bài viết về Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2023, Mục sư Jordan Smith, làm việc cho BPSOS về tái định cư người tỵ nạn, cho biết:

“Theo luật pháp Thái Lan, nếu bạn ở quá hạn visa, sẽ có tiền phạt tính theo bao nhiêu ngày quá hạn. Số tiền phạt được giới hạn ở mức 20,000 baht [tức khoảng 600 USD]. Đó là số tiền rất lớn, và cộng lại trong một gia đình lại càng cao vì đó là tiền phạt tính theo mỗi đầu người. Ví dụ gia đình 5 người [không tính trẻ con] sẽ phải trả 100,000 baht, đó là số tiền khổng lồ.”

Người tỵ nạn ở Thái Lan, ngay cả khi đã có thẻ Cao ủy Tỵ nạn, vẫn bị luật pháp Thái Lan xem là cư trú bất hợp pháp.

Nếu không có tiền trả, họ sẽ phải vào tù và ở đó tới khi trả hết tiền. Mục sư giải thích “Về cơ bản, họ trả nợ bằng cách ngồi tù. Mỗi ngày trong đó tính thành 500 baht; 20,000 baht tính ra là 40 ngày tù.”

Sau đó họ sẽ bị chuyển sang IDC, tức trại giam của Sở Di trú Thái Lan, để chờ chuyến bay.

Trước khi lên đường đến bang Minnesota, Hoa Kỳ, ông Vàng Đức Sơn cũng đã có video giải thích về số tiền người tỵ nạn phải trả để được rời khỏi đất nước Thái Lan.


Làm thế nào BPSOS biết đến trường hợp của họ?

Theo lời anh Johnny Huy và anh Villiam của tổ chức Hmong Human Rights Coalition, anh Giàng A Dì và chị Giàng Thị Sao liên lạc với họ xin giúp đỡ, được kết nối với BPSOS, từ đó BPSOS vận động để giúp họ trả tiền phạt.

Cũng có những trường hợp liên lạc thẳng với CAP, văn phòng pháp lý nơi luật sư do BPSOS tài trợ cung cấp nhiều cách hỗ trợ cho người đã có quy chế tỵ nạn hoặc người đang xin tỵ nạn.


Những cá nhân và tổ chức nào giúp đỡ họ trả tiền phạt?

TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết “Các mạnh thường quân này là những cá nhân có lòng với đồng bào chậm bước đi sau. Trong trường hợp của chị Giàng Thị Sao thì Hội Ái Hữu Gia Long ở Sydney là nhóm khởi xướng gây quỹ. Trong các trường hợp khác thì mạnh thường quân là các thân hữu lâu năm của BPSOS và vòng thân hữu của họ.”

Người tỵ nạn ở Thái Lan không được đi làm, và đôi khi phải nhặt rác về ăn (hình do anh Villiam cung cấp). 


BPSOS có giúp đỡ người tỵ nạn không phải từ Việt Nam không?

Theo lời Mục sư Jordan Smith, ở Thái Lan có người tỵ nạn từ khắp nơi trên thế giới: không chỉ từ các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam mà còn từ Pakistan, Sri Lanka, Ethiopia, Iraq, Afghanistan…

“Gần đây chúng tôi cũng có giúp một số trường hợp như một phụ nữ từ Nigeria. Cô ấy sắp đi định cư và cần phải trả tiền phạt… Tôi liên lạc được với một nhà thờ ở Massachusetts và họ giúp, nên cô ấy có thể rời [Thái Lan].”

Người phụ nữ này đã sang định cư ở Úc vào tháng 9 vừa qua cùng con nhỏ.

Ngoài ra, BPSOS không chỉ giúp người tỵ nạn đóng tiền phạt để tái định cư.

Mục sư Jordan Smith nói “Có một gia đình người Pakistan ở Thái Lan, có hoàn cảnh rất bi thảm ở Pakistan. Tôi đã kết nối họ với một nhà thờ ở Florida, và nhà thờ giúp họ sáu tháng tiền thuê nhà. Hiện giờ họ không thể đi làm, nên đó là trút đi một gánh nặng lớn.”


Làm thế nào để giúp đỡ người tỵ nạn đóng tiền phạt?

Sắp tới sẽ có vài gia đình tỵ nạn ở Thái Lan được tái định cư, và họ đang cần 190,000 baht (khoảng 5,200 USD) để trả tiền phạt.

Nếu quý vị muốn giúp đỡ họ, có thể liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. BPSOS sẽ kết nối quý vị trực tiếp với những gia đình cần hỗ trợ.


Mạch Sống 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét