(Ảnh: Ảnh minh họa bởi The Epoch Times, Shutterstock)
'CÓ THỂ ĐÃ CÓ MỘT NHÓM Ở HOA KỲ ĐANG TRÙ HOẠCH CUỘC TẤN CÔNG KHỦNG BỐ TIẾP THEO'
Cẩm An và Vân Sa biên dịch
Cựu ủy viên biên giới cho biết an ninh biên giới lỏng lẻo của Hoa Kỳ, kết hợp với sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel, có thể gây ra một làn sóng hoạt động khủng bố mới ở trong nước.
Cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel đang gây ra những hiệu ứng lan tỏa khắp thế giới, và các đường biên giới lỏng lẻo của Hoa Kỳ lần nữa trở thành tâm điểm chú ý.
Ông Mark Morgan, từng là ủy viên lâm thời của Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ dưới thời chính phủ Tổng thống Trump, nói với The Epoch Times rằng, “Vẫn những kẻ khủng bố vừa thực hiện cuộc tấn công kinh hoàng ở Israel — lòng căm thù và cam kết không lay chuyển của họ … nhằm gây tổn hại cho Hoa Kỳ, vẫn tồn tại và hoạt động.”
“Không một ai có tinh thần tỉnh táo lại có thể nói rằng biên giới của chúng ta an toàn.”
Ông Morgan cho biết có một mối lo ngại thực sự là những kẻ khủng bố đã vượt qua biên giới Hoa Kỳ, đặc biệt là trong nhóm hơn 1.6 triệu người nhập cư bất hợp pháp trốn tránh Lực lượng Tuần tra Biên giới khi nhập cảnh và các quan chức không hề biết đến họ.
Ông cho biết rằng trong 11 tháng qua, 151 người trong danh sách theo dõi khủng bố đã bị Lực lượng Tuần tra Biên giới bắt giữ sau khi vượt biên trái phép, trong khi hàng chục ngàn “người ngoại quốc có lợi ích đặc biệt” khác đã nhập cảnh và được thả ra. “Lợi ích đặc biệt” có nghĩa là họ đến từ các quốc gia có mối liên hệ trực tiếp với các nhóm khủng bố được nhà nước bảo trợ, bao gồm Yemen, Iran, Lebanon, Ai Cập, và Pakistan.
Ông Morgan cảnh báo rằng sắp xảy ra một vụ tấn công khủng bố khác bên trong Hoa Kỳ giống như vụ đánh bom ở Boston năm 2013, hay vụ xả súng và âm mưu đánh bom ở San Bernardino, California, năm 2015.
“Sự việc này sắp xảy ra, sắp xảy ra. Không ai có thể đoán trước được, nhưng điều tôi sẽ nói là, có thể đã có một nhóm ở Hoa Kỳ đang trù hoạch cho cuộc tấn công khủng bố tiếp theo, và hẳn là chúng ta sẽ không biết,” ông nói. “Lời này rất hợp lý; không phải là nói quá đâu.”
Những lo ngại về khủng bố ở Hoa Kỳ đang gia tăng, đặc biệt khi hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường trên khắp đất nước.
Giám đốc FBI Chris Wray, trong một bài diễn thuyết trước Hiệp hội Cảnh sát trưởng Quốc tế ở San Diego hôm 14/10, đã khuyến khích các viên chức chấp pháp luôn phải cảnh giác.
Ông nói: “Quý vị thường là những người đầu tiên nhận ra các dấu hiệu cho thấy ai đó có thể đang vận động bạo lực.”
“Trong môi trường thắt chặt này, chắc chắn chúng ta đang chứng kiến một sự gia tăng các mối đe dọa đã được báo cáo, và chúng ta phải cảnh giác, đặc biệt là đối với những kẻ hành động đơn độc có thể lấy cảm hứng từ các sự kiện mới đây để thực hiện hành vi bạo lực của riêng họ.”
Trong khi đó, hôm 09/10, FBI đưa ra một tuyên bố, nói rằng họ không có “thông tin tình báo cụ thể và đáng tin cậy nào cho thấy một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ bắt nguồn từ các cuộc tấn công của Hamas.”
Ông Morgan, từng là một đặc vụ FBI trong 20 năm, cho biết việc thiếu thông tin tình báo có thể không có nhiều ý nghĩa, bởi vì cuộc tấn công vào Israel đã cho thấy một “thất bại lớn về mặt tình báo.
Ông nói rằng một sự kiện khủng bố như cuộc tấn công của Hamas hôm 07/10 khiến 1,400 người Israel, kẻ cả trẻ em, thiệt mạng có thể coi là một biến cố kích hoạt.
“Chúng ta có những người ở đất nước của chúng ta thực ra đang ủng hộ Hamas, ủng hộ hành động trảm thủ, thiêu sống trẻ sơ sinh, cưỡng gian phụ nữ một cách man rợ và ghi hình lại,” ông Morgan nói.
Chiếc giường của một đứa trẻ dính đầy máu là một trong những thiệt hại do những kẻ khủng bố Hamas gây ra sau khi chúng tấn công Kibbutz Be’eri, Israel, hôm 20/10/2023. (Ảnh: Dima Vazinovich/Middle East Images/AFP qua Getty Images)
“Khi quý vị có hệ tư tưởng phi lý, ăn sâu vào tâm trí này, được truyền cảm hứng để chuyển sang cực đoan hóa, thì sau đó rất nhanh chóng có thể thể hiện ra hành động. Nói chung, cần có một sự kiện —và giờ chúng ta có sự kiện rồi đó.”
Những người đồng tình với Hamas vẫy cờ Palestine đứng bên ngoài Tòa Bạch Ốc hôm 14/10 và hô vang “Tự do cho Palestine.” Một số người biểu tình đội khăn che kín đầu và mặt thường liên kết với các nhóm thánh chiến.
Bà Irina Tsukerman, luật sư về an ninh quốc gia và là nhà phân tích khu vực, đã nói giống như vậy về mối đe dọa mà những đặc vụ của Hamas gây ra cho Hoa Kỳ.
“Ở Hoa Kỳ, đã có sự ủng hộ đáng kể dành cho Hamas rồi, cả trong số những người thiên tả và những người biện giải cho tôn giáo trong giới học thuật, và những nhà hoạt động Palestine cùng các đồng minh của họ, chẳng hạn như đám đông tập hợp cùng với Hamas ở nhiều thành phố lớn khác nhau trên khắp Hoa Kỳ trong vài ngày qua,” bà nói với The Epoch Times.
Bà Tsukerman cho biết bà không đồng ý với tuyên bố hôm 09/10 của FBI nói rằng hiện tại không có mối đe dọa cụ thể nào đối với Hoa Kỳ.
“FBI sai rồi. Ông Khaled Meshaal đã kêu gọi những người ủng hộ ông ta tấn công các mục tiêu phương Tây và các mục tiêu khác. … Điều đó cũng có thể bao gồm Hoa Kỳ hoặc ít nhất là các mục tiêu là người Do Thái và Israel ở Hoa Kỳ,” bà nói.
Ông Meshaal là cựu thủ lĩnh của Hamas. Trong một đoạn ghi âm khó hiểu gửi tới các hãng thông tấn quốc tế, được Reuters đưa tin lần đầu hôm 11/10, chỉ huy khủng bố này đã nói: “Gửi tới tất cả các học giả giảng dạy thánh chiến … tới tất cả những ai dạy và học, đây là thời khắc để áp dụng [lý thuyết].”
Một người đàn ông hô khẩu hiệu khi cầm cuốn Kinh Qur’an, kinh sách của Hồi Giáo, trong một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở Gaza, gần Tòa Bạch Ốc, hôm 14/10/2023. (Ảnh: Ali Khaligh/Middle East Images/AFP qua Getty Images )
Hôm 08/10, một nhóm khủng bố ủy nhiệm của Iran có tên Kata’ib Sayyid al-Shuhada (KSS) cảnh báo Hoa Kỳ không nên can dự vào cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Nhóm khủng bố này tuyên bố: “Palestine không phải là Ukraine.”
“Bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào của Mỹ vào cuộc xung đột vì nhà nước đang sụp đổ này [Israel] cũng sẽ khiến tất cả các vị trí của người Mỹ trong khu vực trở thành mục tiêu chính đáng.”
Nhóm cuồng tín này là một trong nhiều nhóm mà qua đó Iran thúc đẩy nghị trình chính trị của mình trong khu vực. Một nhóm khác trong số này là Hezbollah ở Lebanon, nhóm được cho là đang giam giữ một người Israel trong cuộc xung đột mới nhất với Hamas.
Giống như Hamas và KSS, Hezbollah là một nhóm khủng bố Hồi Giáo do Iran tài trợ. Năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng Iran cung cấp 100 triệu USD viện trợ hàng năm cho Hamas và 700 triệu USD khác cho Hezbollah.
Tuy nhiên, trong khi hầu hết hoạt động của các tổ chức này chỉ giới hạn ở Trung Đông thì Hezbollah lại có các nhóm khủng bố hoạt động ở châu Mỹ.
Làn sóng vận động
Ở Mỹ Latinh, Hezbollah đã âm thầm bám rễ trong nhiều thập niên, và chính phủ Hoa Kỳ biết điều đó.
“Điều quan trọng cần lưu ý là mối quan hệ mà Hezbollah đã gầy dựng lên với các nhóm tội phạm và khủng bố ở Mỹ Latinh đã tiến triển từ mối quan hệ thỏa hiệp và cùng có lợi trong các lĩnh vực rửa tiền, buôn lậu, và tài trợ sang các hình thức hợp tác trực tiếp và nguy hiểm hơn,” một báo cáo của Tiểu ban Hoa Kỳ về Chống khủng bố và Tình báo năm 2012 đã ghi nhận.
Hôm 12/09, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã ban hành lệnh trừng phạt đối với ba người có liên quan đến các hoạt động tài chính bất hợp pháp của Hezbollah ở Mỹ Latinh.
“Trong những thập niên qua, Hezbollah đã xây dựng một cỗ máy trơn tru để rửa tiền và buôn bán ma túy trị giá hàng tỷ dollar ở châu Mỹ Latinh nhằm làm sạch những lợi ích bất chính của tội phạm có tổ chức thông qua nhiều điểm trung gian ở Tây bán cầu,” ông Emanuele Ottolenghi, thành viên cao cấp tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, cho biết.
Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, một số thành viên trong tình báo tin rằng các nhóm khủng bố được ủng hộ như Hezbollah, vốn hoạt động ở những vùng xa xôi của Nam Mỹ, sẽ có cách tiếp cận ít trực tiếp hơn để làm suy yếu các lợi ích an ninh của Hoa Kỳ.
Ông Evan Ellis, nhà phân tích và là giáo sư về Mỹ Latinh tại Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Tôi thiên về suy nghĩ rằng đây một trò chơi chiến lược trong dài hạn.”
Ông cho biết ông nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể gặp phải “những vấn đề nghiêm trọng,” đang cạn kiệt nguồn lực trợ giúp Israel trong cuộc xung đột với Hamas. Ông Ellis cũng nêu ra những hành động gần đây của Iran nhằm âm thầm lên trù hoạch kỹ càng và tái hợp tác với chính sách “chống lại bằng hữu của Hoa Kỳ” ở Mỹ Latinh. Những quốc gia này gồm có Cuba, Venezuela, và Nicaragua.
Hồi tháng Sáu, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và nhà lãnh đạo Venezuela Nicolás Maduro đã ký một thỏa thuận mới nhằm tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực đó là hợp tác an ninh.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (phía trước) gặp nhà lãnh đạo Venezuela Nicolas Maduro tại Dinh Tổng thống Miraflores ở Caracas, hôm 12/06/2023. (Ảnh: Yuri Cortez/AFP qua Getty Images)
“Iran và Venezuela đang ở bên chính nghĩa của lịch sử. Chúng ta sẽ bất khả chiến bại khi bắt tay với nhau”, ông Maduro nói trong sự kiện ký kết.
Ông Morgan nói rằng ai cũng biết rằng chế độ này đã “chủ động thả tội phạm từ Venezuela để cổ vũ những tội phạm này đến Hoa Kỳ.”
Ông nói: “Cuộc chiến mới ở Trung Đông sẽ cho chúng ta biết rằng chủ nghĩa khủng bố toàn cầu vẫn tồn tại và hoạt động. Và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu này có các chi nhánh trên khắp thế giới. Họ đang cố gắng khiến cho ngày càng nhiều người trở nên cực đoan.”
Không có hoạt động nào của các tổ chức khủng bố Hồi Giáo ở châu Mỹ hay bất cứ nơi đâu mà Iran không biết hoặc không trợ giúp. Quốc gia trọng điểm ở Trung Đông này đã vận dụng nghị trình ý thức hệ chống phương Tây thông qua các nhóm Hồi Giáo cực đoan, trong đó có al-Qaeda, Hezbollah, và Hamas.
Iran cũng không ngần ngại khi tăng cường kết nối với Mỹ Latinh ngoài các liên minh có thể đoán được với các chế độ độc tài như Venezuela.
Hồi tháng Hai, hai chiến hạm của Iran đã đến bãi biển nổi tiếng Rio de Janeiro của Brazil. Sau đó, hồi tháng Bảy, Bolivia tuyên bố tham gia vào một thỏa thuận quốc phòng chính thức với Iran, khiến các quốc gia láng giềng, trong đó có Argentina, lo ngại về an ninh.
Thông qua các nhóm ủy nhiệm của mình trong khu vực, các nhà phân tích an ninh nói rằng Iran có thể tiếp cận được nguồn tài trợ dồi dào từ các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy và vũ khí.
“Có một vài ý đồ khủng bố [từ Hezbollah], nhưng nhìn chung, dường như là đây là một kiểu để quyên tiền và xây dựng mạng lưới,” ông Ellis nói.
(Trái) Một nhà hoạt động mặc áo có hình lá cờ của Hezbollah khi tuần hành ủng hộ Palestine gần tượng đài Washington ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 15/05/2021. (Ảnh: Andrew Caballero-reynolds/AFP qua Getty Images) (Phải) Một nhân viên thuộc Tổng cục Kiểm soát Ma túy thuộc Bộ Nội vụ Saudi Arabia lấy ra một túi viên captagon (Fenethylline) bị thu giữ trong một chiến dịch đặc biệt, ở Jeddah vào ngày 01/03/2022. (Ảnh: Fayez Nureldine/AFP qua Getty Images)
Tuy nhiên, ông cho biết, hiện tại dường như có “một loạt các cơ hội đang kết hợp với nhau để tạo nên một cơn bão hoàn hảo.”
Bà Tsukerman đồng tình với ý kiến này.
“Với mức độ hợp tác giữa Hamas và Hezbollah và thực tế là hiện đang có một làn sóng vận động, rõ ràng hai tổ chức khủng bố này có thể dễ dàng hợp lực để cung cấp vũ khí và trợ giúp các khí tài khác cho các đối tác của họ ở Hoa Kỳ, hoặc thậm chí trù hoạch một cuộc tấn công hoặc hoạt động lật đổ nào đó từ căn cứ của họ ở Nam Mỹ,” bà nói.
Kiểm tra thực tế biên giới
Ông Morgan cho rằng, như nhiều quan chức chấp pháp khác đã tuyên bố, biên giới quá tải của Hoa Kỳ là một lỗ hổng trên tấm áo giáp của quốc gia này. Ông khẳng định rằng lực lượng biên giới đang dần mỏng đi [nên] không thể thực hiện các cuộc thẩm vấn tình báo kỹ càng để xác định những kẻ khủng bố tiềm ẩn.
Ông Morgan cho rằng, trong trường hợp tốt nhất, các viên chức biên giới có thời gian và nguồn lực để thực hiện “kiểm tra sơ lược” đối với những người ngoại quốc có quyền lợi đặc biệt trước khi cho họ nhập cảnh vào quốc gia này. Ông cũng cho biết rằng, theo luật, tất cả họ phải bị giam giữ để chờ một quá trình xem xét kỹ lưỡng và chờ kết quả của bất kỳ yêu cầu tị nạn nào mà họ có thể đưa ra.
Các viên chức biên giới đã bắt giữ hơn 2.8 triệu người nhập cư bất hợp pháp trong 11 tháng qua. Đây con số cao nhất được ghi nhận trong khoảng thời gian này.
Các đặc vụ Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ bắt giữ một nhóm người nhập cư bất hợp pháp đến từ Brazil, tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico ở Sunland Park, New Mexico, vào ngày 20/03/2019. (Ảnh: Paul Ratje/AFP qua Getty Images)
“Chúng ta vừa định rằng, nếu ai đó nhập cảnh trái phép vào biên giới của chúng ta, vi phạm chủ quyền quốc gia của chúng ta, vi phạm pháp quyền của chúng ta, là một quốc gia, chúng ta từng nói rằng bởi vì chúng ta có một nghĩa vụ đạo đức là phải giúp đỡ ‘những người cần giúp đỡ,’ nên chúng ta đã để cho lòng tốt của mình bị cưỡng đoạt,” ông Morgan nói.
“Và chúng ta đã nhắm mắt làm ngơ trước mọi tác động tiêu cực tiềm ẩn nào đối với sự an toàn và an ninh quốc gia của quốc gia chúng ta.”
Về yêu cầu của The Epoch Times đề nghị cho biết số lượng người ngoại quốc có quyền lợi đặc biệt đã bị bắt giữ tại biên giới trong năm qua hoặc những người đã được cho phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ, Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới đã không phúc đáp trước thời điểm phát hành bản tin này.
Ông Morgan cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay của Hoa Kỳ là Lực lượng Đặc nhiệm Chống khủng bố chung của FBI phải tiến hành các cuộc thẩm vấn sâu rộng và kiểm tra thông tin cá nhân đối với hàng chục ngàn người ngoại quốc có quyền lợi đặc biệt đã được nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong nhiều năm qua và trước đó nữa.
“Con số đó hiện tại chắc phải là cao nhất,” ông nói.
Ông Morgan cho biết ông sẽ nhắm mục tiêu vào những người ngoại quốc có quyền lợi đặc biệt “bởi vì họ đến từ một quốc gia tài trợ, chứa chấp, và khuyến khích khủng bố.”
“Và chúng tôi chỉ muốn chắc chắn rằng [họ] không lan tỏa hệ tư tưởng khủng bố đó. Ý muốn này là công bằng và hợp lý.”
Bản tin có sự đóng góp của Charlotte Cuthbertson.
Cẩm An và Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét