Halloween không phải là trò chơi
Nhắc đến lễ hội Halloween, có lẽ nhiều người đã biết. Về thời gian, đó là tối 31/10. Về hoạt động, người ta trang trí không gian và hóa trang mình với những mặt nạ quỷ, trang phục phù thủy, xác sống, thây ma, đầu lâu xương chéo, đầu bí ngô, hình tượng ma sói, ma cà rồng v.v. bất cứ hình tượng nào gây nên cảm giác sợ hãi và thích thú. Trẻ em thì kéo nhau đi gõ cửa để xin kẹo. Những hoạt động này ngày càng rầm rộ ở các thành phố lớn ở Việt Nam, như một biểu hiện của sự “hòa nhập” với “văn minh” phương Tây và tinh thần vui chơi vô lo vô nghĩ.
Có lẽ cũng như nhiều hoạt động văn hóa khác hiện nay, nguồn gốc xuất xứ của lễ hội Halloween không được để tâm lắm. Bởi vì đa phần người tham gia cho rằng chẳng qua nó chỉ là một hoạt động vui chơi vô hại, chơi xong thì thôi, cần gì phải làm quá lên.
Thực tế thì Halloween chưa bao giờ là một hoạt động vui chơi vô tư, lại càng chẳng vô hại.
Nguồn gốc của lễ hội Halloween
Khi đó là khoảng hơn 2.000 năm trước tại khu vực sinh sống của người Celt cổ, ngày nay là Ireland, Anh quốc và miền bắc nước Pháp.
Vào đêm trước năm mới tức là đêm 31/10, diễn ra một lễ hội kỳ lạ của người Celt cổ gọi là lễ hội Samhain. Trong lễ hội này, người ta hóa trang thành những hình thù ma quái, những con quái vật, lũ ác quỷ. Bởi vì người Celt tin rằng vào thời điểm này, cánh cổng kết nối giữa dương gian và thế giới âm hồn mở ra, những linh hồn thiện - ác cũng theo đó mà quay lại nhân gian. Để tránh bị những linh hồn tà ác ăn thịt, người ta bèn hóa trang cho giống với vẻ ngoài của chúng.
Điều này có ý nghĩa tương tự tục xăm mình của người Việt cổ - xăm hình thuồng luồng lên người để khi xuống nước khỏi bị nó làm hại; hoặc mẹo đeo mặt nạ sau gáy của người châu Phi khi đi rừng, để tránh bị thú dữ họ mèo vồ trộm từ phía sau; hay tục lệ đặt tượng thủy quái ở mũi tàu của người Châu Âu để tránh bị thủy quái quấy nhiễu… làm vậy cũng là vạn bất đắc dĩ, chứ chẳng phải vui thú gì.
Đồng thời trong ngày lễ Samhain có những người cải trang thành linh hồn người chết, đi lang thang từ nhà này sang nhà khác để xin thức ăn, đổi lại họ sẽ cầu nguyện cho người thân đã khuất của mỗi gia đình đó. Đó là nguyên gốc của trò chơi khăm “Trick or Treat” sau này.
Người La Mã đã chinh phục người Celt vào thế kỷ thứ 1 sau CN, sau đó các nhà truyền giáo Cơ Đốc đã thay thế Samhain bằng ngày “Lễ các Thánh” ngày 1/11 (All Saints’ Day) và “lễ Các Đẳng linh hồn” ngày 2/11 (All Souls’ Day). Trong khi “Lễ Các Thánh” nêu tấm gương ngoan đạo của các vị Thánh Cơ Đốc giáo, thì “Lễ Các Đẳng linh hồn” cầu xin lòng thương xót của Chúa đối với các linh hồn.
Samhain có nguồn gốc ngoại giáo của người Celt địa phương đã được chủ tâm thay thế bằng những ngày lễ Cơ Đốc như vậy đó.
Nhưng không vì thế mà nó biến mất.
Những người Anh đầu tiên mang tín ngưỡng Thanh giáo đặt chân lên vùng đất New England chính là những trụ cột của xã hội Hoa Kỳ sau này, từ trong cộng đồng đó xuất sinh những bậc quốc phụ của nước Mỹ, nhưng họ phản đối mạnh mẽ Samhain. Chỉ đến giữa thế kỷ 19 khi những người Ireland và Scotland nhập cư vào nước Mỹ, thì lễ hội Samhain mới dần dần được coi là một ngày lễ lớn của Hoa Kỳ, lúc đó nó có tên là Halloween, và theo sự ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, ngày lễ này đã lan rộng khắp thế giới.
Từ trốn tránh ma quỷ đến truy cầu ma quỷ
Như vậy, xuất phát điểm Halloween là một ngày lễ trong đó người Celt tìm cách trốn tránh ma quỷ để khỏi bị làm hại, sau đó nó bị thay thế bởi những nghi lễ thiêng liêng của Cơ Đốc giáo, rồi nó tìm được cơ hội tái sinh ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - một đất nước với lịch sử non trẻ nhưng có ảnh hưởng vô cùng mạnh về truyền thông và văn hóa giải trí. Đến nay thì Halloween dường như đã trở thành một “ngày hội của ma quỷ” trên khắp thế giới.
Đồng thời những hình tượng gây sợ hãi trong Halloween đã cực kỳ phong phú so với khi xưa. Vô số chủng loại ma quỷ quái vật được sản xuất ra từ cái “lò phim ảnh” Hollywood, những hình ảnh biến dạng méo mó trong hội họa hiện đại của các họa sĩ tâm thần, những tên sát nhân biến thái ngoài đời thực v.v. hết thảy những hình tượng miễn là đáng sợ đều được “tổng động viên” vào đội quân ma quỷ hùng hậu trong những ngày cuối cùng của tháng 10 hàng năm.
Chẳng hạn hình tượng tên sát nhân ăn thịt người hàng loạt Jeffrey Dahmer, nhân vật hư cấu Jason Voorhees trong loạt phim “Thứ 6 ngày 13”, tên sát nhân biến thái Joker trong loạt phim siêu anh hùng DC… đều được hâm mộ cuồng nhiệt và được rất nhiều người lựa chọn để hóa trang.
Từ khi nào trong tư tưởng của loài người, sự phóng túng buông thả đã thắng thế để cho những hình tượng tội ác, lũ ma quỷ, loài quái vật nhẽ ra phải bị khinh bỉ và xa lánh, lại được tôn vinh như những anh hùng?
Có phải mọi chuyện đã đi quá xa và đa phần người ta vốn chỉ muốn “vui thôi” nhưng đã “vui quá”?
Ngưu tầm ngưu mã tầm mã
Người Việt có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, tương tự người Trung Hoa có câu “vật họp cùng loài, người phân theo nhóm”, hoặc người phương Tây lại nói thẳng rằng: “Hãy cho biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào”.
Thời Chiến Quốc, vua Tề Tuyên Vương khát khao người tài để trị quốc. Thuần Vu Khôn là hiền sĩ nổi tiếng của nước Tề, lúc ấy trong một ngày đã tiến cử cho Tề Tuyên Vương không phải một, mà đến bảy nhân tài.
Tề Tuyên Vương mới ngạc nhiên hỏi đại khái rằng: “Nhân tài trong nghìn dặm khó kiếm được một người. Vậy làm sao trong một ngày lại có thể tiến cử được những 7 hiền sĩ như vậy?”.
Thuần Vu Khôn trả lời: “Vật cùng chủng loại mà tập hợp, người cùng chung chí hướng mà hội tụ thành nhóm, Thuần Vu Khôn thần đây là một hiền tài, nay đại vương tìm kiếm hiền tài ở chỗ thần cũng giống như lấy nước ở sông, lấy lửa ở trong đá lửa vậy, những người mà thần muốn tiến cử đâu chỉ có bảy người này thôi!”.
Những người có phẩm chất tương đồng với nhau sẽ tìm đến nhau, những vật có tính chất giống nhau thường đi thành bầy. Một cá nhân cảm thấy thoải mái khi ở trong một đám đông cùng tính chất, thường là vì cá nhân ấy là một trong số họ.
Vậy cớ gì lại chiêu tập ma quỷ đông đảo như vậy? Phải chăng vì bất đắc dĩ nên tính kế trốn tránh ma quỷ như người Celt cổ? Không. Hay vì đó là một tục lệ lâu đời của xứ ta? Cũng không. Hay bị ai đó đè nén ép buộc phải làm? Cũng không nốt, vì người ta vui vẻ tự nguyện tham gia trò chơi này. Dĩ nhiên đó là một tâm thái hoàn toàn khác, là thứ tâm thái thừa nhận ma quỷ, truy cầu ma quỷ, rõ ràng ma quỷ không thể bỏ lỡ cơ hội này.
Như phát ngôn của nhà thờ Satan giáo: “Chúng tôi coi ngày lễ này là đêm mà con người thế gian đang cố gắng vươn tay vào bên trong và chạm vào ‘bóng tối của địa ngục”.
Thí nghiệm của các nhà khoa học về hình ảnh tích cực & tiêu cực
Trong tác phẩm: “Thông điệp của nước” & “Bí mật của nước”, tiến sĩ người Nhật Masaru Emoto đã làm thí nghiệm tạo tinh thể nước khi cho nước tiếp xúc với các tác nhân khác nhau như âm nhạc, hình ảnh, ngôn ngữ.
Kết quả là khi nước tiếp xúc với tác nhân tích cực như hình ảnh mẹ Teresa - một nữ tu Công giáo nổi tiếng thiện hạnh thì cho tinh thể rất đẹp đẽ, cân xứng. Còn khi nước tiếp xúc với hình ảnh của trùm phát xít Adolf Hitler, thì nước không tạo được tinh thể, thay vào đó là một hình ảnh méo mó, tối đen ghê rợn, cũng giống như khi nước tiếp xúc với từ “ma quỷ” vậy.
Với một cách tiếp cận khác dựa trên lý thuyết về về cơ thể động học, các nhà khoa học người Mỹ như tiến sĩ George Goodheart & tiến sĩ David R. Hawkins đã thực hiện hàng triệu thí nghiệm cho thấy cơ bắp thân thể người luôn cho câu trả lời chính xác và nhất quán. Với tác nhân tích cực, lẽ phải, điều tốt… thì cơ bắp mạnh lên; và ngược lại. Một trong số thí nghiệm đó cho thấy phản ứng yếu đi của cơ bắp khi người ta nhìn thấy hoặc chỉ cần tưởng tượng về những hình ảnh của ma quỷ hay kẻ ác như Adolf Hitler, và mạnh lên khi nhìn thấy hoặc tưởng tượng về những hình ảnh tích cực: Thần Phật, người tốt, thiên nhiên tươi đẹp v.v.
Cũng trên cơ sở ấy, một nhà khoa học người Đài Loan là phó giáo sư tiến sĩ Dương Thạc Anh của trường Đại Học Trung Sơn đã cho người được thí nghiệm xem chân dung của thiên tài Einstein hay nữ tu Thánh Teresa, hoặc xem biểu diễn của đoàn múa Vân Môn (Đài Loan), cơ bắp họ mạnh lên; còn nếu xem hình ảnh của Adolf Hitler hoặc bức tranh “Tiếng thét” của danh họa người Na Uy là Edvard Munch thì cơ bắp họ yếu đi rõ rệt. Cho kết quả tương tự là những thí nghiệm của tiến sĩ người Úc John Diamond, đó là khi người ta xem ngắm những tranh ảnh hiện đại trừu tượng ấn tượng thì cơ bắp yếu đi so với khi họ ngắm tranh Phục Hưng.
Vậy kết quả ra sao nếu con người bị vây chung quanh bởi những hình ảnh ma quỷ tràn ngập trong ngày lễ Halloween?
Tâm lý hâm mộ những thứ đáng ghê sợ và tiếng nói phản đối chính đáng
Khi hình tượng những tên sát nhân ăn thịt người gớm ghiếc như Jeffrey Dahmer làm mưa làm gió ở các rạp chiếu phim, đi vào các bài hát ăn khách (ví như “Dark Horse” năm 2013) của những “siêu sao ca nhạc” như Katy Perry thì công chúng, đặc biệt là giới trẻ cũng hết sức hào hứng để nói về những con quái vật này như thể là “người của công chúng”.
Trên TikTok, clip "Điều gì sẽ xảy ra nếu Jeffrey Dahmer đến từ Argentina?" nhận được 350.000 lượt thích; 2 triệu lượt thích là con số cho một bài đăng trong đó một người đưa ra giả thiết bạn cùng phòng là kẻ giết người hàng loạt.
Một tài khoản có 1,4 triệu người theo dõi là DuB family đã đăng clip "sống như Jeffrey Dahmer trong suốt một ngày".
Và đặc biệt, người ta còn hóa trang thành hình tượng Jeffrey Dahmer trong ngày lễ Halloween
Hỏi rằng bao nhiêu năng lượng tích cực, bao nhiêu chính khí đã bị lấy đi với những sản phẩm nghe nhìn vô trách nhiệm ấy? Và bao nhiêu con quái vật được tạo mới khi người ta tôn vinh những thứ giá trị ghê rợn ấy.
Những gia đình nạn nhân của Jeffrey Dahmer đã lên tiếng phản đối điều này, giống như nỗi đau của họ bị đào bới và bị khai thác, phải chi những người tôn vinh Dahmer có cùng cảnh ngộ với những nạn nhân và gia đình họ, không biết người ta còn tôn vinh hắn nữa không?
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông Mỹ đang cảnh báo về việc hóa trang thành Jeffrey Dahmer vào ngày lễ Halloween là không phù hợp. Tờ New York Post viết: "Đó không phải là trang phục mà bạn nên mặc trong dịp Halloween này".
Nhiều người dùng Instagram đóng giả Dahmer tại các bữa tiệc Halloween đã gỡ các hình ảnh, bài đăng. Những người khác đã bị xóa ảnh bởi chính nền tảng, sau khi có báo cáo từ người dùng.
Một số tập đoàn lớn như eBay cũng loại bỏ quần áo hoặc phụ kiện được bán dưới dạng trang phục của Jeffrey Dahmer, dẫn ra chính sách của họ là: "Không cho phép các sản phẩm quảng bá hoặc ca ngợi lòng thù hận, bạo lực hoặc phân biệt đối xử".
Vậy với chính ngày lễ Halloween thì nên đối đãi ra sao?
Quên lãng là cách phủ nhận hữu hiệu nhất những điều tiêu cực
Một thí nghiệm của tiến sĩ Emoto đã được người dân khắp nước Nhật bắt chước làm theo. Họ chuẩn bị 3 lọ cơm giống nhau. Hàng ngày một lọ được nghe từ “cảm ơn”, lọ kia bị nghe mắng “đồ ngốc, còn một lọ thì bị lờ đi coi như không tồn tại.
Kết quả sau một tháng, lọ cơm bị mắng bị thiu hỏng, lọ cơm được cảm ơn tỏa hương thơm, nhưng lọ cơm bị bỏ rơi còn hỏng trước cả lọ cơm bị mắng.
Có nghĩa là năng lượng sẽ được cấp nhiều nhất khi được tôn vinh, ít hơn nhiều khi bị bài xích, nhưng là ít nhất khi bị tảng lờ, bỏ rơi, không tôn vinh không bài xích, mà xem như nó không tồn tại. Đây hoàn toàn là vấn đề của lựa chọn tâm thái.
Những điều xấu, tiêu cực, cần phải được nhận diện nhưng không nên thừa nhận, cần coi khinh mà chẳng tôn vinh, cần bị quay lưng chứ chẳng nên hào hứng. Nó sẽ không có năng lượng để tồn tại.
Ngược lại, phải ra sức vun bồi những giá trị tích cực, ca ngợi cái Thiện và vẻ đẹp chân chính, những giá trị văn hóa truyền thống, năng lượng tích cực ấy sẽ được tiếp sức, lan tỏa, tự khắc những sản phẩm tà ác cũng bị đẩy lui.
Ấy cũng là hành động có ý thức để gieo nhân tốt và lựa chọn tương lai tốt đẹp cho mình.
(Bài viết chỉ thể hiện ý kiến cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Phong
Nguồn: NTD Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét