Giữa Các Đợt Tăng Lãi Suất Của Fed, Người Mỹ Phải Trả Mức Lãi Suất Và Phí Thẻ Tín Dụng Cao Kỷ Lục Trị Giá 130 Tỷ USD
GIỮA CÁC ĐỢT TĂNG LÃI SUẤT CỦA FED, NGƯỜI MỸ PHẢI TRẢ MỨC LÃI SUẤT VÀ PHÍ THẺ TÍN DỤNG CAO KỶ LỤC TRỊ GIÁ 130 TỶ USD
Vân Du biên dịch
Người tiêu dùng Mỹ đã phải trả mức lãi suất và phí thẻ tín dụng cao kỷ lục 130 tỷ USD hồi năm ngoái giữa các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Hệ thống Dự trữ Liên bang.
Thẻ tín dụng ở Montreal, ngày 12/12/2012. (Ảnh: The Canadian Press/Ryan Remiorz)
Một báo cáo mới gửi tới Quốc hội cho thấy, khi Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất vào năm ngoái với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, người tiêu dùng Hoa Kỳ đã phải trả số tiền kỷ lục về lãi suất và phí thẻ tín dụng.
Báo cáo do Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) công bố hôm 25/10 theo dõi những diễn biến chính và rủi ro của người tiêu dùng trên thị trường thẻ tín dụng.
Báo cáo phát hiện rằng, khi Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh vào năm 2022, chi phí cho các khoản vay có lãi suất thay đổi đã tăng lên, và các công ty thẻ tín dụng tính lãi cho người tiêu dùng hơn 105 tỷ USD và hơn 25 tỷ USD tiền phí.
“Người Mỹ đã trả 130 tỷ USD tiền lãi suất và phí trên thẻ tín dụng của họ,” Giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết trong một tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng con số này là mức cao nhất mọi thời đại.
Theo CFPB, nguyên nhân khiến các khoản thanh toán lãi suất thẻ tín dụng cao kỷ lục gây áp lực lên các gia đình Hoa Kỳ, là do ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã tăng mạnh mức lãi suất chuẩn quy định để ứng phó với lạm phát cao.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn tình trạng giá cả tăng vọt, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã bắt đầu tăng lãi suất hồi tháng 03/2022 từ mức gần 0 lên mức hiện tại là 5.25-5.5% — tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980.
Mặc dù Fed chỉ thay đổi một loại lãi suất duy nhất — lãi suất quỹ liên bang— nhưng điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất mà người tiêu dùng phải trả cho tất cả các loại khoản vay có lãi suất thay đổi.
Báo cáo của CFPB cho biết: “Việc tăng lãi suất của Hệ thống Dự trữ Liên bang đã kích hoạt việc đặt lại mức giá tăng lên đối với hầu hết các loại thẻ có mục đích chung, đồng thời các nhà phát hành cũng tiếp tục định giá cao hơn lãi suất căn bản, với tỷ lệ phần trăm trung bình hàng năm (APR) là 15.4%.”
Trong khi đó, một báo cáo mới từ Bankrate cho thấy lãi suất trên thẻ tín dụng bán lẻ đã tăng lên mức cao kỷ lục — với nguyên nhân là do Fed tăng lãi suất.
Lãi suất thẻ tín dụng tăng vọt
Theo dữ liệu mới nhất của Bankrate, thẻ tín dụng bán lẻ trung bình hiện đang tính lãi suất cao kỷ lục là 28.93%.
Bốn loại thẻ tín dụng bán lẻ chỉ sử dụng cho cửa hàng — Thẻ tín dụng Academy Sports + Outdoors, Thẻ tín dụng Burlington, Thẻ tín dụng Good Sam Rewards, và Thẻ tín dụng Michaels — tất cả đều tính lãi suất trên 33%.
“Chúng tôi từng xem 30% là mức cao nhất đối với APR của thẻ tín dụng bán lẻ,” ông Ted Rossman, nhà phân tích ngành cao cấp của Bankrate, cho biết trong một tuyên bố. “Trên thực tế, 29.99% là một rào cản nhân tạo mà ít người dám vượt qua — phần lớn là vì lý do tâm lý. Nhưng thị trường đã vượt qua ngưỡng đó do Fed tăng lãi suất liên tục trong một năm rưỡi qua.”
Thẻ tín dụng bán lẻ thường đưa ra các chương trình khuyến mãi lãi suất trả chậm đặc biệt, nhưng các nhà phân tích của Bankrate cảnh báo điều này gây ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với người tiêu dùng, những người có thể phải chịu phí lãi suất bất ngờ nếu họ không thanh toán đầy đủ số dư trước khi thời gian khuyến mại kết thúc.
Phân tích của Bankrate cho thấy 16 loại thẻ tín dụng bán lẻ (13 loại thẻ chỉ dành cho cửa hàng và 3 loại thẻ do các thương hiệu hợp tác cung cấp) tính lãi suất rất lớn cho người tiêu dùng là 32.24%.
Với báo cáo lưu ý rằng các mức lãi suất hàng năm trên các thẻ tín dụng bán lẻ đã đưa người người tiêu dùng vào diện dưới chuẩn, ông Rossman cho biết: “Nhiều thẻ tín dụng bán lẻ hiện tính lãi suất cho toàn bộ số dư của các khách hàng theo những mức chúng tôi từng xem là mức chỉ dành riêng cho những khách hàng dưới chuẩn sâu.”
‘Kiểu nợ nần dai dẳng’
Với tổng số nợ thẻ tín dụng chưa thanh toán lần đầu tiên vượt quá 1 ngàn tỷ USD, báo cáo của CFPB cảnh báo rằng nhiều chủ thẻ đang lún sâu hơn vào nợ nần.
Báo cáo cho biết: “Với khoản thanh toán tối thiểu trung bình tăng lên hơn 100 USD đối với các tài khoản quay vòng có mục đích chung vào năm 2022, ngày càng nhiều người dùng thẻ phải chịu các khoản phí trễ hạn và phải đối mặt với chi phí cao hơn do nợ ngày càng tăng.”
Các nhà phân tích của CFPB cho biết, cứ 10 tài khoản thẻ tín dụng đa năng thì có 1 tài khoản bị tính lãi và phí còn nhiều hơn cả số tiền thuộc nợ gốc họ phải trả, một diễn biến cho thấy “kiểu nợ nần dai dẳng có thể ngày càng trở nên khó khăn đối với một số người tiêu dùng.”
Theo báo cáo, mặc dù các khoản thanh toán kích thích nhu cầu thời đại dịch cho phép chủ thẻ trả một số khoản nợ, nhưng số tiền đó đã cạn kiệt từ lâu, và số người Mỹ có thẻ tín dụng phải đối mặt với khoản nợ dai dẳng đã bắt đầu tăng lên.
Tỷ lệ vỡ nợ tăng lên đối với hầu hết các loại nợ gia đình
Theo dữ liệu dịch vụ nợ gia đình mới nhất từ Hệ thống Dự trữ Liên bang, tỷ lệ của gần như tất cả các loại khoản vay gia đình hiện đang rơi vào tình trạng quá hạn nghiêm trọng (nghĩa là được xác định là quá hạn từ 90 ngày trở lên) đã gia tăng.
Lãi suất chuyển đổi nợ quá hạn nghiêm trọng đối với nợ vay mua nhà đã tăng từ 0.44% trong quý 2/2022 lên 0.63% trong quý 2/2023.
Ngoài ra, tỷ lệ hạn mức nợ tín dụng vốn chủ sở hữu nhà đã rơi vào tình trạng quá hạn nghiêm trọng trong cùng thời kỳ đã tăng từ 0.32% lên 0.44%.
Nhưng mức tăng lớn nhất là các khoản cho vay mua xe hơi và nợ thẻ tín dụng. Tỷ lệ chuyển đổi nợ quá hạn nghiêm trọng đối với các khoản vay mua xe hơi tăng từ 1.81% lên 2.41%.
Tỷ lệ nợ thẻ tín dụng chuyển sang quá hạn đã tăng từ 3.35% lên 5.08% — mức cao nhất trong 11 năm.
Loại nợ gia đình duy nhất có tỷ lệ nợ quá hạn nghiêm trọng giảm là các khoản vay dành cho sinh viên do lệnh đóng băng trả nợ dành cho sinh viên.
Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng tỷ lệ nợ chuyển thành quá hạn, tỷ lệ các khoản cho vay gia đình bị quá hạn nghiêm trọng vẫn ít nhiều ổn định trong suốt thời gian Fed tăng lãi suất. Lý do chủ yếu là vì khoảng 90% nợ gia đình có lãi suất cố định, phần lớn trong số các khoản nợ này đã bắt đầu trước khi ngân hàng trung ương bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York) viết trong một ghi chú khi dữ liệu được phát hành vào tháng 08/2023: “Bất chấp nhiều cản trở mà người tiêu dùng Hoa Kỳ phải đối mặt trong năm qua — lãi suất cao hơn, áp lực lạm phát sau đại dịch, và các vụ sụp đổ của ngân hàng gần đây — có rất ít bằng chứng về tình trạng khó khăn tài chính lan rộng đối với người tiêu dùng.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng số dư tăng lên có thể đặt ra thách thức đối với một số người đi vay, đặc biệt là khi thời hạn đóng băng trả nợ sinh viên hết hiệu lực vào mùa thu này.
Trong bản cập nhật ngày 18/10 về sức khỏe người tiêu dùng Hoa Kỳ, các nhà phân tích của Fed tại New York cho biết chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù sự cạn kiệt của khoản tiết kiệm vượt mức gây ra những trở ngại.
Họ cho biết tỷ lệ nợ quá hạn vẫn tương đối thấp và kỳ vọng của gia đình về tăng trưởng chi tiêu là “chắc chắn và ổn định.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét