Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Thạch Samboc - Số Phận Nghiệt Ngã Của Một Người Khmer Theo Đạo Phật

 

Tác giả Trương Minh Tam cùng gia đình Ông Thạch Samboc, ngày 22/10/2023

THẠCH SAMBOC - SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ CỦA MỘT NGƯỜI KHMER THEO ĐẠO PHẬT
Mạch Sống

Ngày 29 tháng 10, 2023

THẠCH SAMBOC – Số phận nghiệt ngã của một người Khmer theo đạo Phật

 

Mạch Sống, ngày 29 tháng 10, 2023

http://machsongmedia.org

 

LTS: Dưới đây là bài viết của Ông Trương Minh Tam sau lần thăm viếng gia đình người tị nạn vừa đến Chicago định cư. Trong thời gian tới đây sẽ có nhiều trăm đồng bào tị nạn từ Thái Lan đến Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand định cư. BPSOS kêu gọi các người có lòng ở những thành phố có đồng bào mới đến hãy giang tay đón tiếp, uỷ lạo và hướng dẫn họ.

 

Bây giờ, Thạch Samboc cùng vợ và con gái đã tìm được sự bình yên trong một căn hộ tốt giữa lòng Thành Phố Chicago thuộc Tiểu Bang Illinois.

 

Cả ba người đều muốn quên đi những chuỗi ngày đau khổ 11 năm sống vất vưởng ở Thái Lan, và nhiều hơn thế, họ còn muốn quên đi những năm tháng dài sống trong tuyệt vọng ngay trên chính quê hương của mình đó là Việt Nam.

 

Với tâm trạng dày vò và đau đớn của người đàn ông khi chưa thể lo lắng trọn vẹn được cho vợ và đứa con gái bệnh tật của mình, anh Thạch đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện về mấy chục năm qua của gia đình anh một cách rời rạc và nghẹn ngào.

Hình 1 – Tác giả Trương Minh Tam cùng gia đình Ông Thạch Samboc, ngày 22/10/2023

 

Trải qua quá nhiều đau khổ nên Thạch cũng không còn nhớ chắc mình sinh năm 1967 hay là 1966 nữa. Anh chỉ còn nhớ mình sinh ra ở Ấp Prek, Xã Lai Hoà, Huyện Vĩnh Châu, Tỉnh Sóc Trăng. Ấp Prek của người Khmer Krom nghèo khó nằm trên con đường nhỏ, sát với Tỉnh Bạc Liêu và hướng mặt ra Biển Đông. Gia đình anh và nhiều người trong ấp theo đạo Phật Nam Tông.

 

Người ta thường nghĩ rằng, ở Việt Nam chỉ những người Kinh, người Thượng hay người H’mong theo các tổ chức tôn giáo độc lập không chịu sự chỉ đạo và định hướng của chính quyền như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926, đạo Phật Giáo Hoà Hảo, đạo Công Giáo, các Hội Thánh Tin Lành độc lập mới chịu sự khủng bố của chính quyền. Ít ai biết rằng những người Khmer Krom theo đạo Phật Nam Tông ở Miền Tây Nam Bộ mới là những người bị chính quyền Việt Nam tấn công và chà đạp lên nhân quyền nặng nề nhất bao gồm quyền được sống và quyền tự do tôn giáo. Gia đình Thạch là một trường hợp điển hình. Chỉ vì đến chùa sinh hoạt cùng những nhà tu hành vậy mà anh cùng người vợ đã bị công an cho rằng đã tham gia tổ chức chống lại chính quyền để thành lập nhà nước Khmer độc lập.

 

Thạch nói rằng, anh chỉ có niềm tin tâm linh theo đạo Phật Nam Tông mà thôi chứ với anh, chính quyền nào cũng được hết, chính quyền nào thì anh cũng vẫn vui vẻ mình là một người dân lành chăm lo làm ăn. Vì vậy, công an cho rằng anh muốn lập nhà nước Khmer thì đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng bất bình thường. Không biết bao nhiêu lần anh và vợ bị bắt về đồn công an. Ở đó họ đánh đập anh và vợ hết sức dã man cốt chỉ bắt hai người phải khai ra những khái niệm mà anh chị chưa bao giờ biết đến như tổ chức tiền thân nhà nước Khmer độc lập, chống đối chính quyền, chính phủ Khmer, quân đội Khmer …Bắt - đánh đập – cưỡng bức khai điều mình không từng nghe thấy bao giờ - thả rồi lại bắt sau đó là những gì anh và vợ chịu cảnh lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Đứa con nhỏ mới mấy tuổi phải sống tạm với ông bà ngoại cũng bị công an đe doạ bắt phải khai những điều nó chưa hề hiểu hay biết đó là bố mẹ làm việc cho ai, có ai cho tiền không và trong nhà có vũ khí súng đạn không…


Hoang mang và lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra với gia đình mình nữa nên vào một đêm tối trời tháng 5 năm 2013, Thạch dẫn vợ con chạy trốn khỏi quê hương. Những ngày đầu anh cũng không biết đi đâu nhưng nỗi sợ hãi nhắc bản năng của anh phải đưa vợ con đi khỏi nơi chốn thân thương để lánh nạn đã. Sau này anh mới biết đến khái niệm người tị nạn và mới định hướng đến Thái Lan.

 

Câu chuyện kể đến đây bỗng ngưng lại. Thạch nhắm chặt hai mắt và lắc đầu. Những dòng nước mắt trào ra và chảy dài trên khuôn mặt người đàn ông chưa đầy 60 tuổi nhưng già nua và khắc khổ như đang ở tuổi 75. Rất lâu sau, Thạch mới có thể kể tiếp được.

 

Ở Thái Lan cả gia đình anh sống trong sự khốn khó bởi chỉ một mình anh đi làm. Người vợ của anh phải ở nhà chăm đứa con gái sinh năm 1999 nhưng bị bệnh tật từ nhỏ. Chưa hết, cũng trong những năm tháng sống ở Thái Lan này, đứa con gái bệnh tật của anh còn bị một số kẻ xấu người Việt cũng đang sống ở đây hãm hiếp khiến bệnh tình của con anh càng thêm trầm trọng. Thực trạng và nghịch cảnh của gia đình anh là sự quy tụ các dấu hiệu đặc trưng của những người yếu thế trong bất kỳ xã hội nào. Họ thường bị mọi người không biết tới hoặc ít biết tới, dẫu có biết thì cũng ít quan tâm hoặc lãng quên nên rất dễ bị kẻ xấu ức hiếp hay lợi dụng.

 

Thạch nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào:

“Gia đình tôi chịu ơn BPSOS và văn phòng CAP (Center for Asylum Protection - Trung tâm bảo vệ tị nạn). Nếu không có họ, tôi sẽ không biết cuộc đời chúng tôi sẽ như thế nào và có được ngày hôm nay không. Khi biết hoàn cảnh khốn khó của chúng tôi, nhân viên của tổ chức BPSOS và văn phòng CAP đã tìm đến và lập hồ sơ xin quy chế tị nạn với Cao Uỷ Người Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc cho chúng tôi. Hồ sơ của chúng tôi được văn phòng CAP theo dõi và bổ sung giúp cho chúng tôi. Trong 11 năm qua, các nhân viên của BPSOS đã thường xuyên theo dõi để hỗ trợ chúng tôi ổn định cuộc sống từ tinh thần, giấy tờ pháp lý để đi lại, làm việc cho đến trợ cấp vật chất. Biết chúng tôi khó khăn, hằng năm BPSOS đã tặng cho chúng tôi một ngân khoản hạn hẹp để có thể duy trì cuộc sống trong 11 năm chờ đợi đi định cư. Chúng tôi chịu ơn BPSOS và văn phòng CAP bởi thực sự ngoài họ ra, còn có rất nhiều tổ chức dân sự khác của người Việt cũng hoạt động tại đây, họ biết hoàn cảnh chúng tôi nhưng tất cả đều bỏ rơi chúng tôi. Ngày hôm nay, chúng tôi càng xúc động khi biết anh vốn không phải là nhân viên nhưng BPSOS đã kết nối anh tới đây để tiếp tục giúp đỡ chúng tôi tái hoà nhập cuộc sống mới chứ không phải việc họ tổ chức đón rước chúng tôi tại sân bay ồn ào như nhiều trường hợp khác.”

 

Nỗi đau khổ của gia đình Thạch khiến tôi vô cùng ray rứt. Tôi sẽ còn tiếp tục kể lại rõ hơn về những gì gia đình anh đã gặp phải chỉ vì giữ một niềm tin tôn giáo. Nhưng lúc này đây xin tạm khép để gia đình anh được bình an và phải bắt đầu thiết lập cuộc sống mới. Cảm ơn tổ chức RefugeeOne đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ anh những ngày tháng đầu tiên trên đất nước Mỹ này. Tuy nhiên, sẽ không dễ gì để hoà nhập với một gia đình có con nhỏ bệnh tật và đã phải chịu quá nhiều sự tổn thương nặng nề từ sự tấn công có chủ đích của chính quyền Việt Nam tới những sự vô tâm của những người xung quanh bao năm qua. Vì vậy tôi rất mong bất cứ ai quan tâm tới gia đình Thạch Samboc hãy cùng chung tay với tôi để giúp đỡ gia đình anh bên cạnh sự nỗ lực của tổ chức RefugeeOne.

 

Mời xem thêm trong video: https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights/videos/1008648623721656/

 

Bài liên quan:

Cùng một ngày, 3 gia đình Việt tị nạn ở Thái Lan lên đường đến Hoa Kỳ

https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2045-cung-mot-ngay-3-gia-dinh-viet-ti-nan-o-thai-lan-len-duong-den-hoa-ky.html


Mạch Sống




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét