Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

Cách Chơi Câu Đối Tết Truyền Thống Hay Và Ý Nghĩa

 

Thú chơi hoành phi ngày càng có nhiều người tìm về phong cách cổ xưa, vì thế hoành phi câu đối sử dụng trong từ đường, nhà thờ họ, trong gia đình và chơi Tết cũng đang được nhiều người chú ý. (Ảnh: Shutterstock)

CÁCH CHƠI CÂU ĐỐI TẾT TRUYỀN THỐNG HAY VÀ Ý NGHĨA 
Hoàng Mai 

Chơi câu đối Tết cũng là một phong tục truyền thống của Tết xưa. Các câu đối thường gửi gắm nguyện vọng trong năm mới như: trừ tà, tiêu tai giải hạn, nghênh tường nạp phúc, phát tài, bình an, phúc, lộc, thọ, khang, ninh...

Những câu đối thời hiện đại dùng tiếng Việt (chữ cái Latin), và đọc theo quy tắc hiện đại (phương Tây) là từ trái qua phải. Tuy nhiên, với những người hoài cổ hoặc người yêu thích những nét đẹp văn hóa truyền thống thì họ vẫn chơi câu đối kiểu ngày xưa, tức là dùng chữ Hán (chữ Nho), và tuân thủ quy tắc đọc từ phải sang trái. Chơi câu đối cũng có những quy tắc nghiêm cẩn. Dưới đây là đôi nét về cách chơi câu đối Tết theo lối truyền thống xưa:

Ở chính diện cửa chính (hoặc cổng chính), phía trên dán (treo) một bức hoành phi, phía bên tay phải dán vế đối thứ nhất, còn gọi vế đối phải, bên trái dán vế đối thứ hai, còn gọi là vế đối trái (cách gọi hiện đại theo quy tắc viết chữ hàng ngang là vế trên và vế dưới).

Cũng như các câu đối nói chung, câu đối Tết cũng phải tuân thủ đối ý (ý nghĩa, từ tính đối nhau), và đối chữ (số chữ, âm điệu bằng - trắc). Trong 2 câu đối đó, làm thế nào biết được, vế đối nào dùng bên phải (vế đối phải, vế đối trên). Thông thường có một số quy tắc sau:

1. Phân biệt theo luật bằng trắc của chữ

Để phán đoán vế đối phải, trái, thường dùng âm bằng trắc của chữ cuối cùng của vế đối. Vế đối phải (vế trên) thường là câu có chữ cuối cùng có thanh trắc (dấu sắc, nặng, hỏi, ngã), còn vế đối trái (vế dưới) là câu có chữ cuối cùng có thanh bằng (dấu huyền, không dấu)

Ví dụ:

Hoành phi"Nghênh xuân tiếp phúc" (迎春接福), nghĩa là: "Đón xuân nhận phúc".

Chú ý: Do cách trình bày hiện đại là đọc từ trái sang phải, thế nên khi chơi hoành phi theo cách truyền thống, chúng ta phải sắp xếp ngược lại theo trình tự từ phải sang trái. Ví dụ câu hoành phi trên sẽ viết theo thứ tự từ phải sang trái - nếu nhìn từ trái sang phải sẽ là: "phúc tiếp xuân Nghênh" (福接春迎)

Câu đối và hoành phi trước 1 miếu Trung Hoa
Câu đối và hoành phi trước 1 miếu Trung Hoa. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Vế đối phải (vế trên)"Phúc vượng tài vượng vận khí vượng" (福旺財旺運氣旺), nghĩa là: "Phúc thịnh vượng, tài thịnh vượng, vận khí thịnh vượng".

Vế đối trái (vế dưới)"Gia hưng nhân hưng sự nghiệp hưng" (家興人興事業興), nghĩa là: "Nhà hưng thịnh, người hưng thịnh, sự nghiệp hưng thịnh".

Chú ý: Do cách trình bày hiện đại là viết theo dòng từ trái sang phải, thế nên khi chơi câu đối theo cách truyền thống thì chúng ta phải viết theo hàng dọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái.

2. Phân biệt theo trình tự thời gian, không gian

Thông thường vế đối có thời gian, không gian trước là vế đối phải (vế trên), vế đối có thời gian, không gian sau là vế đối trái (vế dưới). Cũng có thể là việc cần làm trước thì làm vế đối phải, việc cần làm sau thì làm vế đối trái...

Ví dụ:

Hoành phi: "Hỷ nghênh tân xuân" (喜迎新春), nghĩa là: "Vui đón tân xuân".

Vế đối phải (vế trên): "Môn nghênh Xuân Hạ Thu Đông phúc" (門迎春夏秋冬福), nghĩa là: "Cổng nghênh đón phúc khí của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông"

Vế đối trái (vế dưới)"Hộ nạp Đông Tây Nam Bắc tường" (戶納東西南北祥), nghĩa là: "Cửa tiếp nhận may mắn của bốn phương Đông Tây Nam Bắc".

3. Phân biệt theo tập quán ngôn ngữ

Một số cặp câu đối là dùng từ những câu châm ngôn, cách ngôn, danh ngôn, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc, đã cố định trật tự câu, do đó vế đối cũng đã được cố định.

Ví dụ:

Hoành phi: "Tân niên đại cát" (新年大吉), nghĩa là: "Năm mới may mắn, tốt lành lớn".

Vế đối phải (vế trên): "Phúc như Đông Hải trường lưu thủy" (福如東海長流水), nghĩa là: "Phúc như nước biển Đông chảy mãi"

Vế đối trái (vế dưới)"Thọ tỷ Nam Sơn bất lão tùng" (壽比南山不老松), nghĩa là: "Thọ sánh cùng tùng bất lão núi Nam".
Một câu đối Tết tiếng Việt, viết theo lối thư pháp chữ Việt, tại Đường hoa Nguyễn Huệ 2009: "Tân niên hạnh phúc bình an tiến / Xuân nhật vinh hoa phú quý lai"
Một câu đối Tết tiếng Việt, viết theo lối thư pháp chữ Việt, tại Đường hoa Nguyễn Huệ 2009: "Tân niên hạnh phúc bình an tiến / Xuân nhật vinh hoa phú quý lai". (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

4. Phân biệt theo phạm vi, trường hợp

Theo phạm vi, trường hợp thì từ to đến nhỏ, như thời gian, không gian, sự vật lớn làm vế đối phải (vế trên), thời gian, không gian, sự vật nhỏ làm vế đối trái (vế dưới).

Hoành phi: "Cung hạ tân xuân" (恭新春), nghĩa là: "Chúc mừng xuân mới".

Vế đối phải (vế trên): "Niên niên phúc lộc tùy xuân đáo" (年年福祿隨春到), nghĩa là: "Hàng năm phúc lộc theo xuân đến"

Vế đối trái (vế dưới)"Nhật nhật tài nguyên thuận ý lai" (日日財源順意來), nghĩa là: "Hàng ngày tiền tài thuận ý vào".

5. Cách sử dụng câu đối chữ Hán

Sau khi những trào lưu hiện đại lắng lại, khi chúng ta có đủ thời gian để quan sát, so sánh, trầm tĩnh để suy xét đánh giá thì chúng ta mới thấy rằng thời gian là thước đo, là thử thách cho mọi sự vật hiện tượng xã hội. Chỉ những giá trị nhân văn, thiện lương, vượt qua thử thách của thế thời và gột rửa của thời gian mới là chân giá trị.

Thú chơi hoành phi câu đối cũng như vậy, càng ngày càng nhiều người tìm về phong cách cổ xưa, vì thế hoành phi câu đối sử dụng trong từ đường, nhà thờ họ, trong gia đình và chơi Tết cũng đang được nhiều người chú ý. Xưa mọi người thường tìm đến các cụ đồ Nho có đức cao vọng trọng, văn hay chữ tốt để xin chữ, xin câu đối, để làm phương châm sống cho mình và lưu lại cho con cháu đời sau những bài học quý báu để làm người.

Ngày nay, người am hiểu chữ Nho (tức chữ Hán cổ, chữ chính thể) khá ít, nên không tránh khỏi cách dùng hoành phi câu đối "lai căng", như dùng chữ Hán giản thể (tức chữ Hán hiện đại), và dùng theo quy tắc hiện đại là viết từ phải sang trái. Nhiều bức hoành phi câu đối còn hiện tượng chữ Hán chính thể, giản thể lẫn lộn, thể chữ lẫn lộn, ví dụ: khải thư lẫn chữ hành thư hoặc thảo thư.

Hoành phi câu đối thường được dùng ở những trường hợp trang trọng, trang nghiêm, thế nên, thường dùng thể chữ Chân (tức khải thư) hoặc Lệ (tức lệ thư), đôi khi cũng dùng chữ thể Hành (tức hành thư). Thể Thảo (tức thảo thư) thì phóng túng, thiếu sự nghiêm trang, còn thể Triện (tức triện thư) thì quá cổ kính và khó viết, khó nhận biết, nên cũng hiếm dùng.
Thầy đồ đang viết chữ.
Thầy đồ đang viết chữ. (Ảnh: Shutterstock)

Nhưng lỗi thường gặp nhất, và lớn nhất là dùng chữ Hán giản thể, hoặc lẫn chữ giản thể. Chữ Hán là chữ có nội hàm văn hóa sâu sắc, chứ không đơn thuần là ký tự ghi lại một vài ngữ nghĩa nhất định.

Ví dụ, chúng ta chúc nhau, hoặc mong muốn nguyện vọng trong năm mới là "Tấn tài tấn lộc" (cũng có âm đọc khác là "tiến tài tiến lộc"), thì sự khác biệt giữa hai thể chữ giản thể và chính thể (Hán cổ) trong câu "Tấn tài tấn lộc" như sau:

Chữ chính thể: 進 財 進 祿

Chữ giản thể: 进 财 进禄

Còn chữ Tấn (tiến) chính thể (進) gồm bộ Xước (辶) nghĩa là bước đi, và bộ Chuy (隹) nghĩa là loài chim đuôi ngắn. Chữ Chuy này viết giống chữ Giai () nghĩa là tốt đẹp. Như vậy chữ Tấn chính thể (Hán cổ) còn có hàm nghĩa là "càng đi càng tốt đẹp", vì đi theo chính Đạo, đi theo chân lý, nên càng tiến càng tốt đẹp.

Do đó "Tấn tài tấn lộc" chính thể (進 財 進 祿) ngoài ý nghĩa mặt chữ là "tăng tiến tài sản, tăng tiến quan lộc" ra thì nó còn có nội hàm là "tăng tiến tài sản và quan lộc, càng ngày càng tốt đẹp". Bởi vì Nho gia cho rằng: "Người quân tử yêu quý tài sản, nhưng để có được thì phải đúng Đạo lý" (nguyên văn: "Quân tử ái tài, thủ chi hữu Đạo"), tức là với tiền đề là tuân thủ đạo nghĩa rồi mới có được tiền tài, thì càng nhiều càng tốt đẹp, càng đem lại lợi ích cho mình và mọi người.

Còn chữ Tấn (tiến) giản thể (进) gồm bộ Xước (辶) nghĩa là bước đi, và chữ Tỉnh (井) nghĩa là cái giếng. Như thế, chữ Tấn giản thể nó còn ẩn chứa hàm ý càng đi càng đâm đầu xuống giếng, tức đi vào chỗ nguy hiểm, chỗ chết.

Thế nên chữ "Tấn tài tấn lộc" giản thể (进 财 进祿) ngoài ý nghĩa mặt chữ là "tăng tiến tài sản, tăng tiến quan lộc" ra thì nó còn có ẩn chứa ý nghĩa là "tăng tiến tài sản và quan lộc, nhưng càng đi thì càng đâm đầu xuống giếng, vào con đường chết". Bởi vì đây là con đường của kẻ tiểu nhân, chỉ biết có lợi, bất chấp đạo lý, bất chấp tất cả. Nho gia cho rằng: "Người quân tử hiểu rõ về đạo nghĩa, sống vì đạo nghĩa, còn kẻ tiểu nhân thì hiểu rõ về danh lợi, sống về danh lợi" (nguyên văn: "Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi").

Vì thế, chữ giản thể "Tấn tài tấn lộc" - tăng tiến tài sản, tăng tiến quan lộc - nhưng không theo Đạo, bất chấp thủ đoạn tranh quyền đoạt lợi, mua quan bán chức, thì càng nhiều tiền, càng quan chức to, thì càng nhanh 'xuống giếng". Những vụ án đại tham nhũng của các quan to, các ông chủ lớn trong những năm qua là minh chứng rõ nét cho điều này.

Thế nên, khi dùng những bức hoành phi câu đối cho từ đường, nhà thờ họ, hoặc trong gia đình thì cần hết sức chú ý. Ai cũng mong muốn cuộc sống tốt đẹp, tương lai tươi sáng, nên thành kính thỉnh chữ hay chữ tốt về treo. Nhưng đáng tiếc là có khi lại rước rủi ro và bất hạnh về mà không tự biết. Bởi vì những cái giả, cái ác, cái ngụy thiện, giả thiện vẫn được trang sức bề ngoài bằng câu chữ hay ho, đường hoàng, rực rỡ lắm. Xem hiện tượng nhiều quan chức các cấp liên tiếp gặp họa hoạn, mất chức, bị kỷ luật, bị tù tội... phải chăng là vì họ đã theo đuổi "Tấn tài tấn lộc" theo đúng ý nghĩa của chữ giản thể.

Mùa xuân mới đang đến, gió xuân ấm áp quét sạch tàn dư hắc ám cảnh đông hàn, mang đến chồi non nụ biếc trên cảnh vật, trổ ra trăm hoa muôn tía ngàn hồng, đem hương thơm thanh khiết khắp nhân gian. Con người cũng như cỏ cây hoa lá, chỉ loài tùng bách hiên ngang cứng cáp mới vượt qua đông hàn khắc nghiệt mà vẫn còn xanh thắm tốt tươi; chỉ loài mai cúc thanh khiết vững vàng mới ngạo nghễ trước tuyết sương, đem thanh hương đến cho muôn loài.

Hoàng Mai

Từ: NTD Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét