Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

Câu Đối Tết Của Vương Hi Chi: Tại Sao Tên Trộm Không Dám Lấy Câu Đối Này?

 

Vương Hi Chi từ quê quán của ông là Sơn Đông chuyển đến sống ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, vừa là mừng tân gia và cũng là năm mới, nên ông không thể không viết một câu đối lên cửa. (Ảnh: Sound of Hope)

CÂU ĐỐI TẾT CỦA VƯƠNG HI CHI: TẠI SAO TÊN TRỘM KHÔNG DÁM LẤY CÂU ĐỐI NÀY?
Lam Sơn

Tương truyền một năm nọ, Thánh thư Vương Hi Chi viết câu đối Tết dán cổng, nhưng cứ đêm xuống liền bị kẻ trộm lấy mất, liền mấy hôm. Đến 30 Tết mà vẫn chưa có câu đối dán cổng. Cuối cùng ông đã viết câu đối này, kẻ trộm đến lấy, nhìn thấy nội dung thì sợ hãi bỏ chạy...

Câu đối Tết của Vương Hi Chi

Tương truyền, vào tháng chạp năm đó, Vương Hi Chi từ quê quán của ông là Sơn Đông chuyển đến sống ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, vừa là mừng tân gia và cũng là năm mới, nên ông không thể không viết một câu đối lên cửa:

Xuân phong xuân vũ xuân sắc
Tân niên tân cảnh tân gia

(Gió xuân, mưa xuân, sắc xuân
Năm mới, cảnh mới, nhà mới.)

Ba chữ “Xuân" và ba chữ “Tân" trong câu đối này, thể hiện ra cảnh tượng “Tân Xuân" hết sức chuẩn xác. Ông tự thấy rất hài lòng, liền gọi gia nhân dán ở cổng.

Không ngờ, vì thư pháp của Vương Hi Chi cái thế, được người đời đương thời kính ngưỡng, nên câu đối này vừa dán lên cổng liền có người thừa cơ bóc lấy đi vào ban đêm. Gia nhân báo cho Vương Hi Chi biết, nhưng ông hiểu được tâm tình của người đã bóc câu đối đi, nên cũng không tức giận, mà lại viết một cặp câu đối khác, rồi bảo gia nhân lại dán lên cổng. Cặp câu đối này viết rằng:

Oanh đề Bắc lý thiên sơn lục
Yến ngữ Nam lân vạn hộ hoan

(Oanh hót làng Bắc ngàn non thắm
Yến ca xóm Nam vạn hộ vui)

Câu đối này ngập tràn sức sống mùa xuân, vế đối cũng hết sức tinh tế.

Bức hoành phi và cặp câu đối trong dinh thự họ Vương.
Bức hoành phi và cặp câu đối trong dinh thự họ Vương. (Minh họa: Wikimedia Commons)

Ai ngờ sáng dậy ra xem thì thấy câu đối lại bị người ta bóc đi mất rồi. Hôm đó đã là ngày đón giao thừa, hôm sau sẽ là ngày đầu năm mới, nhìn thấy hàng xóm kế bên nhà nhà đều đã dán câu đối xuân lên trước cửa, duy chỉ có có trước cửa nhà mình trống trơn, gấp quá đến độ Vương phu nhân phải giục phu quân nghĩ cách.

Vương Hi Chi nghĩ ngợi một lúc, sau đó mỉm cười rồi viết:

Phúc vô song chí
Hoạ bất đơn hành

(Phúc không cùng đến
Hoạ chẳng lẻ đi)

Gia nhân bàng hoàng, vị phu nhân càng không lý giải nổi, nhưng Vương Hi Chi chỉ cười mà không nói lời nào, chỉ bảo con trai dán lên cửa. Quả nhiên ban đêm lại có người đến trộm bóc câu đối đi, nhưng ở dưới ánh trăng, tên trộm thấy câu đối này thật quá xui xẻo.

Mặc dù Vương Hi Chi là một bậc thầy về thư pháp, nhưng cũng không thể lấy câu đối tiên đoán đầy hung hiểm này về để treo được. Kẻ bóc trộm câu đối lúc trước chỉ biết thở dài, rồi nhân lúc buổi tối mà chạy trốn.

Rạng sáng ngày mùng 1 tết, trước cửa nhà Vương Hi Chi có rất nhiều người vây quanh, mọi người đều không lý giải được câu đối do bậc thư thánh viết ra này. Lúc này Vương Hi Chi mới ra cửa cầm bút viết thêm ba chữ vào mỗi câu đối cũ. Khi mọi người xem, câu đối trở thành:

Phúc vô song chí kim triêu chí
Hoạ bất đơn hành tạc nhật hành

(Phúc không cùng đến, sáng nay đến
Hoạ chẳng lẻ đi, hôm qua đi)

Ảnh minh họa câu đối Tết. (Wikimedia Commons)
Ảnh minh họa câu đối Tết. (Wikimedia Commons)

Câu đối chúc mừng, câu đối phúng điếu

Vừa có tang sự vừa có hỉ sự thì phải làm sao?

Ngày xưa, có một vị tú tài vào buổi sáng ngày anh kết hôn, thì phụ thân anh đột nhiên qua đời, đành phải vừa làm tang sự vừa làm hỉ sự. Theo phong tục, tang sự hay hỉ sự đều phải treo câu đối, vị tú tài rơi vào tình thế khó xử, đang lúc đó thì một vị văn nhân đứng dậy và viết một đôi câu đối như thế này:

Lâm thân tang, tác tân lang, khốc hồ? Tiếu hồ?
Tế tư lượng, khốc tiếu bất đắc
Từ linh đường, nhập động phòng, tiến da? Thoái da?
Tái châm chước, tiến thoái lưỡng nan.

(Trước tang cha, làm chú rể, khóc chăng? Cười chăng?
Suy nghĩ kỹ, dở khóc dở cười
Rời linh đường, vào phòng cưới, tiến chăng? Lui chăng?
Đắn đo mãi, tiến thoái lưỡng nan.)

Câu đối này miêu tả chân thực sự tâm lý buồn lẫn lộn của vị tú tài lúc đó.

Câu đối của nhà có cha con là tiến sĩ

Ngày xưa, có một ông tiến sĩ độc đoán kiêu ngạo, coi trời bằng vung. Một mùa xuân năm đó, vì để khoe khoang, ông đã dán trên cửa nhà mình câu đối này:

Phụ tiến sĩ, tử tiến sĩ, phụ tử giai tiến sĩ
Bà phu nhân, tức phu nhân, bà tức quân phu nhân

(Cha tiến sĩ, con tiến sĩ, cha con đều là tiến sĩ
Mẹ phu nhân, con phu nhân, mẹ con đều là phu nhân)

Ngay lúc đó, trong thị trấn có một vị tú tài nghèo đi ngang qua cổng nhà tiến sĩ đó và nhìn thấy hai câu đối này. Đầu tiên anh tỏ vẻ khinh thường, sau đó lại cười tỏ vẻ đắc ý.

Hình minh họa câu đối. (Wikimedia Commons)
Hình minh họa câu đối. (Wikimedia Commons)

Đến tối, khi bốn bề vắng lặng, anh lặng lẽ sửa lại một vài nét vẽ trên đôi câu đối.

Sáng sớm hôm sau, trước cửa nhà tiến sĩ đông nghịt người xem rất náo nhiệt, cười cười nói nói, bàn tán xôn xao, ai cũng tán thưởng: "Sửa hay thật! Sửa hay thật!"

Tiếng ồn ào ngoài cửa kinh động đến người tiến sĩ cha, ông vội vàng ra mở cửa, vừa nhìn thấy liền bước đi loạng choạng.

Hóa ra câu đối trước cửa nhà tiến sĩ đã vị vị tú tài sửa thành như này:

Phụ tiến thổ, tử tiến thổ, phụ tử giai tiến thổ
Bà thất phu, tức thất phu, bà tức quân thất phu

(Cha vào đất, con vào đất, cha con đều vào đất
Mẹ mất chồng, con mất chồng, mẹ con đều mất chồng)

Thì ra vị tú tài chỉ sửa một nét chữ Sĩ 士 thành chữ Thổ 土, và vài nét chữ Phu Nhân 夫人 thành chữ Thất Phu 失夫.

Thương gia xin câu đối

Một ngày nọ, một phú thương tìm Đường Bá Hổ xin một cặp câu đối, Đường vui vẻ cầm bút lên viết:

Sinh ý như xuân ý
Tài nguyên tự thủy lưu

(Làm ăn như xuân sắc
Tiền tài như nước chảy)

Vị thương nhân này từ nhỏ không đọc sách, sau khi xem câu đối thì nghi ngờ rằng ý tứ phát tài trong câu đối không được nhấn mạnh, yêu cầu viết lại.

Đường Bá Hổ nhận ra vị phú thương này sở dĩ phát tài là dựa vào thủ đoạn không minh bạch, liền viết lại một câu đối chế giễu ông:

Môn tiền sinh ý hảo tự hạ dạ văn trùng đội tiến đội xuất
Dạ lý đồng tiền yếu tượng đông thiên sắt tử việt mô việt đa

(Trước cửa làm ăn như muỗi mùa hè, đàn vào đàn ra
Ban đêm tiền bạc như rận mùa đông, càng gãi càng nhiều)

Thật không ngờ, vị thương nhân lại vỗ tay bảo hay, rất yêu thích câu đối dở dở ương ương này.

Lam Sơn

Theo Vision Times

Từ: NTD Việt Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét