Rồng Việt Nam ở kinh thành Huế. (Wikipedia/nguyenkhanh159-SA-4.0)
NĂM CON RỒNG NÓI CHUYỆN VỀ RỒNG
Trung Hòa
Chúng ta đã bước vào năm 2024, và chỉ còn mấy ngày nữa là bước vào năm Giáp Thìn (tức 10/2/2024 dương lịch). Năm con rồng có những gì đặc biệt, và người tuổi rồng thường có đặc tính như thế nào?
Thời gian trôi qua nhanh quá, trong chớp mắt, chúng ta đã từ biệt chú Mèo đáng yêu để đón chú Rồng cát tường, chúc các bạn năm mới rồng bay phượng múa, gặp nhiều may mắn.
Rồng có một vị trí độc nhất trong văn hóa truyền thống các nước Á Đông. Nó không chỉ đứng đầu trong Tứ linh - bốn con thần thú, mà còn được coi là biểu tượng của sự tốt lành. Người Việt cho rằng mình là "con rồng cháu Tiên", người Hoa cho rằng họ là "con cháu của rồng".
Rồng được coi là biểu tượng của quyền lực của quân vương trong các triều đại. Ví dụ, hoàng đế tự gọi mình là chân long Thiên tử, mặc long bào, ngồi ghế rồng, đi thuyền rồng. Đó là những thứ chỉ dành riêng cho hoàng đế.
Vậy tại sao rồng lại được tôn kính đến vậy, và nguồn gốc của nó là gì? Để giải đáp bí ẩn này, trước tiên chúng ta hãy xem mô tả về loài rồng trong các sách cổ.
Rồng trong truyền thuyết và các sách cổ
Trong mắt người xưa, tộc rồng rất đông đảo, có nhiều chủng loại và hình tượng khác nhau. Ví dụ, rồng có hai cánh gọi là "ứng long", rồng có hai sừng gọi là "chi long", rồng nhỏ không có sừng gọi là "cầu long", còn rồng nằm trên mặt đất cuộn tròn mà không bay lên trời, gọi là “bàn long”.
Rồng còn được phân chia tùy theo chức trách, chẳng hạn như bộ bách khoa toàn thư "Uyên giám loại hàm" do chính quyền triều Thanh biên soạn, đã trích dẫn kinh Phật và cho rằng có bốn loại rồng, bao gồm:
- Thiên long bảo vệ Thiên cung ở Thần giới.
- Thần long tạo mây làm mưa chốn nhân gian.
- Địa long có thể tạo sông phá đê.
- Phục tàng long tiềm ẩn bảo vệ Thánh vương và những người đại phúc.
Theo sách "Hoài Nam Tử" thời Tây Hán, sau khi Nữ Oa vá trời, và quy chính lại trật tự vũ trụ, bà cưỡi một cỗ xe sấm sét do ứng long kéo lên Thiên giới để báo cáo Thiên Đế. Đến thời kỳ Hoàng Đế, ứng long xuất hiện trên thế gian và đóng vai trò lớn trong trận chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu.
Sách xưa ghi lại rằng, Xi Vưu không tuân theo mệnh lệnh của Hoàng Đế, và đã nổi loạn tạo phản. Khi đó là thời con người và Thần cùng tồn tại, nên cả hai bên đều có rất nhiều kỳ nhân dị sĩ giúp đỡ, chiến tranh kéo dài rất lâu, Hoàng Đế đánh chín trận thua cả chín.
Sau đó, ứng long hạ thế trợ chiến, đã chiến đấu chống lại bốn con thú hổ, báo, gấu và bi (gấu lớn) của Xi Vưu, và cuối cùng giết chết Xi Vưu và thuộc hạ là Khoa Phụ. Có lẽ vì bị ô nhiễm bởi bầu không khí đục ngầu của thế giới loài người, “Sơn Hải Kinh” miêu tả rằng, ứng long không thể trở về Thiên giới sau trận chiến này, nên đã đến ẩn cư ở phương Nam, nên miền Nam từ đó mưa nhiều.
Những danh nhân tuổi rồng trong lịch sử Việt Nam
1. Mạc Đĩnh Chi (sinh năm Canh Thìn, 1280-1350). Danh sỹ đời Trần Anh Tông, tự Tiết Phu, quê Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Dương. Mạc Đình Chi đỗ Trạng nguyên năm 24 tuổi. Ông làm quan trải ba triều Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông, thăng đến Tả bộc xạ Đại liên ban. Ông từng đi Trung Quốc hai lần, được các danh sỹ nước ngoài khen ngợi, khâm phục.
2. Phan Đình Phùng (sinh năm Giáp Thìn, 1844-1895). Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.
3. Nguyễn Thượng Hiền (sinh năm Mậu Thìn, 1868-1925). Ông đỗ cử nhân khi mới 17 tuổi, thi Hội đỗ đầu, đang chờ xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ. Đến năm 1892, ông thi lại và đỗ Hoàng Giáp khi mới 24 tuổi. Tuy đỗ cao nhưng ông không ra làm quan mà về ẩn cư ở vùng núi Nưa, Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông giữ chức Toản tu Quốc sử, rồi làm Đốc học tỉnh Ninh Bình.
4. Nguyễn Phan Chánh (sinh năm Nhâm Thìn, 1892-1984), là danh họa, bậc thầy của hội họa lụa Việt Nam. Họa sỹ Trịnh Cung đánh giá Nguyên Phan Chánh "là một người đã tạo ra một diện mạo tranh lụa Việt Nam không lẫn vào bất kỳ một phong cách nào đối với các nước có nền tranh lụa lớn nhất thế giới như Trung Hoa và Nhật Bản. Trong sáng tạo nghệ thuật, tạo dựng một phong cách riêng, hay hơn thế nữa là một trường phái, là điều hiếm hoi. Nguyễn Phan Chánh là một hiện tượng xuất chúng của hội họa Việt Nam cũng như Nguyễn Gia Trí với sơn mài”.
5. Đào Duy Anh (tuổi Giáp Thìn, 1904-1988), nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông là tác giả nhiều công trình học thuật sáng giá về ngôn ngữ học, văn học, sử học, trong đó giá trị nhất là cuốn “Hán-Việt từ điển.”
Trung Hòa
Biên dịch và tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét