Hình minh họa
ANH THỢ CẠO
Trần Quang Lộc
Được tin cậu trai út vừa đậu thủ khoa kỳ thi tú tài, ông Nga hả hê gọi con đến khen:
– Khá lắm! Khá lắm con trai của bố. Bố mẹ rất tự hào về thành tích học tập của con. Rồi ông nghiêm giọng – Dũng này, con đã dự tính sẽ thi vào học ngành nào chưa?
Dũng gãi đầu ấp úng:
– Dạ… Dạ ngành… Ngành cắt tóc ạ!
Nghi ngờ thần kinh thính giác của mình đã có vấn đề, ông Nga nghiêng nghiêng tai hỏi lại:
– Ngành nào?
– Thưa bố, con sẽ học… Học nghề cắt tóc.
Tưởng cậu con cưng cậy vào thành tích học tập vừa đạt được trong kỳ thi nên nói đùa dọa bố, ông Nga cười độ lượng, mắng yêu:
– Mẹ mày! Bố hỏi nghiêm túc đấy con trai à. Giọng ông thoáng vẻ lo âu – Mặc dù bố rất tin tưởng vào con nhưng không phải vì thế mà không góp ý với con về việc chọn ngành học. Chị Cả và anh Hai con sau nầy tốt nghiệp biết có tìm được việc làm không, chứ hiện nay, thấy thầy giáo, bác sĩ thất nghiệp, có nhiều người phải bỏ nghề để làm việc khác khiến bố lo lắm!
Nâng tách trà lên chiêu một ngụm, ông Nga sôi nổi – Theo ý bố, con nên thi vào tin học hoặc kiến trúc, đây là những ngành mũi nhọn trong thời kinh tế mở. Ra trường sẽ có chỗ làm ngaỵ Cùng lắm ta làm tư.
Thấy bố nói chuyện nghiêm túc, Dũng cố thu hết can đảm để nói thực lòng mình dù biết bố sẽ rất buồn, có thể nổi cơn thịnh nộ. Dũng nói rành rọt:
– Thưa bố, con đã quyết định sẽ không thi vào đại học mà theo học nghề cắt tóc, vì…
Ông Nga thảng thốt cắt lời con:
– Cắt tóc! Không phải con nói đùa dọa bố đấy ư?
– Con nói thực lòng đấy bố. Con đã suy nghĩ rất kỹ trước khi chọn cho mình một hướng đi.
Ông Nga vỗ bàn đánh “rầm”, quát:
– Câm ngay! Cánh họ Trần ta xưa nay con cháu hầu hết đỗ đạt nên người, chưa ai làm nghề phó cạo. Cái bằng Tú tài hạng ưu của mầy là kết quả của sự quay cóp trong phòng thi hay do giám khảo lú lẫn trong lúc chấm bài?
Dũng vẫn từ tốn:
– Đấy là thực học của con bố ạ. Do vậy mà con muốn tự quyết định lấy tương lai của mình. Theo con nghĩ, nghề nào cũng quí, miễn cho tinh là sống tốt.
Ông Nga trợn tròn mắt, quát:
– Láo! Người ta học giả phá ngu còn mầy học giả quá ngụ Mới nứt mắt mà đã dám dạy khôn bố mẹ. Thật là uổng công nuôi dưỡng. Nếu mầy đã quyết thế thì cút khỏi đây ngaỵ Cút ngay!
Nghe tiếng chồng quát tháo ầm ĩ, bà Nga từ dưới bếp hấp tấp chạy lên, hỏi:
– Có việc gì mà ông giận dữ vậy?
Ông Nga lập tức trút hết cơn thịnh nộ lên đầu vợ:
– Cũng tại bà, tất cả đều do bà. Bà cưng chiều nó quá nên bây giờ đâm ra hư hỏng, cãi lời bố mẹ. Trong khi ai cũng cầu mong con cái đỗ đạt kỳ nầy để được thi vào bách khoa, tổng hợp. Riêng nó thì khăng khăng đòi theo nghề cắt tóc! Lao tâm giả trị nhân, lao lực giả trị ư nhân. Cánh họ Trần nhà ta từ xưa đến giờ được mọi người nể nang, trọng vọng không lẽ đến đời nó lại bị người ta đè đầu cưỡi cổ? Nhục ơi là nhục. Tại bà, tất cả đều do bà!
Bà Nga vẫn nhỏ nhẹ:
– Thôi, tôi xin ông. Con nó còn nhỏ dại, ông cứ từ từ mà khuyên giải. Quát tháo ầm ĩ càng làm cho nó quẫn thêm.
Bà quay sang Dũng:
– Sao con lại dại thế? Bố mẹ tuy già yếu vẫn tất tả ngược xuôi, quyết nuôi con học hành đỗ đạt để sau này làm ông nầy bà kia, mở mày mở mặt với thiên hạ. Bố mẹ có lột da sống đời với con được đâu. Thôi, con đừng cưỡng lời bố mẹ nữa.
Giọng Dũng xúc động:
– Con thấy bố mẹ đã quá nửa đời người lại thường hay đau yếu mà vẫn cứ lao khổ tất bật vì tương lai chúng con. Con nhất quyết không để bố mẹ phải vất vả thêm vì con nữa. Con đã lớn khôn rồi.
Câu nói đầy trách nhiệm của Dũng không những không làm cho ông Nga nguôi lòng mà còn khơi bùng thêm lửa giận. Ông quát muốn lạc giọng:
– Láo! Tử bất giáo phụ chi quá. Mầy… Mầy tưởng nói thế là tao bỏ qua cái ý nghĩ mất dạy của mầy đấy ư? Tuy tao là thương binh, mẹ mày hưu mất sức, nhưng vẫn quyết nuôi mày ăn học đến nơi đến chốn kia mà. Nhân bất học bất tri lý, rồi mầy sẽ làm… Ông quay ngoắt ra phía sau giựt phắt cây chổi lông gà đang treo trên vách, thét – Đồ bất hiếu tử, bất mục!
Bà Nga hoảng hốt vội ôm chặt lấy cánh tay chồng, mếu máo:
– Ông ơi, ông cho tôi xin. Con còn nhỏ dại, hãy từ từ mà răn bảo. – Bà lau nước mắt, quay sang Dũng – Con ra ngoài kia đi, đừng để bố mầy giận.
Dũng riu ríu quay đi. Bà Nga ở lại tiếp tục “gồng lưng” nghe chồng thuyết giảng về nghĩa phu thê, tình phụ tử của thánh hiền.
Ngay buổi tối hôm đó, mẹ và anh chị khuyên bảo hết lời nhưng Dũng vẫn cương quyết theo học nghề cắt tóc. Thế là niềm tự hào Dũng vừa mang đến cho gia đình sau kỳ thi tú tài bỗng tan biến như khói mây do sự bỏ học nửa chừng của nó. Ông Nga thề sẽ không nhìn mặt con nữa, chị cả và ông anh thứ hai cảm thấy nhục nhã vì có đứa em trai làm nghề phó cạo, họ hàng khinh rẻ, bè bạn cho là thằng hâm. Chỉ tội cho bà Nga, tình mẹ thương con sâu nặng khiến bà mất ăn mất ngủ và thầm cầu mong đứa con bé bỏng của bà sớm trở lại con đường học vấn để sau này nó mở mày mở mặt với đời. Ba xuýt xoa than thở, nước mắt lưng tròng thấy đứa con trai út cứ lặng lẽ đi về như chiếc bóng. Thỉnh thoảng bà dúi vào túi con năm ba ngàn đồng để tiêu vặt. Mấy tuần đầu, Dũng còn nhận tiền mẹ cho, nhưng sau đó lại từ chối và bảo mẹ giữ lấy để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Dũng khoe là đang kèm trẻ ngoài giờ học việc, thù lao đủ trang trải khoản cơm nước hàng ngày.
Tuy giận con, nhưng đôi ba ngày Dũng không về nhà ông Nga lại thấy nhớ. Tình thương con của người cha không bộc lộ cảm xúc bằng hành động, cử chỉ như người mẹ. Hằng ngày, trên con đường đạp xe thồ kiếm khách, thỉnh thoảng, ông bí mật dừng lại trước cửa hiệu cắt tóc sang nhất thành phố, nơi con trai ông đang học việc. Khi thì ông thấy Dũng ngồi trong một góc vắng, tay cầm kéo, tay kia cầm lược cứ chải chải, nhắp nhắp trong khoảng không. Lúc lại dùng dụng cụ ngoáy tai chọc chọc vào một ống trúc nhỏ xíu gắn chặt vào vách tường. Có lần, ông Nga thấy con đang chăm chú thực tập khoa cạo mặt trên một quả bầu non. Những lúc như vậy, ông muốn xông vào nện cho nó một trận rồi lôi cổ về nhà. Nhưng nghĩ sao ông lại thở dài não nuột rồi riu ríu đạp xe quay đi và thấy mắt cay xè.
Đành vậy thôi! Sinh con há dễ sinh lòng. Năm ngón tay còn có ngón ngắn ngón dài nữa là… Tuy nghĩ vậy nhưng lòng ông vẫn cứ ấm ức. Phải chi đứa kém cõi hư hỏng thì bận tâm làm gì. Đàng này là thằng giỏi trai, thông minh, hiếu thảo mà ông đã đặt hết niềm tin vào nó. Nếu biết trước như thế nầy thì cái đêm hôm đó ông chẳng thèm…
Sau ngày miền Nam bị đứt bóng, ông Nga trở về ngực lấp lánh huy chương, nhưng một mảnh đạn còn trụ lại phía sau vai trái thì chẳng lấp lánh chút nào. Tuy lúc đó ông đang ở tuổi bốn ba, bà Nga vừa bước sang băm sáu, nhưng người lính sau nhiều năm chiến đấu xa nhà gặp vợ, tình vẫn đẹp như tuần trăng mật. Thế là đứa trai út ra đời. Đầy tháng, ông Nga dành cho vợ quyền đặt tên con. Bà Nga cười bẽn lẽn: “Cái đêm hôm ấy ông cứ như cọp về rừng. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn phát khiếp. Thôi thì cứ đặt cho nó tên Dũng vậy”.
Càng lớn, Dũng càng thông minh học giỏi. Từ lớp một đến lớp mười hai, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và từng đạt giải cao trong các kỳ thi Quốc gia hai môn Văn, Toán. Rồi kỳ thi tú tài vừa rồi lại trúng thủ khoa. Ông đinh ninh sau nầy Dũng sẽ lấy bằng tiến sĩ, tiến sĩ thực học chứ không phải “tiến sĩ giấy”, làm rạng rỡ tông môn.
Nhưng có ngờ đâu ông tiến sĩ của tương lai lại theo học nghề phó cạo! Mộng không thành, ông Nga xót xa lắm chứ!
Vốn có học thức lại thêm có tư chất thông minh nên sau ba tháng học việc, Dũng sớm trở thành anh thợ cắt tóc rất có uy tín với khách hàng thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt, khoa ngoáy tai cạo mặt của Dũng đã đạt đến trình độ nghệ thuật hoàn hảo. Chính vì vậy, khách đến cửa hàng ngày càng đông: dân lao động có, giới thượng lưu trí thức có, quan chức có cỡ cũng có. Họ sẵn sàng ngồi đợi hàng tiếng đồng hồ trong cửa hiệu, miễn là được chính tay Dũng hớt tóc, ngoáy tai, cạo mặt cho mình. Phần lớn cán bộ cỡ bự thường gọi anh đến phục vụ tận nhà. Khoản thu nhập của cửa hiệu cắt tóc ngày càng tăng vọt nhờ vào uy tín và tài nghệ của Dũng.
Người chủ hiệu cắt tóc vốn có tính hào phóng lại rất quí tính cách và tay nghề của Dũng nên ngay từ tháng đầu thực sự đứng ghế, Dũng được trả lương rất cao, gấp hai ba lần lương tháng của một thầy giáo. Tháng nào Dũng cũng mang tiền về đưa tất cho mẹ và dặn mẹ cứ lấy đó tiền đó lo cho các bữa ăn, giúp anh chị học thêm, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đại học sắp đến. Lần đầu tiên trong đời được cầm những khoản tiền lớn do con mình làm ra, bà Nga không ngăn được nước mắt. Riêng ông Nga vẫn cứ hậm hực và quyết không động đến một xu hào của thằng con làm nghề phó cạo. Nhưng dù sao thì gia đình ông Nga cũng thong thả hơn, các anh chị yên tâm học hết chương trình đại học, tất cả đều nhờ vào khoản lương hàng tháng thu được bằng nghề hớt tóc, cạo mặt, ngoáy tai của Dũng.
Tốt nghiệp đại học xong, chị cả và ông anh thứ hai mang hồ sơ xin việc chạy khắp các nơi suốt hơn năm trời mà vẫn không được chỗ làm. Thất vọng, chị cả theo bà Nga ra chợ bán rau, ông anh thứ hai định lên Tây nguyên xin làm nhân viên y tế tại các buôn làng. Vợ chồng ông Nga thì cứ băn khoăn day dứt, thở ngắn than dài.
Một hôm, thấy anh hai chuẩn bị ra đi Tây nguyên, Dũng vội ngăn lại:
– Anh chị đưa cho em hồ sơ xin việc, may ra em có thể giúp được gì cho anh chị không?
Ông Nga gạt phắt:
– Xí! Cử nhân, bác sĩ chưa ăn thua gì nữa là thằng phó cạo.
Anh hai và chị cả nhìn em một cách lạ lẫm. Cơm nước xong, trước lúc đi làm, Dũng gặp riêng anh chị:
– Anh chị cứ đưa hai bộ hồ sơ cho em.
Chị cả hơi bực dọc vì tự ái:
– Chú thì làm được gì? Không khéo đánh mất hồ sơ thì phiền lắm!
Dũng vẫn kiên nhẫn:
– Chị cứ yên tâm. Không được em hứa sẽ trả lại đầy đủ.
Cực chẳng đã, ông anh thứ hai đưa hai bộ hồ sơ cho Dũng, giọng không hài lòng:
– Xin việc khó lắm chứ không phải như việc húi tóc của chú đâu. Anh chị đã chạy chọt khắp nơi rồi. Nhưng thôi, để làm vui lòng chú vậy. Mà phải cẩn thận đấy. Để thất lạc hồ sơ là khổ anh.
Dũng nhét vội hai bộ hồ sơ vào chiếc túi đựng đồ nghề rồi lặng lẽ ra đi. Ba hôm sau, vừa bước chân vào nhà, Dũng đã nghe giọng dấm dẳng của người chị cả:
– Hồ sơ xin việc của anh chị đâu rồi Dũng?
Dũng chợt nhớ ra:
– À! Chị không nhắc thì em cũng quên.
Nói xong, Dũng rút từ trong túi đựng đồ nghề cắt tóc ra hai tờ giấy có dấu son đỏ chót đưa cho chị cả:
– Anh hai được phân công tác đến bệnh viện tỉnh, còn chị có quyết định về trường cấp ba trong thành phố.
Cầm tờ quyết định trong tay nhưng anh hai và chị cả vẫn chưa tin đó là sự thật. Ông Nga lại càng nghi hoặc hơn. Mãi đến khi cả hai được làm việc tại cơ quan một cách nghiêm chỉnh, họ mới tin đó là sự thật. Từ đó, chị cả và anh hai rất nể nang người em trai út. Nỗi lo âu phiền muộn của ông bà Nga cũng được giải tỏa. Giá như đứa con trai út ông đã đặt cả niềm tin hy vọng, biết đi theo con đường của anh chị thì ông sẽ hạnh phúc biết bao! Ông Nga thầm nghĩ như vậy.
Từ ngày anh chị đã có việc làm, được đồng lương ổn định, cuộc sống gia đình khá hơn, Dũng lại ít khi về nhà, mà nếu có về cũng rất khuya.
Thấy con làm việc quá sức, đi về thất thường, bà Nga lo lắm. Bà thường khuyên con phải dành thì giờ nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. Bà dọa sẽ không nhận tiền hàng tháng nếu như Dũng không nghe lời bà. Dũng cứ động viên mẹ hãy yên lòng…
Rồi thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà đã hơn sáu năm kể từ ngày Dũng theo học nghề cắt tóc. Người chị cả đã lấy chồng giàu ngay trong thành phố. Ông anh thứ hai cũng sắp lập gia đình. Ông Nga đã nghỉ đạp xe thồ từ lâu.
Một hôm, nhân ngày sinh nhật thứ sáu mươi lăm của ông Nga, chị cả tặng bố một gốc mai xuân đúng sáu mươi năm tuổi. Ông anh thứ hai tặng một hộp nhân sâm Cao Ly chính hiệu. Đến phần Dũng, Dũng từ tốn thưa:
– Thưa bố, mấy năm qua, tuy làm nghề cắt tóc nhưng lúc nào con cũng nhớ lời bố dạy và quyết tâm làm tròn ý nguyện của bố.
Nói xong, Dũng đưa lên bố một phong bì hơi quá khổ bình thường. Ai cũng đinh ninh, bên trong phong bì là những tờ đô la xanh đỏ hoặc những tấm ngân phiếu có ghi tên ông Nga. Ông Nga giận tím mặt. Cho đến bây giờ mà nó còn cố tình làm nhục ông. Ngày xưa, ông rất cần tiền nên phải đạp xe thồ để nuôi con ăn học thành người chứ đâu phải cần cho riêng bản thân ông?
Còn bây giờ, dù nó có làm ông to ông lớn, cho ông tiền triệu bạc tỷ ông cũng cóc cần, đừng nói chi là tiền nó làm ra bằng cái nghề ngoáy tai cạo mặt cho thiên hạ. Nghĩ vậy, ông Nga định cầm chiếc phong bì ném trả lại Dũng. Nhưng qua nắp phong bì bỏ ngõ, ông Nga thấy thấp thoáng một tấm bìa dày màu đỏ có in chữ vàng.
Ông hồi hộp mở ra xem. Ông Nga bỗng lặng người khi nhận ra, đó là bằng cử nhân tin học ưu hạng của Dũng. Nước mắt của ông trào ra, những giọt nước mắt hạnh phúc mà đứa con trai út, đứa con từng bị Ông căm ghét, dòng họ rẻ khinh, một lần nữa lại đem đến cho ông. Ông Nga run run đưa mảnh bằng cho vợ con và họ hàng có mặt trong ngày mừng thọ.
Trong lúc mọi người còn đang ngỡ ngàng xúc động trước sự việc bất ngờ do Dũng mang đến, Dũng từ tốn thưa:
– Thưa bố mẹ, tuần trước, ông hiệu trưởng trường đại học có đích thân mời con vào giảng dạy Khoa tin học và hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để con theo cao học. Nhưng con còn đang phân vân. Dù sao thì con cũng không thể bỏ nghề cắt tóc.
Cũng trong năm đó, Dũng được người chủ hiệu cắt tóc tốt bụng gả cô con gái trẻ đẹp đang dạy Anh văn cấp ba rồi giao cho anh trọn quyền quản lý cửa hiệu. Từ đó, Dũng vừa làm quản lý, thỉnh thoảng cũng đứng ghế phục vụ khách hàng, vừa giảng dạy tin học trong trường đại học.
Bè bạn và khách hàng thường gọi anh bằng cái biệt danh rất thân mật: Anh thợ cạo thành Séville (#1).
Chú thích:
(1-)Tên vở hài kịch của nhà văn Pháp: Bomacse
Cảm ơn Fb cho đọc lại chuyện hay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét