Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du - Tập 3: Bắc Hành Tạp Lục

 


THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU
Thầy Dương Anh Sơn

TẬP 3: BẮC HÀNH TẠP LỤC
NGUYỄN DU 阮攸

THƠ CHỮ HÁN (TẬP BA)
BẮC HÀNH TẠP LỤC 北行雜錄


DƯƠNG ANH SƠN
(CHUYỂN LỤC BÁT – 2003)

PHẦN GIỚI THIỆU

VÀI NÉT VỀ BẮC HÀNH TẠP LỤC
(THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU - Tập 3)

Bắc Hành Tạp Lục là một trong ba tập THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du được sáng tác từ đầu tháng hai đến cuối tháng chạp năm Quí Dậu (1813) và đầu xuân Giáp Tuất (1814) trong chuyến sứ trình sang Bắc Kinh của nhà Thanh nước Trung Hoa. Tập thơ gồm 132 bài thơ qui tụ trong 109 đề tài khác nhau từ những nhận xét các nhân vật lịch sử, ngâm vịnh cảnh sắc hoặc ghi nhận cảm xúc và tâm sự trên đường đi sứ. Đồng thời, qua tập thơ chúng ta cũng đã thấy những chuyển biến tích cực về tư tưởng đạo Phật mà Tố Như thường thao thức, suy nghĩ, tu tập từ những giai đoạn còn ở ẩn nơi dãy Hồng Lĩnh (xem Thanh Hiên Tiền Hậu Tập T.H.T.H.T.). Trong tập thơ này, giữa “những điều trông thấy” (Sở kiến hành) cũng như tìm hiểu con người và nước Trung Hoa, tâm tư của ông vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở để khi đến “Phân Kinh thạch đài” mới ngộ ra được lý lẽ sâu xa của đạo Phật từ kinh sách và cuộc đời. Rải rác trong nhiều bài thơ, chúng ta cũng thấy được mong ước của một Tố Như muốn xa lánh cuộc đời với nhiều phiền toái của danh lợi, lắm sự ô trọc không phù hợp với ông, một nhà nho thấm nhuần tư tưởng đạo Lão, đạo Phật.

1/ Trước hết ở những bài thơ đầu tiên trong Bắc Hành Tạp Lục khi từ
kinh đô Huế ra đến Thăng Long là chặng đầu của sứ trình, Tố Như đã cảm nhận rất rõ sự thay đổi trong xã hội trải qua thời của vua Lê, chúa Trịnh cho đến triều Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn:

“Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành,
Do thị Thăng Long cựu đế kinh...”
(Thăng Long bài 2)

hoặc:

“Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung...”
(Thăng Long bài 1)

Vầng trăng sáng thuở xưa từng soi chiếu lên ngôi thành mới là Thăng
Long...Và những ngôi nhà to lớn cả ngàn năm giờ đã thành con đường lớn, dải thành mới đã làm chìm lấp cung cấm xưa kia... Đó là sự đổi thay, là tính chất vô thường của cuộc đời. Tố Như không khỏi chạnh lòng trước cảnh vật đổi sao dời” ấy:

“Thế sự phù trầm hưu tán thức,
Tự gia đầu bạc diệc tinh tinh...”
(Thăng Long bài 2)

Thôi đừng than thở chuyện đời chìm nổi nữa, đầu của mình cũng đã bạc rồi... Ông đã nhủ lòng mình như thế. Hình ảnh tang thương của sự biến dời lại được ông khắc họa thêm nữa trong “Long thành cầm giả ca” thông qua hình ảnh người đẹp thành Thăng Long thuở nào, giờ đây chỉ còn là một nhan sắc tàn phai: “Nhan sấu thần khô, hình lược tiều” (câu 34). Đây chính là hình ảnh tiêu biểu chi sự suy tàn của một chế độ, một con người. Và đó chính là sự vô thường mà ông đã thấy và từng cố gắng tu tập với đạo thiền để được an định (Thử tâm thường định bất ly thiền -Đề Nhị Thanh động, T.H.T.H.T). Tố Như đã mang theo trong tâm tư những mối băn khoăn ấy suốt cuộc sứ trình. Những điều ông nghĩ ngợi trong khi tìm hiểu con người và đất nước Trung Hoa cũng giúp ông nghiệm ra lẽ đời. Và từ lẽ đời sẽ dẫn ông đến lẽ đạo về sau này.

Khi đến “Quỉ môn quan”, tiếp nối ý tưởng từ “Quỉ môn đạo trung” (T.H.T.H.T), ông đã cho thấy nỗi thương đau do chiến chinh gây ra và nhất là thái độ khinh miệt chiến công xâm lược của bọn giặc phương bắc:

“...Chung cổ hàn phong suy bạch cốt,
Kỳ công hà thủ Hán tướng quân”
(Quỉ môn quan)

Từ xưa cơn gió lạnh đã thổi lên những đống xương trắng, chiến công của tướng nhà Hán kia có gì đáng khen đâu!... Hai câu thơ là một sự phê phán mạnh mẽ những tham vọng cầm quyền của bọn phương bắc đối với nền hòa bình của đất nước ta vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay... Trong bài “Giáp thành Mã Phục Ba miếu” vịnh miếu thờ viên tướng nhà Đông Hán từng gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho dân ta khi dẫn quân chông lại cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đã được Nguyễn Du nhận xét: “Trụ đồng chỉ có thể lừa dối đàn bà nước Việt...”
(Đồng trụ cận năng khi Việt nữ). Đây là sự cười nhạo, khinh bỉ đối với công lao xâm lược của Mã Viện nói riêng và bọn xâm lược phương bắc nói chung.

Chuyến sứ trình sang Bắc Kinh của ông trên đường đi Hà Bắc đã gặp
ngôi mộ chôn con kỳ lân (Kỳ lân mộ-BHTL). Nguyễn Du đã mượn câu chuyện về cái chết của con kỳ lân tiến cống Minh Thành Tổ để phê phán thậm tệ việc vua nhà Minh này đã cho quân xâm lược nước ta trong một thời gian dài gây ra nhiều thảm cảnh không những cho dân Trung Hoa mà cho cả dân Việt.

“... Ngũ niên sở sát bách dư vạn.”

Trong năm năm y đã giết hơn trăm vạn người. Đó là lời kết tội mạnh mẽ đối với sự tàn ác, coi thường nhân nghĩa của tên vua xâm lược nhà Minh, kẻ tiếp nối ý đồ cũng như những tham vọng bao đời của phương bắc luôn muốn lấn chiếm, mở rộng bờ cõi bất chấp tang thương cho dân tộc khác. Và rồi những bọn xâm lược ấy phải trả giá trước sự nổi dậy của phương nam của Lê Lợi và sự giúp sức của danh thần Nguyễn Trãi...:

“... Nhược đạo năng vị thánh nhân xuất,
Đương thế hà nam du tường?”
(Kỳ lân mộ)

(Nếu nói là vì có thánh nhân mà kỳ lân ra đời thì vào lúc đó sao không dạo ở phương nam?)

2/ Kế đến B.H.T.L đã cho thấy một nước Trung Hoa thường tự hào là
trung tâm, là tinh hoa của con người vẫn còn đầy rẫy sự bất công, cách biệt giữa cuộc sống kẻ cầm quyền và dân chúng, giữa những người giàu và kẻ nghèo:

“Chỉ đạo Trung Hoa tận ôn bão,
Trung Hoa diệt hữu như thử nhân...”
(Thái Bình mại ca giả)

Vẫn nghe nói nước Trung Hoa tất cả mọi người đều ấm no, không ngờ nước Trung Hoa cũng có những người (nghèo khổ) như thế này! Không dừng lại ở đây, Nguyễn Du đã mạnh mẽ phê phán cái xã hội đầy sự bất công qua hình ảnh một bên là ba mẹ con người ăn xin đói khổ và một bên là sự cung đốn quá dư thừa cho đoàn đi sứ trong bài “Sở kiến hành”. Đọc bài thơ này, ta có thể chứng kiến “những điều trông thấy” (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du về bộ mặt thật của xã hội Trung Hoa vẫn tự cho mình là tinh túy, đẹp đẽ, mẫu mực cho các lân bang. Người Trung Hoa thường khoe khoang nước họ là nước có đạo lý, có nhân nghĩa. Nhưng những gì mà Tố Như trình bày trong rất nhiều bài thơ đã cho thấy mặt trái của xã hội ấy.

Con đường đi sứ của Tố Như cũng giúp ta hiểu thêm ngoài những sự bất công trong xã hội, thiên tai lụt lội, mùa màng mất mát vẫn thường gây ra việc mất ổn định của xã hội này với đói kém loạn lạc nhiều nơi. Sáu mươi câu trong bài “Trở binh hành” cũng giúp chúng ta thấy một nước Trung Hoa đao binh, loạn lạc thường xuyên xảy ra không những từ thời xa xưa mà còn đến thế kỷ 19 khi Nguyễn Du đi sứ nữa!

3/ Mặt khác, Nguyễn Du luôn tỏ ra kính trọng và đề cao những con người nghĩa dũng, những trung thần tiếng tăm của lịch sử Trung Hoa. Ông đã bùi ngùi, cảm xúc khi đứng trước mộ Đỗ Phủ, một nhà thơ được người Trung Hoa tôn là “Thi thánh” và bày tỏ cảm phục, trân trọng:

“Thiên cổ văn chương, thiên cổ sỉ (sư),
Bình sinh bội phục vị thường ly...”
(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ)

Văn chương ông (Đỗ Phủ) lưu truyền cả ngàn năm và là bậc thầy ngàn đời. Suốt đời vẫn khâm phục và không rời xa thơ của ông... Câu nói ấy của Tố Như đã là sự kính trọng sâu xa với một hiền tài có số phận vất vả, long đong như Đỗ Phủ. Đồng thời, Nguyễn Du cũng rất kính trọng cái chết của những con người trung thực, tài hoa như Khuất Nguyên (xem Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu”). Và ông cũng mượn câu chuyện của vị trung thần này không những để phê phán xã hội Trung Hoa mà cả chốn quan trường của triều Nguyễn đầy những mưu toan quyền lợi, địa vị, mưu hại kẻ khác. Trong bài thơ “Phản chiêu hồn”, ông đã khuyên hồn của Khuất Nguyên đừng trở về trần gian này nữa vì nơi đâu cũng đầy hùm sói, nơi đâu cũng là sông Mịch La nhiều cạm bẫy...:

“Hậu thế nhân nhân gia Thượng Quan,
Địa địa xứ xứ giai Mịch La.
Ngư long bất thực, sài hổ thực...”

Ông tôn kính những bậc thầy của thiên hạ như ta thấy trong bài thơ “Mạnh Tử cổ liểu” là một bài tiêu biểu. Và ngược lại ông cũng kịch liệt chỉ trích bọn gian thần xảo trá hại người trung nghĩa như Tần Cối, Tào Tháo (xem bài “Tần Cối tượng”, bài “Thất thập nhị nghi trủng”). Ngoài ra, bọn người dựa vào mồm mép để mưu lợi cũng là đối tượng để ông phê phán (Tô Tần đình).

Những kẻ này chỉ biết mưu cầu danh lợi cá nhân, thường hay bày vẽ bọn vua chúa tranh giành, gây chiến lẫn nhau làm cho xã hội thêm rối ren loạn lạc.

Nguyễn Du cũng có những bài thơ ca ngợi sự dũng cảm khẳng khái của những tráng sĩ sẵn sàng lấy cái chết, lấy sự hy sinh bản thân để chống lại sự tàn bạo của những chế độ như Tần Thủy Hoàng. Hình ảnh Kinh Kha qua sông Dịch đã là nguồn cảm hứng cho biết bao nhà thơ. Nguyễn Du cũng thế, nhưng ông đã có nhận xét sâu sắc:

“...Mạc đạo chủy thủ cánh vô tế,
Yết can trảm mộc vị tiên thanh.”
(Kinh Kha cố lý)

(Chớ nói là con dao ngắn không làm nên được việc gì. Nó như là thanh tre được giơ cao gióng tiếng khởi đầu cho một giai đoạn mới...)

4/ Ngoài ra, Bắc Hành Tạp Lục cũng cho thấy ít nhiều tâm tư của Nguyễn Du luôn mơ ước một cuộc sống xa lánh những danh lợi phù phiếm, mong muốn có một cuộc sống ẩn dật như ngày nào ờ ngọn Hồng Lĩnh giờ chỉ còn trong giấc mộng (Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng...-Nhiếp Khẩu đạo trung). Và ông cũng ngẫm nghĩ cuộc đời cũng chỉ là một giấc mộng, tựa như áng mây trôi nổi hoặc có chăng chỉ là đám bụi mịt mờ:

“... Thế gian phú quí đẳng phù vân.
Bách niên đáo để giai như thị,

Hồi thủ mang mang nhất phiến trần.”
(Đồ trung ngẫu hứng)

Tâm tư ấy chúng ta đã từng bắt gặp rõ nét trong Thanh Hiên Tiền Hậu Tập với bài “Hành lạc từ” mà Tố Như đã nghiệm thấy nhiều lẽ vô thường qua cuộc đời mong manh. Chính vì thế những bài thơ về sau chuyến sứ trình như “Vinh Khải Kỳ thập tuệ xứ”, “Tiềm Sơn đạo trung”, “Đào hoa dịch đạo trung” ... thấp thoáng hình ảnh của các bậc ẩn sĩ vui với lẽ đạo và xa lánh cuộc đời phức tạp rõ ràng nhất ở trong bài thơ “Hoàng Mai sơn thượng thôn” với hình ảnh của cuộc sống thần tiên ngoài vòng cương tỏa mang hơi hướng Lão Trang. Tuy nhiên, những tâm tư mang ý hướng như thế sẽ không giải quyết được một cách rốt ráo bài toán cuộc đời. Phải đợi đến khi ông đến “Phân Kinh thạch đài” với những kinh nghiệm tu tập đạo thiền, ông mới thực sự ngộ ra rằng “mọi sự đều là không” thể hiện qua câu thơ cuối cùng: “Tài tri vô tự thị chân kinh” (Lương Chiêu Minh thái tử Phân kinh thạch đài). Kinh điển đích thực phải là “không chữ”. Thấu hiểu hai chữ “vô tự”, Tố Như đã bước gần đến sự giác ngộ về lẽ sâu xa của đạo Phật: “Vạn sự giai không” (Mọi sự việc đều là KHÔNG) theo tinh thần của kinh Kim Cương Bát Nhã ông đã đọc hơn cả ngàn lần, giờ đây mới vỡ ra lẽ sâu kín của nó. Nếu Nguyễn Du không ngừng tìm kiếm, thao thức về lẽ thiền thì chẳng bao giờ ông có thể thấu hiểu và bừng ngộ về lẽ sâu xa của đạo Phật như thế.

Cuộc hành trình đi sứ Trung Hoa đã là một cơ duyên thuận lợi mang lại cho Tố Như sự chuyển biến tích cực về mặt tư tưởng đạo Phật góp phần tạo nên hình ảnh của một nhà thơ lớn và một “Đoạn Trường Tân Thanh” hoàn mỹ đặt trên nền tảng của tư tưởng đạo Phật như ta đã thấy.

* * *

Tựu trung đọc THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du từ Thanh Hiên Tiền Hậu Tập đến Nam Trung Tạp Ngâm và đặc biệt là Bắc Hành Tạp Lục đã giúp chúng ta thấy được phần nào con đường của tâm tư Tố Như. Đó là một nhà nho chân chính luôn giữ tròn nhân cách giữa bao biến chuyển của thời đại. Đồng thời, Tố Như cũng là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Lão Trang và nhất là tư tưởng thiền của đạo Phật. Trong cuộc sống xã hội, ông luôn làm tròn chức trách và giữ được phẩm cách tốt đẹp khi còn là một nho sĩ nghèo khổ cũng như khi bước chân vào chốn quan trường danh lợi đua chen.

Hai trăm năm mươi bài thơ(250) tìm thấy được gộp chung gọi là THƠ CHỮ HÁN của TỐ NHƯ đã cho thấy cốt cách của một bậc thi hào thấm đượm chất nhân bảnsự tài hoa, hiểu rộng. Chúng ta đọc Đ.T.T.T và Văn Tế Chiêu Hồn (tức Chiêu Hồn Ca) để thấy lòng từ tâm, sự tài hoa của Nguyễn Du và đọc THƠ CHỮ HÁN để nhận thấy rõ hơn về chân dung của một nhà thơ lớn xứng đáng trở thành danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới.

[Lần đến: BẮC HÀNH TẠP LỤC - Bài 1 (hai bài) và bài 2]

Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét