LTS: Chúng tôi đã đăng lại 2 bài viết từ Việt Nam Thời Báo về lịch sử khu vực Tây Nguyên; các chính sách cưỡng chế đất, xóa bỏ lịch sử văn hóa, đồng hóa, phân biệt đối xử với người Thượng bản địa tại Việt Nam; căng thẳng chính trị và xã hội tại Tây Nguyên; và lịch sử đấu tranh của người Thượng. Hôm nay, chúng tôi xin phép chia sẻ bài viết thứ 3 trong loạt bài của Việt Nam Thời Báo. Bài 3: Buôn làng Tây Nguyên bị phá vỡ Tác giả: Quang Nguyên (VNTB)
Trước năm 1975, cấu trúc hành chính và xã hội trong các buôn làng của người dân tộc bản địa Tây Nguyên, như người Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, và M’nông…, mang tính truyền thống và tập quán lâu đời, không hoàn toàn phù hợp với mô hình dân chủ như chúng ta hiểu trong xã hội hiện đại, nhưng các hệ thống này vẫn có một số yếu tố tương đồng với khái niệm dân chủ cộng đồng. Trong các buôn-đơn vị hành chánh truyền thống là một khối dân với những gia đình cư sống trong một khoảng rừng (Georges Condominas). Người đứng đầu là Già Làng được tôn vinh dựa trên uy tín, kinh nghiệm, và sự kính trọng của cộng đồng. Quyền lực của Già Làng không mang tính áp đặt, mà chủ yếu dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng và ý kiến đóng góp của các thành viên trong làng. Quyết định quan trọng như phân chia đất đai, xử lý các mâu thuẫn, hay tổ chức các nghi lễ đều thường được thảo luận trong hội đồng làng, nơi mọi người có thể lên tiếng và bày tỏ ý kiến. Do vậy, dù không có một hệ thống bầu cử chính thức hay các thể chế dân chủ như hiện nay, cơ chế trong các buôn Tây Nguyên trước 1975 có tính đồng thuận cao, gần gũi với một hình thức dân chủ trực tiếp dựa trên sự tham gia của cộng đồng. Ngay cả khi cần áp dụng luật pháp, Già Làng hoặc/và hội đồng trong buôn sẽ chịu trách nhiệm phân xử. Các quyết định thường dựa trên luật tục (pháp luật truyền miệng được truyền từ đời này sang đời khác) và tập quán truyền thống. Các hình phạt có thể là bồi thường bằng lương thực, vật nuôi, tài sản, hoặc lao động công ích, nặng hơn có thể bị trục xuất khỏi buôn. Chưa thấy có án bị hành xác, đánh đập, phạt tù hay tử hình. Sau năm 1975, hệ thống tự trị truyền thống, vốn được điều hành bởi Già Làng và dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Các điểm thay đổi chính, quan trọng về cấu trúc hành chính trong buôn làng là vai trò của Già Làng trong quảng lý hành chính và thay thế bằng cán bộ Đảng viên. Vai trò của Già Làng bị loại bỏ và quyền lực nằm trong tay cán bộ chính quyền. Già Làng, trước đây không chỉ là người lãnh đạo chính trị mà còn là người bảo vệ văn hóa, truyền thống luật tục và tín ngưỡng. Sau 1975, vai trò của Già Làng trong quản lý hành chính bị chấm dứt khiến người dân mất đi sự kết nối với các phong tục truyền thống. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mà phong tục và lễ hội là một phần cốt lõi của đời sống tinh thần và xã hội của người dân tộc thiểu số. Thay vào đó, quyền hành chính được chuyển giao cho các cán bộ chính quyền, do nhà nước bổ nhiệm hoặc bầu ra. Cơ cấu này bao gồm các trưởng thôn, trưởng buôn. Cán bộ chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải là Đảng viên. Cán bộ buôn là do chính quyền xã bầu hoặc bổ nhiệm. Vì không hiểu văn hóa, tập tục, tín ngưỡng và nhu cầu của dân dẫn đến dân không tin, không ưa, không hài lòng với cách thức quản lý hành chính mới của các cán bộ. Các chính sách và quyết định hành chính không còn xuất phát từ nguyện vọng và nhu cầu thực tế của người Thượng. Người Thượng phải chấp nhận sống dưới sự áp đặt từ chính quyền trung ương, điều này tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa người dân và chính quyền. Người Thượng khó lòng chấp nhận các quyết định hành chính, luật lệ, nghị quyết, nghị địnhtừ trên đưa xuống. Việc thay thế Già Làng không chỉ làm mất đi tính liên kết truyền thống mà còn làm cho sự gắn kết xã hội bị xáo trộn. Người dân có thể cảm thấy bị tách biệt khỏi hệ thống quản trị mới, không còn được tham gia trực tiếp vào các quyết định quan trọng của buôn làng, từ đó mất đi lòng tin và sự đoàn kết. Hệ thống tự trị dân chủ và đầy tình người qua Già Làng và hội đồng buôn bị tước đoạt, người dân cảm thấy mất đi quyền tự quyết vốn truyền tải xuống từ bao thế hệ của mình. Quyền lực của Già Làng không chỉ là biểu tượng, mà còn bảo đảm cho sự ổn định và gắn kết xã hội dựa trên văn hóa, tín ngưỡng và luật lệ phong tục địa phương. Khi quyền lực này bị tước đoạt, người dân cảm thấy mất đi một phần quan trọng của đời sống và bản sắc đặc thù, số phận của họ nằm trong tay người xa lạ. Dù vậy hầu như người dân các buôn đều vẫn tôn trọng Già Làng dù các Già Làng không còn quyền quyết định trong các vấn đề hành chính, chính trị. Khi những Già Làng chết đi, người ta không bầu Già Làng mới. Buôn làng mất Già Làng là mất chỗ dựa tinh thần từng tồn tại hàng bao nhiêu năm. Lo sợ lòng dân sẽ bất mãn, không tin tưởng đảng và nhà nước vì không còn Già Làng, ĐCSVN đặt ra những “người có uy tín trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số”, gọi đó là “Vai trò và đóng góp của lực lượng quần chúng đặc biệt” thay thế Già Làng.(*) Việc bãi bỏ Già Làng và bổ nhiệm Đảng viên lãnh đạo buôn thực sự được xem là một bước thụt lùi đối với dân chủ và tự do trong cộng đồng dân tộc bản địa Tây Nguyên. Quyền tự do lựa chọn lãnh đạo, tự trị trong quản lý, và duy trì văn hóa truyền thống đã bị thu hẹp. Thay vào đó, mô hình quản lý tập trung của Đảng đã hạn chế sự tham gia tự do của người dân trong các quyết định chính trị, đồng thời làm mất đi tính dân chủ dựa trên sự đồng thuận cộng đồng. Tương lai của các buôn làng Tây Nguyên và cộng đồng dân tộc bản địa đối mặt với nhiều thách thức khi họ vừa mất dần lịch sử, mai một văn hóa và mất quyền tự trị do bị áp đặt từ hệ thống chính trị tập trung. Những yếu tố này không chỉ đe dọa sự tồn tại của bản sắc văn hóa mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và tương lai của các cộng đồng dân tộc bản địa Tây Nguyên. Mất Già Làng, mất tự chủ, bị cai trị bởi những Đảng viên Cộng sản vô thần, không hiểu truyền thống dân tộc bản xứ, cứng ngắc trong việc áp dụng luật pháp và người dân bị bóc lột, buôn làng Tây Nguyên đã bị phá vỡ. _____________________ Tham Khảo: (*) ttps://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/cham-lo-xay-dung-doi-ngu-nguoi-co-uy-tin-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-gop-phan-thuc-hien-tot-chinh-sach-dan-toc https://vietnamnet.vn/tich-cuc-van-dong-dong-bao-cac-dan-toc-chap-hanh-chinh-sach-phap-luat-2192189.html https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CERD%2FC%2FVNM%2FCO%2F15-17&Lang=en https://suphamk2dalat.wordpress.com/nguoi-thuong-o-tay-nguyen/ https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2005/08/050817_tuchitaynguyen
Bàl liên quan: Tây Nguyên: Nước mắt và máu (Bài 2) - Tây Nguyên đang đi về đâu? Tây Nguyên: Nước mắt và máu (Bài 1) - Tây Nguyên và thú dữ
Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét