TẠI SAO CÓ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THÍCH ĐƯỢC KHEN
Christine Ro
Cụm từ “101 manieren om een kind te prijzen" (101 cách khen ngợi một đứa trẻ) được in trên áp phích giáo dục ở Hà Lan, với những lời khen được gợi ý như “con làm giỏi lắm” hay “tốt lắm”.
Thông điệp của người viết có vẻ vô hại, thậm chí có ích. Nhưng Eddie Brummelman, phó giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học Amsterdam, coi đây là lời khen ngợi quá mức.
Và nghiên cứu của ông cho thấy rằng khen ngợi quá đà thực sự có thể khiến người ta càng tự ti hơn, ngay cả khi mục đích khen là để nâng cao sự tự tin.
Không chỉ những lời tâng bốc mới có thể gây khó chịu. Một phụ nữ Đức gạt đi lời khen của đồng nghiệp về ngoại hình của cô, hoặc một chàng trai Nhật Bản trả lời "Không, không" khi người thân nói anh ta tài năng, một số trường hợp phản ứng như vậy có thể bị coi là vô ơn.
Thật vậy, trên mạng có rất nhiều lời khuyên để bạn đón nhận những lời khen ngợi một cách tốt hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý học cho thấy, việc hạ thấp những lời khen không nhất thiết là một điều sai trái.
Đây là tin tốt cho nhiều người cảm thấy “đứng hình” khi nhận được một lời khen, sau đó tự trách mình vì lúc đó đã phản ứng dường như không thỏa đáng.
Những lời khen ngợi rập khuôn
Một lý do khiến bạn không cần phải lúc nào cũng học cách trở thành người nhận lời khen tốt hơn là vì một số lời khen vô tình mang tính xúc phạm. Khi người Mỹ da màu được nhận xét là "ăn nói lưu loát" hoặc người châu Á sinh ra ở Mỹ được khen vì khả năng nói tiếng Anh trôi chảy của họ, lời khen đó bộc lộ thiên kiến của người nói: trong trường hợp này, họ ngạc nhiên khi một nhóm người thiểu số lại có thể ăn nói tốt.
Những lời khen ngợi trịch thượng dựa trên đặc điểm của một nhóm người (chẳng hạn như: "Bạn đã thể hiện khả năng lãnh đạo” khi khen một phụ nữ) có thể dẫn đến sự tức giận và mong muốn đối đầu.
Thông thường thì những lời khen tuân theo các chuẩn mực giới tính, nhưng những lời khen không phù hợp có thể tạo ra khuôn mẫu. Quấy rối tình dục có thể được ngụy trang dưới dạng khen ngợi, điều này thường đặt gánh nặng lên vai phụ nữ là phải chấp nhận hành vi quấy rối một cách lịch sự, thay vì nam giới không được quấy rối và coi phụ nữ như đồ vật.
"Các bằng chứng tâm lý cho thấy những lời khen về ngoại hình có thể khiến phụ nữ mệt mỏi."
Nhìn chung, phụ nữ nhận được nhiều lời khen hơn nam giới. Khi đàn ông được khen ngợi thì chủ yếu là dựa vào khả năng của họ, trong khi những lời khen dựa trên ngoại hình lại phổ biến hơn đối với phụ nữ. Và những lời khen này có tác dụng rõ rệt.
“Những lời khen về ngoại hình dẫn đến sự tập trung vào ngoại hình và theo dõi cơ thể,” Rotem Kahalon, trợ lý giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Bar-Ilan ở Ramat-Gan, Israel, cho biết.
Nghiên cứu về khoa học thần kinh cho thấy rằng những từ ngữ đề cập đến ngoại hình, bao gồm cả những lời khen tập trung vào cơ thể, được não xử lý nhanh chóng và chính xác hơn những từ ít liên quan đến ngoại hình, chẳng hạn như "thân thiện".
Một hậu quả tiềm tàng thực sự là lời khen làm chậm suy nghĩ của người được khen. Bà Kahalon là đồng tác giả một nghiên cứu trên các sinh viên đại học Israel, phát hiện ra rằng cả sinh viên nam và nữ khi nhận được những lời khen về ngoại hình sau đó đều làm bài kiểm tra toán kém hơn nhiều.
Mặc dù những lời khen ấy có thể mang lại cảm giác dễ chịu nhưng bà Kahalon giải thích điều này có nghĩa là việc được khen có thể tạo ra cảm giác mất tập trung và làm suy yếu hiệu suất nhận thức. “Cơ chế này là một trạng thái tinh thần suy giảm về mặt nhận thức,” chuyên gia này nói.
Có những bằng chứng tâm lý khác cho thấy những lời khen dựa trên ngoại hình có thể đặc biệt khiến phụ nữ thấy mệt mỏi. Trong một nghiên cứu đối với các sinh viên Ý mô phỏng một cuộc phỏng vấn xin việc, những lời khen không phù hợp làm tăng mức độ lo âu và trầm cảm ở phụ nữ, mặc dù ở nam giới thì không. Đồng thời, phụ nữ ở nhiều nền văn hóa được kỳ vọng vừa phải khiêm tốn vừa phải thu hút, tạo ra căng thẳng về cách đáp lại những lời khen ngợi.
Nhìn chung, "những lời khen ngợi về ngoại hình càng làm tăng vai trò truyền thống của phụ nữ là những đối tượng tình dục mà ngoại hình của họ thường xuyên bị kiểm soát," theo bà Kahalon.
Mặc dù khen ngợi ngoại hình của phụ nữ có vẻ là trong sáng và thậm chí tích cực, nhưng "cũng nhằm duy trì hiện trạng giới tính, trong đó phụ nữ được đánh giá dựa trên ngoại hình của họ," bà nhận định.
Đáp lại lời khen
Trong khi nghiên cứu về phản ứng với lời khen được thực hiện chủ yếu ở các xã hội "WEIRD" (viết tắt của Western - phương Tây, Educated - có giáo dục, Industrialised - công nghiệp hóa, Rich - giàu có và Democratic - dân chủ) và sinh viên ở đây có xu hướng được đại diện quá mức với tư cách là người tham gia nghiên cứu, thì các nghiên cứu đa văn hóa cho thấy rằng không có một mẫu số chung trên toàn cầu cho các phản ứng đáp lại lời khen ngợi.
Có một điều, ở một số xã hội, những lời khen ngợi không được nhìn nhận một cách tích cực. Ví dụ, những lời khen ngợi có thể bị coi là mang tính đe dọa trong những cộng đồng có niềm tin mạnh mẽ vào sự đố kỵ và phép thuật phù thủy.
Ngay cả trong những xã hội mà phần lớn những lời khen được coi là tích cực, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận các mức độ chấp nhận khác nhau (thường được biểu hiện đơn giản bằng cách nói "cảm ơn"). Một nghiên cứu đối với những người nói tiếng Anh ở Nigeria cho thấy 94% lời khen về họ đã được chấp nhận, so với 88% trong một nghiên cứu đối với người Nam Phi, 66% trong một nghiên cứu với người Mỹ và 61% trong một nghiên cứu với người New Zealand.
Nhưng có rất nhiều cách để đáp lại lời khen ngoài việc chấp nhận hay từ chối đơn giản. Một phân tích những cuộc đối thoại của người Đức cho thấy rằng mặc dù phần lớn những người tham gia nghiên cứu đều chấp nhận những lời khen ngợi nhưng họ có xu hướng không đáp lại bằng cách nói "cảm ơn".
Thay vào đó, đôi khi họ nhận xét về chính lời khen đó, chẳng hạn như bằng cách trả lời "tốt quá" khi được nói "tối nay ở chỗ bạn thích quá". (Đây có thể là một phần của văn hóa lịch sự của người Đức, nơi những lời khen ngợi ít được sử dụng thường xuyên nhưng lại trung thực hơn so với, chẳng hạn như, ở Mỹ.)
Nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự xung đột nội tâm khi ai đó được khen ngợi, giữa việc muốn cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ bằng cách đồng tình, nhưng cũng thấy phải tránh tự ca ngợi bản thân. Xung đột này có thể đặc biệt mạnh mẽ trong một số bối cảnh nhất định.
Tại Nhật Bản, nơi thường có áp lực từ chối khen ngợi, 45% lời khen trong một nghiên cứu đã dẫn đến phản ứng tiêu cực. Nhưng những người nói tiếng Nhật có nhiều cách khác nhau để thừa nhận một lời khen mà không tán thành hay từ chối thẳng thừng, chẳng hạn như gật đầu liên tục hoặc gợi ý một cách hài hước rằng việc được khen đó thực sự là không tốt.
Đối với một người lớn lên trong một nền văn hóa mà thái độ phản hồi có xu hướng tập trung vào cách cải thiện hơn là những gì họ đang làm tốt, đôi khi họ có thể không thoải mái khi nhận được lời khen. Florrie Fei-Yin Ng, giáo sư khoa tâm lý giáo dục tại Đại học Trung văn Hong Kong, cho biết trẻ em Trung cộng “được huấn luyện để tập trung vào những khuyết điểm của mình và không khoe khoang về thành tích bản thân”.
“Từ góc độ này, không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ em Trung cộng có thể cảm thấy khó chịu khi nhận được lời khen ngợi,” bà nói.
Trong khi quá trình phương Tây hóa văn hóa Trung cộng đang diễn ra, đồng nghĩa với việc việc chấp nhận lời khen ngợi ngày càng tăng ở nước này (và ở các quốc gia khác, bao gồm cả Iran), giáo sư Ng nói rằng trẻ em Trung cộng vẫn đang quan sát cách người lớn phản ứng với lời khen và học theo.
Ví dụ, trẻ con có thể thấy rằng khi người thân khen ngợi các em trước mặt cha mẹ, cha mẹ các em sẽ khước từ hoặc làm nhẹ lời khen ngợi đó, bà nói.
Tất nhiên, cách nuôi dạy con cái này vốn chưa chắc đã tốt hơn kiểu khác. Việc liên tục khen ngợi trẻ mà không quan tâm đến việc trẻ thực sự thể hiện như thế nào có thể trở nên sáo rỗng và không hiệu quả.
Nhưng không khen cũng có thể gây tổn hại cho việc điều chỉnh cảm xúc.
“Một hành vi có tác động đến những kết quả tích cực ở trẻ hay không còn phụ thuộc vào mức độ mà hành vi đó được xã hội chấp nhận trong thế giới của đứa trẻ đó,” bà Ng nói.
Đối với một số người lớn cũng vậy, những lời chỉ trích có thể mang lại nhiều khích lệ hơn là khen ngợi. Ví dụ, các chuyên gia có xu hướng được tạo động lực từ những phản hồi tiêu cực hơn những người mới vào nghề.
Khi lời khen không hữu ích
Tất nhiên, cũng có những yếu tố tính cách ảnh hưởng đến cách một người phản ứng với những lời khen. Khen ngợi có thể khiến những người tự ti lo lắng, bởi vì những lời khen khác với quan điểm của họ về bản thân và khiến họ hiểu lầm. Nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực cũng cao ở những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội.
Nhưng ngay cả đối với những người bình thường, một lời khen bất ngờ cũng có thể gây bất ổn.
“Về bản chất, khen ngợi là một sự đánh giá,” phó giáo sư Brummelman nói. Ngay cả khi điều đó là tích cực, "không phải lúc nào mọi người cũng thích được đánh giá... điều đó khiến bạn mất tập trung, khiến bạn quan tâm hơn đến những gì người khác nghĩ về mình".
Ngoài việc đột nhiên gây ra cảm giác không mong muốn rằng bạn đang bị phán xét, lời khen có thể đột ngột khiến bạn nhận thức rõ hơn về sự khác biệt quyền lực. Ông Brummelman cho rằng suy cho cùng "việc giáo viên khen ngợi học sinh là điều rất bình thường, nhưng việc học sinh khen ngợi giáo viên lại không phổ biến lắm. Tôi nghĩ bạn cũng thấy điều tương tự ở công sở."
Nghiên cứu của ông Brummelman với trẻ em cho thấy rằng trẻ em có thể rất nhạy cảm với cách các em được khen ngợi. Ví dụ, những lời khen ngợi quá mức từ giáo viên có thể cho thấy họ đặt kỳ vọng thấp vào một số học sinh nhất định, chẳng hạn như những học sinh có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp, và đang khen ngợi một cách quá đà để bù đắp cho các em. “Sau đó, học sinh hiểu những lời khen ngợi quá mức là bằng chứng cho thấy các em không thông minh lắm,” ông Brummelman cho biết.
Trong một nghiên cứu về trẻ em học hát ở Hà Lan, phó giáo sư Brummelman và các đồng nghiệp cũng phát hiện ra rằng những lời khen ngợi không đúng chừng mực khiến những đứa trẻ lo âu về xã hội đỏ mặt. “Đỏ mặt thực sự là một dấu hiệu cho thấy người khác có thể đánh giá bạn một cách tiêu cực,” ông giải thích. "Chúng ta thường đỏ mặt khi là trung tâm của sự chú ý." Trong trường hợp này, khi lo âu xã hội là một yếu tố khiến trẻ khó chịu thì một yếu tố khác là mức độ khen ngợi. Nói với trẻ hãy chấp nhận một lời khen quá mức mà không đỏ mặt sẽ không giúp ích.
Trẻ em thể hiện nhận thức về các sắc thái của lời khen ngay từ khi còn rất nhỏ. “Trẻ mầm non, khi thấy giáo viên khen ngợi quá nhiều… bất kể các em làm có tốt không, các em bắt đầu ít tin tưởng vào lời khen của giáo viên hơn”, theo Brummelmam.
Nói cách khác, giá trị của lời khen sẽ giảm đi nếu được sử dụng bừa bãi.
Trên thực tế, lời khen quá mức có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
"Cha mẹ thường khen ngợi những đứa trẻ tự ti. Và đó là vì họ nghĩ những đứa trẻ này cần được khen ngợi để các em cảm thấy tốt hơn về bản thân. Nhưng điều đó không đúng”, chuyên gia này nói.
Nghiên cứu của ông và đồng nghiệp cho thấy rằng khi những đứa trẻ tự ti nhận được nhiều lời khen ngợi quá mức, sự tự ti của các em thực sự lớn hơn theo thời gian. Lời khen ngợi quá mức đặt ra những kỳ vọng không thể đo lường được, đồng thời báo hiệu cho trẻ biết rằng giá trị bản thân của các em nên gắn liền với những lời khen ngợi bên ngoài.
Ông Brummelman ủng hộ việc phá vỡ vòng luẩn quẩn bằng cách khen ngợi sáng suốt hơn và phù hợp hơn. Mặc dù đôi khi phụ huynh khen ngợi để thể hiện sự quan tâm nhưng vẫn có nhiều cách khác để làm điều đó.
Ví dụ, thay vì khen ngợi một cách tự động và nhiệt tình khi trẻ vẽ tranh, cha mẹ có thể chỉ cần ngồi xuống và nói về bức tranh, bày tỏ sự quan tâm.
Ông Brummelman tin rằng: “Bọn trẻ khao khát sự ấm áp và tình cảm hơn là khao khát những đánh giá tích cực của bạn”. Nhìn chung, “tôi nghĩ chúng ta thực sự đã đánh giá quá cao mức độ mọi người thích được khen ngợi,” ông nói.
Giảm bớt áp lực
Cho nên, mặc dù điều quan trọng là không coi những người đưa ra lời khen là xấu xa, họ khen người khác với ý định làm cho người khác cảm thấy dễ chịu, thì cần xử lý lời nói cẩn thận hơn.
Đồng thời, người nhận lời khen có thể thấy thoải mái hơn nếu họ không luôn có đủ năng lượng để chấp nhận lời khen một cách duyên dáng. Điều này có thể liên quan đến đặc điểm tính cách hoặc yếu tố văn hóa không dễ (hoặc không cần thiết) để thay đổi. Hoặc một lời khen có thể chỉ đơn giản là tiết lộ về mục tiêu của người khen hơn là nhu cầu của người được khen.
“Có rất nhiều lý do khác nhau khiến lời khen có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ,” ông Brummelman kết luận. “Tôi chắc chắn tin rằng trách nhiệm của một người không phải là học cách đón nhận một lời khen. Nhưng điều có thể hữu ích là bạn chỉ cần thực hành cách phản ứng tiêu chuẩn mà bạn đưa ra và không quan tâm quá nhiều nếu điều đó khiến bạn cảm thấy khó chịu.”
Christine Ro
Báo Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét