CA SĨ HÀ THANH HÁT NHẠC NGUYỄN VĂN DÔNG [10 Ca Khúc]
Tran nang Phung chia sẻ
Nguyễn Văn Đông & Hà Thanh
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15/3/1932, tuổi Nhâm Thân. Ông hiếm khi viết về đời sáng tác Âm nhạc của mình. Câu chuyện dưới đây rất đáng nghe lại.
… Lần đầu Nguyễn Văn Đông gặp Hà Thanh là vào năm 1963 tại Đài Phát thanh Sài Gòn ở số 3 đường Phan Đình Phùng hồi trước. Khi ấy, ông là trưởng ban văn nghệ Tiếng Thời Gian của Đài Sài Gòn với các ca sĩ như Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch, Minh Diệu, Mạnh Phát, Thu Hồ, Anh Ngọc, vv. Ngày đó, Hà Thanh từ Huế vào thăm người chị lập gia đình với một vị Đại tá đang làm việc tại Sài Gòn. Chính Mạnh Phát đã cho Nguyễn Văn Đông biết về Hà Thanh, nên ông nhờ ông Mạnh Phát liên lạc mời Hà Thanh đến hát cùng ban Tiếng Thời Gian.
Đó là lần đầu ông Đông được tận tai nghe tiếng hát Hà Thanh, hát nhạc sống và hát thật ngoài đời với ban nhạc của chính ông, không nghe qua làn sóng phát thanh hay qua băng đĩa nhạc. Chuyện này giúp cho ông có cơ sở nhận định chính xác về giọng hát Hà Thanh. Ông hiểu ngay đây là giọng ca thiên phú, kỹ thuật tốt, làn hơi diễn cảm tuyệt đẹp, là một vì sao trong những vì sao hiếm hoi ở đỉnh cao nghệ thuật nhưng chưa có cơ hội bừng dậy hết hào quang.
Ngay sau đó, ông mời Hà Thanh thu âm cho Hãng đĩa Continental. Bản nhạc đầu tiên ông trao cho Hà Thanh là bài Về Mái Nhà Xưa do ông sáng tác. Lần đó, chị hát thật tốt, toàn ban nhạc và ban giám đốc hãng Continental rất hài lòng, khen ngợi. Sau đó, chị từ giã về lại Huế, trở về lại với cố đô trầm mặc, tĩnh lặng, không sôi nổi như thủ đô Sài Gòn, là cái nôi của Âm nhạc thời bấy giờ.
Sau khi Hà Thanh về Huế, Nguyễn Văn Đông có nhiều suy tư về giọng hát đặc biệt này. Ông cho đây là vì sao còn bị che khuất, chưa tỏa hết ánh sáng, vì chưa có hoàn cảnh thuận lợi để rực lên. Nếu phó mặc cho thời gian, cho định mệnh, có thể một ngày kia sẽ hối tiếc. Vì vậy, ông đem việc ra bàn với ban giám đốc hãng đĩa Continental để mời chị vào Sài Gòn cộng tác.
Chính ông viết thư mời Hà Thanh vào Sài Gòn với những lý lẽ rất thuyết phục, rất văn nghệ cũng như rất chân tình. Và Hà Thanh đã vào sau khi phải thuyết phục gay go với gia đình bố mẹ, vốn giữ nề nếp cổ xưa của con người xứ Huế. Ngày đó Hà Thanh vào Nam, hòa nhập vào đời sống người Sài Gòn, vào nhịp đập âm nhạc Sài Gòn, vốn đứng đầu văn nghệ cả nước. Hà Thanh đi thu thanh cho Đài Phát thanh Sài Gòn, Đài Phát thanh Quân Đội và liên tục nhận được lời mời của các hãng băng đĩa nhạc như Sóng Nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải và hầu hết các trung tâm ở thủ đô, chứ không phải chỉ độc quyền cho hãng Continental và Sơn Ca của ông Nguyễn Văn Đông.
Ngày đó, tiếng hót của con chim Sơn ca ấy từ đất Huế cố đô đã vang thật xa, đi vào trái tim của hàng bao nhiêu người yêu mến tiếng hát Hà Thanh. Chị hát hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Văn Đông. Bài nào ông cũng thích, cũng vừa ý, có lẽ vì vậy mà ông đã không nghĩ đến chuyện viết bài nào riêng cho chị. Ông nhớ lại một chuỗi những sáng tác trong thời binh lửa như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người Lính Chiến, Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt đều rất hợp với tiếng hát Hà Thanh và chị hát rất thành công.
Hà Thanh không chỉ hát suông mà còn sáng tạo trong khi hát. Chị đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất đẹp làm cho bài hát của ông Đông thêm thăng hoa, trong âm điệu cũng như trong lời ca. Khi hát, chị đã sống và cùng đồng điệu bao cảm xúc sẻ chia với tác giả trong trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật. Chị hát rất thoải mái, dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng lại cuốn hút khán giả trong những bềnh bồng không gò ép đó. Ông Đông viết: “Tôi cảm ơn tiếng hát của Hà Thanh đã mang lại cho các bài hát của tôi thêm nhiều màu sắc, thêm thi vị, bay bổng”.
Trước khi đến với Hà Thanh, ông Đông cho biết mình cũng rất thích tiếng hát của Thái Thanh, Lệ Thanh, Khánh Ngọc và nhiều người khác đã gieo khắp phương trời tiếng lòng của chính ông, cũng như về sau này có thêm các học trò khác của ông như Thanh Tuyền, Giao Linh đã giúp cho ông là người thầy, truyền tải năm dòng kẻ đến trái tim người yêu nhạc. “Nhưng đặc biệt, tiếng hát Hà Thanh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm tốt đẹp, bền bỉ, tuy thời gian ngắn ngủi kể từ khi cô bỏ đi lấy chồng (1) để lại tôi độc hành trên con đường nghệ thuật” - Nguyễn Văn Đông luyến tiếc.
Sau 1975, ông không còn dịp hợp tác với Hà Thanh như trước, nhưng thỉnh thoảng vẫn được nghe chị hát một sáng tác mới của ông ở hải ngoại. Ông cảm thấy giọng của chị vẫn đậm đà phong cách trình diễn như ngày xưa, vẫn một Hà Thanh diễn cảm, sang trọng, sáng tạo trong khi hát, mặc dù thời gian chia cách đã hơn bốn mươi năm.
Tran Nang Phung chia sẻ
Kính mời quý vị thưởng thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét