Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Họp Báo Về USCIRF: "Hội Thánh Đã Trục Xuất Chúng Tôi Khi Chính Quyền Buộc Chúng Tôi Bỏ Đạo"

 


HỌP BÁO VỀ USCIRF: "HỘI THÁNH ĐÃ TRỤC XUẤT CHÚNG TÔI KHI CHÍNH QUYỀN BUỘC CHÚNG TÔI BỎ ĐẠO"
Mạch Sống

Họp báo về USCIRF: “Hội thánh đã trục xuất chúng tôi khi chính quyền buộc chúng tôi bỏ đạo”

2024-11-23

Hải Di Nguyễn

Khi nghe tới đàn áp tôn giáo, người ta thường nghĩ tới các vụ trừng phạt tội báng bổ hoặc tấn công các cộng đồng thiểu số ở các nước Hồi giáo; hay chính sách đồng hóa và đàn áp nặng nề của ĐCS Trung Quốc với cộng đồng Pháp Luân Công, Phật giáo Tây Tạng, và Hồi giáo Tân Cương; hay vụ thảm sát người Rohingya ở Miến Điện.

Ít người nghĩ đến Việt Nam. Nhiều người Việt cũng không nghĩ đến Việt Nam.

Ngày 27/9/2024 vừa qua, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (United States Commission on International Religious Freedom, gọi tắt USCIRF) đã công bố tài liệu nghiên cứu cho thấy nhà nước Việt Nam cũng bóp nghẹt tự do tôn giáo, cũng đàn áp một cách hệ thống, nhưng tinh vi hơn: qua các tổ chức tôn giáo chính họ lập ra hoặc giật dây điều khiển.

Đây là ủy hội đưa khuyến nghị cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List, tức SWL) và Các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt (Countries of Particular Concern, tức CPC) về vấn đề tôn giáo.

BPSOS đã góp phần cho nội dung bản báo cáo, và vào ngày 21/11/2024 vừa qua, đã tổ chức buổi họp báo về tài liệu này.

Nhưng bản báo cáo này của USCIRF có gì quan trọng?

 

Với những người khẳng định, hoặc cho rằng, Việt Nam không có đàn áp tôn giáo

Chính phủ Hoa Kỳ hay lãnh đạo các quốc gia hay các tổ chức nhân quyền quốc tế có thể không quan tâm hoặc không thực sự tin nếu một cá nhân người Việt hoặc một tổ chức của người Việt (như BPSOS) nói những tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay Chi phái Cao Đài 1997 là trợ cụ cho nhà nước đàn áp tôn giáo.

Có thể chính bạn cũng nói Việt Nam làm gì có vấn đề tôn giáo.

Không cần tin chúng tôi.

Hãy đọc chính bản báo cáo của USCIRF. Hãy nghe phần phát biểu của chính GS. TS. Stephen Schneck, Chủ tịch USCIRF, tại buổi họp báo. Hãy nghe chính các nạn nhân. Hãy nghe bà H Bleng Niê kể câu chuyện chồng mình, ông Y Pum Pyă, hai lần tù đày với bản án 8 năm và 14 năm chỉ vì cương quyết không gia nhập Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam. Hãy nghe ông A Mich nói về cái chết bất thường của thầy truyền đạo Y Bum Byă, thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên. Hãy nghe chị H Lisa Niê nói “Chúng tôi bị sách nhiễu, bị bắt bớ, bị đánh đập từ mấy chục năm nay.” Hãy nghe chị Lầu Y Lỳ và Lầu Y Hua kể chuyện chị gái mình Lầu Y Tòng “không bỏ đạo, bị đuổi khỏi làng” và Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Bắc “không can thiệp; thay vì bảo vệ, hội thánh đã trục xuất chúng tôi khi chính quyền buộc chúng tôi bỏ đạo Tin lành.” Hãy nghe ông Nguyễn Anh Phụng kể việc một số người Cao Đài 1997 cùng côn đồ tới phá lễ tang tín đồ Cao Đài 1926, “đập phá bàn ghế” và “kéo cả vòi nước xịt vào tất cả mọi người […] không cho hành lễ tang.” Hãy nghe lời nói của các nạn nhân, và đại diện các cộng đồng tôn giáo bị áp bức.

 

Với những người thuộc các tổ chức bị nêu đích danh

Giáo hội Phật giáo Việt Nam lẫn Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo đã bị nêu tên trong bản báo cáo. Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Bắc lẫn Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam đều bị chỉ đích danh. Chi phái Cao Đài 1997 đã bị vạch trần. Ủy ban Đoàn kết Công giáo cũng không thoát.

Quý vị có muốn tiếp tục là thành viên không? Quý vị có thể hành đạo không khi tổ chức của mình tiếp tay cho nhà cầm quyền bắt bớ đàn áp những tín đồ khác? Quý vị có còn muốn đứng chung với những tổ chức đã mang tiếng xấu, đã bị vạch trần trước quốc tế là trợ cụ cho nhà nước độc tài không?

 

Với những người đang đấu tranh vì tự do tôn giáo ở Việt Nam

Tài liệu của USCIRF đặc biệt quan trọng vì nó vạch rõ cách kìm kẹp, kiểm soát tôn giáo đầy tinh vi của nhà nước Việt Nam; vì nó cho thế giới thấy các vụ tấn công, đánh đập, phá lễ tang, chiếm đoạt tòa thánh và tài sản… không phải chỉ là mâu thuẫn giữa các phe nhóm khác nhau của cùng tôn giáo (như Cao Đài 1926 và Chi phái 1997) mà có sự hậu thuẫn hoặc thậm chí nằm trong chính sách của ĐCS Việt Nam.

Vài người Việt lên tiếng có thể không ảnh hưởng gì, nhưng tiếng nói nặng ký của USCIRF lại khác.

Từ đó có thể vận động để Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Có thể tiếp tục vận động ở LHQ. Có thể nêu ra ở những diễn đàn như IRF Roundtable, UK FORB Forum… Có thể tác động chính phủ các nước dân chủ khác.

Dần dần, có thể vô hiệu hóa những trợ cụ này.

 

Xem lại buổi họp báo ở đây: https://www.facebook.com/watch/live/?ref=watch_permalink&v=582313674210058

Hoặc ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=1bUItuOlfyQ

Mạch Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét