Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

Những Dấu Hiệu Putin Sẽ 'Bán Đứng' Iran

 

Ảnh minh họa.

NHỮNG DẤU HIỆU PUTIN SẼ 'BÁN ĐỨNG' IRAN
Minh Sang

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, ông có đai đen judo, và ông đã nói nó giúp dạy cho ông một bài học quan trọng trong cuộc sống— đó là tính linh hoạt. Thực tế cho thấy, những mối quan hệ đồng minh 20-30 năm ở Trung Đông vẫn bị Matxcova ‘bán đứng’ đầy bất ngờ, và lần này sẽ là Iran. Chuyên gia đã đưa ra những phân tích cho thấy ông Putin sẽ không ngại làm điều đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông có đai đen judo, và ông đã nói rằng nó giúp dạy cho ông một bài học quan trọng trong cuộc sống— đó là tính linh hoạt.

Thật vậy, không có nguyên tắc nào ảnh hưởng nhiều hơn đến học thuyết chính trị của Nga, đặc biệt là trên sân khấu quốc tế, bằng tính linh hoạt.

Mặc dù có một liên minh kéo dài 30 năm với Armenia, Nga đã không can thiệp sau khi Azerbaijan lấy lại Nagorno-Karabakh—một khu vực mà Armenia đã chiếm đoạt trước đó với sự giúp đỡ của Nga. Sau 32 năm quan hệ tương đối thân thiện, Nga cũng đột ngột trở nên thù địch với Israel. Và sau hơn 20 năm quan hệ lạnh nhạt, Nga bỗng tăng cường quan hệ với Ả Rập Xê Út. Đó chỉ là 3 ví dụ dễ thấy nhất về cái gọi là tính linh hoạt của Nga.

Gần đây, ông Putin có xu hướng dễ dàng điều chỉnh chính sách ngoại giao theo lợi ích của mình. Như ở ví dụ về mối quan hệ với Armenia, thì là do nước nà đang chuyển hướng sang phương Tây. Còn việc có lập trường chống Israel về vấn đề Gaza đã giúp Matxcova gần gũi hơn với Iran, đối kháng với Hoa Kỳ, và tăng cường sức hấp dẫn của Nga ở các nước đang phát triển. Trong mối quan hệ với Ả Rập Xê Út, Nga đã phát hiện ra những lợi ích chung tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và trong sản xuất dầu.

Và bây giờ, Nga có thể đang chuẩn bị cho một sự chuyển hướng khác—lần này là rời xa Iran.

Giám đốc các vấn đề lập pháp tại Quỹ sự thật Trung Đông (EMET), ông Joseph Epstein đã phân tích vì sao khả năng Nga ‘bán đứng’ đồng minh Iran là rất cao, mặc dù hai bên đã có mối quan hệ chặt chẽ hơn bao giờ trong năm nay. Sau đây là những phân tích của ông Epstein.

Có hai lý do rõ ràng cho sự thay đổi chính sách này— sự yếu đi của Iran tại Syria và Armenia, và Matxcova có thể sử dụng vị thế của mình như một người chơi ở Trung Đông để đạt được nhượng bộ cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraina.

Chắc chắn rằng Nga và Iran gần đây đã hợp tác ở mức độ chưa từng có.

Vào tháng 9, Iran đã cung cấp cho Nga các tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Cả hai quốc gia đang chuẩn bị ký một hiệp ước chiến lược được mong đợi từ lâu, bao gồm hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Gần đây, hai quốc gia đã liên kết hệ thống ngân hàng của mình để giúp né tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Nhưng bất chấp sự hợp tác đó, hai nước không có quan điểm thống nhất về việc nên làm gì ở những khu vực mà cả hai đều có ảnh hưởng lớn.

Và điều này được thể hiện rõ ràng ở Syria.

Để giữ quyền lực trong cuộc nội chiến Syria gần như đã lật đổ ông, Tổng thống Bashar al-Assad đã gọi mời Nga và Iran, hy sinh sự độc lập của Syria. Trong khi Matxcova và Tehran đã tìm thấy những điểm hợp tác, họ lại có những mục tiêu đối lập. Nga muốn Syria tiếp tục là một chư hầu ổn định trong khu vực, trong khi Iran muốn tiếp tục sử dụng Damascus trong cuộc chiến với Israel.

Trước khi xâm lược Ukraina vào năm 2022, Nga gần như có quyền kiểm soát hoàn toàn ở Syria, đặc biệt sau khi lắp đặt hệ thống tên lửa S-400, có khả năng đánh chặn các chiến đấu cơ F-16. Như một quan chức quốc phòng Israel đã nói vào thời điểm đó, “một con ruồi cũng không thể bay qua Syria mà không có sự đồng ý của Nga”.

Nga đã nắm giữ quyền kiểm soát này đối với Israel và Iran, dẫn đến việc cả hai bên phải chiều chuộng ông Putin. Đôi khi Matxcova cho phép Iran buôn lậu vũ khí qua Syria đến cho Hezbollah; đôi khi họ cho phép Israel ném bom các mục tiêu của Iran. Đây không phải là lần đầu tiên Matxcova chen chân vào giữa một cuộc xung đột để giành quyền lực trên cả hai bên. Họ đã sử dụng các chiến thuật tương tự với Armenia và Azerbaijan, bán vũ khí cho cả hai bên.

Sau khi xâm lược Ukraina, Nga nhanh chóng chuyển hướng nguồn lực để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh, bao gồm cả từ Syria. Và Iran đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đó.

Nhưng trong năm qua, tình hình đã đảo ngược. Israel đã tiêu diệt các tay sai hàng đầu của Iran, các thủ lĩnh Hezbollah, làm suy yếu vị thế của Iran ở Syria. Ngược lại, vị thế của Nga ở đó hiện nay mạnh mẽ hơn.

Một Iran tuyệt vọng có thể sẽ cố gắng tận dụng Syria nhiều hơn chống lại Israel. Nhưng điều này có khả năng là một lằn ranh đỏ đối với Matxcova.

Aleksander Lavrentiev, đặc phái viên của ông Putin tại Syria, gần đây đã nói rằng Nga sẽ làm “mọi thứ có thể” để ngăn chặn xung đột lan rộng sang Syria. Trong năm qua, Nga đã chặn các tay sai của Iran hoạt động ở miền nam Syria và thiết lập các trạm quan sát dọc biên giới Syria-Israel sau các vụ ám sát các quan chức cấp cao của Iran bởi Israel. Họ chưa một lần kích hoạt hệ thống phòng không của mình để đối phó với các cuộc tấn công của Israel.

Israel đã cố gắng khai thác sự xung đột lợi ích này như đã làm trước khi xảy ra chiến tranh. Mặc dù quan hệ Nga-Israel bị ảnh hưởng khi Nga đứng về phía chống lại Israel ngay sau vụ thảm sát ngày 7 tháng 10 năm 2023, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cẩn thận không thực hiện các bước có thể cắt đứt quan hệ với Matxcova, chẳng hạn như cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Chiến lược như vậy đã giữ cánh cửa mở cho sự hợp tác ở Syria. Đầu năm nay, những người cứng rắn của Iran đã cáo buộc cả ông Putin và ông Assad đã phản bội Iran bằng cách cho phép Israel tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria. Trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel vào Iran tháng trước để đáp lại cuộc tấn công tên lửa của Tehran, một cố vấn cấp cao của Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã cáo buộc ông Assad phản bội vì không ngăn chặn Israel sử dụng không phận Syria hoặc không cảnh báo Iran về cuộc tấn công. Nhưng xét rằng Syria không kiểm soát bầu trời của chính mình, nếu có trách nhiệm, nó hoàn toàn thuộc về Nga.

Quyết định của Israel tránh khiêu khích Nga có thể cũng đã dẫn đến việc Nga chậm trễ trong việc cung cấp chiến đấu cơ Su-35 cho Iran, cũng như các cuộc đàm phán về hệ thống tên lửa S-400 với Iran. Những hệ thống vũ khí tiên tiến như vậy sẽ củng cố sức mạnh cho Iran bằng cách tăng cường khả năng phòng thủ và không quân thời Liên Xô.

Nhưng Nga thích các đồng minh của mình phụ thuộc—nếu không, họ có thể hành động ngược lại với lợi ích của Nga. Nếu Iran trở nên quá mạnh, thì họ sẽ có tiếng nói nhiều hơn trong các khu vực có lợi ích chung. Ngoài ra, nếu Iran khai triển những hệ thống vũ khí như vậy trong cuộc chiến với Israel, các phi công Israel có thể phát hiện ra những điểm yếu và chuyển giao thông tin đó cho Hoa Kỳ.

Trong khi đó, chỉ tuần trước, người thân cận của ông Netanyahu, Ron Dermer, đã đến Nga nhằm giúp đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Li-Băng. Một yêu cầu chính của Israel là các vũ khí sẽ không còn được vận chuyển qua Syria nữa.

Nếu Nga giúp ngăn chặn dòng vũ khí của Iran, điều này sẽ dẫn đến căng thẳng hơn trong quan hệ Nga-Iran. Hiện đã có sự căng thẳng liên quan đến Armenia, nơi Nga muốn giám sát việc thiết lập một hành lang kết nối Azerbaijan với tỉnh Nakhichevan qua Armenia. Iran đã gọi hành lang này là “lằn ranh đỏ” vì nó sẽ dẫn đến đối thủ địa chính trị của mình là Azerbaijan và đối thủ Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát biên giới phía bắc của Iran thay vì đồng minh thân cận Armenia.

Iran không có ảo tưởng nào về mối quan hệ của mình với Nga. Như Mehdi Sobhani, đại sứ Iran tại Armenia, cựu đặc phái viên tại Syria và có khả năng là một quan chức tình báo cấp cao, đã nói gần đây, “Chúng tôi không phải là đồng minh. Chúng tôi có một số khác biệt và một số lợi ích chung”.

Với mong muốn của chính quyền Mỹ sắp tới về một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng ở Ukraina, ông Putin có thể sử dụng khả năng của Nga để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí của Iran ở Syria như một quân bài trong các cuộc đàm phán.

Theo chuyên gia Joseph Epstein, sợi chỉ kết nối các hành động của Nga là chủ nghĩa bành trướng. Matxcova muốn tối đa hóa ảnh hưởng toàn cầu của mình. Và không giống như Liên Xô, Nga dưới thời ông Putin không bị ràng buộc bởi bất kỳ ý thức hệ nào cản trở chủ nghĩa cơ hội.

Nếu ông Putin đánh giá việc bán đứng Iran sẽ giúp ích cho lợi ích của Nga, ông sẽ không do dự.

Minh Sang - DKN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét