Phiên rà soát Thái Lan ngày 5/11/2024 (chụp màn hình từ UN Web TV). Hải Di Nguyễn Ngày 5-6/11/2024 vừa qua tại Geneva, Thụy Sỹ, đã diễn ra phiên rà soát Thái Lan về Công ước Chống Tra tấn. Đặc biệt thú vị là sự có mặt của phái đoàn nhà nước Việt Nam. Nhưng họ làm gì ở đó? Đó là phiên rà soát gì? Công ước có tên đầy đủ là Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (Công ước chống tra tấn hay các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, hay hạ thấp nhân phẩm). Khi một quốc gia đã đặt bút ký một công ước LHQ nào đó, cứ vài năm một lần họ sẽ bị ủy ban về công ước đó rà soát: họ có tôn trọng công ước không? đã vi phạm những điều nào? v.v. Bản thân Việt Nam cũng đã ký công ước này. Tại phiên rà soát ngày 5-6/11/2024, nhà nước Thái Lan bị chất vấn về vấn đề giam giữ tùy tiện, tra tấn, và các vụ tử vong trong trại giam; vấn đề bạo hành phụ nữ và việc xử lý thiếu hiệu quả các vụ bạo hành gia đình; điều kiện nhà tù; cách đối xử hà khắc trong quân đội; sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, các điều luật đặc biệt, và tình hình nói chung ở khu vực cực nam Thái Lan (từng có bạo loạn ly khai), v.v. Được chú ý đặc biệt tại đây là sự kiện Tak Bai hay vụ thảm sát Tak Bai, nằm trong số các cuộc bạo loạn miền nam Thái Lan năm 2004, có hàng chục người chết nhưng không được giải quyết—thời hiệu 20 năm đã hết hạn trong năm nay. Tuy nhiên, phiên rà soát cũng nhắc tới một số vấn đề liên quan tới người tỵ nạn, bao gồm người Việt. BPSOS báo cáo về những vấn đề gì với LHQ? Cùng với Hmong for Human Rights (hay Hmong Human Rights Coalition) and Montagnards Stand for Justice (Người Thượng vì Công lý), BPSOS đã gửi một báo cáo chung cho Ủy ban Chống Tra tấn cáo buộc nhà nước Việt Nam đàn áp xuyên quốc gia, với sự hợp tác của nhà nước Thái Lan: - Vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất năm 2019
- Vụ bắt cóc blogger/ youtuber Đường Văn Thái năm 2023
- Việc Thái Lan bắt giữ và suýt dẫn độ Mục sư A Ga năm 2018
- Việc nhân viên sứ quán Việt Nam đe dọa người tỵ nạn người Việt tại IDC
- Nguy cơ dẫn độ nhà hoạt động nhân quyền Y Quynh Bdap, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý
Vụ bắt cóc ông Trương Duy Nhất đã có nhiều người biết, vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái đã được nhiều báo đưa tin, vụ dẫn độ ông Y Quynh Bdap đang gây chú ý quốc tế, nhưng bản báo cáo của BPSOS cũng vạch trần một hình thức đàn áp xuyên quốc gia khác của Việt Nam không được nhiều người biết đến. Đó là việc quan chức và nhân viên sách nhiễu, đe dọa, tra hỏi thông tin người Việt bị đưa vào IDC, thậm chí còn sử dụng một số người khác cũng bị giam tại IDC để hành hạ đánh đập người tỵ nạn người Thượng hoặc người H’mông. Xem báo cáo BPSOS đã nộp cho Ủy ban LHQ chống tra tấn tại đây (mục CAT). Ai cũng nhắc tới Y Quynh Bdap? BPSOS không phải là tổ chức XHDS duy nhất nhắc tới vụ dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap. Một số tổ chức khác như Amnesty International hay International Commission of Jurists cũng nhắc sơ tới trường hợp này và rủi ro ông Y Quynh sẽ bị tra tấn nếu bị trả về Việt Nam, và nói tới nguyên tắc non-refoulement trong luật quốc tế (không gửi trả về quốc gia nơi người đó có nguy cơ bị ngược đãi, tra tấn, v.v.). Bản báo cáo chung của hai tổ chức Cross Cultural Foundation và World Organisation Against Torture đặc biệt đi sâu vào vụ này: không chỉ vấn đề dẫn độ và những nguy hiểm ông Y Quynh Bdap sẽ phải đối mặt nếu bị tống về Việt Nam, mà cách chính quyền Thái Lan đối xử với ông tại phiên tòa tại Bangkok (còng tay), cách tòa xử lý vụ việc (chậm trễ giấy tờ), v.v. Nhà nước Thái Lan trả lời như thế nào? Tại phiên rà soát, Ủy ban Chống Tra tấn nêu trường hợp ông Y Quynh Bdap. Một tòa án Thái Lan nói họ không đủ thẩm quyền để phán xét tòa án nước khác công bằng hay không công bằng, Ủy ban hỏi thế thì ai đánh giá rủi ro bị tra tấn nếu một người bị trả về? Nhắc tới Công ước chống tra tấn của LHQ và Đạo luật của Thái Lan phòng ngừa và ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích, Ủy ban hỏi Thái Lan đã thực hiện những bước nào để bảo đảm các yêu cầu dẫn độ không vi phạm nguyên tắc non-refoulement (không gửi trả). Phái đoàn Thái Lan trả lời, ông Y Quynh Bdap đã được hưởng due process (xét xử công bằng, đúng thủ tục), đã được đưa ra nhân chứng và bằng chứng, và có quyền nộp đơn kháng cáo. Quyết định tòa ngày 30/9, họ cho biết, chưa phải là quyết định cuối cùng; ông có quyền kháng cáo và đã được gia hạn. Họ cũng nói Thái Lan có cân nhắc các nghĩa vụ theo luật trong nước và luật quốc tế, có cân nhắc nguyên tắc non-refoulement. Thái Lan cũng bị chất vấn về điều kiện trại giam IDC và tình trạng quá chật chội, cách đối xử hung bạo với người bị giam, việc Thái Lan trục xuất người tỵ nạn hoặc xin tỵ nạn, thực tế một số người tỵ nạn bị giam cả chục năm tại IDC, điều kiện cho trẻ con và phụ nữ mang thai trong trại giam… Tuy nhiên, phái đoàn Thái Lan cũng trả lời chung chung mơ hồ cùng cách Việt Nam thường trả lời tại các phiên rà soát tôi từng tham dự hoặc theo dõi: nói người bị giam tại IDC được chăm sóc y tế và các quyền lợi khác; nói sẽ cải thiện điều kiện giam giữ; nói Thái Lan đã thành lập National Screening Mechanism (cơ chế sàng lọc quốc gia) cho người tỵ nạn; nói việc giam giữ trong IDC chỉ là tạm thời và một số người Uyghur bị giam giữ chục năm chỉ vì “tình hình phức tạp và không có giải pháp” nhưng Thái Lan “sẽ tiếp tục chăm sóc họ tử tế” (nguyên văn: “continue taking good care of them”). Sự hiện diện của phái đoàn Việt Nam Một chi tiết đáng chú ý và gây tò mò cho nhiều người tham dự là sự hiện diện của phái đoàn Việt Nam, trong khi toàn bộ phiên rà soát (tổng cộng 6 tiếng) là về Thái Lan và vấn đề tra tấn hay ngược đãi tại Thái Lan—chỉ trường hợp nhà hoạt động Y Quynh Bdap liên quan tới Việt Nam—Ủy ban không nhắc tới vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất hay blogger/youtuber Đường Văn Thái. Đại diện XHDS người Thái có đâu đó khoảng 10-12 người—ngoài ra, có một người từ Canada—tôi là người Việt duy nhất có mặt đại diện phía XHDS. Phái đoàn nhà nước Việt Nam có tổng cộng 8 người (nếu tôi không đếm sót). Nên nhớ, họ không cần xuất hiện—toàn bộ phiên rà soát được phát sóng trực tiếp trên trang UN Web TV. Một đại diện XHDS người Thái thậm chí còn nhìn tôi, hỏi “Tại sao Việt Nam lại quan tâm vụ Y Quynh Bdap như vậy?”. Thế phái đoàn nhà nước Việt Nam có mặt để làm gì? Xem lại phiên rà soát: Phần một, ngày 5/11/2024. Phần hai, ngày 6/11/2024. Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét