- Sai từ gốc, phải xóa đi làm lại từ đầu
Ts. Nguyễn Đình Thắng Ngày 13 tháng 1, 2025 http://machsongmedia.org Theo Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện (CPA), các quốc gia tạm dung cứu xét tư cách tị nạn của thuyền nhân, gọi tắt là thanh lọc. Hệ thống thanh lọc này đầy dẫy bất công, sai phạm. Đầu tháng 2, 1995, DB Christopher Smith đưa vào Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Bộ Ngoại Giao điều khoản tu chính cấm CUTN/LHQ dùng tiền viện trợ của Hoa Kỳ để cưỡng bức hồi hương và đòi hỏi phỏng vấn thanh lọc lại từ đầu mọi thuyền nhân, bởi viên chức tị nạn và theo tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ. Điều khoản tu chính này được gọi tắt là điều luật chống CPA. Để đánh bại điều luật chống CPA, Bộ Ngoại Giao và nhóm NGO nhận tài trợ của họ khẳng định: Thanh lọc tị nạn theo CPA được thực hiện chu đáo với sự giám sát chặt chẽ của CUTN/LHQ; các sai sót, nếu có, thì rất ít và có thể giải quyết thoả đáng bằng giải pháp mà Ông Lê Xuân Khoa mệnh danh là “Khu Vực Xám.” Hình 1 -- Biểu tình phản đối thanh lọc bất công, tháng 1 năm 1994 ở trại Palawan, Phi Luật Tân “Số 43.000 còn ở các trại đều đã bị bác bỏ tư cách tị nạn thông qua một thể thức CPA hết sức chu đáo dưới sự quan sát của CUTN/LHQ. Đây là thủ tục pháp lý tốn kém nhất trong lịch sử của CUTN/LHQ. Chúng tôi ghi nhận có một vài khiếm khuyết trong thể chức thanh lọc, tuy nhiên không thể để chúng gây nguy hiểm cho các kết quả tích cực tính cho đến nay.” Bản fax của nhóm Tổ Hợp cùng với tổ chức SEARAC của Ông Lê Xuân Khoa gửi Thượng Nghị Sĩ Frank Lautenberg ngày 10 tháng 7, 1995. “Bất kỳ đòi hỏi nào rằng họ phải được thanh lọc trở lại để xem có đáp ứng các tiêu chí được thiết lập trong [điều luật chống CPA] ở Hạ Viện sẽ chỉ kích động phản ứng mạnh ở Hồng Kông và Thái Lan, và các quốc gia ‘tạm dung’ nơi mà người tị nạn không được đón chào.” Phát biểu của Ông Lê Xuân Khoa với báo The Washington Post ngày 24 tháng 5, 1995. “... những hoạt động thực tế và cần thiết nhất trong giai đoạn này là cố gắng vớt vát những trường hợp đã được InterAction đề nghị cứu xét...” “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” của Ông Lê Xuân Khoa, ngày 15 tháng 2, 1995. Qua buổi điểu trần ngày 25 tháng 7, LS Daniel Wolf và tôi cùng nhau chứng minh rằng giải pháp Khu Vực Xám hoàn toàn vô tích sự. Trong số 535 hồ sơ mà InterAction đề nghị tái xét, Bộ Ngoại Giao tuyển lọc 48 hồ sơ, tức chưa đến 9% của số hồ sơ họ nhận được và chưa đến 0.3% tổng số thuyền nhân còn ở các trại vào thời điểm ấy. Bộ Ngoại Giao chuyển cho CUTN/LHQ xem xét; kết quả không một hồ sơ nào được tái xét tư cách tị nạn. Đó chỉ là mồi nhử của Bộ Ngoại Giao. Hơn 520 trong số 535 hồ sơ kể trên là do tôi đích thân thu gom từ BPSOS và LAVAS, chương trình trợ giúp pháp lý cho thuyền nhân được BPSOS thanh lập năm 1990. Qua số hồ sơ thử nghiệm này, chúng tôi bẻ gãy một lý lẽ của phe chống đối điều luật của DB Smith, rằng Khu Vực Xám là giải pháp thoà đáng. Nhưng chưa đủ. Chúng tôi còn phải chứng minh rằng giải pháp thoả đáng duy nhất là phải xoá bỏ hoàn toàn kết quả thanh lọc CPA và làm lại từ đầu. Đó là mục tiêu của buổi điều trần thứ 3, ngày 27 tháng 7, 1995. Phe chống đối bị cài bẫy Tại buổi điều trần kín, tôi đưa ra tài liệu về tham nhũng trong thanh lọc ở Indonesia. Bà Trợ Lý Ngoại Trưởng Phyllis Oakley đã lập tức bay sang Geneva để họp với CUTN/LHQ về tài liệu này. Tại buổi điều trần ngày 25 tháng 7, Bà Oakley và đại diện nhóm Tổ Hợp chống chế rằng: - Các cáo buộc về tham nhũng trong thanh lọc chỉ tập trung vào Indonesia và được đưa ra ánh sáng chỉ mới đây.
- CUTN/LHQ trung ương ở Geneva đã mở cuộc điều tra; kết quả sơ khởi cho thấy một nhân viên CUTN/LHQ có dính líu tham nhũng, như BPSOS cáo buộc, và đã bị kỷ luật.
- Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng không làm cho một ai mất tư cách tị nạn một cách oan sai mà chỉ giúp một số người được xét là tị nạn một cách không chính đáng.
Đáp lại, tôi chỉ ra: “Chúng tôi đã thực hiện cuộc nghiên cứu khá nghiêm ngặt về nạn tham nhũng ở Indonesia và Phi Luật Tân, và chúng tôi có thể nói một cách tự tin rằng hầu như mọi viên chức thanh lọc ở 2 quốc gia này đều dính líu tham nhũng, kể cả đòi tiền và đòi quan hệ tình dục. Chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu tình trạng ở các quốc gia khác như Thái Lan và Malaysia. Chúng tôi cũng đã tìm ra một số lượng đáng kể chứng cứ về tham nhũng ở 2 quốc gia này. Và một điều mà tôi muốn nêu lên là một số viên chức CUTN/LHQ, kể cả luật sư có trách nhiệm giám sát tiến trình thanh lọc ở các quốc gia này, cũng dính líu và bị cáo buộc tham gia trong đường dây tham nhũng.” Trang 51, bản ký tự buổi điều trần ngày 25 tháng 7, 1995. Nếu phe chống đối điều luật của DB Smith nghĩ rằng đó chỉ là nói suông thì họ sẽ bị bất ngờ tại buổi điều trần thứ 3, ngày 27 tháng 7. Hình 2 – Biểu tình chống thanh lọc bất công, tháng 3, 1991 ở trại Sikiew, Thái Lan Các chứng nhân bất ngờ Tại buổi điều trần ngày 27 tháng 7, DB Smith mời 2 thành phần chứng nhân. Thứ nhất là các chuyên gia đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế. Họ phân tích các sai sót trong thanh lọc CPA, gồm chính sách thiên lệch và áp dụng sai tiêu chuẩn tị nạn quốc tế. Thành phần thứ hai là chứng nhân cho tình trạng tham nhũng trong thanh lọc, gồm cựu luật sư CUTN/LHQ, cựu thuyền nhân, và thân nhân của thuyền nhân đã phải đóng tiền hối lộ. Thành phần thứ 2 này hoàn toàn do BPSOS giới thiệu với DB Smith. Ngoài ra, tôi cung cấp cho DB Smith danh sách nhiều chục nhân chứng với lời khai được công chứng sẵn, để trong trường hợp phe chống đối tiếp tục cãi chày cãi cối, thì họ sẽ càng bị phanh phui. Tôi cũng soạn sẵn lời phát biểu của chính mình trong trường hợp chứng nhân phải rút lui vào phút chót vì áp lực. Tóm lại, trước buổi điều trần ngày 27 tháng 7, DB Smith đã có trong tay nhiều chứng cứ về sự tồi bại cực kỳ trong thanh lọc CPA. Thực tế vô cùng tệ hại này đụng chạm đến CUTN/LHQ, đến các quốc gia tạm dung, Bộ Ngoại Giao và các tổ chức NGO làm chứng gian cho thanh lọc CPA. Luật Sư Gerassimos Fourlanos Qua lời giới thiệu của một cựu thuyền nhân ở Galang đã định cư Australia, tôi liên lạc Ông Fourlanos cuối tháng Giêng 1995. Ông tửng là trưởng toán luật sư CUTN/LHQ ở Indonesia từ năm 1989, đến cuối năm 1990 thì chuyển sang Malaysia. Ông từ chức và rời khỏi CUTN/LHQ cuối tháng 8 năm 1992. Trước khi chính thức giới thiệu Ls Fourlanos để DB Smith mời điều trần, tôi nhờ Ông Vũ Quốc Dụng ở Đức nói chuyện trước để bảo đảm rằng vị cựu luật sư CUTN/LHQ này sẵn sàng nói lên sự thật. Ông Fourlanos gửi trước cho tôi bản tường trình chi tiết về thanh lọc CPA ở Indonesia và Malaysia để chuyển cho DB Smith gửi thư mời tham gia điều trần. BPSOS tài trợ cho chuyến đi của Ông từ Thụy Điển đến thủ đô Hoa Kỳ. Khi điều trần, Ls Fourlanos cho biết điểm yếu của CUTN/LHQ là phần lớn các viên chức giám sát thanh lọc chỉ lo thăng quan tiến chức nên không muốn gây sóng gió, bất chấp các bất công xảy đến cho thuyền nhân: “Loại người có tinh thần nhân đạo kiểu cổ điển không còn hợp thời nữa, không được đánh giá cao nữa.” Họ chỉ muốn làm cho xong việc, lấy lòng cấp trên, và không gây sự với chính quyền sở tại. Những người như vậy lại được lên chức trong hệ thống CUTN/LHQ và quyền lực ngày càng tăng. Theo Ls Fourlanos, họ không màng áp dụng các điều khoản luật tị nạn của chính LHQ, để cho nhiều thuyền nhân bị từ khước tư cách tị nạn oan sai: “Theo quan điểm của tôi, có tham nhũng hay không có tham nhũng, thanh lọc vẫn bị lỗi. Có nhiều lỗi. Kể cả giả thử không hề có tham nhũng, nhưng như chúng ta đã thấy là có nhiều bằng chứng các vụ tham nhũng, kể cả không có các vụ ấy, thì thanh lọc vẫn không tốt đẹp.” Ông Fourlanos cho biết một luật sư CUTN/LHQ ở Galang đóng vai Gestapo (mật vụ Đức Quốc Xã) báo cáo lên cấp trên các đồng nghiệp có lòng với thuyền nhân để bị khiển trách hoặc thuyên chuyển. Tay Gestapo này đã được CUTN/LHQ thăng chức như là phần thưởng. Hình 3 – Biểu tình chống thanh lọc bất công, tháng 6 năm 1994, trại Galang, Indonesia Luật Sư Simon Jeans Ls Simon Jeans là công dân Úc làm cho CUTN/LHQ ở Hồng Kông từ năm 1990 và chuyển sang CUTN/LHQ ở Indonesia đầu năm 1992. Ông Đinh Quang Anh Thái và nhóm trẻ Project Ngọc ở đại học UC Irvine kết nối tôi với LS Jeans; họ tài trợ chi phí vận chuyển cho ông ấy từ Úc đến Quốc Hội Hoa Kỳ điều trần. Ông Đoàn Việt Trung giúp tôi lấy trước lời khai của Ls Jeans để chuyển cho DB Smith. Phát biểu của Ls Jeans tại buổi điều trần ăn khớp với tài liệu của BPSOS tố cáo tham nhũng trong thanh lọc ở Indonesia: Muốn được xét là tị nạn, thuyền nhân phải trả từ 1.000 đến 7.000 Mỹ kim tuỳ thời điểm. Ông cho biết đã lên tiếng tố cáo tình trạng tham nhũng từ tháng 9, 1993. CUTN/LHQ trả lời là không hề biết một trường hợp tham nhũng nào ở Galang. Đại diện CUTN/LHQ ở Indonesia, Ông Noel Wetterwald, chỉ trích rằng Ls Jeans không đưa ra được nhân chứng cho cáo buộc tham nhũng. Phó đại diện CUTN/LHQ ở Australia gọi điện thoại sỉ vả Ls Jeans suốt nửa tiếng đồng hồ, bắt Ông phải “phải cam chịu, phải câm miệng”. Tại buổi điều trần Ls Jeans mô tả hệ thống tham nhũng ở Indonesia: “Họ hoạt động như một đội ngũ. Họ thu tiền. Tiền đó được đưa vào quỹ chung để chia chác cho nhau... Tôi nghĩ là có nhiều lý do để thuyền nhân im lặng, và chỉ có ít người lên tiếng. Nạn nhân lo sợ... Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh của các phụ nữ, căn bản họ bị hãm hiếp bởi các viên chức thanh lọc Indonesia để có được quy chế tị nạn, đó là điều mà họ không muốn nói ra để đưa vào hồ sơ.” Phóng sự điều tra ngày 6 tháng 10, 1994 trên báo The Age của Úc cho biết tài liệu mật của CUTN/LHQ cho thấy ít ra từ tháng 12 năm 1991, cơ quan này đã biết về tình trạng đòi tiền, đòi quan hệ tình dục trong thanh lọc nhưng ém nhẹm. Theo Ls Jeans, hệ thống thanh lọc CPA ở Indonesia không đếm xỉa đến luật tị nạn của LHQ. Ông chỉ ra rằng một luật sư CUTN/LHQ trong Hội Đồng Kháng Cáo của Indonesia, có trách nhiệm xét đơn kháng cáo của thuyền nhân, lại nằm trong đường dây tham nhũng. Ls. Jeans đồng ý với Ls. Fourlanos là có những luật sư CUTN/LHQ làm việc rất qua loa. Một đồng nghiệp của ông ở Indonesia đã phỏng vấn 30 thuyền nhân trong 2 ngày, mỗi người chỉ 30 phút tính cả phần thông dịch. “Tôi tin là những người ở Galang bị từ khước công lý tự nhiên trong thủ tục thanh lọc từ đầu,” Ls Jeans kết luận. Hình 4 – Biểu tình tháng 1 năm 1991 ở Pulau Bidong, Malaysia, tưởng niệm thuyền nhân Lê Văn Hoàng tự sát sau khi bị từ chối tư cách tị nạn Luật Sư Pam Baker Đã điều trần ngày 25 tháng 7, Bà Pam Baker quay trở lại tiếp tục điều trần ngày 27 tháng 7. Bà chỉ ra ở Hồng Kông không có tham nhũng nhưng có chính sách giữ tỉ lệ được xét là tị nạn ở mức 10%. Hậu quả là nhiểu thuyền nhân dù xứng đáng là tị nạn đã bị từ chối tư cách tị nạn một cách oan sai. Trong khi đó, các thuyền nhân được trợ giúp pháp lý từ văn phòng của Bà Baker, trong đó có các luật sư LAVAS do BPSOS gửi gắm và tài trợ, tỉ lệ được xét là tị nạn tăng vọt lên thành 45%. Bà kết luận là thuyền nhân ở Hồng Kông không thể hồi hương trong an toàn. Họ biểu tình, tuyệt thực, bạo động và thậm chí tự sát để phản đối thanh lọc bất công và hồi hương cưỡng bức. Hình 5 – Biểu tình chống tình trạng bạo lực và thanh lọc bất công tháng 4 năm 1994, trại Whitehead, Hồng Kông Mất bình phong Phe chống đối ắt hẳn không ngờ rằng chính các cựu luật sư CUTN/LHQ, là những người ở trong chăn nên biết chăn có rận, đã phơi bày nội tình bê tha, tắc trách của CUTN/LHQ trong vai trò giám sát thanh lọc CPA. DB Smith bày tỏ sự thất vọng đối với cơ quan quốc tế này và hứa rằng sự thật được trình bày ở buổi điều trần sẽ được Ông lưu tâm khi quyết đinh khoản tài trợ hàng năm cho CUTN/LHQ. Phần 2 của buổi diều trần sẽ càng bất ngờ hơn nữa vì thành phần điều trần chính là các nạn nhân người Việt với đầy đủ chứng cứ như biên nhận đóng tiền, chuyển tiền cho các viên chức thanh lọc, thậm chí cho cả luật sư và nhân viên CUTN/LHQ, và lời khai của nạn nhân bị đòi quan hệ tình dục. Đây là yếu tố hoàn toàn bất ngờ đối với CUTN/LHQ vì họ đinh ninh rằng không nạn nhân nào dám làm chứng. Mục tiêu của chúng tôi là lột trần sự tệ hại và tắc trách của CUTN/LHQ để phe chống đối như Bà Phyllis Oakley, Ông Claude Pepin và Ông Lê Xuân Khoa không thể dùng CUTN/LHQ làm bình phong bao che cho tình trạng thanh lọc cực kỳ tồi bại. Có vậy mới thuyết phục được đa số ở Thượng Viện ủng hộ điều luật chống CPA của DB Smith: xoá bỏ hoàn toàn kết quả thanh lọc CPA; mọi thuyền nhân phải được phỏng vấn lại từ đầu bởi các viên chức tị nạn và theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Bài sau: Các chứng nhân người Việt Tài liệu tham khảo: Bản fax của SEARAC và các thành viên Tổ Hợp gửi TNS Frank Lautenberg: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/Consortiums-fax-to-Senator-Frank-Lautenberg-07-10-1995.pdf Bài báo Washington Post ngày 24 tháng 5, 1995: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/Washington-Post-05-24-1995.pdf “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” của Ông Lê Xuân Khoa, ngày 15 tháng 2, 1995: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/LXKs-letter-to-boat-people-Feb-15-1995.pdf Tường thuật của LS Simon Jeans và các bài báo phanh phui tham nhũng ở Indonesia: https://dvov.org/wp-content/uploads/2025/01/Statement-of-Simon-Jeans-news-stories.pdf Tường thuật của LS Gerassimos Fourlanos về tình trạng tệ hại trong thanh lọc ở Indonesia và Malaysia: https://dvov.org/wp-content/uploads/2025/01/Testimony-of-Fourlanos.pdf Bản ký tự buổi điều trần ngày 27 tháng 7, 1995: https://dvov.org/wp-content/uploads/2025/01/Congressional-Hearing-Jul-27-1995.pdf Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét