Nặng hơn nữa là người vi phạm không những bị phạt tiền mà còn bị trừ điểm trên bằng lái, chẳng hạn với lỗi vượt đèn đỏ bằng lái sẽ bị trừ 4 điểm cho cả xe hơi và xe máy, còn nếu vượt đèn đỏ gây tai nạn sẽ bị trừ đến 10 điểm. Nghị định 168 quy định mỗi bằng lái được cho 12 điểm, và khi bị trừ hết điểm thì người vi phạm sẽ bị tước bằng và phải đợi 6 tháng mới được thi lấy bằng lại.
Trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về các giao lộ kẹt đặc xe cộ đợi đèn đỏ, thậm chí khi đèn đỏ quá lâu đến hàng chục phút do bị lỗi, hoặc không có đèn hoặc đèn hỏng thì các phương tiện cũng không ai dám nhúc nhích và đều dừng trước vạch dừng. Có những trường hợp đèn đỏ vừa xong lại đèn đỏ tiếp hay đèn xanh chỉ bật có vài giây. Nhiều người chờ đèn đỏ quá lâu đã phải xuống xe dắt bộ qua giao lộ. Cá biệt có trường hợp xe cứu thương, cứu hỏa phải chôn chân trong dòng người vì không phương tiện nào dám vượt lên để nhường đường. VOA không thể kiểm chứng những hình ảnh này.
Ông Nguyễn Thành Lợi, phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố, được trang Vietnamnet dẫn lời cho biết người dân do sợ bị phạt lỗi đèn đỏ nên có tâm lý đi chậm hơn khi tới giao lộ và dù đèn xanh chưa hết, nhiều người đã dừng xe.
Cũng ông Lợi trong buổi họp báo vào chiều 16/1 về tình hình kinh tế-xã hội thành phố đã nhìn nhận rằng kẹt xe ở thành phố đang xảy ra thường xuyên vào hầu hết các khung giờ trong ngày, Tuổi Trẻ cho biết. Trong số các nguyên nhân ông chỉ ra có việc ‘người dân không dám đi lên vỉa hè như trước’ và ‘lỗi kỹ thuật’ ở các tín hiệu đèn cộng với nhu cầu đi lại tăng cao dịp cuối năm.
Răn đe hữu hiệu?
Tuy nhiên, trước những bức xúc của dư luận, tờ An ninh thủ đô, cơ quan ngôn luận của Công an Hà Nội, lập luận rằng với tình trạng ý thức kỷ luật giao thông của người dân như hiện nay, biện pháp đánh mạnh vào kinh tế là cần thiết và ‘hữu hiệu’ để khắc phục tình trạng ‘nhờn luật’, từ đó giúp giảm tai nạn. Tờ báo này nói chỉ mới vài ngày thực hiện nghị định 168, ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông của người dân ‘đã thay đổi thấy rõ’.
Tờ Thanh Niên ghi nhận ở Hà Nội và Thành phố HCM trong những ngày thi hành nghị định 168, tình trạng vượt đèn đỏ, lấn vạch, lấn làn, đi lên vỉa hè, đi ngược chiều ‘đã giảm rõ rệt’.
Tờ báo này dẫn lời một đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố là ông Trần Quang Thắng cho rằng ‘cần phạt nặng để răn đe lúc đầu’, và sau 2 - 3 năm khi mọi việc đi vào nề nếp thì sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp. Ông Thắng nói mọi người đừng viện dẫn cho hạ tầng yếu kém để bao biện cho việc chạy ẩu.
Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Đình Dương, phó giám đốc Công an thành phố HCM, cho biết nghị định 168 đã giúp giảm 24% tai nạn giao thông ở thành phố này so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giới chức thành phố lớn nhất nước cũng thừa nhận những bất cập và đã có điều chỉnh. Chẳng hạn, họ đã lắp hơn 130 biển phụ ở các giao lộ cho phép quẹo phải khi đèn đỏ, cũng theo trang mạng này. Còn việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên sẽ không bị xử phạt, Thượng tá Lê Mạnh Hà, phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an thành phố, được tờ Người Lao Động dẫn lời nói tại buổi họp báo hôm 16/1.
‘Hoang mang’
Một vài người dân ở thành phố HCM hỏi thăm cho biết họ sợ bị phạt đến mức không dám dừng xe trên vỉa hè để ghé mua ở các hàng, quán như trước.
Anh Lê Thành Nhân, một công nhân vệ sinh cư trú ở Quận 10, nói rằng từ ngày có nghị định 168, quãng đường 45 phút từ nhà anh đến Hóc Môn mà anh đi thường xuyên giờ phải mất đến một tiếng rưỡi.
Theo lời anh thì Quốc lộ 22 mới có 2h chiều mà ‘đã kẹt xe quá trời’ do ‘đèn đỏ lâu quá mà không ai dám vượt đèn đỏ cũng như leo lề hết’.
“Người dân không biết chừng nào đèn đỏ sẽ bật nên họ không dám chạy qua khi gần tới giao lộ đang đèn xanh”, anh Nhân kể và cho biết anh nhìn thấy ở quận Thủ Đức, xe cứu thương phải dỡ lan can ngăn cách làn xe mới thoát được kẹt xe.
Anh cho biết lúc trước mỗi khi kẹt xe thì các phương tiện tìm cách leo lề hay ‘chặt hẻm’, tức luồn lách vào các hẻm nhỏ’, để tìm lối thoát, nhưng hiện giờ hiện tượng này không còn nữa.
“Bây giờ người dân hoang mang lắm. Đi làm tháng được nhiều tiền mà lỡ bị phạt coi như đi hết. Nhiều người thà bắt Grab chứ không dám đi xe cá nhân nữa”, anh nói.
“Mình đang đi trên đường rủi mình tránh xe người ta chạy đến mà lỡ vô làn xe bốn bánh thì cũng bị lụm (bị công an phạt)”, anh nói khi được hỏi về những bất cập trong Nghị định 168.
Người công nhân này lo lắng về việc bị ghi hình phạt nguội do tính chất công việc anh phải kéo thùng rác đi vào các tuyến đường một chiều mà camera thì không phân biệt được, anh nói. Anh cũng bức xúc về việc ‘đã bị phạt tiền rồi còn bị trừ điểm nữa’. “Chỉ cần bị trừ vài lần thôi là hết điểm”, anh bày tỏ.
Khi được hỏi có lo ngại sẽ bị người dân dùng điện thoại ghi hình mình vi phạm rồi nộp lên công an lãnh thưởng hay không vì theo nghị định 168 hành động này sẽ được thưởng 5 triệu đồng, anh Nhân nói ‘ở Sài Gòn không có ai rảnh làm vậy đâu, mà nếu có làm thì sẽ bị truy đến nhà đập luôn’.
Anh thừa nhận rằng luật nghiêm khắc là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng mà ‘luật khắc nghiệt quá, chỉ nhích lên vạch trắng một chút ở giao lộ thôi là đã bị dính rồi’.
‘Tài xế bỏ việc’
Cánh tài xế lái xe tải hay xe khách đường dài trong những ngày qua ‘đều rất buồn phiền’ về nghị định 168 này, anh Lâm Tịnh, tài xế xe khách cư trú tại Quy Nhơn và chạy tuyến Sài Gòn-Quy Nhơn nói.
“Tài xế chạy một chuyến bao nhiêu mà bị phạt tới 20 triệu (cho lỗi vượt đèn đỏ)?”, anh than thở. “Tiền phạt gấp 3-4 lần tiền cước. Bị một lần là đứt cước, vợ con ở nhà đói ai lo?”
Anh chỉ ra những bất cập như đèn tín hiệu chuyển từ xanh qua vàng, nhưng ‘đèn vàng chỉ có 1 giây rồi chuyển qua đỏ luôn’ nên tài xế giờ ‘có tâm lý phòng thủ đèn đỏ’ khi đến giao lộ. “Họ chạy chậm đợi đèn đỏ thì vô vạch dừng luôn, chờ đến nhịp đèn xanh sau mới dám chạy”, anh nói.
Về quy định không lái liên tục 4 tiếng, anh Tịnh cho là ‘vô lý đùng đùng’ vì theo lập luận của anh, sức khỏe của tài xế ‘họ biết tự lo’. “Bao nhiêu năm nay vẫn chạy vậy có gì đâu, sao bây giờ lại viện lý do lo cho sức khỏe tài xế?”, anh bức xúc.
Anh cho biết bây giờ nhà xe phải tốn thêm chi phí trang bị thẻ từ cho các tài xế để mỗi khi bị kẹt xe không di chuyển được, tài xế quẹt thẻ để không bị tính thời gian chờ vào thời gian chạy để có gì trình ra khi bị kiểm tra.
“Ở những đoạn đường dài không có cây xăng, không có trạm nghỉ thì làm sao?”, anh đặt vấn đề.
Theo lời anh thì mỗi chuyến xe bây giờ nhà xe phải bố trí đến 3 tài thay vì 2 tài xế như trước đây để luân phiên chạy, tránh cho mỗi tài xế chạy quá 4 tiếng liên tục vì vào những ngày giáp Tết, xe phải được xoay vòng liên tục không nghỉ.
“Thời gian bị dội lên rất nhiều, ngày trước Sài Gòn-Quy Nhơn đi chừng 10-11 tiếng nhưng giờ phải 14 tiếng”, anh nói và cho biết do đặc thù xe khách, anh phải đi vào nội đô để đón trả khách nên bị mất nhiều thời gian chờ đèn đỏ.
Anh cho biết nhiều tài xế xe tải có giao kèo với chủ hàng là nếu giao hàng trễ hạn thì phải đền cả xe hàng nên nhiều người ‘không dám nhận hàng nữa’.
Về quy định phải bật đèn xe từ 6h chiều đến 6h sáng hôm sau, anh Lâm Tịnh dẫn ra trường hợp mùa hè lúc 6h chiều trời vẫn còn sáng hay vào nội đô sáng đèn tài xế quên bật đèn sẽ bị phạt.
Người tài xế này còn lo ngại về việc ‘bẫy vi phạm’. Chẳng hạn đoạn đường bình thường cho chạy 40-50km/h bỗng nhiên giảm xuống 10-20 km/h khi có làm đường, nếu tài xế không để ý biển phụ mới vừa đặt thì sẽ ‘bị dính’.
Anh không đồng tình với lập luận ‘luật nặng để nâng cao ý thức người dân’ vì theo anh, ‘từ ngày có camera khắp nơi thì đâu ai dám vượt đèn đỏ nữa đâu’.
Do đó, anh cho rằng nghị định 168 là ‘lợi bất cập hại’ và bày tỏ nguyện vọng ‘Nhà nước bãi bỏ hoàn toàn’ để ‘người dân an cư lạc nghiệp’. Nếu không, anh nói anh sẽ cố cầm cự một thời gian nữa rồi sẽ chuyển nghề.
Tuy nhiên, không như anh Lâm Tịnh, anh Võ Hữu Long, tài xế xe tải đường dài tại Nghệ An, nói rằng anh ‘sẽ phải thay đổi và thích nghi với nghị định 168’ mà anh cho là ‘vì sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét