GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
10 PHÁT MINH VĨ ĐẠI CỦA PHỤ NỮ LÀM THAY ĐỔI CẢ THẾ GIỚI. Tác giả Hy Văn, nguồn ảnh: Herplacemuseum.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
10 phát minh vĩ đại của phụ nữ làm thay đổi cả thế giới
Phụ nữ không chỉ tạo nên một nửa thế giới bằng sự dịu dàng và chu đáo trong căn bếp của mỗi gia đình. Họ còn có thể dùng trí thông minh và tấm lòng biết cảm thông của mình để tạo ra những phát minh khiến cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng, thoải mái và an toàn hơn nhiều lần.
1. Hệ thống sưởi bằng năng lượng Mặt trời cho nhà riêng
Hệ thống sưởi đóng một vai trò vô cùng quan trọng vào mùa đông, ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, hệ thống sưởi bằng những nhiên liệu thông thường như ga hoặc điện rất đắt đỏ. Đó là lý do tại sao, hệ thống sưởi bằng năng lượng mặt trời được chào đón nồng nhiệt khi nó ra đời.
Người khai sinh ra hệ thống này là nhà vật lý học người Hungary TS. Maria Telkes, bà cũng là nhà khoa học tiên phong trong các nghiên cứu liên quan đến năng lượng mặt trời. Vào những năm 1940, bà đã cộng tác với nữ kiến trúc sư Eleanor Raymond, để xây dựng nên ngôi nhà đầu tiên được sưởi hoàn toàn bằng năng lượng thiên nhiên.
Hệ thống sưởi của bà sử dụng một chất hóa học có khả năng kết tinh và giữ nhiệt, khi chất hóa học này được chiếu xạ, nó có khả năng giữ cho nhiệt độ căn phòng được ổn định. Hệ thống sưởi này không cần dùng đến bất kì sự hỗ trợ nào từ điện, mà vẫn có thể giữ cho một căn nhà 5 phòng tại Dover (Hoa Kỳ) được ấm cúng suốt cả mùa đông.
2. Túi giấy
Trước năm 1968, người ta thường sử dụng những chiếc bì thư để đựng đồ. Tuy nhiên diện tích nhỏ hẹp là điểm bất lợi chính của bì thư. Margaret Knight, một công nhân dệt sợi đã đưa ra ý tưởng về một chiếc túi giấy có đáy vuông vào năm 1870. Đồng thời, cô đã phát minh ra một chiếc máy cắt, gấp và tạo đáy hình vuông cho chiếc túi. Kiểu đáy này đã giúp phân phối đồng đều trọng lượng của đồ đạc lên đáy túi, khiến chiếc túi đựng được nhiều đồ hơn và cũng trở nên chắc chắn hơn.
Không may, Margaret nhận ra ý tưởng của cô đã bị Charles Annan đánh cắp, nhưng cô đủ bằng chứng để bảo vệ ý tưởng của mình. Cô sử dụng phác hoạ và các ghi chú để chứng minh rằng sáng chế đó là của cô và cô đã chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý dài, để có được quyền sở hữu sáng chế của mình.
3. Bỉm dùng một lần
Phát minh này thuộc về một bà nội trợ của Mỹ, bà Marion Donovan. Phát minh của bà đã được cấp 4 bằng sáng chế. Bà Donovan trong khi chăm sóc con gái sơ sinh đã nhận thấy sự bất tiện của việc cuốn tã vải cho trẻ nhỏ, bà nảy ra sáng kiến: Dùng rèm nilong trong nhà tắm khâu cùng với mảnh vải tã để làm nên chiếc bỉm đầu tiên cho con gái.
Bà cũng lập nên một công ty nhỏ để kinh doanh sản phẩm do mình phát minh. Trong giai đoạn đầu, những chiếc bỉm của bà không được công chúng đón nhận. Tuy nhiên, bà Donovan không nản chí, bà cải tiến cho chiếc bỉm thành không thấm nước và đứng bán các sản phẩm mới ở đại lộ Saks Fifth. Cuối cùng, bà cũng có thể bán sáng chế của mình cho tập đoàn Keko với giá 1 triệu USD.
4. Hệ thống truyền tín hiệu không dây
Ngoài việc là một diễn viên xinh đẹp trên màn ảnh, bà Hedy Lamar còn là một nhà sáng chế. Học được kỹ thuật công nghệ từ người chồng là ông Fritz Mandel, một nhà buôn vũ khí làm việc cho Đức Quốc xã, sau này bà đã vận dụng kiến thức ấy và cùng với nhà soạn nhạc Geogre Antheil, sáng chế ra thiết bị chống nhiễu sóng vô tuyến cho các thiết bị điều khiển tên lửa.
Ý tưởng của bà là một phát minh vượt thời đại, đó là một sóng vô tuyến luôn luôn di chuyển tần số khiến cho chúng trở nên không thể bị chặn lại.
Được cấp bằng sáng chế vào tháng 8 năm 1942, nhưng 20 năm sau, trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba, phát minh này mới được ứng dụng rộng rãi. Đây chính là tiền thân của những phát kiến gắn liền với cuộc sống hiện đại của chúng ta như mạng Wifi và sóng Bluetooth. Đồng thời nó được áp dụng trong các hệ thống điện thoại di động, mã hóa vệ tinh.
5. Bà mẹ của những nhà lập trình
Credit: Unknown
Đô đốc Grace Murray Hopper là một nhà khoa học máy tính và cũng là sĩ quan trong Hải quân Hoa Kỳ. Bà không chỉ viết nên trình biên dịch máy tính cho chiếc máy tính đầu tiên (máy Mark I, có kích cỡ bằng cả một căn phòng) mà còn là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “bugging” và “debugging”, những thuật ngữ mà ta vẫn dùng cho tới ngày nay.
Từ năm 1967 đến năm 1977, bà là Giám đốc Văn phòng Thông tin quy hoạch hệ thống Hải quân Hoa Kỳ. Đây cũng là khoảng thời gian bà phát triển “ngôn ngữ lập trình COBOL”, một trong những thành công lớn nhất trong sự nghiệp của bà. COBOL được lấy từ các chữ cái đầu của từ Common Business-Oriented Language. Mục đích của COBOL là hướng đến thương mại, tài chính và các hệ quản lý của các công ty và chính phủ.
COBOL rất dễ viết, dễ đọc lại dễ sửa hoặc viết thêm vào. Năm 2006, công ty nghiên cứu thị trường công nghệ thông tin Gartner thông báo: hiện tại 60% các chương trình máy tính chuyên nghiệp được viết hằng ngày bởi ngôn ngữ COBOL.
6. Áo giáp kevlar
Đây là một phát minh mang tính “tình cờ” của nhà hóa học Stephanie Kwolek. Vào năm 1966, bà Stephanie Kwolek được giao nhiệm vụ tìm ra một chất liệu mới bền hơn để chế tạo các loại lốp xe. Trong quá trình tổng hợp chất mới theo yêu cầu này, bà Kwolek đã phát hiện ra một loại sợi đanh, cứng, có độ bền vững gấp 5 lần thép và đặc biệt không bắt lửa.
10 năm sau khi sợi Klevar được phát hiện, các nhà nghiên cứu đã phát triển mẫu áo chống đạn súng ngắn sử dụng loại sợi đặc biệt này. Vào năm 1975, những chiếc áo giáp chống đạn đầu tiên chính thức được trang bị tại nhiều sở cảnh sát tại Mỹ.
Ngày nay, người ta còn dùng sợi Klevar trong việc chế tạo khoảng 200 vật dụng quan trọng khác, ví dụ như: lốp xe, giày cho lính cứu hỏa, gậy khúc côn cầu, găng tay bắt dao, cáp quang, nệm chống cháy, bọc thép cho xe hơi và được dùng làm vật liệu để sản xuất cano.
7. Máy rửa bát
Bà Josephine Cochrane đã phát minh ra chiếc máy rửa bát vào năm 1886. Trái ngược hẳn với những gì người ta có thể tượng tượng ra, bà Cochrane không phải quá lo lắng về việc rửa bát, bà sống trong một gia đình sung túc với đầy đủ những người giúp việc.
Tuy nhiên không hài lòng với sự thiếu cẩn trọng của người làm đối với những món đồ sứ tinh tế, kết hợp với dòng máu của một kĩ sư cơ khí (được truyền từ ông nội và bố) bà đã tự mình mày mò và sáng chế ra chiếc máy này. Máy rửa bát của bà là sử dụng nước nóng và áp suất để làm sạch các vết bẩn. Đây chính là những nhân tố tạo nên sự tối ưu của chiếc máy so với những máy rửa bát đã được sáng chế ra từ trước đó. Cơ chế hoàn hảo này vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay.
8. Kính gạt nước
Năm 1903 là năm đầu tiên bà Mary Anderson đưa ra ý tưởng về một cần gạt kính hoạt động bằng tay. Nhưng đáng buồn thay, phát minh của bà lại bị bỏ qua vào thời điểm đó. Tuy đã được cấp bằng sáng chế, nhưng chiếc cần gạt nước của bà lại không được sử dụng rộng rãi.
Chỉ cho tới thời kì hiện đại, người ta mới nhìn thấy sự cần thiết của chiếc cần này cho việc đảm bảo an toàn khi lái xe trong những điều kiện thời tiết xấu. Và thật bất ngờ, chiếc cần gạt nước tự động đầu tiên cũng là sáng chế của một phụ nữ – bà Charlotte Bridgwood.
9. Xuồng cứu hộ
Một ngày nọ của năm 1882, Maria Beasely đứng trông ra biển và nói: “Người ta thực ra là không nên phải chết vì những tai nạn hàng hải nữa”. Và thế là bà phát minh ra chiếc xuồng cứu hộ đầu tiên. Bà còn sáng chế ra một loại máy chế tạo thùng chứa bằng gỗ (barrel) và sáng chế này giúp bà trở nên rất giàu có.
10. Máy làm kem
Phát kiến “vĩ đại” đối với nền ẩm thực thế giới này thuộc về một phụ nữ Hoa Kỳ, bà Nancy Johnson. Năm 1843, bà Johnson đã tạo nên chiếc máy làm kem đầu tiên trong lịch sử. Chiếc máy của bà là một thùng gỗ với phần lõi ở trong là một xi lanh (hoặc một hộp nhỏ) bằng nhôm. Khoảng trống giữa hai lớp thùng sẽ được lấp đầy bằng đá lạnh. Kem sẽ được “quay” trong thùng lạnh này cho đến khi đạt được kết cấu như chúng ta vẫn quan sát.
Cấu trúc máy làm kem của bà hoàn hảo tới mức, nó vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
Nguồn ảnh: herplacemuseum
Hy Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét