Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Mùa Xuân Trên Hải Đảo

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Truyện ngắn MÙA XUÂN TRÊN HẢI ĐẢO, tác giả Cát Dương. Kể lại những ngày gần Tết tại đảo Lý Sơn. Câu chuyện tình tiết, mạch lạc, sống động như một đoạn hồi ký vậy. Xin chân thành cám ơn văn hữu Cát Dương đã chia sẻ.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN



Thế ngồi trên tảng đá cao nhìn xuống bờ biển xa dưới chân núi, những làn sóng xô nhau vào bờ trắng xóa thành một vệt dài dọc theo bãi cát tạo nên những âm thanh dạt dào, mơ hồ như mời gọi kẻ viễn du. Chung  quanh là rừng cây xanh lẩn trong làn sương trắng đục tỏa mờ cả một vùng đồi núi. Thế cúi xuống định ngắt một đóa hoa màu tím dại mọc từ kẽ đá, nhưng ánh mặt trời đang lên chiếu vào cánh hoa đẹp qúa. Chàng dừng tay nhìn về doanh trại, những mái nhà tôn nổi bật giữa núi đồi còn ẩm sương mai, lác đác những bông hoa rừng điểm tô màu sắc trên những hàng cây quanh trại. Thế vòng xuống đi theo vách đá đầy rong rêu, chen giữa những nụ hoa vàng nhỏ li ti và màu hồng xác pháo từ trên cao phủ xuống. Một vách núi đầy lá hoa và tiếng gọi nhau của bầy chim buổi sáng làm lòng chàng xao xuyến: Mùa xuân đã về trên hải đảo.

Thế còn nhớ ngày đầu tiên ra đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) cùng với  một số anh em thủy thủ để nhận lãnh Đài Kiểm Báo 102 do Hải Quân Hoa Kỳ chuyển giao. Chàng phải trạm trú tại Căn Cứ Hải Quân Đà Nẳng thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1. Hai tháng sau, tất cả anh em thủy thủ đã về đầy đủ, sẵn  sàng ra  đảo để nhận bàn giao. Chàng và các bạn được chiếc LCU của Hải Quân Hoa Kỳ chở từ Đà Nẵng vào Căn cứ Không Quân Chu Lai, từ Chu Lai bọn Thế được đưa ra đảo Lý Sơn bằng trưc thăng Chinook.

Mưa mịt mờ trên hải đảo, chiếc Chinook lượn hai  vòng, rồi  đáp xuống trên một khoảng đất rộng ngoài doanh trại. Chiếc cửa  phía sau bụng máy bay được hạ xuống, bọn Thế theo thứ tự bước ra. Những  người  lính  hải  quân Mỹ chạy ào tới bắt tay, chào hỏi rối rít, phụ giúp bọn Thế  đem những quân dụng lên chiếc xe Jeep lùn chạy vào doanh trại. Trời vẫn mưa lất phất, gió thổi lạnh, Thế nhìn quanh chỉ thấy rừng cây mờ nhạt dưới cơn mưa. Doanh trại là một khu đất cao bằng phẳng trên núi Thái lới, được rào bởi một hàng kẽm gai thô sơ, hai dãy nhà tiền chế nằm hai bên. Ở giữa là con đường rộng được trải sỏi màu xám đậm. Cuối đường là con dốc cao tới đỉnh, trên đó là một ngôi nhà nhỏ và một giàn ăng-ten ra-đa to lớn đen ngòm đang quay chầm chậm.

Sau một đêm nghỉ ngơi. Sáng hôm sau Thế và các anh em thuỷ thủ được đưa lên phòng ra-da thực tập. Từ doanh trại lên đến đài ăng-ten ra-đa trên đỉnh phải đi lên một con dốc cao bằng đá núi dài khoảng 300 mét. Đỉnh núi bị san bằng và được xây một căn nhà gỗ vuông vức trên những trụ xi-măng. Mái và sườn nhà được cột chặt bằng những sợi dây cáp lớn xuống đá núi để đề phòng những lúc trời giông bão. Giàn ăng-ten ra-đa đặt trên bốn trụ cao khỏi mái nhà, vươn mình trong bầu trời xám đục. Một dãy hàng rào kẽm gai được bao quanh, và bên ngoài là những trái mìn claymore được điều khiển từ bên trong bởi những sợi dây điện dài, đặt giấu trong cỏ. Bên trong ngôi nhà giống như một phòng hành quân nhỏ, có đầy đủ máy móc vô tuyến liên lạc với các đơn vị bạn như Phòng Hành Quân Bộ Tư Lệnh vùng 1 Duyên Hải, các tàu tuần duyên và tuần dương trong khu vực kiểm soát của ra-đa trên biển. Có hệ thống vô tuyến riêng để liên lạc với các căn cứ Mỹ ở Chu Lai, hoặc những vùng phụ cận hay Đệ Thất Hạm Đội dành cho cố vấn Mỹ. Một màn ảnh  ra-da lớn đặt giữa phòng cạnh các máy vô tuyến. Căn phòng tối mờ mờ, những đèn xanh đỏ chớp tắt liên hồi và những âm thanh liên lạc giữa các đơn vị nghe rất rõ ràng. Bọn Thế thực tập trên máy ra-da theo dõi tàu bè quanh vùng kiểm soát. Nếu nghi ngờ tàu địch thì chấm tọa độ, hướng đi và vận tốc của các tàu đó, báo cáo về Phòng Hành Quân Vùng 1 và thông báo hoặc hướng dẫn các tàu đang tuần duyên đến khám xét. Một tuần lễ sau, lần đầu tiên Thế đi trực đêm với một người bạn Mỹ, hai đứa hì hục lội bộ lên đài, tay cầm súng, tay cầm đèn pin đi giữa những bụi cây rậm cũng sờ sợ. Nhưng riết rồi cũng quen và khi những người lính hải quân Mỹ rút đi, thì Thế chỉ một mình đi trong đêm lên đài để trực và các thủy thủ cũng đi như vậy…

Sau một tháng, Thế và các thủy thủ được huấn luyện thành thạo. Những người lính hải quân Mỹ lần lượt rời đài vì nhiệm vụ huấn luyện đã hoàn tất, chỉ còn Đại úy Jim và hai con quân khuyển ở lại. Ông thường liên lạc với Hạm Đội 7 và các Căn Cứ Hải Quân Hoa Kỳ quanh vùng. Hai quân khuyển nầy rất đắc lực trong việc đi tuần chung quanh doanh trại ngày và đêm. Thế cũng đã làm quen với đời sống nơi đây, tuy buồn nhưng thú vị. Cảnh  thiên nhiên đã làm tâm hồn chàng trong sáng hơn, yêu mái nhà tranh đơn sơ, yêu vườn cải đầy hoa vàng chập chờn đôi cánh bướm ở ngôi làng dưới xa kia.

Một buổi sáng cuối đông, chiếc trực thăng Chinok trở lại đón Đại úy Jim và hai quân khuyển rời Đài kiểm báo, vì nhiệm vụ đã chấm dứt sau hơn một năm phục vụ vai trò cố vấn cho đài. Thế quyến luyến chia tay, Đại úy Jim xúc động ngồi xuống giữa hai chú quân khuyển, tay vuốt vuốt lên lưng chúng, nhìn Thế và những người bạn, nói lớn như bảo hai chú quân khuyển nói theo:
- Say goodbye! say goodbye!
Hai chú quân khuyển đưa mắt nhìn Thế và những người lính đang đứng vây quanh bịn rịn, sủa lên mấy tiếng như nói lời từ biệt. Đại úy Jim đứng lên bắt tay từng người, ôm vai thân mật rồi chậm rãi nói:
- Chào, ở lại vui vẻ.
Cả bọn Thế thật cảm động khi nghe ông nói tiếng Việt mà ông đã học rất lâu từ một người nào đó. Sau phút chia tay ngắn ngủi, quyến luyến, ông dẫn hai chú quân khuyển leo lên trực thăng, đưa tay chào lần cuối và tất cả phi hành đoàn đưa tay vẫy chào. Máy bay cất cánh, xa dần, xa dần... rồi mất hút  giữa bầu trời mờ đục gió mưa. Kỷ niệm chất chứa trong Thế, như những tàng ong chứa đầy mật ngọt. Những người bạn Mỹ ra đi, để lại trong lòng chàng biết bao nỗi nhớ, luyến tiếc của một thời đã cùng nhau làm việc, vui chơi tại Đài kiểm báo nầy.
                                     
Mùa đông đã qua, cỏ cây vươn mình trong nắng xuân ấm áp. Biển êm đềm từ xa vọng về ngàn lời ru của biển và những cánh chim hải âu bay lượn giữa bầu trời xanh dịu vợi. Con đường dốc từ doanh trại xuống tới chân núi ngoằn ngoèo, lúc cao, lúc thấp, hai bên hoa dại mọc đầy và lũ chim rừng đua nhau cất cao tiếng hót véo von. Thế, Vinh và Trung vừa xuống tới chân núi, nơi những vườn tỏi đã được dọn dẹp sạch sẽ, chờ đổ thêm cát vào, chuẩn bị cho mùa tới đang bỏ dở dang, vì dân làng bận lo cho những ngày Tết. Trung đi sát bên Thế, nói cười vui vẻ, còn Vinh thì ở tụt phía sau (chắc đang bắt bướm hái hoa…?). Họ đi giữa con đường làng rộng, hai bên là nhà cửa và tiệm quán của dân chúng. Những hàng rào bông bụt đỏ chen lẫn trong đám lá xanh kéo dài xa tít trước mặt. 

Con đường rất dài nối liền từ đầu đảo đến cuối đảo là con đường chính của đảo Lý Sơn. Trời đã trưa, không khí vẫn mát dịu, cảnh vật nhộn nhịp khác thường. Vài chiếc xe Honda và hàng trăm chiếc xe đạp chở hàng hóa chạy lên xuống, người gánh, kẻ đội, tấp nập đi về phía chợ để kịp bán mua trong ngày cuối năm. Bọn Thế đến nhà Sơn (Sơn là một thanh niên chuyên nấu ăn cho những người lính hải quân Mỹ trên đài kiểm báo, họ rất thân với nhau, Sơn nghỉ việc vì những người lính hải quân kia đã rời khỏi đài) để thuê 3 chiếc xe đạp đi lên chợ. Thấy Vinh, Trung và Thế đến, Sơn từ trong sân chạy ra mừng rỡ:
- Ba ông thầy sao giờ nầy mới xuống? Mời ba ông vào nhà chơi.   Vinh chỉ vào Thế:
- Ông nầy mới là ông thầy, còn tôi và Trung thì gọi tên được rồi.
Trung cười to, gõ vào đầu Sơn một cái:
- Hổng được, phải gọi tao bằng anh, nếu không thì khi đau bụng, nhứt đầu không có thuốc đâu nhé!
Sơn cũng không kém:
- Được rồi đại ca, tí nữa giữa đường bánh xe xì lốp, ráng vác lên lưng mà đi bộ, đừng gọi Sơn nầy nghe!
Họ vui đùa thỏai mái. Thế chỉ tay vào mấy chiếc xe đạp dựng sát hàng rào hỏi Sơn:
- Còn đủ xe không?
- Dạ nhà còn 5 chiếc. Sơn trả lời.


Bọn Thế lựa 3 chiếc xe tốt nhất, leo lên, chào Sơn, rồi đạp thẳng lên chợ. Dọc đường họ gặp rất nhiều người quen như cô Phát, cô Thu bán trái cây, chị Khánh bán tạp hóa, anh Thuận dạy học ở  trường đạo, chú Thân đi ghe lưới v.v... Chợ Tết là một khu đất rộng, được che nắng bằng những tấm vải ny lông nhiều màu sắc. Bên trong chợ bày bán đủ các loại bánh mứt, hoa quả, nhang đèn, câu đối và những bức tranh để treo trong mấy ngày Tết. Thịt heo được  móc lên những cái móc cao, gà, vịt sống thì để nằm gọn gàng dưới đất. Áo quần  trẻ con đủ màu, đủ cỡ bày bán trên những sạp gỗ. 

Tiếng cười nói, trả giá, chào mời, rao hàng tạo nên những âm thanh vui nhộn. Họ đi một vòng quanh chợ tìm mua vài phong pháo và một số đòn bánh tét và bánh mứt. Còn nồi thịt kho trứng thì tuần trước cô Hoàng con của bà chủ tiệm may Hoàng Yến hứa là sẽ kho cho một nồi lớn. Thế chợt thấy nhiều cành hoa mai đang đươc một người đàn ông vác trên vai đi tới, đi lui rao bán. Vinh khoèo tay Thế nói nhỏ:
- Mua một cành tặng cô Hoàng!
Thế trêu chọc vinh:
- Chà, ghê thật, để ý người đẹp rồi hả?
Trung lườm Vinh chế nhạo:
- Chưa chắc người ta nhận đâu, nếu Trung nầy tặng thì nồi thịt kho của cô Hoàng sẽ nhiều thịt và trứng hơn, tha hồ mà ăn Tết.
Thế bật cười, vì hai tên nầy lúc nào cũng kê nhau sát ván!

Mặt trời đã rọi nghiêng trên bãi cát. Thế nhìn ra ngoài biển, cách bờ không xa, mấy chục chiếc ghe lớn nhỏ neo gần nhau đang chòng chành trên mặt sóng. Thật là một bức tranh tuyệt đẹp. Thế, Vinh và Trung đi vòng quanh xóm nhà gần chợ, nhìn ngắm những sản phẩm tiểu công nghệ của địa phương trưng bày trước nhà để bán trong những ngày xuân. Nhiều đá san hô giống như những cành cây, trắng đục pha màu hồng đỏ, có loại toàn màu đỏ trông đẹp mắt vô cùng. Vỏ mai con ba ba màu vàng xanh, vỏ cua, vỏ tôm hùm còn nguyên si màu gạch tôm được gắn chặt vào những miếng gỗ nâu làm nổi bật hình thể và màu sắc của chúng. Thế đang để hết tâm trí  thưởng lãm những sản phẩm độc đáo nầy, thì một bàn tay vỗ nhẹ vào vai:
- Đi đâu lạc đường lên đây hè?
Nghe tiếng hỏi, Thế biết ngay là chú Tùng, ông là chủ nhiều vườn tỏi và nhiều chiếc ghe đánh cá tại đảo nầy. Cách nay vài tháng khi Thế đem thuốc nhỏ mắt xuống cho những người dân từ Quảng Ngãi lánh nạn chiến tranh, hay ở những vùng xôi đậu ngày quốc gia, đêm cộng sản, chạy ra tạm cư tại đảo nầy. Vì họ không quen với nắng, gió, cát và hơi nước biển ở đây nên người nào cũng bị bịnh đau mắt. Tình cờ Thế gặp chú Tùng đang đem cá phân phát, tặng cho những người dân ở trong những căn nhà dựng lên thô sơ dọc theo bãi biển. Từ đó hai người quen nhau, chú Tùng lớn hơn Thế 20 tuổi, nên Thế gọi bằng chú. Chú Tùng rất hiền hậu và có lòng thương người, nghe đâu ông cũng là người Quảng Ngãi, nhưng ra đảo Lý Sơn lập nghiệp lâu rồi. Thế mừng quá, ôm bàn tay chú:
- Dạ, chào chú, chú cũng lên đây đi chợ Tết?
- Ờ… nhà tôi ở trên nầy, lâu quá không gặp cháu, ủa mà hai cháu Vinh và Trung sao dạo nầy mập trắng ra như thế nầy?
Trung nhanh miệng:
- Dạ, chắc hai đứa cháu ăn rồi ngủ nên mập ra, vã lại mùa đông ở đây lạnh và mưa quá nên tụi cháu ít xuống dưới nầy.
Chú Tùng vồn vã nói:
- Ba cháu ghé lại nhà chú uống nước chơi, ngày mai, buổi trưa ba cháu lên đây mình nhậu lai rai, mùng một Tết mà, vui xuân cái đã, mọi việc tính sau.
Bọn Thế ghé lại nhà chú Tùng uống vài chai bia, chuyện trò một lúc rồi xin phép ra về. Chú ân cần đưa họ ra tận cửa, dặn dò:
- Ngày mai, buổi trưa ba cháu nhớ tới nghe, chú đợi đó!
Bọn Thế cùng đáp:
- Dạ, tụi cháu nhớ mà, chú yên tâm.
Họ về đến nhà Sơn đúng 5 giờ chiều, trả xe, rồi cuốc bộ, leo núi về đài. Hai bên đường vắng lặng, mùi thơm khói nhang tỏa ra phảng phất. Chiều 30 Tết, mọi người sửa soạn đón Ông Bà Tổ Tiên về ăn Tết với con cháu bằng những mâm cơm thịnh soạn, nghi ngút hương trầm. Quay quần ấm cúng bên nhau cùng đón một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc. Khi lên đến lưng chừng đồi, ba người ngồi xuống bờ cỏ. Mặt trời sắp lặn, hoàng hôn từ từ phủ xuống núi rừng. 

Thế nhìn lên bầu trời, hàng ngàn vì sao lấp lánh, gió đêm se lạnh. Dưới chân đồi xa, trên vùng biển hàng ngàn đốm sáng lung linh như đêm hoa đăng đón mừng xuân mới. Họ ngồi thật lâu, sát vào nhau tìm hơi ấm. Gần nửa đêm rồi… tiếng pháo giao thừa đêm ba mươi đì đùng vọng lại. Thêm một cái Tết xa nhà, một mùa xuân trên hải đảo. Đêm nay trên đỉnh núi cao đầy hơi sương lạnh, những chàng trai hải hồ ngồi giữa núi đồi thầm mơ ước một mùa xuân không còn những nhớ thương ray rức, những cô đơn tận cùng trong trái tim rực lửa, sẽ nhìn thấy ánh mắt của cha, nụ cười của mẹ, ngây thơ của em, dịu dàng của chị và nồng nàn của người yêu đã một phương trời xa cách…                                  

Sáng hôm sau khoảng hơn 10 giờ, Thế thức dậy miệng đắng nghét, vỏ bia đầy bàn, chàng bảo Trung và Vinh thu dọn cho lẹ, đánh răng, rửa mặt xong, áo quần tươm tất, xuống núi đến nhà Sơn chúc Tết.  Rồi vội vã lấy xe đạp lên nhà chú Tùng. Quang cảnh ngày mồng một Tết vui tươi nhộn nhịp, người nào cũng đồ mới, nhất là trẻ con chạy đùa trong sân, trước ngõ, tay cầm bao lì xì màu đỏ đưa lên khoe nhau. Mùi thuốc pháo nực nồng, chỗ nầy Bầu, Cua, Cá, Cọp, chỗ kia lô tô, cờ tướng, bài ba lá. Xa hơn nữa là tiếng trống thùng thùng của bài Chòi, cờ xí xanh đỏ rợp cả một góc đường. Trống múa Lân thúc dục, mọi người càng hứng khởi vui chơi trọn vẹn ngày đầu xuân.

Mãi theo dõi và đắm chìm trong không khí Tết. Thế, Vinh, Trung tới nhà chú Tùng quá 12 giờ trưa. Bây giờ họ mới để ý đến cây Nêu cao trước sân nhà, trên đó có treo một miếng vải đỏ dài xuống tận nửa và một gói nhỏ màu xanh treo gần ngọn đang đứng im lìm dưới nắng xuân.  Chú Tùng từ trong nhà vừa bước ra cười nói:
- Mời vào, mời vào, quân đội có khác!
Trung thắc mắc hỏi:
- Có gì khác thưa chú?
- Thì khác... thôi vào bàn ngồi lai rai rồi chú nói.
Nói xong, chú Tùng dẫn bọn họ đi qua một hành lang dài vào tới một bàn tròn lớn, trên bàn đã bày ra nhiều món ăn. Chú nói:
- Hôm nay chú mời mấy cháu lại đây ăn Tết với gia đình chú một bữa cơm. Thấy Tết nhứt mà mấy cháu phải xa nhà, chú thương quá! Thằng con lớn của chú cũng vậy, nó đi lính nhảy dù, đang hành quân vùng Tây Ninh gì đó, ba năm rồi nó chưa về thăm nhà. Ôi, thanh niên thời buổi chiến tranh thấy mà tội.

Hình như để đè nén cơn xúc động, chú cầm chai bia lên mời bọn Thế cùng uống, chú uống một hơi cạn hết chai bia. Rồi chú quay người về phía Trung nói:
- Hồi nãy chú  nói quân đội có khác là như thế nầy, các cháu vào quân đội, họ rèn luyện cho các cháu một bản tánh tự tin, can đảm, kỷ luật. Chú nghe những người dân từ Quảng Ngãi ra ngoài nầy tạm cư, họ khen các cháu lắm. Họ nói các cháu thường giúp đỡ thuốc men, đôi lúc lại còn đem cho đồ hộp nữa. Có một dạo nào đó, chú nghe nói là trên đài kiểm báo còn gọi trực thăng của Mỹ bay ra ngoài nầy chở vợ của thằng Tri bị đẻ ngược vào nhà thương Mỹ ở Chu Lai, vì bà Mụ ở đây không đem đứa nhỏ ra đươc, suýt nữa là nguy hiểm đến tánh mạng của hai mẹ con, phải vậy không cháu Thế?
Thế gật đầu, trả lời:
- Dạ đúng vậy thưa chú. Hồi đó ông Đại úy Jim tốt lắm, nhờ  ông mà trực thăng mới bay ra cứu kịp vợ của anh Tri. Chị nằm nhà thương của hải quân Mỹ hai tuần, rồi được đưa về lại đảo, còn được tặng nhiều quần áo, thuốc men và thức ăn cho em bé nữa.

Trong lúc trò chuyện thì một người đàn bà trung niên và một cô gái từ trong bếp ra chào. Chú Tùng liền giới thiệu:
- À, đây là thiếm Tùng vợ chú. Còn đây là cháu Châu, con gái út của vợ chồng chú. Nó đang học tại trường trung học Trần Quý Cáp. Hai mẹ con ở Hội An mới về hôm qua. Ở ngoài đó chú có một tiệm bán tỏi và cá khô, nên hai mẹ con ở đó coi sóc bán buôn luôn. Châu và mẹ gật đầu chào mọi người rồi ngồi vào bàn, ăn uống tự nhiên, nói cười vui vẻ. Trung thì miệng hỏi hết chuyện nầy đến kia. Cô Châu thùy mị, hiền lành, dáng người xinh đẹp, ngồi xuống, đứng lên nhiều lần giúp mẹ đem thêm thức ăn từ trong bếp ra. Thỉnh thoảng cô nhìn Vinh, càng làm cho Vinh luống cuống, mặt tai đỏ bừng. Thế uống cầm chừng, vì còn phải về đài lo phiên trực cho tối nay. Thấy ánh nắng đã xế chiều và bữa tiệc cũng sắp tàn nên sau khi uống hết bình trà, họ đứng dậy từ giả vợ chồng chú Tùng và cô Châu, không quên chúc gia đình chú một năm mới an khang, thịnh vượng và hẹn sẽ gặp lại. Trên đường về, bọn Thế nghe nhiều tiếng pháo xa xa vọng lại. Có lẽ đó là những tiếng pháo của những thôn xa như hòn Tai, hòn Tiên, hòn Vụng, hòn Sỏi, đốt lên tiếp tục mừng xuân. Riêng núi Thái Lới chỗ doanh trại của bọn Thế ở, cao nhất đảo, thì im lìm, chỉ có những ngọn đèn tỏa sáng như những ngọn hải đăng định hướng cho ghe tàu quanh vùng chạy vào núp sóng gió trong những ngày giông bão.
                                                

Vài tuần sau, Thế một mình xuống núi ghé vào nhà cô Phát để thăm ba cô, vì trước Tết ông cụ có gởi cho anh em trên đài mấy chục cam sành của nhà ông trồng. Vừa tới trước cổng thì gặp ngay cô Phát đang đứng trên thang hái ổi, thấy Thế vào cô vội bẻ ngay một cành ổi nhỏ đầy trái, bước xuống thang đưa tận tay chàng, rồi ân cần mời chàng vào nhà:
- Mời anh vào nhà, ba em đang uống trà trong đó.
Thế đi theo nàng qua một khoảng sân lớn lót gạch, hai bên trồng nhiều cây ăn trái. Chàng để ý thấy có ba cây mận đang ra trái màu đỏ hồng và màu xanh mượt như những cái chuông nhỏ treo lủng lẳng trên những cành cây. Bước lên năm bậc thềm mới tới cửa vào nhà. Ngôi nhà to rộng ba gian với hai cánh cửa lớn bằng gỗ lim rắn chắc và bóng nhẵn. Vào bên trong Thế đã thấy ông ngồi sẵn cạnh bàn, một bình trà nóng đang bốc khói và bốn cái tách màu xanh ngọc thạch. Nhìn thấy Thế vào, ông lên tiếng:
- À, cậu Thế mới xuống hả? Mời cậu ngồi xuống đây. Phát, con rót trà ra tách cho cậu Thế giùm ba.       
Thế vừa ngồi xuống vừa nói:
- Cám ơn bác, hôm trước cháu có gặp bác ngoài đình cúng Ông Nam Hải. Bác có cho cháu mấy chục cam, bác còn nhớ không?
Cô Phát rót trà vào tách, rồi nói thay cha:
- Ba em nhớ chớ! Hôm đó có em đi theo ba nữa, hai người nói chuyện vui lắm mà. Về nhà còn khen anh rối rít. Thôi để con ra sân hái ít mận.
- Ừ con ra hái đem vô đây cho ba và cậu Thế ăn thử coi mận năm nay có ngon như mọi năm không? Ông nói.
Cô Phát đi ra sân, một lát sau đem vào một rổ đầy mận, khoe với cha:
- Mận ngon quá, để con đem đi rửa sạch rồi mời ba và anh Thế ăn.
Ông cầm tách trà lên:
- Mời cậu dùng trà, trà Thiết Quan Âm nầy thơm mùi hoa sen lắm. Uống vào thấy tỉnh táo ngay.
Thế đưa tách trà lên ngang mũi, mùi hương sen thơm thoảng, uống vài ngụm rồi đặt tách trà xuống bàn:
- Thưa bác, ba cháu cũng thích loại trà nầy lắm!
Vừa lúc đó cô Phát cũng vừa bưng dĩa trái mận ra đặt lên bàn:
- Mời ba và anh Thế ăn thử coi có ngon không?
Ông liền lấy một trái mận đỏ lớn đưa cho chàng:
- Mời cậu, cây nhà lá vườn ngon ngọt lắm.
Cô Phát ngồi xuống cạnh cha xen vào:
- Thưa ba, tí nữa con hái thêm một ít nữa gởi anh Thế mang lên đài cho mấy anh trên đó được không ba?
Ông vuốt chòm râu bạc, uống một ngụm trà, thong thả tâm sự:
- Con nhỏ nầy bụng dạ tốt lắm, năm ngoái nó đem về nhà bảy, tám đứa bạn từ Sàigon ra nhân dịp hè ở chơi cả tháng. Chúng nó là bạn học sư phạm với nhau nên thân nhau lắm. Cả ngày đi chơi biển nên đứa nào cũng đen thui.
Trong lòng Thế hơi thắc mắc tại sao từ đảo Lý Sơn nầy mà cô Phát vào tận Saìgon xa xôi để theo học ngành sư phạm. Hình như đoán được sự tò mò của chàng nên cô Phát nói ngay:
- Anh Thế biết không, em có người dì ruột sống tại thành phố Sàigòn. Mẹ em là người miền Nam. Hồi đó lâu lắm cha em đi lính đổi vào Saìgon, gặp mẹ em rồi cha em xin cưới luôn. Sau đó vài năm cha em bị thương được giải ngũ…
Cô Phát chưa nói hết câu thì ông tiếp:
- Tôi có hai thằng con trai lớn, một đứa thì làm phi công ở Nha Trang, còn đứa kia thì đang dạy học ở Vĩnh Long. Còn cô út nầy cũng vừa mới ra trường sư phạm. Nay mai chắc cũng sẽ mở thêm một trường dạy học nũa tại đảo nầy cho các cháu nhỏ.
Ông vừa nói vừa rót thêm trà vào tách Thế. Quay sang cô Phát ông bảo:
- Con đem bình trà nầy châm thêm. Mà nè, mẹ con mấy giờ về?
- Dạ cũng sắp về, mẹ đi chùa gần đây mà. Cô Phát trả lời.
Ông Năm ngần ngại nhìn Thế hỏi:
- Quê cậu Thế ở đâu? Nghe giọng nói hình như là người Trung.
- Dạ thưa bác cháu ở Hội An, đi lính vào miền Nam ở khá lâu nên giọng nói chắc có lai miền Nam chút đỉnh.
Có tiếng chân bước lên thềm nhà. Cô Phát chạy ra reo lên:
- Cha ơi, mẹ về rồi. Thưa mẹ, mẹ mới về.
Cô Phát dìu mẹ bước vào nhà. Thế vội đứng lên chào bà:
- Kính chào bác.
- Chào cậu, cậu ngồi chơi với ông nhà tôi, tôi vào trong một tí…
Bà vui vẻ trả lời. Rồi đi thẳng ra nhà sau, cô Phát đi theo. Một lát sau cô trở lên nói với cha:     
- Thưa ba, mẹ nói mời anh Thế ở lại ăn cơm trưa.
Cô quay sang Thế:
- Mẹ em mời anh ở lại ăn cơm trưa, hôm nay em sẽ trổ tài làm bếp!
Thế thấy ngại trong lòng, nhưng ông nói như ra lịnh:
- Cậu ở đây ăn cơm với gia đình chúng tôi. Lâu lắm hai thằng con tôi không có dịp về để ăn một bữa cơm với gia đình.
Thế lúng túng muốn từ chối, thì bà từ dưới bếp đi lên hỏi cô Phát:
- Sao con, cậu Thế đã bằng lòng ở lại ăn bữa cơm với mình không?- Dạ... dạ thưa mẹ…
Cô Phát ấp úng, Thế thấy vậy liền đở lời:
- Dạ cám ơn hai bác, cháu thật hân hạnh… Dạ cháu xin ở lại…
Bà nhìn Thế mỉm cười gật đầu. Bà như vui mừng trong bụng nói với cô Phát:
- Con xuống đây giúp mẹ.
Cô Phát ngoan ngoãn theo mẹ đi xuống bếp.
Bữa cơm đủ hương vị của biển được dọn lên và cây trái trong vườn cũng tươi ngon không kém. Trong bữa ăn họ nói chuyện với nhau rất là tâm đắc và hình như hai ông bà rất thích Thế.                            
Thế phơi phới trong lòng ôm theo một mớ trái cây mà cô Phát hái cho đem về đài. Trời sắp ngả về chiều. Đôi chân chàng cũng thấy nặng nề trên những dốc núi. Về đến đài đã thấy Trung, Vinh và một số anh em đang chơi bóng chuyền ngoài sân. Họ thấy chàng kệ nệ tay bưng giỏ trái cây, liền chạy đến giúp. Trung tía lia:
- Chà, ông thầy sao giống Tề Thiên đi trộm vườn đào của Thánh Mẫu vậy?
Nói xong cả bọn nhào vô. Chốc lát giỏ trái mận trên tay Thế chẳng còn trái nào. Cả bọn họ lại tiếp tục chơi… Thế thấy mỏi mệt, nhất là đôi chân. Chàng liền về phòng đánh một giấc cho tới sáng hôm sau.

Ngày tháng cứ trôi đi, Thế vẫn thường xuống làng dạo chơi cùng bạn bè và đem thuốc nhức đầu, đau mắt cho những người dân Quãng Ngãi tạm cư tại đảo. Ghé thăm nhà nầy đến nhà khác. Lâu lâu ghé thăm chú Tùng, thầy giáo Thuận, cô Hoàng… Cha cô Phát cho biết là cô đã trở vào Sàigòn thăm người dì và có lẽ khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 mùa hè cô sẽ về lại đảo. Thế thấy buồn buồn, nhớ những lần cùng cô đi tắm biển hoặc rong chơi đây đó trên đảo. Nhưng hai người vẫn giữ một khoảng cách tình bạn, mặc dù đôi lúc cô thố lộ…"Em rất thích hải quân…"

Suốt một mùa hè Thế âm thầm thám hiểm quanh đảo. Đôi lúc đi với Trung, đôi lúc đi với Vinh. Bên kia đài cách khoảng cây số là một miệng hố rộng và sâu. Chàng nghe dân làng nói đó là miệng núi lửa đã tắt từ nhiều ngàn năm trước và trên bản đồ của đảo cũng ghi như thế. Chàng định hôm nào sẽ đến đó và leo lên tận miệng núi lửa để xem như thế nào. Nhưng đường đi khó khăn vì phải vượt qua nhiều đoạn đường rừng, cây cối âm u, nguy hiểm. Chàng bỏ ý định đến đó và quay sang đi thăm chùa Hang. Sau hơn một tiếng đồng hồ đi dọc theo bờ biển và leo qua nhiều dốc đá chàng và Trung đến ngay trước cửa chùa Hang. Trước mặt chàng là một cửa động cao và sâu vào phía trong. Trước cửa động là hai trụ cột vuông cao, to. Phía trên ngang qua là một tấm bảng dài có khắc bốn chữ: Thiên Khổng Thạch Tự” Vách động màu nham thạch dựng đứng cao khoảng 30 mét. Sân chùa nhìn ra biển, giữa sân có hồ sen và tượng Phật. 

Những cây bàng biển cổ thụ lá to có cả hàng trăm năm che mát cả một khu vực rộng lớn. Và có nhiều tảng đá tròn nhẵn như những chiếc ghế thiên nhiên dành cho khách đến hành hương hoặc thăm viếng. Hang động dài sâu vào trong, trần cao. Trong động có thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc ngay chính giữa. Một vị sư già bước ra, Thế và Vinh chắp tay vái chào, vị sư chắp tay chào lại, rồi dẫn họ đi vòng quanh trong động giải thích: "Đây, bên trái là bàn thờ Sư Tổ Đạt Ma và 3 vị Thủy Tổ của đảo, kiếp tiếp là bài vị của những người đã phụng sự chùa có tôn danh, đó là Ông Trần Công Thành, Ông Trần Công Hiền, Ông Trần Công Quân và bảy vị Tiền Hiền làng An Hải. 

Các bệ thờ được tạo ra từ các nhũ thạch tự nhiên ở trong động. Mặc dù Trung là đạo Thiên Chúa nhưng cũng theo Thế vào bên trong kính cẩn thắp nhang trước bàn thờ Phật và vái chào, hỏi han 3 vị Sư trụ trì tại đó. Thế bước ra khỏi cửa động đi lần xuống mé biển. Những làn sóng nhẹ nhàng xô bờ, âm thanh dạt dào khiến lòng chàng nhớ về một quá khứ. Thế và Vinh đi dọc theo bờ biển, chàng miên man nghĩ đến các bạn từ khi ra trường hải quân đến nay, chàng ít có dịp gặp lại bạn bè cùng khóa, chỉ gặp lại vài bạn cùng phục vụ trên các chiến hạm mà thôi. Như hôm nay, Thế đang ở Đài kiểm Báo 102 Lý Sơn xa xôi, đâu có dịp nào gặp lại các bạn ở những đơn vị lớn khác… Nên đời buồn như một ốc đảo nằm lẻ loi giữa biển khơi…

Thế rời đảo tháng 4 năm 1969 vì được gọi về Bộ Tư Lệnh Hải Quân để theo học khóa Anh Ngữ tại Sàigòn. Sau đó đi lãnh chiếc Khu Trục Hạm HQ1 Trần Hưng Đạo từ  Hawaii về Việt Nam. Thế phục vụ được vài tháng trên HQ1, rồi chàng thuyên chuyển ra Đài Kiểm Báo 402 trên đảo Nam Du. Một năm sau Thế  đổi về Đài Kiểm Báo 403 Mũi Đất Đỏ, An Thới, Phú Quốc. Nơi đây chàng đã lập gia đình với cô giáo M…Và cũng nơi đó chàng được tin Vinh cưới Châu, có hai con. Vinh đã nhận hải đảo Lý Sơn làm quê hương. Còn Trung thì đổi về miền Tây, giã từ cuộc sống độc thân, ở luôn quê vợ Long Xuyên.

Đời, như những đợt sóng, lúc hiền hòa, lúc giận dữ. Thế cũng bập bềnh trôi theo từng đợt sóng đẩy xô chàng và gia đình ra đại dương… Bốn mươi ba năm xa đất Mẹ, kỷ niệm không còn là mật ngọt, mà là rượu đắng, men cay đốt mãi tâm cang người lưu lạc…
           
Cát  Dương
(Một thời để nhớ)                                                                                                                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét