Non sông hoa gấm đất Hoa-Lư
Ngàn năm thương nhớ đất
Hoa-Lư (Ninh-Bình)
"kinh đô dựng nghiệp Đế vương của ba triều Đinh, Lê, Lý "
Ngoài ra, người ta còn thấy có sự xuất hiện của bốn câu thơ:
" Cố đô Đại-Việt thành Hoa-Lư
Núi non trùng điệp phủ mậy mù
Kinh đô Việt cổ nằm thung rộng
Đại thắng Minh hoàng mãi ngàn thu"
chính là những ý nghĩa tinh thần, thông đạt gợi lại niềm tự hào của người dân địa phương ngàn năm văn vật đất Hoa-Lư.
Lễ hội truyền thống cố đô Hoa-Lư
Tái hiện cảnh cờ lau tập trận
Triều đại của vua Lê-Đại-Hành (980-1005) được gọi là Tiền Lê, vì về sau nước ta còn có vua Lê-Lợi. Trong thời gian ở ngôi Hoàng-đế, nhà Vua vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao hữu nghị cầu hòa đối với lân bang, để có thời gian chăm lo phát triển xã hội, xây dựng kinh tế nước nhà. Và một trong những di tích có tầm cỡ lớn lao còn để lại, đó là công trình thủy lợi sông đào nối liền giữa bốn tỉnh Ninh-Bình, Thanh-Hóa, Nghệ-An và Hà-Tỉnh. Và đây cũng chính là con đường giao thông bằng thủy lộ sông đào đầu tiên trong lịch sử địa lý của Việt-Nam. Đặc biệt ngoài tài cầm binh khiển tướng nơi trận mạc, ông còn là một nhà lãnh đạo nước nhà rất mực chí công vô tư, quan tâm mọi sự đãi ngộ xứng đáng công lao chiến sĩ và có tinh thần hòa giải trong vấn đề chọn lọc trọng dụng nhân tài. Hơn thế nữa, ông còn tế nhị biết dùng mưu mẹo để nêu cao tinh thần văn hóa dân tộc qua một giai thoại lý thú, xảy ra giữa sứ giả nhà Tống là Lý-Giác và nhà sư Pháp-Thuận được lưu truyền từ ngàn năm qua trong xã hội dân gian.
Tương truyền rằng năm Đinh-Hợi (987), nhà Tống nhận thấy giấc mộng xâm lăng bành trướng bá quyền của họ lúc bấy giờ khó bề thực hiện được về ở phương Nam. Vì thế cho nên, họ cử sứ giả Lý-Giác sang nước Đại-Cồ-Việt của ta để viếng thăm hữu nghị láng giềng. Nhận được tin nầy, vua Lê-Đại-Hành liền nhờ thiền sư Pháp-Thuận (914-990) giả dạng làm ông lái đò để tiếp đón Lý-Giác. (Pháp-Thuận nguyên là một bậc thiền sư tài cao, học rộng, đạo hạnh, đạo lực thâm sâu, không màng danh lợi ngay cả sắc phong của vương triều)...Khi thuyền vừa tách bến, Lý-Giác bất chợt nhìn thấy giữa cảnh quan thiên nhiên hữu tình có hai con ngỗng đang nô đùa ngụp lặn dưới sông cho nên cảm hứng ứng khẩu làm thơ ngâm rằng:
"Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha"
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
"Ngỗng kia ngỗng một đôi
Ngưỡng cổ ngóng chân trời"
Lý-Giác vừa ngâm xong liền lấy làm đắc ý nghĩ rằng trong phái đoàn nhà Lê tiếp đón ông chắc gì đã có người hiểu hết được những ý nghĩa cao siêu, thâm thúy đó. Tuy nhiên, tiếp liền theo thì Lý-Giác giật mình khi nghe ông lái đò (sư Pháp-Thuận) cất tiếng họa lại rằng:
"Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba"
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nước xanh lông tuyết trải
Sóng lục chân hồng bơi"
Sự kiện nầy làm cho sứ giả nhà Tống hết sức lấy làm kinh ngạc, cho rằng một kẻ quê mùa chèo đò xứ Đại-Cồ-Việt mà lại có khả năng làm ra được những câu thơ phú ngoại hạng đó, thì quả thật là nguyên khí ở đất phương Nam rất thịnh. Do vậy, cho nên sau khi trở về thì Lý-Giác mới ngẫm nghĩ có để lại câu thơ
"Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu"
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
"Ngoài trời lại có trời soi rạng"
với ngụ ý có tinh thần tương kính như có ta (đây) thì cũng có người.
Chùa Nhất-Trụ (Hoa-Lư) là nơi thờ sư Pháp-Thuận và Khuông-Việt
Đền thờ vua Lê-Đại-Hành nằm cách đền thờ vua Đinh-Tiên-Hoàng chừng vài trăm thước, chính cung thờ Lê-Đại-Hành, Dương-Vân-Nga và Lê-Long-Đỉnh. Và nếu bên tòa thiêu hương đền Đinh-Tiên-Hoàng có bài vị thờ bốn vị quan trung thần là Nguyễn-Bặc, Đinh-Điền, Trinh-Tú và Lưu-Cơ, thì bên tòa thiêu hương đền Lê-Đại-Hành cũng có bài vị thờ một vị công thần Phạm-Cự-Lượng là người có công đóng góp vào đại cuộc ủng hộ việc cung thỉnh Lê-Hoàn lên ngôi Hoàng-đế.
Đền thờ vua Lê-Đại-Hành ở Hoa-Lư
Triều Đế vương thứ ba đóng đô cuối cùng ở đất Hoa-Lư, là vua Lý-Thái-Tổ (974-1028). Vua Lý-Thái-Tổ húy là Lý-Công-Uẩn lên ngôi Hoàng-đế từ năm 1009 cho đến năm 1028. Lý-Công-Uẩn nguyên là con nuôi của thiền sư Vạn-Hạnh, và cũng là quan đại thần của triều vua Lê. Sau đó, ông trở thành phò mã khi được vua Lê-Đại-Hành tín nhiệm thương yêu gả cho công chúa là Lê-Thị-Phất-Ngân. Và khi đến đời vua Lê-Long-Đỉnh băng hà, thì ông được thiền sư Vạn-Hạnh và quan đại thần Đào-Cam-Mộc cùng vận động đứng lên triệu tập triều đình ủng hộ tôn lên ngôi Hoàng-đế.
Tại vị được một năm, thì vua Lý-Thái-Tổ nhận thấy khu vực kinh kỳ Hoa-Lư nhỏ hẹp không thể so sánh được với vùng đất Đại-La có vị trí ở ngay trung tâm đồng bằng sông Hồng là nơi có nhiều điều kiện để dễ dàng phát triển kinh đô về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nước nhà. Do vậy, cho nên vua Lý-Thái-Tổ mới ra "Chiếu đời đô" ("Thiên đô chiếu") từ Hoa-Lư về Đại-La vào năm 2010. Trong "Chiếu dời đô" có đoạn ...Huống chi thành Đại-La, đô cũ của Cao-Vuơng ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời...
Và liền sau đó, thì thành Đại-La được đổi tên lại là thành Thăng-Long, giờ đây là thủ đô Hà-Nội.
Bia tưởng niệm vua Lý-Thái-Tổ ở Hoa-Lư
Thời gian đóng đô của triều đại nhà Lý ở Hoa-Lư tuy quá ngắn, nhưng sau khi về trị vì ở đất Thăng-Long thì lại quá lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc (215 năm). Và cái mốc của hình ảnh kinh thành Hoa-Lư về lại Thăng-Long quả là một sự kiện lịch sử châu về hiệp phố, vì trước đây các đế đô của VN đều đóng ở quanh khu vực Đại-La (ven biên vùng Hà-Nội bây giờ) như nào là Mê-Linh (thời Hai Bà Trưng), Long-Biên (thời Lý-Nam-Đế), Cổ-Loa (thời Ngô-Quyền). Còn vua Lý-Thái-Tổ sau khi di dời toàn bộ các hệ thống cơ sở vật chất, guồng máy chính quyền trung ương về Thăng-Long, thì ông lại bắt đầu ngay vào một cuộc cải tổ sâu rộng về mọi lãnh vực nội trị, gia tăng phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là về phương diện văn hóa tâm linh dân tộc xây dựng rất nhiều chùa chiền. Và ông cũng không quên dùng lại các tên xưa của các địa danh ở Hoa-Lư, để đặt tên cho những công trình được kiến trúc lên sau nầy ở tại Thăng-Long.
Tượng Lý-Thái-Tổ và Lý-Thái-Tông ở đền Đô
Trở lại, về hoàn cảnh của các triều Vua khởi đầu xây nghiệp đế ở Ninh-Bình thì còn có những sự kiện lịch sử vô cùng đặc biệt xảy ra, về định mệnh của chiếc ngai vàng được chuyển tiếp tay nhau dưới 3 triều Đế vương từng đã đóng đô ở đất Hoa-Lư. Là nếu hoàn cảnh lịch sử chính trị quốc gia thời bấy giờ đã nhẹ nhàng trao ngôi vương báu từ của nhà Đinh về cho nhà Lê (hình thức thoái vị nhường ngôi), ngoại trừ cuộc binh biến chớp nhoáng xảy ra giữa bầy tôi trung của vua Đinh-Tiên-Hoàng chống lại với Lê-Hoàn). Rồi nhà Lê cũng đã nhẹ nhàng trao ngôi vương báu về cho nhà Lý (hình thức cung thỉnh tôn vương), thì hoàn cảnh lịch sử về sau cũng đã nhẹ nhàng trao ngôi vương báu lại từ của nhà Lý về cho nhà Trần (hình thức thoái vị nhường ngôi).
Sự kiện cũng rất đặc biệt kế tiếp, là dưới thời nhà Lý thì trong lịch sử nước ta đã có được một vị nữ hoàng đầu tiên và duy nhất là Lý-Chiêu-Hoàng. Và sự kiện hi hữu ly kỳ khác là Hoàng-Tử Lý-Long-Tường, ông tổ thuyền nhân tị nạn thuộc thành phần hậu duệ của nhà Lý đã vượt biên tị nạn chính trị sang tận đất nước Cao-Ly (Koryo) vào năm 1226. Từ lâu, ở tại Koryo có cả một gia phả dòng họ Lý nguyên quán ở tại thị trấn Hoa-Sơn, nguyên là hậu duệ của vua Lý-Thái-Tổ. (Xem bài "Một Vị Thuyền Nhân Việt Nam Đầu Tiên vượt biên sang định cư ở nước ngoài làm vẻ vang cộng đồng dân tộc").
Tượng vua Lý-Thái-Tổ ở Hà-Nội
Hiện nay, đền thờ tám đời vua triều nhà Lý (Lý Bát Đế) còn được gọi là đền Đô tọa lạc tại xã Đình-Bảng, thị xã Từ-Sơn, Bắc-Ninh. Hằng năm, tại đây đều có diễn ra ngày lễ hội được tổ chức vào những ngày 14,15,16 ÂL nhằm để kỷ niệm ngày Thái-tổ Lý-Công-Uẩn đăng quang, ban "Chiếu dời đô" từ Hoa-Lư về Thăng-Long, khai sáng ra cho dân tộc nước nhà một triều đại hùng cường, hưng thịnh huy hoàng, vàng son rực rỡ. Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống đặc biệt có ý nghĩa từ lâu đời, và nay thì đã trở thành phong tục dân gian biểu tượng cho một nhu cầu đậm đà tinh thần bản sắc văn hóa tự hào của người dân VN. Và hơn thế nữa, giờ đây địa danh đền Đô cũng đã tự trở thành một địa điểm du lịch với hình ảnh của hàng vạn du khách kéo đến tham quan xã Đình-Bảng trong ngày lễ hội, gồm có người trong nước, du khách nước ngoài.
Đặc biệt cảm động nhất, là khi người ta có dịp nhìn thấy hình ảnh của những hơn 200 phái đoàn hành hương về nguồn thuộc thành phần hậu duệ nhà Lý ở từ Hàn quốc vào năm 2008.
Phái đoàn hậu duệ nhà Lý (Hàn quốc) do ông
Lý-Xương-Căn dẫn đầu về thăm cố hương năm 1994
Lý-Xương-Căn dẫn đầu về thăm cố hương năm 1994
Trở lại hình ảnh đặc biệt của những ngày lễ hội đền Đô, thì có đến hàng trăm người dân địa phương mang sắc phục đủ màu tham gia diễn hành múa lân, ca hát quan họ, thi đấu vật, chọi gà v.v. Và theo đội hình, thì người ta thấy hình ảnh tướng võ, quân sĩ, kỵ binh rước kiệu, cờ lọng che rợp,đánh trống vang trời, và đi theo trên lộ trình chừng ba cây số từ chùa Kim-Đài đến đền Đô.
Theo sự nhận xét của các nhà biên khảo nói về sự nghiệp của nhà Lý bắt đầu rạng rỡ sau khi về đất Thăng-Long, thì hầu hết các sử gia xưa nay đều nhất trí cho rằng chính thiền sư Vạn-Hạnh là người đóng một vai trò then chốt đã đưa lịch sử dân tộc Đại-Việt sang trang bước vào một kỷ nguyên mới. Đó là thời kỳ nước nhà chính thức cho ra đời bản tuyên ngôn độc lập "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" của danh tướng Lý-Thường-Kiệt...
Thiền sư Vạn-Hạnh (938-1025) quê gốc ở tại Từ-Sơn (Bắc-Ninh), nhưng khi đỉnh đạt thành nhân thì vào ở Hoa-Lư làm cố vấn cho vua Lê-Đại-Hành, và ông cũng từng là sư phụ của Lý-Công-Uẩn khi Lý-Công-Uẩn chưa chính thức được trở thành phò mã của nhà Lê. Suốt trong thời gian làm quốc sư cho nhà Lý, ông tỏ ra là một nhà tiên tri biệt tài về chính trị, biết khuyên Vua áp dụng nhuần nhuyễn chính sách ngoại giao, và trị nước chăn dân bằng luật pháp dựa vào mô thức tinh thần vô úy và bao dung của Phật giáo. Sau khi tuổi già sức yếu nhưng công hạnh đã tròn đầy, và trước khi thị tịch thì ông cũng vẫn hãy còn sáng suốt cho gọi đồ chúng đến để trao lại cho một bài kệ nổi tiếng được lưu truyền cho đến ngày hôm nay như sau:
Thân như điện, ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc Xuân vinh, Thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy, vô bổ úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thân như sấm chớp có rồi không
Cây cối Xuân tươi Thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy như cỏ giọt sương hồng
Về sau, vua Lý-Nhân-Tông tiếc thương một bậc công thần đức tài lỗi lạc, cho nên cũng đã có truy tán một bài kệ vô cùng ý nghĩa như sau:
Vạn-Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ-Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Vạn-Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ-Pháp
Chống gậy trấn kinh vua
Tượng sư Vạn-Hạnh ở núi Tiêu-Sơn
Trở lại đất Hoa Lư ngày nay đã được phát triển mở mang trở thành một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn không những đối với người trong nước, mà còn lẫn ra cả thế giới bên ngoài. Những ai đã từng có dịp du lịch sang Trung-Quốc theo tour truyền thống được quảng cáo như trước đây (nếu đi từ Paris) thì đều có chương trình tham quan Quế-Lâm, (Guilin) một thắng cảnh mà người Trung-Quốc tự hào và được mệnh danh là Thiên đàng tuyệt nhất ở hạ giới. Nơi đây nổi tiếng có nhiều công trình thiên nhiên kiến tạo từ con sông, vách đá, hang động. Trên hành trình thủy lộ sông dài, có đoạn đẹp nhất là khi khách nhìn thấy được rừng tre cao ngút ngàn, núi non san sát nhưng thật hiếm hoi có dịp nhìn thấy được hình ảnh đáng yêu của gấu Panda đu mình trên tre trúc. Trái lại, cảnh quan trên đường vào Tam-Cốc, Hoa-Lư thì thơ mộng vô cùng với biết bao là dáng tạo của thiên nhiên quyến rũ đã ban tặng riêng cho mảnh đất tí hon nầy. Trên chiếc thuyền con có mái chèo khua nước lướt nhẹ nhàng trên sông nhỏ, khách được hòa mình vào không gian sông núi chập chùng, đường bệ, cảnh trí thật hữu tình thơ mộng đẹp như tranh. Nhất là, khi nhìn thấy được có những con Dê thấp thoáng hiện nhảy tung tăng từ hòn đá nầy sang hòn đá nọ trên núi cao, và cất lên những tiếng kêu quen thuộc khiến cho hồn du khách như đã bị sa lạc vào một hoạt cảnh sinh động đặc biệt của thiên nhiên đầy thích thú.
Và mặc dù mọi sự ngoạn mục yêu thích, đánh giá của du khách tham quan mới chính là quan trọng. Nhưng từ lâu, theo sự quảng cáo so sánh của các công ty du lịch ở nước ngoài, thì một Quế-Lâm của Trung-Quốc sừng sững bao la cách mấy cũng vẫn không sao hơn được hình ảnh của một bức tranh mỹ miều Hạ-Long trên cạn của Việt-Nam.
Đó là thắng cảnh Hoa-Lư.
Thắng cảnh Quế-Lâm (Trung-Quốc)
Thắng cảnh Hoa-Lư (Việt-Nam)
Nơi đây, du khách sẽ có dịp được tham quan tiếp cận với các di tích và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên giữa liên khu danh thắng cố đô Hoa-Lư, Tam-Cốc và Tràng-An từng đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Hơn thế nữa, khu vực địa lý ở nơi nầy từ lâu cũng từng đã được coi như là một vùng văn hóa đặc thù, quan trọng có bề dày lịch sử của dân tộc đi trước cả thời đại của miền đất Thăng-Long và Phú-Xuân. Và tuy chỉ được chọn làm kinh đô của quốc gia Đại-Cồ-Việt vỏn vẹn chỉ có 42 năm, nhưng ảnh hưởng về lịch sử hào hùng của nó đã để lại cho dân tộc những nét son vàng thật là rạng rỡ. Tại đây có hai di tích chánh là đền vua Đinh, và đền vua Lê. Hai ngôi đền có vị trí nằm cách xa nhau chỉ có khoảng chừng vài trăm mét, cho nên thường được người dân gọi tên chung là đền "Đinh-Lê".
Trong đền vua Đinh, ở Bái đường ngay hai bên hàng cột giữa có treo câu đối "Cồ-Việt-Quốc đương Tống khai bảo. Hoa-Lư đô thị Hán Tràng-An" (Nước Đại-Cồ-Việt sánh ngang niên hiệu khai bảo đời nhà Tống. Kinh đô Hoa-Lư như kinh đô Tràng-An của nhà Hán)...Ngoài tượng thờ vua Đinh-Tiên-Hoàng, đền cũng có thờ cả gia tộc như song thân và các hoàng tử của triều vua Đinh, kể cả bài vị thờ các bậc trung thần của vua Đinh. Còn đền vua Lê-Đại-Hành thì cũng được xây cất theo kiểu nội công ngoại quốc, nhưng tương đối có phần nhỏ hơn đền của vua Đinh-Tiên-Hoàng. Ngoài tượng thờ vua Lê-Đại-Hành, đền cũng có thờ Thái-Hậu Dương-Vân-Nga, Lê-Long-Đỉnh, kể cả bài vị thờ công chúa Lê-Thị-Phất-Ngân và tướng Phạm-Cự-Lượng.
Còn về cung điện Đinh-Lê dưới lòng đất ở Hoa-Lư, thì cũng giống như trường hợp của Thăng-Long thành ở Hà-Nội, là sau khi chương trình điền dã của dự án hợp tác văn hóa giữa Việt-Nam và Phần-Lan đã được triển khai, thì các nhà khảo cổ đã cho tiến hành công cuộc khai quật. Và với kết quả của đợt khai quật ngay tại khu vực vua Lê vào năm 1997, thì người ta phát hiện ra phế tích của cung điện Hoa-Lư từ ngàn năm qua hãy còn lưu dấu lại trong lòng đất. Cùng với nhữngcổ vật thời Đinh-Lê như nào là những ống ngói phủ riềm, hay như những viên gạch lát đá có trang trí hình hoa sen và khắc chữ. Vùng đất Hoa-Lư ngày xưa cũng từng được các vì Vua đầu của nhà Trần chọn làm cứ địa quân sự mang tên là Hành cung Vũ-Lâm, để củng cố lực lượng phản công dánh đuổi giặc Nguyên-Mông ra khỏi biên thùy.
Cạnh cố đô Hoa-Lư thì còn có hai thắng cảnh liền nhau đẹp tuyệt vời khác là Bích-Động&Tam-Cốc, một vùng hang động núi sông tô điểm nét gấm hoa cho đất Ninh-Bình từ lâu nổi tiếng được gọi là "Nam thiên đệ nhị động" (đứng sau động Hương-Tích, Hà-Tây. Nhưng nay thì được đổi lại là "đệ tam động"vì sự phát hiện ra động Sơn-Đoòng), hay còn được ví như là hình ảnh của một vịnh Hạ-Long trên cạn ở VN.
Đường vào bên trong Bích-Động, du khách sẽ có dịp nhìn thấy có những dạng nhũ đá, mảng đá tạo dáng đa dạng hết sức là ấn tượng. Và tùy theo sự cảm nhận bằng trực giác, mà người ta có thể mường tượng ra đó là những hình ảnh linh hoạt mang màu sắc về dấu ấn tâm linh thiên nhiên, hoang dã (thần thánh, động vật v.v). Tại đây có ba ngôi chùa nhỏ là Hạ, Trung và Thượng được xây cất lên từ tiền bán thế kỷ thứ XIII.
Bích-Động
Rồi từ trung tâm bến thuyền, du khách tiếp tục cuộc du ngoạn sang qua Tam-Cốc. Thắng cảnh Tam-Cốc gồm có 3 hang là hang Cả, hang Hai và hang Ba, và hình ảnh huyền ảo của mỗi hang là cả một kỳ quan thiên nhiên của tạo hóa đã ban cho đất Ninh-Bình. Lênh đênh trên dòng nước Ngô-Đồng vào lúc cao điểm có nhiều chiếc thuyền nan tới lui tấp nập, du khách sẽ được dịp thỏa lòng trước một bức tranh vô cùng linh hoạt hòa quyện cảnh quan thiên nhiên sông núi mây trời hùng vĩ với hình ảnh sinh động của con người. Lộ trình xuyên qua ba hang từ lâu là cả một đề tài thơ phú gợi tình, tạo nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu là thành phần văn nhân, thi sĩ xưa nay. (Vua Trần-Nhân-Tông ngày trước cũng đã từng tìm đến hang Cả nơi đây, để dựng lên một am thiền tu tĩnh). Trải qua bao hàng triệu năm phong hóa, lớp đá vôi ở bên trong các hang động đã biến thành những hình ảnh tự nhiên đa dạng, đẹp dị kỳ. Còn phong cảnh bên ngoài thì có đồng lúa, non cao thấp thoáng từng đàn dê ẩn hiện đủng đỉnh ngoạm lá cây, hay phóng vọt trên những vách đá cheo leo tạo thành ra đuợc một bức tranh vô cùng ngoạn mục làm cho thu hút ngất ngây lòng người, làm cho họ như bị sa lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Khu du lịch Tam-Cốc nằm ở xã Ninh-Hải, cách thành phố Ninh-Bình chừng 7km, còn khu di tích văn hóa lịch sử Hoa-Lư thì nằm ở xã Trường-Yên cách thành phố Ninh-Bình chừng 11km. Tất cả sông hồ, hang động, núi non ở nơi đây đều có nét đẹp tạo hình theo phong cách riêng, nhưng gọp lại thành một di sản hỗn hợp phong phú của nước nhà có giá trị về mặt yếu tố văn hóa, lịch sử, khảo cổ, cũng như vừa là một danh thắng thiên nhiên hiện nay từng đã được rất nhiều người biết đến.
Tam-Cốc
Nét đẹp hùng vĩ của liên khu danh thắng Hoa-Lư, Tam-Cốc, Tràng-An thể hiện ra từ các hang động, từ những dòng nước trong xanh soi bóng mây trời, vách đá trùng điệp sắc màu biến đổi từng giờ theo ánh mặt trời xoay quanh khu vực. Và qua làn khói sương mai, người ta còn nhìn được thấy cảnh tượng ẩn hiện xa xa có từng những cánh chim trời tung tăng chao liệng, ríu rít gọi đàn trên những ốc đảo có những tán cây rừng mọc lưa thưa phủ lên một lớp màu rêu xanh.
Hang xuyên thủy Quy-Hậu
Theo chân du khách đắm say vẻ đẹp Ninh-Bình, người ta sẽ không sao tránh được mọi sự ngỡ ngàng khi đến với khu vực sinh thái Tràng-An, nơi có thành xây khói biếc, non phơi bóng vàngcùng với cả một quần thể hang động nằm gần nhau, rừng đặc dụng trên núi đá vôi ngập nước, hệ thống sông hồ, đầm nước thơ mộng in tựa đẹp như tranh vẻ. Vùng đất Tràng-An ngày xưa gắn liền vào với những giá trị về lịch sử, văn hóa của cố đô Hoa-Lư, và ngày nay được các nhà khảo cồ học nghiên cứu tìm thấy có dấu vết về sự sống của con người tiền sử thời văn hóa Hòa-Bình và Đa-Bút trong các hang động...Còn phía bên ngoài động thì cảnh trí bao la, núi non trùng điệp bao vây cả một vùng địa chất trước đó hàng triệu năm là biển cả. Và dấu vết xâm thực của nước mặn bào mòn hiện vẫn còn rõ nét trên các vách đá non xanh, hòa quyện vào với hệ động thực vật phong phú ở tại địa phương. Theo lộ trình khám phá khu du lịch sinh thái Tràng-An kéo dài khoảng hơn 3 giờ, du khách thường sẽ được tham quan xuyên qua các nơi như nào là Đền Trình, hang Địa-Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Đền Trần, hang Si, hang Sính, hang Tình, hang Ba Giọt, hang Nấu Rượu, hang Phủ-Khống, hang Trần, và hang Quy-Hậu.
Thuyền đưa rước du khách trên sông Ngô-Đồng
Ngoài ra, nơi đây còn có các cơ sở hạ tầng và đặc biệt là sự hiện hữu của quần thể chùa Bái-Đính. Địa điểm nầy hiện nay là một trung tâm du lịch mang đậm nét tâm linh cho người dân đất Ninh-Bình, và cho đồng bào trong cả nước. Chùa Bái-Đính là một địa danh từng nổi tiếng với những kỷ lục ở châu Á như: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp-Chủ. Tượng Phật Di-Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam-Á. Tượng Phật Di-Lặc 100 tấn ngoài trời. Chuông đồng lớn nhất Việt-Nam .Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông. Khu chùa rộng nhất Việt Nam, có tới 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha). Khu chùa có hành lang La-Hán dài nhất châu Á, gần 3 km. Khu chùa có nhiều tượng La-Hán nhất ở Việt-Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m. Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt-Nam. Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt-Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn-Độ. Còn về sự kiện lịch sử, thì tên gọi của chùa Bái-Đính là có ý nghĩa là hướng về núi Đính, một ngọn núi thiêng từng mang nhiều dấu ấn vàng son đặc biệt tiêu biểu cho tinh thần kiêu hùng trong lịch sử của dân tộc. Chính nơi đây, khi xưa vua Đinh-Tiên-Hoàng đã từng lập đàn tràng tế Thiên cầu đảo cho mưa thuận gió hòa, cho quốc thái dân an. Sang đến thời Quang-Trung, thì Đức Vua cũng chọn địa lý núi non ở nơi nầy để lập đàn làm lễ tế cờ, hiệu triệu quốc dân, và động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ trước khi xuất quân lên đường trừ giặc.
Đặc biệt cách đây năm năm, chùa Bái-Đính đã vinh hạnh được quốc tế chọn làm nơi cử hành Đại lễ Vesak Liên-Hiệp-Quốc 2014, với sự tham dự của các vị lãnh đạo chính quyền trong nước cũng như các vị lãnh đạo quốc tế. Ngoài ra, còn có các vị đại sứ các nước và trên 1.000 đại biểu lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật-giáo, các cư sĩ, trí thức đến từ ở 95 quốc gia.
Quang cảnh đàn tràng tắm Phật trong
ngày đại lễ Vesak Liên-Hiệp-Quốc 2014 tại chùa Bái-Đính
ngày đại lễ Vesak Liên-Hiệp-Quốc 2014 tại chùa Bái-Đính
Là đất kinh kỳ rạng rỡ ngày xưa, khí thiêng sông núi ở địa phương từng tiên phuông mở đường xuất thân ra biết bao nhiêu là vị anh hùng hào kiệt, danh nhân ưu tú quy tụ về đây góp công xây dựng quốc gia, phát triển xã hội về mọi mặt. Và một trong những bậc tiền hiền nổi bật nhất, thì ai cũng biết đó là danh nhân Nguyễn-Công-Trứ (1778-1858). Chính ông là người đã có công lớn trong công cuộc phát triển dinh điền, chiêu mộ người dân di dịch kinh tế đến khai hoang lấn biển và thành lập nên huyện Kim-Sơn ở Ninh-Bình ngày nay. Tại đây, hiện là nơi có mật độ dày đặc các nhà thờ Công-Giáo nằm trong giáo phận Phát-Diệm. Và nhà thờ Phát-Diệm cũng là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng, mang dáng vẻ nét kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông-Tây.
Trở lại danh nhân Nguyễn-Công-Trứ từ lâu đã được lịch sử dân ta vinh danh thừa nhận như là một nhà quân sự biệt tài, một nhà kinh tế tầm cỡ, và đồng thời cũng là một nhà thơ lớn trong lịch sử văn học của nước nhà. Cuộc đời sự nghiệp của ông được coi như là lắm phen bao nỗi thăng trầm, chịu cảnh nợ đời lên voi xuống chó. Ông có công phò Vua dẹp giặc, giúp dân cải thiện cuộc sống ấm no, và để lại cho hậu thế dân tộc những tác phẩm thơ ca phong phú, vô cùng giá trị.
Hiện nay, đền thờ của ông tọa lạc tại huyện Kim-Sơn (Ninh-Bình) hằng năm đều được người dân tổ chức cử hành lễ hội long trọng theo nghi thức cổ truyền.
Và sau đây là bài thơ "Chí làm Trai", là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn-Công-Trứ:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh***
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu
Đền thờ Uy viễn Tướng công Nguyễn-Công-Trứ
Và trước đó, thì nguyên khí đất Ninh-Bình dưới thời bốn triều Vua nhà Trần cũng còn có một danh nhân là Trương-Hán-Siêu, người đã có công đóng góp rất nhiều vào công cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc nhà Nguyên. Ngoài ra, ông cũng còn là một nhà văn hóa lớn từng được nhà Vua phong tước vị cao, và khi qua đời thì được thờ trong văn miếu. Hơn thế nữa, ông cũng chính là người đầu tiên khi đến Ninh-Bình thưởng ngoạn thì đã có công khám phá ra vẻ đẹp tuyệt vời của hòn núi Non Nước ở Ninh-Bình. Hiện nay, bút tích của ông còn để lại trên núi Dục-Thúy ở tại địa phương chính là bài thơ "Dục Thúy-Sơn khắc thạch" như sau:
Non xanh xanh vẫn như xưa,
Du nhân đi mãi vẫn chưa thấy về!
Sóng in bóng tháp bồ đề,
Mở toang cửa động liền kề chân mây.
Đời lênh đênh trước khác nay,
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.
Mênh mông trời đất Năm hồ,
Vòm câu cũ, kíp thăm dò nơi đâu
Về sau, khi Nguyễn-Trãi có dịp du ngoạn ở núi Dục-Thúy nhìn thấy được dấu khắc của bài thơ nầy, cho nên ông cũng đã có làm một bài thơ ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên địa phương, và nhớ về Trương-Hán-Siêu.
Cửa biển có non tiên
Từng qua lại mấy phen.
Cảnh tiên rơi cõi Tục.
Mặt nước nổi hoa sen,
Bóng tháp hình trâm ngọc
Gương sông ánh tóc huyền
Nhớ xưa Trương Thiếu bảo
Bia khắc dấu rêu hoen.
Ngoài ra, thắng cảnh quyến rũ của ngọn núi Ngọc-Mỹ-Nhân ở gần thành phố Ninh-Bình ngày xưa cũng từng là nơi gợi niềm cảm hứng hồn thơ của những thi nhân như lỗi lạc như Lê-Quý-Đôn, Cao-Bá-Quát v.v. Còn Khu bảo tồn thiên nhiên Vân-Long thì nằm trong huyện Gia-Viễn nguyên là một miền đất ngày xưa chứa đầy huyền thoại, và hiện nay được coi như là vùng đất ngập nước lớn nhất ở đồng bằng Bắc bộ. Tại đây, cảnh quan bao la là nơi cư ngụ sinh tồn của nhiều loại động thực vật hoang dã gồm có 457 loài thực vật, và 39 loài động vật quý hiếm.
Khu du lịch sinh thái Vân-Long
Bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp ở đất Ninh-Bình ngày nay đã quen thuộc với nhiều du khách bốn phương, kể cả người nước ngoài. Tuy nhiên, đối với những thành phần khách du lịch sành điệu trong nước, thì đất Hoa-Lư lúc nào cũng lại là một địa điểm chính yếu mà họ mong muốn có dịp để trở lại thăm viếng cố đô được nhiều lần. Nhất là, đúng dịp trọng đại xảy ra lễ hội Tràng-An diễn ra vào này 18 tháng 3 Âm-lịch. Đây là một lễ hội truyền thống nhằm mục đích tôn vinh công đức tiền hiền, và đặc biệt là để tưởng nhớ công lao của các vị minh vương từng đã góp công xây dựng quê hương, bảo vệ non sông đất nước.
Đặc biệt, vào hạ tuần tháng 4 trong năm 2018 thì tại cố đô Hoa-Lư cũng đã có xảy ra một ngày trọng đại chào mừng bằng "Lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại-Cồ-Việt" đánh dấu sự kiện Đinh-Tiên-Hoàng lên ngôi Hoàng đế năm 968. Người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất lãnh thổ, lập nên trang sử mới cho nền độc lập, tự chủ của nước nhà. Ngày kỷ niệm trọng đại nầy đã thu hút con số kỷ lục hơn cả vạn người từ khắp bốn phương đến tham dự đông đảo, kể cả thành phần nhiều phái đoàn du khách nước ngoài.
Ngày nay, du khách đến tham quan trên đất Ninh-Bình nếu rơi vào những thời điểm khác nhau trong năm, thì họ đều có những dịp khác nhau để tham dự vào các cuộc lễ ở địa phương như nào là lễ hội cố đô Hoa-Lư, lễ hội Trường-Yên, lễ hội chùa Bái-Đính, lễ hội Thánh-Quý-Minh đại vương, lễ hội đền Thái-Vi, lễ hội đền La, lễ hội đình Voi đá, Ngựa đá, lễ hội báo bản Nôn-Khê, hoặc lễ cúng Hà-Bá.
Lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại-Cồ-Việt (968-2018)
Sau cùng, tác giả muốn xin nhắc lại về lịch sử của đất Hoa-Lư ngàn năm thương nhớ mà nếu vô tình không đề cập lại nhiều lần về hình ảnh, và bản lãnh hành động của một bậc nữ lưu từng có quyết định phi thường trong thiên hạ, thì quả đó là một điều thiếu sót.
Thực vậy, trong lịch sử danh nhân anh hùng trang nữ kiệt nước nhà từng có những hành động quyết định tự nguyện dấn thân vì đại cuộc quốc gia, và chu toàn nhiệm vụ cao cả được tổ quốc giao phó. Nếu, người ta từng tán dương về huyền thoại của công chúa An-Tư tự nguyện đem tấm thân lá ngọc cành vàng của mình để ngăn chặn đường tiến quân như vũ bão của quân xâm lăng nhà Nguyên, hình ảnh của công chúa Ngọc-Vạn, Ngọc-Khoa trong vai trò sứ giả Hòa-Bình để mưu tìm hữu nghị láng giềng, thì cần hiểu thêm rằng vai trò đặc biệt của Huyền-Trân công chúa với sứ mệnh thiêng liêng để mở mang bờ cõi lại càng phải được trân trọng và nhắc nhở nhiều hơn. (A)
Tuy nhiên, về hình ảnh của nhị vị Trưng-Vương, Bà Triệu, DươngVân-Nga thì lúc nào cũng được lịch sử dân tộc mãi mãi vinh danh về công đức hơn bao giờ hết. Riêng về trường hợp của Thái-hậu Dương-Vân-Nga (952-1000) ở Hoa-Lư, nguyên là hoàng hậu của vua Đinh-Tiên-Hoàng. Khi đức Vua băng hà, ấu vương Đinh-Toàn nối ngôi thì bà trở thành Thái-hậu. Lúc bấy giờ, sau khi nghe được tin Đinh-Tiên-Hoàng mất thì nhà Tống bên Tàu mới dám đem quân sang xâm chiếm nước ta. Trước tình huống vô cùng nguy ngập của nước nhà, thì Dương-Vân-Nga đã có một quyết định thi hành thật sáng suốt, là dâng áo long bào lại cho quyền nhiếp chính là Thập đạo tường quân Lê-Hoàn để nhằm mục đích, là tạo được chính danh và uy tín cho tân Vương hầu dễ dàng thu gọn nhân tâm về một mối. Vì lúc đó, cũng đang có sự chia rẽ trong triều đình. Và cũng để an thuận lòng dân quân cùng nhau đoàn kết, quyết tâm đứng lên đánh trả quân thù. Chính nhờ vậy, mà quân nhà Tống đã bị đại bại đành phải rút lui tháo chạy tả tơi về phương Bắc.
Sau khi Lê-Hoàn chiến thắng khải hoàn trở về triều nội, thì không hiểu bởi nguyên do định mệnh trớ trêu nào mà Dương-Vân-Nga lại đã trở thành hoàng hậu của vua Lê-Đại-Hành. Và như tác giả đã có trình bày ở phần trên, là cho tới giờ phút nầy, thì khúc quanh lịch sử về sự kiện hi hi hữu nầy vẫn chưa hề được giải mã bằng cách nào để cho hoàn toàn có tính thuyết phục?
Dẫu sao, nếu người ta đồng chấp nhận có cái nhìn nhằm vào đại cuộc, thì chính bài thơ tiêu biểu đầy ý nghĩa của Vương-Sinh dưới đây đã có khuynh hướng biểu đồng tình, và ủng hộ về mọi lập trường quyết định hành sử uy quyền sáng suốt của một bậc nữ kiệt là Thái-hậu Dương-Vân-Nga.
Một thân hai phận, gánh sơn hà
Vị nghĩa, quên mình danh thế gia
Giặc Tống ngoài biên toan cướp nước
Quân Nam trong ải tính xông pha
Hoàng bào chính nghĩa không minh định
Nhung giáp hy sinh tất nhạt nhòa
Giúp rập hai vua, đời nể trọng
Hoa-Lư hương khói tượng Vân-Nga
Tượng Dương-Vân-Nga ở Hoa-Lư
Tuy nhiên, đời tư của bất cứ nhân vật nào sống trong bất cứ thời đại nào trong xã hội dân gian, thì cũng đều có thể hiện ra bằng hai bề mặt, trái. Và do vậy, trường hợp của Dương-Vân-Nga cũng không thể thoát khỏi ra ngoài để trở thành ngoại lệ. Tuy nhiên, những quan niệm có cái nhìn thiện cảm về con người và sự nghiệp của Dương-Vân-Nga xưa nay, thì đã từng đạt được nhiều con số tỉ lệ thuận hơn là ngược lại. Chính vì vậy mà Dương-Vân-Nga đã trở thành nhân vật biểu tượng cho một hình ảnh đẹp trong lịch sử, và sẽ còn tiếp tục sống mãi trong niềm tự hào của người dân Hoa-Lư (Ninh-Bình), và nói chung là của cả đồng bào trong cả nước.
Cách đây khoảng hơn 40 năm (1978), một nghệ sĩ ưu tú lừng danh trẻ đẹp từng được mệnh danh là nữ hoàng sân khấu cải lương: Thanh-Nga, là nghệ sĩ đầu tiên đã có dịp thành công xuất sắc đóng vai trò "Thái-hậu Dương-Vân-Nga" trình diễn trên sân khấu cải lương, thể hiện ra được bản lãnh hành động phi thường của một bậc anh hùng nữ kiệt trong giây phút thiêng liêng trang nghiêm, long trọng dâng chiếc áo long bào lên cho nhiếp chánh Lê-Hoàn. Đây là một tuồng hát cải lương lịch sử nổi tiếng rất có giá trị về nhiều mặt lịch sử, nghệ thuật, mà từ lâu, đã được rất nhiều thành phần khán giả bốn phương mộ điệu vỗ tay tán thưởng, hoan nghinh nhiệt liệt. Và đây, cũng là tựa đề của một tuồng hát cải lương nổi tiếng, của đồng soạn giả từ lâu có tiếng trong làng hia mão ở đất phương Nam. Đó là, Hà-Triều và Hoa- Phượng.
Thanh-Nga (1942-1978)
Ngoài ra, vào năm 2017 thì thêm một lần nữa thắng cảnh Hoa-Lư tuyệt vời cũng được dịp quảng bá ra toàn thế giới bên ngoài. Và đã thu hút con số đông người xem ở nước ngoài qua cuốn phim hấp dẫn có tựa đề "Kong:Skull Island" (Kong: đảo đầu lâu) được quay ở tại quần thể Khu di tích danh thắng Tràng-An, cùng với các danh thắng ghép phụ khác là Phong-Nha và Hạ-Long có muôn vàn vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ.
Nhà đạo diễn người Hoa-Kỳ có công thực hiện thành công cuốn phim nổi tiếng nầy, là ông Jordan Vogt-Roberts. Và ông cũng chính là người Hoa-Kỳ đầu tiên, hân hạnh được bổ nhiệm làm Đại-sứ Du-Lịch Việt-Nam****.
Thắng cảnh Hoa-Lư trong phim
Ngày xưa, đường đến đấtHoa-Lư nếu đuợc xem như là cách xa nghìn dặm, thì ngày nay du khách tìm đến cố đô Hoa-Lư được bằng với những phương tiện dễ dàng. Và cũng chẳng khác nào như là làm một cuộc hành hương đầy ý nghĩa trở về thăm lại cội nguồn, nơi còn chứng tích của ba triều Đế vương của dân tộc. Lúc ấy, du khách sẽ được dịp trải nghiệm qua được những phút giây đầy ấn tượng khi thả hồn mình sâu lắng vào khí thiêng sông núi, phảng phất đâu đây có tiếng hát nghêu ngao của lũ mục đồng, tiếng trống kèn thúc giục xuất quân của đoàn quân sĩ, và nhất là hình ảnh không gian tưởng tượng về chiếc áo long bào được êm thắm trao truyền qua ba triều đại nhà Vua từng ngồi trên chiếc ngai vàng.
Nhớ ơn công đức của các tiên vương, tôn kính công lao của các bậc khai quốc công thần đã từng góp công tạo ra được một vùng đất ngàn năm văn vật. Người dân sở tại Hoa-Lư, từ lâu lúc nào cũng không quên bổn phận trong công việc phụng thờ chăm sóc khói hương và cùng toàn thể đồng bào ghi tạc, lưu truyền mãi mãi ở trong lòng câu ca dao chứa đựng vô vàn ý nghĩa:
Ai là con cháu Rồng Tiên
Tháng ba mở hội Trường-Yên thì về
An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris Xuân Kỷ-Hợi 2019)
* - Đinh-Tiên-Hoàng, Đinh-Phế-Đế, Lê-Đại-Hành, Lê-Trung-Tông, Lê-Long-Đỉnh, Lý-Thái-Tổ.
** - Ngày nay, Phạm-Thị-Trân được xem như là bà Tổ của bộ môn hát chèo.
*** - Xưa nay hỏi có ai không chết. Hãy để lòng son chiếu sử xanh. (Thơ gốc của Văn-Thiên-Tường).
**** - Danh sách các nhân vật được bổ nhiệm làm Đại-sứ Du-Lịch Việt-Nam từ trước cho đến nay là:
- Lý-Nhã-Kỳ, Diễn viên. Doanh nhân (Việt-Nam). Nhiệm kỳ từ tháng 9/2011 đến 9/2012. Đại-Sứ Du-Lịch Việt-Nam đầu tiên.
- Bobby Chinn, Đầu bếp. Doanh nhân (New Zealand). Nhiệm kỳ từ tháng 7/2014 đến 2017. Đại-Sứ Du-Lịch Việt-Nam tại Âu-Châu.
- Anoa Suzanne Dussol Perran, Doanh nhân (Pháp). Nhiệm kỳ từ tháng 10//2015 đến 10/2018. Đại-Sứ Du-Lịch Việt-Nam tại Pháp.
- Jordan Vogt-Roberts, Đạo diễn. Nhà sản xuất phim (Mỹ). Nhiệm kỳ từ tháng 3/2017 đến 3/2020. Đại-Sứ Du-Lịch Việt-Nam tại Anh và Mỹ.
- Lý-Xương-Căn, Doanh nhân, hậu duệ đời thứ 31 của Vua Lý-Thái-Tổ (Hàn-Quốc&Việt-Nam). Nhiệm kỳ từ tháng 12/2017 đến 12/2020. Đại-Sứ Du-Lịch Việt-Nam.
- Greg Norman, Doanh nhân (Úc). Nhiệm kỳ từ tháng 10/2018 đến 11/2021. Đại-Sứ Du-Lịch Việt-Nam.
(A) - An-Tư công chúa là con gái Út của Đức Vua Trần-Thái-Tông là người đã có quyết định tự nguyện xả thân cuộc đời mình xông pha đến chiến trường, để ngăn chặn đường tiến quân của giặc xâm lăng nhà Nguyên dưới thời nhà Trần.
- Ngọc-Vạn, Ngọc-Khoa công chúa là hai người con gái thứ hai, và thứ ba của Chúa Sãi Nguyễn-Phúc-Nguyên. Công chúa Ngọc-Vạn trở thành Hoàng hậu nước Chân-Lạp, sau lời cầu hôn của vua Chey Chetta II vào năm 1620. Tước hiệu của bà là Brhat Mae Samdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida.
- Công chúa Ngọc-Khoa trở thành Hoàng hậu nước Chiêm-Thành vào năm 1631, sau hôn lễ với vua Po Rômê.
- Huyền-Trân công chúa là em của Đức Vua Trần-Nhân-Tông trở thành Hoàng hậu nước Chiêm-Thành, sau khi được Vương huynh luận bàn gả cho vua Chế-Mân
********************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét