Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Nhà Thơ Nguyên Sa



Nguyên Sa, nhà thơ tình và nhiều phương diện văn nghệ.
Nguyễn Văn Sâm

Nguyên Sa (sanh năm 1932) là người trước tôi một thế hệ. Khi thằng bé nhà quê theo học những năm cuối của Trung học, đương bị cuốn hút bởi từng bài trong tạp chí Sáng Tạo với văn phong mới của mấy cây bút di cư vào Nam và với những bài viết về văn học rất đặc biệt… luôn ngóng chờ ngày cuối tháng để tới tòa soạn của tạp chí Sáng Tạo ở một khu xóm bình dân mà đa số là người Tàu tại góc đường Nguyễn Công Trứ và Ký Con gần chợ Cầu Ông Lãnh, Sàigòn.  Mua số mới nhất vừa đọc vừa đi bộ về nhà, quên cả trời đất, mê mẩn thưởng thức những bài nóng hổi, còn thơm mùi giấy mực, băng qua đoạn đường đầy người Tàu cho mướn sách hình trên lề đường… thì Trần Bích Lan đã có những bài viết về văn học trong những số đầu của tờ nguyệt san rất được bạn bè cùng lứa chúng tôi ưa thích. 

Bài về Hồ Xuân Hương, ông xác nhận rằng thì là không có nhân vật Hồ Xuân Hương, chẳng qua là người ta, bất kỳ ai thích làm bài thơ không thanh nhã thì sáng tác rồi cứ việc ký tên Hồ Xuân Hương. Thế là xong, khỏi trách nhiệm, khỏi ngại bị lời ong tiếng ve. Luận cứ nầy rất được đồng tình thời đó, lúc người làm công việc nghiên cứu văn học chưa tìm thấy được những tài liệu khả tín về tiểu sử của nữ thi sĩ quá độc đáo nầy.

Bài viết về Phan Huy Vịnh với bản dịch Tỳ Bà Hành, ông dùng cái tựa rất khéo, hình như là Phan Huy Vịnh và cái đũa thần âm thanh, chỉ cần nghe ông xác định như vậy là học sinh trung học có thể theo đó mà tán thành một bài luận khá trong kỳ thi Tú Tài 1.

Một bài khác ông nói về Tạo Hóa, ông Trời, con Tạo, ông Tạo, Trẻ Tạo, ông Xanh, Khuôn thiêng, Khuôn xanh… trong thi ca Việt Nam cũng là ý tưởng mới, có cái nhìn tổng hợp thoát ra ngoài vòng sách vở…

Lúc đó thì hầu hết học sinh chúng tôi đều không biết người viết những bài hay ho và đặc biệt như vậy với cái tên Trần Bích Lan là thi sĩ Nguyên Sa, có thơ tình trên Sáng Tạo chạm vô tâm thức những người mới lớn. Một người bạn cùng lớp, tên Tỵ (?) nói với tôi anh ta là bà con sao đó, vai em, với Trần Bích Lan, Nguyên Sa. Tới lúc nầy tôi mới nhập tâm được hai cái tên của tác giả hai lãnh vực văn học và thi ca là một và tôi  thưởng thức những bài thơ tình đặc biệt đối với tôi rất mới lạ bằng một cảm thức vị nể, khang khác. 

Rồi có lúc, 1958, tôi đứng ngoài lớp dạy luyện thi Triết học của Giáo Sư Trần Bích Lan. Khi ấy trong trường Chu Văn An, Cha T. dạy Triết rất buồn ngủ khi ngài cầm và đọc từng đoạn trong những quyển sách giáo khoa Triết quá dài dòng của cha Cao Văn Luận mà tôi cho rằng mình học mấy quyển sách của Foulqué dễ hiểu hơn. Đứng ngoài lớp đâu chừng hai lần để quyết định mình có nên học thêm Triết học với Giáo Sư thi sĩ hay không. Ông giảng vui, đưa ra nhiều câu chuyện  liên hệ với đời sống thực tế (ông kể chuyện khi ở Pháp mình học kinh nghiệm nấu cơm sao cho không khét, không ba từng, bằng cách đo ngón tay mực nước cần phải cho vô nồi (thí nghiệm trong khoa học). Ông kể chuyện sáu cây cầu trên sông Seine nhưng đi qua hết sáu cái cầu đó phải qua cầu 7 lần (Toán học vị trí, Topology). Ông đọc nhiều thơ tình của các thi sĩ nổi tiếng thời tiền chiến và có khi đọc cả thơ của Nguyên Sa.

Không biết tại sao tôi không ghi tên học lớp Luyện Thi Triết đó sau hai lần đứng ngoài dò đường. Có thể là do  thời khóa biểu không thích hợp, chạy đến lớp có thể trễ giờ, có thể là tiền học phí tôi không xoay xở được do nhà nghèo, mồ côi, ở nhà người cô cũng nghèo, khó có thể cho thêm tiền học trong nhiều tháng.

Có điều là từ hai lần kinh nghiệm đứng ở ngoài lớp như Trần Minh khố chuối ngày xưa, sau nầy lúc về dạy Triết ở trường Petrus Ký tôi tự biết mình kể chuyện không duyên dáng và không tự tin bằng Nguyên Sa hay Nguyễn Xuân Hoàng, không viết sách Triết gọn ghẽ, rõ ràng bằng Vĩnh Đễ nên không dạy tư ở bất cứ trường lớp nào và khi có dịp từ giã Triết học thì đi thẳng luôn, không quay lại…

Nguyên Sa và vợ ở Paris năm 1954

Bà Nga, nhân vật trong bài thơ Nga :

Hôm nay Nga buồn như con chó ốm,
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển…

kể với tôi (NVS) rằng đầu thập niên 50, bà đương du học ở Pháp theo ngành Toán học gặp Nguyên Sa đương theo đuổi môn Triết học. Hai người quen nhau và yêu nhau. Có những bài thơ tình bà được tặng lúc tình yên đầu đời nhưng cả hai quyết định không đưa ra công chúng vì có tính cách riêng tư. Bà cũng kể rằng bài thơ Nga được in thay giấy báo hỷ - lúc đó cả hai đương là sinh viên nghèo,  mà cũng thấy rằng đây là một ý nghĩ ngộ nghĩnh nên thực hiện – cho buổi tiệc cưới đơn giản ở Áo quốc, mùa Noel 1954.

Tôi gọi Nguyên Sa là thi sĩ của nhiều mặt văn nghệ vì ông viết nhiều mặt: Sách giáo khoa Triết học, sách về một tác giả Triết cổ thụ của Pháp, sáng tác thể truyện ngắn, thể thi ca, làm báo về những ca sĩ, chủ trương một tạp chí thời danh… Ở thi ca ông nổi trội nhứt với những bài thơ tình, từ lục bát, sang tự do, sang thơ văn xuôi, thơ phá thể, nhiều bài thiên nhiều về lý trí nhưng đa phần trong thơ đều có nhạc điệu réo rắc và thiên nhiều về biểu lộ tình cảm nhớ thương hay như đối thoại với người yêu.

Chắc chắn rằng một bài thơ được phổ nhạc mà bản nhạc được các ca sĩ hàng đầu hát tới hát lui nhiều lần thì bài thơ như lãng đãng trong không gian chờ đợi người đọc nhìn vào nó thì âm thanh và ý nghĩa liền bay vào hồn, mê tơi phải cất tiếng hát theo… 

Nguyên Sa đã ra đi hai mươi năm rồi, cũng tháng tư, ngày 24, tháng ông quyết định bỏ tất cả cơ ngơi mình gầy dựng, một nhà in, hai trường Trung học đồ sộ, dắt díu vợ con lên đường sang Pháp, xứ ông học hành và sống cả chục năm thời thanh xuân.

Bạn bè văn nghệ xác nhận rằng ông an nhiên làm lại cuộc đời khi di cư sang Mỹ, không bao gìờ tỏ ý tiếc rẻ về những gì đã bỏ lại sao lưng. Ông quan niệm đời có khi thành công khi thất bại, nhưng con người muốn sống thoải mái thì phải coi mình nhỏ nhoi, là hạt cát giữa mênh mông đại ngàn như cái nghĩa của chữ Nguyên Sa.


Thơ tình Nguyên Sa cũng như thơ tình của Nhất Tuấn, của Xuân Diệu, Huy Cận, đã ảnh hưởng lên thanh thiếu niên một thời, thể thơ như văn xuôi mượt mà giai điệu, thanh thoát réo rắt làm xao xuyến trái tim học trò mới lớn “không có anh lấy ai cười trong mắt, ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong, ai cầm tay mà dắt mùa Xuân, nghe đường máu run từng cành lộc biếc.” (Cần Thiết) hoặc hút hồn theo kiểu tuổi mười ba mà ai cũng thuộc lòng “trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng, mưa tôi chả về bong bong vỡ đầy tay “hay ầm vang như thác đổ “ tôi trân trọng mời em dự chuyến tàu tình ái… vé có thể là những thư xanh, tàu là gian nhà rất nhỏ, nhưng mỗi ga chắc chắn sẽ là những chiếc hôn nồng cháy cuộc đời.” Và nhiều đoạn thơ ru hồn con gái khác mà tôi thường thấy đứa em họ trân trọng nhiều đêm chép vào tập giấy pelure màu sắc…

Nguyên Sa in bốn tập thơ và một quyển Toàn Tập cuối đời, nhưng với tôi, Nguyên Sa thể hiện bản sắc mình chỉ ở Tập Một, trong đó có những bài thơ tình viết trong những ngày ở Pháp. Điều đó cũng là bình thường, Đông Tây kim cổ thi sĩ, văn nhân, nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia… thường sáng nhiều, nổi tiếng nhưng tóm lại chỉ được dăm tác phẩm trở nên bất hũ, làm nên cái tên, cái ấn tín của nghệ nhân đó.

Hai mươi năm Nguyên Sa ra đi, ta nhìn lại công trình ông, khen chê chắc là, nếu có linh hồn, thi sĩ  bên cõi kia cũng mỉm cười… Đã là hạt cát thì có sá gì!

Nguyễn văn Sâm
Victorville, CA, tháng 03,  2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét