Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Kiếm Kế Sinh Nhai



Những Tháng Ngày Gian Khó (Phần Kết)

KIẾM KẾ SINH NHAI
Thầy Trần Công Tín

Được trả tự do (tháng 11-1976) tôi về Huế nương tựa vào gia đình và:
- Bán lần 1 số đồ đạc để sinh sống: xe gắn máy, tivi, quạt điện, máy cassette, áo quần, sách vở rồi… tư trang
- Đưa đơn xin việc (trí óc) nhưng nơi nào cũng từ chối.
- Theo chính sách thì ai không có công ăn việc làm (thất nghiệp) thì đi kinh tế mới để tăng gia sản xuất. Mà chân yếu tay mềm như tôi thì làm sao phá rừng làm rẫy trồng trọt được? Do đó đành phải kiếm một chân xã viên để gọi là có công ăn việc làm. Hồi đó Nhà nước không chấp nhận lối làm ăn tư nhân, cá thể.
- Đa số đều vào Hợp tác xã mành trúc, chổi đót và thêu ren vì vào đó tiền đóng góp ít (chỉ một trăm đồng thôi ngang với nửa chỉ vàng) trong khi Hợp tác xã xây xát, bánh kẹo tiền cổ phần đến 1000 đồng (5 chỉ vàng). Vàng hồi đó rất quý, ai có chừng vài lượng là giàu rồi và lo chôn cất vì mặt hàng này do nhà nước quản lý.
- Thế là tôi vào làm ở Hợp tác xã Mành trúc, lương chẳng bao nhiêu chỉ mươi đồng/tháng chưa đủ chi dùng (phải thâm tiền nhà nhiều lắm) nhưng được tiếng là có việc làm khỏi đi kinh tế mới.
- Ngoài làm việc ở Hợp tác xã tôi còn chạy chợ để kiếm thêm ít nhiếu.
- Đi lang thang thấy trước các cửa hàng mậu dịch nhà nước có người sắp hàng (mua gì không biết) thì mình cũng đứng vào và mua: quần lót, tất, phụ tùng xe đạp, mùng, gối, vải, mũ, kẹo, bánh… Những thứ này họ bán cho dân chúng 1 ít không cần sổ hoặc tem phiếu. Ai may mắn gặp dịp  thì mua được đôi chút và đem ra chợ bán chênh lêch kiếm lời. Bán hết lanh lắm vì giá khi nào cũng hạ hơn chợ. Lẽ dĩ nhiên khi bán vậy thì các mậu dich viên cũng để giành cho mình 1 số lớn. Thành ra hồi đó mậu dịch viên rất uy quyền và tư lợi nhiều lắm.

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng
(Trần tế Xương)

Kinh doanh kiều này mỗi tháng tôi cũng kiếm được mươi đồng. Ngoài ra còn mua hàng tích trữ (ít thôi vì nhiều lắm là bị quy tội tư bản, đầu cơ lũng đoạn thị trường) chờ khi cao thì bán: ngày mùa thì dầu phụng khá rẻ mình mua 1 ít và qua mùa mưa thì bán.  Cũng kiếm được trung bình năm đồng/tháng. Ngoài  ra thì nhờ cha mẹ trợ cấp và bán đồ đạc cá nhân. Tình trạng này nếu kéo dài thì quá nguy khốn.



Nhưng may thay (cũng may!!) bắt đầu năm 1985 thì mở cửa và đến 1990 thì dễ thở: Bắt đầu công nhận quyền sử dụng đất (nghĩa là mình có thể tự do khai thác miếng đất của cha mẹ để lại mà không mang tiếng là bóc lột, là ngồi mát ăn bát vàng là phát canh thu tô, là buôn gian bán lận...). Do đó tôi xin phép ba mẹ tôi làm cái quán nho nhỏ để kinh doanh lặt vặt, sau này thấy êm êm tôi xây chắc chắn khang trang đểcho thuê. Thu nhập cũng tạm được hơn lương xã viên. Và vì không còn sợ đi kinh tế mới nữa nên tôi cũng xin thôi làm ở Hợp tác xã… Thong thả lắm! May ghế!

Lúc đó mới dám nghĩ chuyện cưới vợ (tôi lấy vợ năm 1988 ngoài 40 tuổi. Quá muộn!) Nhưng cũng sinh được 1 trai, 1 gái nay đã khôn lớn và tạm có việc làm thu nhập được được. Thôi thế cũng yên phận. Ngó lên thì chẳng bằng ai nhưng ngó xuống thì chẳng ai bằng mình. May quá!!!

Vợ tôi thua tôi 10 tuổi và là giáo viên tiểu học thu nhập cũng tạm được. Lại có tiêu chuẩn tem phiếu khá hơn dân thường (như tôi). Con cái cũng được ăn theo và hưởng tiêu chuẩn cao hơn chút chút. May quá! Nay vợ tôi về hưu từ lâu và có lương hưu tạm đủ sống còn tôi thì cho họ thuê 1 quán làm bánh kem cũng đủ chi dùng hạn chế.

Tóm lại cuộc sống không đến nỗi nào: về kinh tế thì không than túng thiếu. (vì biết “tri túc”) về tinh thần thì vẫn  vui vẻ (vì chịu “an bần lạc đạo“, ”thượng bất oán thiên hạ bất vưu nhân”. Trên không oán trời, dưới không trách người).

Thêm vào đó nhà nước cũng có cái nhìn khác về Ngụy nên đời sống tinh thần dễ thở hơn nhiều chứ nghĩ lại hồi 76 mà ớn: hở một chút là bị phê bình: tay sai Mỹ ngụy, đầu óc còn tăm tối chưa biết tiếp thu ánh sáng cách mạng. Do đó tôi rất mặc cảm, mình không dám là mình, lời ăn tiếng nói đều dè dặt hết sức.



Nhà văn Quang Đặng (trong tùy bút “còn đó ân tình”) đã mô tả khá chính xác tâm trạng của tôi lúc đó.
………………………………………………………………..
Vừa rồi một người bạn cũng học lớp 10B1, kể lại cuộc gặp gỡ ly kỳ giữa anh và một thầy giáo cũ ở trường Nguyễn Huệ. Nhớ hay quên trong lần gặp này không có ý nghĩa gì. Cả thầy lẫn trò đều muốn quên đi thân phận mình.

Sau năm 75 bạn tôi từ Tuy Hòa về lại Huế. Lý lịch xấu không thể tiếp tục học, không tìm được việc làm nên anh đi TNXP. Năm 77 nhờ tờ giấy chứng nhận tham gia TNXP, anh thi đậu vào Đại học Khoa học Huế. Nhà anh hồi ấy rất nghèo. Cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp, phải nhường cho hai cô em gái học ở trường Sư phạm xa hơn. Mỗi buổi sáng, anh phải đi bộ từ An Hòa đến trường hơn 5 cây số. Có lần trên cầu Tràng Tiền, anh gặp một người trông rất quen. Ốm, nhỏ con. Bộ đồ cũ. Đôi dép cũ. Chiếc xe đạp cũng cũ đang đạp ngược chiều đi tới. Lúc cả hai sắp giáp mặt nhau, anh nhận ra đó là thầy giáo từng dạy mình ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa. Anh cúi đầu chào, nhưng người ấy nhìn thẳng phía trước, xem như không quen biết với anh. Vài lần sau trên đường Trần Hưng Đạo, gặp người ấy anh lại gật đầu chào. Đáp trả lại, vẫn không có gì khác hơn là cái nhìn thẳng. Anh chẳng buồn cũng chẳng bận tâm về điều này. Dù không nhìn anh vì bất cứ lý do gì, thầy vẫn mãi mãi là thầy của anh.

Lần sau cùng không nhớ là lần chạm mặt lần thứ mấy, người ấy cùng chiếc xe đạp thắng cái kít trước mặt anh trên cầu Phú Xuân:

“ Mi là ai mà mi chào tao?”

Chủ nhân của ánh mắt nghi ngại và chiếc xe đạp cũ chính là thầy Trần Công Tín mới đi học tập về và bạn tôi, Trần Đình Anh là người trò học ấy.



Tôi không còn mặc cảm nữa và mình đã dám là mình rồi năm 2000 lần đầu tiên trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa tổ chức kỉ niệm 45 năm thành lập và mời tất cả những vị đã từng giảng dạy tại trường về tham dự (không phân biệt Ngụy và Ta, bị sa thải hay được lưu dung). Vì biết ai cũng khó khăn nên Hội ái hữu học sinh Nguyễn Huệ gởi tiền về đầy đủ dồi dào để quý thầy cô ở xa có thể về tham dự.

Đây là lần đầu tiên tôi xuất hiện với tư cách là Thầy. Ban đầu thì có e dè sợ sệt:

Hàng thân lơ láo phận mình ra đâu?
(Kiều)

Nhưng khi vào Họp mặt thì không khí rất thân tình không phân biệt Ngụy Ta  gì cả. Học trò lại tình cảm lắm lắm. Tất cả chỉ biết ông đó là Thầy mình thế thôi và đối đãi rất kính trọng lễ phép. Thật kỉ niệm ấm áp không thể nào quên.

Trông dịp này có sự hiện diện của anh Hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang ở Đan Mạch về lần đầu tiên tham dự. Tất cả đều thương yêu tôn trọng lẫn nhau.
Thật ấm áp tình người. Thiên đường là kẻ khác.

Quãng thời gian về sau thì cuộc sống tuy không được như xưa nhưng càng ngày càng dễ chịu (về cách đối đãi cũng như thu nhập hàng tháng). May quá!!!

Rồi đầu thập niên 2010 học trò nhiều người làm ăn phát đạt do đó thường tổ chức họp lớp họp khóa luôn và đài thọ tàu xe để quí thầy cô về dự. Tiêc tùng linh đình, quà cáp đem về. Vui quá!! Cũng may.

Đầu năm 2013 tôi mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu kém nên nhiều cuộc Hội ngộ không tham dự được. Tuy vậy vẫn có quà của học trò gởi về như thường. Vui quá! Chỉ mình tôi là không đi mà vẫn có quà thôi. Ngoài ra dịp này dịp khác vẫn nhận khá nhiều ân tình phương xa. Cảm động biết mấy!

Bây giờ đã 75 tuổi, trải qua biết bao sóng gió gian truân, tôi an phận thủ thường và vì sức khỏe yêu kém nên đa số thời gian đều ở nhà làm bạn với FB cùng tiếp đón các học trò cũ đến thăm. Tình cảm chất ngất và vì họ tưởng gặp tôi lần này là Lần Cuối (căn cứ vào bệnh án trầm trọng và cũng theo kinh nghiệm của những bệnh nhân khác; mắc thứ đó thì chỉ vài năm là tái phát) nên cũng ân cần hơn nhiệt tình hơn… Té ra chẳng có lần nào là Lần cuối cả. Cứ phây phây ra (đến nay đã 6 năm rồi không biết họ có “sốt ruột” chăng ?).

Tôi hiện giờ tuy không xông xáo được không ngồi lâu được, không du lịch đươc nhưng vẫn trò chuyện và ăn uống  bình thường tuy có dè dặt đôi chút. Vậy thôi! Cũng May!

Trần Công Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét