NHỮNG ĐẶC SẢN CỦA PHÚ YÊN
1/- Sò Huyết Đầm Ô Loan
Đầm Ô Loan – Một Di tích thắng cảnh quốc gia gắn với truyền thuyết về nàng công chúa tên Loan và chú chim Ô Thước không chỉ làm người ta ngẩn ngơ về “nhan sắc” mà còn đắm say vì những món ăn ngon. Sò huyết được đánh bắt liên tục chứ không có việc để nhiều ngày. Con sò to, thịt chắc và ngọt, bùi.
Thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, đầm Ô Loan sở hữu nguồn lợi thủy hải sản vô cùng đa dạng và phong phú nhất với đầy đủ các chủng loại như tôm, cua, cá, ghẹ, hàu… Trong số đó, điều làm nên tên tuổi nổi tiếng của đầm Ô Loan chính là sò huyết. Sò huyết đầm Ô Loan to chắc, thịt dày, ngon ngọt và đậm đà hơn các vùng khác. Hơn nữa, sò huyết đầm Ô Loan cũng xuất hiện thường xuyên trong năm và tốn quá nhiều công đánh bắt. Người Phú Yên khi đánh bắt được sò về thường chế biến thành nhiều món như sò huyết nướng mỡ hành, sò huyết nướng mọi hay sò huyết rang muối ớt… Nhiều người dân Phú Yên thường chọn sò huyết rang muối ớt để giữ được sò huyết nguyên vẹn và hương vị đậm đà dễ ăn.
2/- Bò một nắng – “Linh hồn” ẩm thực Phú Yên
Bạn đã từng xem "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chưa? Bạn có mê mẩn những cánh đồng cỏ cháy rộng dài bất tận, tràn ngập những hình ảnh giản dị mà rất đỗi yên bình? Bãi Xép sẽ là nơi cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời đó. Bằng không, cứ lang thang dọc các huyện xa trung tâm của Phú Yên, bạn sẽ thấy rất nhiều cánh đồng tuyệt đẹp như thế.
Tận dụng những cánh đồng mênh mông, bò cũng là loài vật được nuôi nhiều ở nơi đây. Bò một nắng vì thế trở thành món ăn nức tiếng bậc nhất của mảnh đất thuộc địa phận Duyên hải Nam Trung Bộ. Bò 100% là bò nhà nuôi, thịt chắc, được chắt lọc từ thịt nách hoặc đùi nên không nhiều nước, không quá dai, không nhiều gân và mỡ, rất ngọt. Người ta nói 1 con bò chỉ lấy được tầm 4 – 5kg thịt để làm bò một nắng ngon mà thôi.
Bò thái lát nhưng không mỏng lắm, ướp với tỏi, muối hột, sả, ớt cho thật thấm rồi đem phơi. Nắng phải thật to, gắt (mà cái nắng miền Trung là gắt khủng khiếp). Chỉ cần phơi 1 nắng là có thể thưởng thức. Bò một nắng đem áp chảo, nướng, chấm với muối kiến vàng của người dân tộc là lý tưởng.
Khi thưởng thức bò một nắng, thực khách không thể quên món chấm đi kèm bò một nắng, đó chính là muối kiến vàng. Được làm từ kén kiến, trứng kiến và kiến trộn với hỗn hợp muối, sả, ớt,… và đặc biệt không thể thiếu lá then len để làm món chấm. Xé một miếng thịt bò, vị đậm đà ngọt ngào của chúng quyện hòa với vị chua cay rất đặc trưng của muối kiến vàng đã khiến biết bao thực khách say lòng muốn nếm thử.
3/- Bánh hỏi lòng heo
Dọc trên con đường quốc lộ 1A khám phá Phú Yên, bọn mình được người dẫn đường giới thiệu 1 quán bánh hỏi lòng heo với lời dặn dò: “Bánh hỏi ở đây lạ hơn vùng khác, thử ăn đi các bạn”. Trước mặt mình là 1 đĩa bánh hỏi, 1 đĩa lòng heo, thêm 1 chén nước chấm. Và mình sẽ kể cho bạn nghe nó ngon như thế nào.
Sợi bánh hỏi nhỏ, bện thành từng miếng. Từng lớp bánh xếp trên đĩa được phủ thêm dầu dừa (được giới thiệu là tự ép), mỡ hẹ. Nhai chầm chậm mới thấy thơm làm sao vị mỡ hẹ, thoang thoảng hương dầu dừa dịu nhẹ. Còn lớp bột bánh thì ngọt ngọt đầu lưỡi.
Đĩa lòng rất “đầy đủ nội dung”, nào lòng non, tim, phèo, cật, gan và có thêm cả ba chỉ nữa. Gắp miếng bánh hỏi kẹp lòng, chấm ngập nước chấm rồi nhai chầm chậm. Mới đầu là cái giòn giòn của lòng heo, sau đến cái thơm của dầu dừa, chút mỡ mỡ của mỡ hẹ, cuối cùng là cái hậu ngọt của bánh hỏi. Ngon vô cùng! Bạn cứ đi dọc quốc lộ 1A, địa phận xã An Mỹ hoặc phường Phú Lâm là sẽ có nhiều quán ngon để lựa chọn.
4/- Tôm hùm Vũng Rô
Đến Vũng Rô, mình thấy “hơi mệt” vì phải đi bộ 1 quãng để ra được bến cano của người dân và được họ chở vào bè nổi nuôi tôm hùm. Bên cạnh tôm hùm thì còn nhiều các loại hải sản tự nuôi trồng khác, trong đó có cả cá bớp.
Tôm hùm do chính khách lựa chọn, vớt lên và chế biến tại chỗ theo yêu cầu. Cảm giác đầu tiên của mình là hơi tiếc tiền. Nhưng tin mình đi, mọi suy nghĩ đó sẽ được đập tan khi bạn thưởng thức miếng tôm hùm đầu tiên. Thịt tôm chắc và ngọt, khác hẳn với miếng thịt tôm mềm và khá bở mà chúng ta ăn mỗi ngày. Có nhiều cách làm nhưng mình khuyên các bạn nên ăn tôm hùm hấp để cảm nhận trọn vẹn vị ngọt của thịt tôm. Chắc chắn đã ăn là sẽ thấy ngon đến miếng cuối cùng.
5/- Bánh canh hẹ
Mình chọn một quán bánh canh hẹ khá nhỏ nhưng khách ra vào không ngớt. Tô bánh canh Phú Yên không lớn nhưng “nội dung” thì chất lượng khỏi chê. Sợi bánh canh làm từ bột gạo nên không dai, trơn nhưng sần sật và rất thơm. Lớp hẹ phủ đầy trên mặt tô, ở dưới là rất nhiều cá dầm những miếng chả cá vàng ươm, dai, ngọt, bùi.
Mình đã từng ăn bánh canh hẹ rất nhiều lần rồi nhưng thực sự bánh canh hẹ Phú Yên có hương vị khác. Hỏi cô chủ quán mới biết tô bánh canh nhỏ vậy nhưng thực sự nấu cũng rất kỳ công. Ngoài bí quyết gia truyền, cô cũng đã phải lặn lội vào tận thành phố Saigon để theo học cách nấu ăn tại Hội Đầu Bếp Á Âu để mang đến hương vị hoàn hảo nhất cho món ăn. Cô nói muốn ngon thì thành phần nào cũng phải tự làm và làm bằng nguyên liệu phải chất lượng. Nước lèo hầm từ xương rất lâu, sợi bánh canh tự làm, chả cá cũng phải tỉ mỉ tự làm chứ không mua tràn lan ở chợ. Nhờ công thức độc quyền cùng với sự kỹ tính, khắt khe mà quán bánh canh cô tuy nhỏ mà chẳng khi nào vắng khách.
6/- Chả dông
Nghe đến tên gọi, nhiều du khách sẽ thắc mắc và đặt câu hỏi về cái tên khá lạ này. Dông là một loại bò sát, hình dáng giống như con kỳ nhông nhưng độ dài chỉ bằng bàn chân, sinh sống nhiều ở các cồn cát ven biển dọc Phú Yên và các tỉnh duyên hải miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định… Theo những người có kinh nghiệm bắt dông lâu năm, người ta thường bắt dông vào mùa hè vì đó là thời điểm dông sinh trưởng nhiều, dông mập mạp và chắc thịt.
Thịt dông được người dân Phú Yên dùng làm chả hay người Bắc hay quen gọi là nem. Thịt dông được trộn trong nhân nem, chiên giòn, dùng chấm với mắm chua ngọt ăn kèm rau sống rất ngon miệng.
Vừa ăn vừa cảm nhận miếng chả dông giòn rụm, ngọt thịt, đậm đà, sở hữu hương vị đồng quê mộc mạc hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời cho bất cứ du khách nào lần đầu đặt tour du lịch Phú Yên.
7/- Những món ăn vặt
Thực ra chuyến hành trình ngắn ngủi chỉ 2 – 3 ngày là không đủ để ăn hết những món ăn của Phú Yên. Ngoài những món ăn no như ở trên, Phú Yên cũng có nhiều món ăn vặt thú vị. Bánh ít nhỏ xíu nhưng thơm và dẻo. Những hàng ốc ven đường vừa rẻ lại vừa tươi. Chả ram, chả dông, nem nướng cũng rất good để cùng khám phá.
Và đến nơi đây rồi cũng đừng quên thưởng thức ly cà phê miền Trung đậm đến hơi chếnh choáng. Cà phê được pha trong ly nhỏ và dù bạn có uống tại chỗ hay mang đi thì đều được pha phin, rất đậm đà, thơm và dễ say nếu uống không quen.
8/- Rượu Quán Đế Cá Ngựa
Ai đến Phú Yên, mua giùm rượu Quán Đế. Rượu Quán Đế là loại rượu nổi tiếng nhất ở xứ Nẫu được người dân địa phương sử dụng rộng rãi. Từ đó, thương hiệu rượu Quán Đế là đặc sản Phú Yên được du khách trên cả nước biết đến.
Rượu Quán Đế sản xuất từ những nguyên liệu đặc sản sẵn có ở Sông Cầu, được nấu theo phương pháp thủ công, truyền thống của hai xã là Xuân Lộc và Xuân Bình, nổi tiếng về độ thơm ngon hiếm có. Rượu có màu sáng hơn, vị dịu, ngọt, thơm hơn rượu thông thường.
Loại rượu được ưa chuộng nhất là Quán Đế cá ngựa 450 và Quán Đế cá ngựa thuốc bắc 250. Cá ngựa là hải sản quý hiếm ở Cù Mông, ngâm với rượu Quán Đế tạo hương vị đặc biệt. Uống mức độ vừa phải, rượu rất tốt cho sức khỏe, tăng cường sinh lực, trị hen suyễn, huyết áp,…
Nếu bạn đang muốn mua quà tặng người thân, bạn bè hay đồng nghiệp,… thì đừng bỏ qua món rượu nổi tiếng là đặc sản Sông Cầu, Phú Yên- rượu Quán Đế.
Xin mời xem video THẮNG CẢNH PHÚ YÊN và thưởng thức nhạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét