Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Những Tháng Ngày Gian Khó

GIỚI THIỆU
Xin trích đăng thư hồi đáp của thầy Trần Công Tín gửi cho NHHN:
"Anh Nhượng
Đọc thư anh, rất vui vì thấy tuy xa cách nhưng mái trường NH Tuy Hòa vẫn gắn kết những người có thời gian chung một mái trường.
Sâu đây tôi gởi anh 1 đoan hồi ký của tôi để đăng tải rồi lần lượt sẽ gởi tiếp".
Trân trọng giới thiệu
NHHN



NHỮNG THÁNG NGÀY GIAN KHÓ
Thầy Trần Công Tín

Lời thưa: năm nay tôi đã 75 tuổi, nhìn lại đời mình thấy có nhiều cảnh vui vui nhưng cũng có lúc đắng cay. Nay tôi xin thuật lại quãng thời gian vất vả của tôi sau năm 1975. Hơn 40 năm đã trôi qua, màn sương thời gian buông xuống, những bất mãn, buồn phiền đã nguôi ngoai, tôi xin kể lại một cách trung thực, khách quan với tâm hồn bao dung độ lượng, rộng mở. Kể để biết để nhớ lại chứ không lên án ai cả.

Chuyện của tôi cam đoan đúng sự thật, còn nếu có gì sai sót là vì tôi nhớ lầm chứ không hề bịa đặt.

Bài viết chia làm 3 phần;

- Phần một: Từ tháng 4 đến tháng 7-1975
- Phần 2: Mười mấy tháng cải tạo
- Phần 3: Kiếm kế sinh nhai

Xin mời…

Phần thứ nhất: Từ tháng 4 đến tháng 7-1975

- Ngày 26-3-1975: Huế mất, tình hình chiến sự các nơi khác căng thẳng, Tuy Hòa chưa mất nhưng mọi người đều bất an, hoang mang lo lắng. Trường học đóng cửa giành chỗ đón tiếp các người tị nạn ở Cao nguyên về trú ngụ. Những người độc thân cũng chuẩn bị rời xa trong số đó có tôi. May mắn tôi mua được vé máy bay (27-3) và sau khi xuống xin ông Hiệu trưởng Tôn Thất Quế thông cảm, tôi lên đường vào chiều 27-3. Đó là chuyến bay cuối cùng vì qua ngày sau do tình hình an ninh quá lộn xộn, nên máy bay không đáp xuống được. Theo nguyên tắc thì mọi công chức đều phải có mặt tại nhiệm sở 100% nhưng vì chẳng có việc gì nên anh Quế chấp thuận miệng (nghĩa là làm lơ) cho tôi đi. Những người khác vì còn tài sản nhà cửa, gia đình vợ con  nên chần chừ chưa đi mãi đến vài ngày sau mới đi bằng đường bộ hoặc ghe thuyền.

- Ngày 28-3: Thấy Saigon vẫn yên tĩnh, vẫn tấp nập, vẫn ăn chơi như chưa hề biết tình hình nguy ngập của nhiều tỉnh khác. Tôi ở nhà ông bác, chờ đợi Phú Yên thất thủ mới có cớ xuống trình diện Bộ giáo dục (để làm thủ tục nhận lương và chờ bố trí công việc khác) Các đồng nghiệp của tôi ở Cao nguyên (những tỉnh này thất thủ sớm vào khoảng 12-3 trở đi) nên họ đã trình diện rồi. Họ cho biết thủ tục như sau; Mỗi người được lãnh 5000 đồng (một số tiền khá lớn đủ sống nửa tháng) + bản cam đoan đã lãnh lương tháng 3 chưa? (nếu chưa thì sẽ cho lãnh) + kê khai sơ lược chức vụ của mình và cho về nhà dặn ngày nào cũng lên trình diện để phân phối công việc (nhưng việc thì ít, người thì đông nên thường lên rồi về).

- Ngày 2-4: Nghe tin Phú Yên đã thất thủ nên sáng nay xuống trình diện, gặp một số đồng nghiệp ở Tuy Hòa chạy vào (họ đi bằng xe đò) hỏi thăm  tình hình... Mọi người đều tin cùng lắm chỉ mất miền Trung chứ còn Saigon và đồng bằng sông Cửu Long sẽ yên ổn. Và Bộ đã chuẩn bị thảo nghị định để đưa chúng tôi về các tỉnh ở Nam bộ.

- Ngày 28-4: Tình hình tuyệt vọng, Saigon thất thủ nay mai không cách gì cứu vãn. Những người giàu có, địa vị cao đã cho vợ con đi ngoại quốc hết, chỉ cá nhân ở lại.

- Ngày 30-4: Toàn miền  Nam  buông súng đầu hàng.

- Ngày 2-5: Tất cả giáo chức xuống trình diện chế độ mới. Các cô mấy ngày trước còn bận áo dài, son phấn  nay đồng loạt bận áo bà ba quần đen (nếu không có bộ đồ "hợp thời" đó thì bận đồ bộ chứ không một ai bận áo dài hoặc đồ tây cả) và không trang điểm một chút  gì, quí thầy cũng ăn bận xuề xòa hết sức (áo bỏ ngoài quần, chân đi dép lê) quang cảnh thấy lạ lẫm.

Cán bộ phụ trách đến, tập hợp toàn bộ giáo chức ở ngoài sân và giải thích chính sách mới: khoan hồng, nhân đạo, chỉ trừng trị những thành phần ngoan cố, chống đối đến cùng… Cuối cùng ông ta kết luận; bắt đầu ngày mai, các anh xuống đây để nhận giấy về lại trường cũ tiếp tục giảng dạy như thường.

- Ngày5-5: Cùng với mươi người khác tôi xuống nhận giấy phân phối về lại trường cũ.

- Ngày 8-5: Vì đường xá chưa thông suốt nên 8-5 tôi mới mua được vé xe đò về Tuy Hòa.

- Ngày 9-5: Về lại chỗ trọ cũ (nhà bác Vinh ở đầu đường Lê Lợi), thấy đồ đạc, sách vở còn y nguyên (trong khi nhiều người khác bị trộm cắp vét sạch) vì gia đình bác ở lại.  Cám ơn gia đình bác đã bảo quản giùm.

Sau đó xuống trường Nguyễn Huê trình diện. Hiệu trưởng là thầy Sen còn trưởng ban điều hành là Nguyễn Phụng Lãnh (Đại học sư phạm Huế ra trường năm 68) cũng là quen biết hơn 7 năm nay. Anh ta chẳng khó khăn gì mấy và vì có lệnh trên lại thêm quá thiếu giáo viên nên chúng tôi (dù về trễ) vẫn được thâu nhận hết.

Quãng thời gian này, ở cơ quan nào cũng có 5 hạng cán bộ:
- Những người chi viện (ở miền Bắc vào) hoặc những vị ở vùng giải phóng ra.
- Những đảng viên nằm vùng.
 Hai hạng này rất ít và đều làm thủ trưởng.
- Những người ở trong này nhưng có cha mẹ, anh em đi tập kết hoặc con liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng... Những người tuy không thuộc vào hạng trên nhưng có thành tích tranh đấu chống Mỹ. Tất cả đều thuộc hạng có lý lịch tốt, được vào Ban điều hành.
- Những người xum xoe, hô hào la hét ôm sòm tự nhận mình là cách mạng trong khi trước đó thì chẳng có dấu hiệu gì cả. Hạng này người ta mỉa mai gọi là Cách mạng 30 (hoặc tắc kè đổi lốt) nghĩa là trước ngày 30-4 họ không là gì cả, đến sau 30 thì mới la hét om sòm thậm chí còn hạch sách những kẻ khác nữa.
- Những người chỉ biết chuyên môn (không chính trị, không đảng phái...) trong đó có tôi.

- Từ 12-5 đến đầu tháng 7-1975: Trường phân tôi dạy mấy lớp 11. Chúng tôi phải học hỏi nhiều mới có thể dạy theo phong cách mới được. Tài liệu thì bên Ty giáo dục cho người đánh máy quay Roneo các bài trong sách Giáo khoa ở miền Bắc và đưa qua cho chúng tôi. Hàng đêm chúng tôi phải họp bàn để thống nhất cách giảng dạy. Khác với trước (chỉ soạn dàn ý và thầy giáo căn cứ vào đó mà giảng), phương pháp mới soạn bài rất tỉ mỉ và đều ghi cẩn thận vào giấy hẳn hoi (có 5 bước)

1) - Ổn đinh (sĩ số, trật tự) (2p)
2)- Kiểm tra bài cũ (gọi trò A  trò B... để dò bài, hỏi những câu gì đều phải ghi ra giấy (5p)
3)- Giảng bài mới; giảng cái gì đều ghi ra tỉ mỉ(35p). Trong lúc giảng bài phải có mục liên hệ thực tế đại loại như sau:
“Ngày nay người dân sống dưới chế độ mới sung sướng, đầy đủ, hạnh phúc ra sao khác xa với cảnh bóc lột áp bức như miêu tả trong bài. Ta cần phải biết ơn và phấn đấu hơn nữa để xứng đáng…”
4)- Củng cố (nhắc lại kiến thức chính) và kiểm tra một vài học sinh về bài đã giảng (5p)
5)- Dặn dò (hướng chuẩn bị bài mới) (3p)
- Tổng cộng 50 p (tức là 1 tiết).

Tôi dạy như vậy được hơn một tháng rưỡi, có làm bảng lương hẳn hoi (ăn theo lương cũ, tiền VNCH) tôi khi đó là giáo sư đệ nhị cấp hạng nhất lương mỗi tháng 34 ngàn (1 số tiền khá lớn) như vậy 1 tháng  rưỡi lương là hơn 50 ngàn. Thế nhưng tôi chưa kịp lãnh thì đã có lệnh gọi những giáo viên sĩ quan biệt phái trình diện học tập cải tạo, Trường Nguyễn Huệ đi chừng 30 người. Hầu hết là người địa phương, nên số tiền lương đó, vợ con họ lãnh thế. Còn tôi tứ cố vô thân nên không ai lãnh giúp được cả. Tháng 11-1976 tôi được thả ra, về trường hỏi thì họ cho biết tôi có lương nhưng anh kế toán giữ hộ. Và vì anh kế toán bị sa thải nên anh cũng ẵm số tiền của tôi đem về nhà luôn. Tôi có đến nhà đòi thì anh xác nhận là có giữ tiền của tôi nhưng lỡ tiêu rồi hẹn sẽ trả (trả theo bạc mới vì lúc đó đã đổi tiền rồi (1 đồng mới = 500 đồng VNCH). Biết đời mô?? Thế là mất toi. Hơn nữa tôi lại về Huế ở rồi làm sao mà đòi được. Thật tiếc đứt ruột, đã nghèo lại thêm eo.

Trần Công Tín


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét